Đương đầu với biến cố - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Đương đầu với biến cố

Sự quyết đoán, mạnh mẽ trong công việc cũng không giúp ích được nhiều khi nữ doanh nhân phải đối mặt với những biến cố gia đình…  

Những biến cố gây sốc, khiến người phụ nữ stress, trầm cảm có thể kể đến như: người thân qua đời, chồng gặp tai nạn lao động, con bị bắt cóc… Thực tế, nhiều người từ chối tin vào những sự thật mắt thấy tai nghe này. Theo các chuyên gia tâm lý, đây là trình trạng sang chấn tâm lý, hay còn gọi là stress sau sang chấn.Hiking to the summit

THỜI GIAN QUA ĐI, NỖI ĐAU CÒN ĐÓ

Cuộc sống luôn ẩn chứa nhiều bất ngờ. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, đánh gục cả những phụ nữ mạnh mẽ nhất. Thời gian được xem là phương thuốc nhiệm màu để xóa nhòa những nỗi đau, mất mát. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng đối mặt để tìm ra cách giải quyết, mà phần lớn sẽ buông xuôi. Đây là phản ứng bình thường về mặt tâm sinh lý.

Theo Thạc sỹ Tâm lý Ngô Minh Duy (Giảng viên Khoa Tâm lý, Đại học Văn Hiến), đối diện với những tình huống khó khăn này, con người thường sợ hãi, đau khổ, tuyệt vọng, hay cáu kỉnh, giận dữ, bực bội vô cớ… Họ cũng cảm thấy bản thân có lỗi với người đã mất và không đủ sức để vượt qua tình trạng đó.

“NGÔN NGỮ” BI THƯƠNG TỪ CƠ THỂ

Người đang hoặc vừa trải qua biến cố gia đình thường trông buồn rầu, thiếu sức sống. Khi ngủ, họ luôn trằn trọc, thấy ác mộng, dễ bị giật mình, hay nghiến răng. Họ cũng ăn không ngon, thỉnh thoảng có những cơn co giật, rùng mình, đổ mồ hôi… 

Về hành vi, những người này trở nên im lặng, luôn nghi ngờ và cảnh giác quá mức với mọi thứ xung quanh. Họ cũng có biểu hiện trốn tránh, không muốn tiếp xúc với mọi người, trong khi bản thân đang rất cần được chia sẻ, động viên.

———————–

“Bạn đừng ngại bày tỏ cảm xúc đau buồn, đừng giấu nước mắt trước mặt người khác, vì đó là lẽ tự nhiên và nó sẽ giúp bạn thấy thoải mái hơn”

———————–

NẮM BẮT TÂM LÝ, TÁC ĐỘNG KỊP THỜI

Thạc sỹ Tâm lý Ngô Minh Duy cho biết, khi đối mặt với biến cố lớn, tâm lý mỗi người sẽ trải qua năm giai đoạn: phủ nhận/chối bỏ tổn thương, giận dữ, mặc cả với bản thân, trầm cảm và chấp nhận. Tùy mức độ tổn thương và ý chí, mỗi người cần thời gian chấp nhận nỗi đau khác nhau. Thông thường, nỗi đau kéo dài triền miên khi liên quan đến những người thân yêu nhất. Nếu không được chia sẻ, động viên kịp thời để biến nỗi đau thành động lực sống tốt hơn, người phụ nữ sẽ bị tổn thương tâm lý nặng nề, và trầm cảm là điều không thể tránh.Sportswoman with arms up celebrating success

Ở giai đoạn đầu, người phụ nữ bị sốc rất nhiều. Từ không tin và không dám tin, họ bắt đầu có những suy nghĩ mông lung và chối bỏ thực tại. Bằng cách tự xây nên bức tường phòng vệ, cơ thể họ đang tự bảo vệ mình bằng những câu nói cửa miệng: “Không, không thể như vậy?”, “Đây không phải là sự thật, tôi không muốn nghe”… Tuy nhiên, trốn tránh không phải là câu trả lời, bạn cần học cách “sống chung với lũ”. Hãy cho mình thời gian để chấp nhận việc đã xảy ra, có thể vài tuần, vài tháng, thậm chí một năm.

