“Đẳng cấp” nhà quản lý tài ba - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

“Đẳng cấp” nhà quản lý tài ba

Mỗi chúng ta ít nhiều cũng từng tiếp xúc qua những nhà quản lý tài ba và nhà quản lý bình thường. Liệu có sự khác biệt nào về trí tuệ giữa hai kiểu người lãnh đạo này?

Tám đúc kết dưới đây về tư tưởng và động thái trí tuệ của các nhà quản lý tài ba là lời đáp xác đáng nhất cho câu hỏi trên.

1Tư chất lãnh đạo

Những người quản lý tài ba chưa bao giờ nghĩ rằng mình là người quản lý. Thay vào đó, họ đã thể hiện tất cả những phẩm chất và tác phong của một nhà điều hành một cách gần như vô thức và hoàn toàn tự nhiên. Qua đó có thể thấy họ vốn có tư chất của một nhà lãnh đạo tài ba

2Biết cách hạn chế tiếp xúc nhân viên

Việc gắn kết với cấp dưới là rất cần thiết, nhưng có những trường hợp ngoại lệ và người quản lý giỏi biết rõ điều đó. Họ sẽ hạn chế tiếp xúc với nhân viên trong hai trường hợp. Thứ nhất là khi họ phải gấp rút hoàn tất một công việc quan trọng đúng hạn mà nếu chậm trễ thì sẽ gây hậu quả khó lường cho công ty. Thứ hai, trong trường hợp nhân viên ỷ lại, thường yêu cầu giúp đỡ, tư vấn khi không hoàn thành việc được giao, thay vì mất thời gian trả lời, họ biết cách từ chối và tìm giải pháp khác, chẳng hạn đào tạo lại hoặc phân công việc phù hợp hơn.

3Không làm mất thể diện cấp dưới

Trên thực tế, một vài người quản lý đã cố tình làm nhân viên khó xử, xấu hổ và thậm chí bị xúc phạm trầm trọng trước nhiều người khác. Lý do cho hành động này xuất phát từ cảm giác bất an của người quản lý thiếu kinh nghiệm, thiếu năng lực. Họ lo lắng và thường không ý thức được rằng hành động xúc phạm nhân viên trước tập thể làm tổn hương đến hình ảnh và vai trò quản lý của họ đến mức nào. Sai lầm lớn của họ là nghĩ mình có quyền hạch sách nhân viên trước tập thể để chứng minh quyền lực và uy tín, trong khi chính thái độ đó đã tố cáo năng lực quản lý kém cỏi ở họ. Người quản lý giỏi sẽ không bao giờ phạm phải sai lầm như thế.

4Khuyến khích, trân trọng thành tích tập thể

Khi tập thể nhân viên hoàn thành xuất sắc mục tiêu của công ty, không nhất thiết là thành tích lớn lao, người quản lý giỏi thường tạo cơ hội để tất cả chung vui. Đó có thể chỉ là bữa ăn trưa hoặc tiệc nhỏ, tùy theo điều kiện tập thể. Một người quản lý thông minh không bao giờ bỏ qua cơ hội tốt như thế để các nhân viên được gần gũi và xây dựng tinh thần đoàn kết. Họ cũng biết cách khích lệ sự đóng góp của nhân viên, chẳng hạn khen trực tiếp bằng lời hoặc qua email gửi cùng cấp trên. Nói cách khác, người quản lý giỏi luôn biết rằng những thành tựu đạt được của nhân viên, dù nhỏ hay lớn, vẫn là những cơ hội tốt để thắt chặt và phát triển mối quan hệ với nhân viên.

5Tham chiếu vốn kinh nghiệm trước khi ra quyết định

Hầu hết các nhà quản lý đều từng trải qua thời gian là những nhân viên hết mình vì công việc, có đóng góp lớn lao cho công ty và có tinh thần trách nhiệm cao. Chính những đức tính đó khiến họ trở thành những nhà quản lý tài giỏi và đầy kinh nghiệm. Họ từng trải qua những sai lầm và nỗ lực khắc phục thiếu sót trong suốt quá trình từ nhân viên lên quản lý. Cũng nhờ vậy, họ biết tận dụng vốn kinh nghiệm cá nhân, đặc biệt là những bài học sai lầm, thất bại của chính mình, mỗi khi đưa ra bất kỳ quyết định nào có ảnh hưởng đến người khác.

6Không quan tâm lời xưng tụng 

Những nhà quản lý giỏi thường tự đặt câu hỏi cho mình: “Tôi đã đóng góp được gì?”. Mỗi ngày, họ luôn suy nghĩ tìm cách đóng góp công sức và nỗ lực của mình để cải thiện đồng đội nhằm hoàn thành các mục tiêu công ty đề ra. Với họ, tất cả nỗ lực đó không hẳn phát xuất từ chủ ý, mà đơn giản như một phần công việc phải làm mỗi ngày, hoàn toàn xuất phát từ tư tưởng lớn của người lãnh đạo.

7Sẵn sàng nhường vị trí mình

Người quản lý kém cỏi hay tài giỏi còn được nhận biết qua cách họ sẵn sàng hay không khi tìm người thay thế vị trí mình. Những nhà quản lý giỏi thường có nhiều tham vọng, hoài bão nhưng biết theo đuổi những điều đó trong tâm lý sẵn sàng tìm người thay thế mình để hoàn thành công việc. Trong khi đó, những người quản lý yếu kém thường là những người tham vọng nhưng theo chủ nghĩa cơ hội, ích kỷ và không quan tâm đến việc đào tạo tài năng kế nhiệm,

8Khí chất khác biệt

Vô số cuốn sách kinh doanh bàn luận về sự khác nhau giữa quản lý và lãnh đạo. Thế nhưng, một người quản lý giỏi thật sự đã mang trong mình khí chất của một nhà lãnh đạo. Họ luôn thể hiện những phẩm chất khiến bản thân trở nên khác biệt, được mọi người kính trọng như nhà lãnh đạo cao cấp. Các công ty hay tổ chức có tầm nhìn và chiến lược nhân sự chắc chắn sẽ nhận ra nhân tài tiềm năng ấy, và không bao giờ bỏ qua cơ hội đưa họ lên tầm lãnh đạo công ty.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm:

Comment