Đến giai đoạn thứ hai, đương sự dường như sẵn sàng trút giận lên bất cứ ai, trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Mức độ giận dữ được thể hiện ở nhiều cấp độ từ gắt gỏng, khó chịu, đến phẫn nộ, căm thù… Nhiều người không kiểm soát được cơn giận dẫn đến những hành vi không hay. Đặc biệt,  cơn giận dữ không được bộc phát lại dễ dẫn đến hành vi tự huỷ hoại bản thân, tuyệt vọng hoặc tự tử. Trong giai đoạn này, nghỉ ngơi, ăn uống và tập thể dục đều đặn, đúng cách giúp bạn giải toả những cảm xúc bị dồn nén hoặc stress, giữ bình tĩnh và làm chủ bản thân. Đừng ép mình làm những việc bạn cảm thấy khó chịu. Gặp bạn bè, người thân cũng giúp chia sẻ phần nào mất mát của bạn. Hãy nhớ, nếu bạn không tự trân trọng mình thì không ai tôn trọng bạn cả. Những hành động tự hủy hoại bản thân cũng không thay đổi được tình hình.

Sang giai đoạn thứ ba, bạn bắt đầu mặc cả với bản thân. Nhiều câu hỏi giá như được đặt ra. Bạn thấy ân hận và cho rằng mình là người chịu trách nhiệm trước sự mất mát này. Thậm chí, có lúc bạn nghĩ giá như đó chỉ là một giấc mơ. Bạn mặc cả với bản thân nhằm trì hoãn những gì đang xảy ra, cố gắng kiểm soát điều không thể kiểm soát. Thay vì thế, bạn cần tự trấn an mình rằng mọi thứ sẽ qua và từng bước đối mặt với thực tại. Bạn đừng ngại bày tỏ cảm xúc đau buồn, đừng giấu nước mắt trước mặt người khác, vì đó là lẽ tự nhiên và nó sẽ giúp bạn thấy thoải mái hơn. Nỗi đau nào cũng day dứt nhưng nếu được chia sẻ với người khác thì nó sẽ vơi dần.

Giai đoạn thứ tư, trầm cảm sẽ đến nếu bạn không vượt qua giai đoạn mặc cả. Biểu hiện dễ nhận diện ở giai đoạn này là cảm giác buồn khổ, chán nản, tuyệt vọng và thấy tội lỗi. Bạn luôn nghĩ rằng mình đã gián tiếp gây ra sự mất mát. Hãy bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân thật sự của sự cố! Mạnh dạn đối diện thực tế tốt hơn là tự hỏi chuyện gì đã xảy ra. Giải quyết dứt điểm giai đoạn mặc cả, bạn sẽ tránh được giai đoạn này.

Giai đoạn thứ năm là chấp nhận. Trải qua tất cả giai đoạn trên, bạn sẽ dần lấy lại cảm giác thoải mái trong cuộc sống cùng công việc. Sau một thời gian, bạn bắt đầu chấp nhận quá khứ, hoàn cảnh hiện tại, mất mát và dám đối mặt thực tế. Gia đình và bạn bè là nguồn hỗ trợ cần thiết để bạn bắt nhịp lại với cuộc sống bình thường.

KHÔNG NÊN!

Kiềm nén cảm xúc: Việc đó chỉ làm tình hình thêm căng thẳng, tồi tệ hơn. Hãy khóc khi bạn muốn khóc để cảm thấy nhẹ nhõm hơn.

Ở một mình: Sự mất mát nào cũng cần được sẻ chia để giảm nhẹ. Bạn cần không gian yên tĩnh để đối mặt với thực tại. Nhưng đừng nên ở một mình, vì như thế khiến bạn dễ có những hành vi dại dột.

Lạm dụng chất kích thích: Nhiều người tìm đến bia, rượu hay lạm dụng các chất kích thích khác để giải sầu. Tuy nhiên, điều này chỉ càng khiến bạn mệt mỏi, kiệt sức, dễ bị trầm cảm.

Đưa ra quyết định lớn: Lúc này, bạn không đủ sáng suốt để đưa ra những quyết định lớn. Điều cần nhất là cân bằng lại cuộc sống trước.

Có thể bạn quan tâm: 

Phát triển trong khó khăn – 5 điều cần nhớ!

Liệu có cần nguyên tắc?

 

 

Comment