Nắng, gió, bụi bặm từ lâu đã trở thành nỗi sợ đối với các phái đẹp, đi cùng đó là nhiều nỗi lo thâm nám, sạm da với phái đẹp khi ánh nắng mặt trời vô cùng gắt gỏng khó chiều.
Có một làn da trong trẻo, đều màu, không có những đốm nâu có lẽ luôn là khát khao khó thực hiện của nhiều phụ nữ bị thâm nám. Không còn là vấn đề chỉ xuất hiện trên da phụ nữ trung niên, ngày nay các vết thâm nám đang trở nên phổ biến hơn trên da của nhiều phụ nữ trẻ. Trong các vấn đề về da, việc da bị tăng hắc sắc tố là một trong những vấn đề đòi hỏi bạn cần có hiểu biết, kiên trì và nỗ lực khi điều trị. Cũng như nhiều hành trình khác của cuộc đời, việc xử lý tăng sắc tố da nên được xem là một tiến trình có nhiều bước và thỉnh thoảng bạn cần chấp nhận rằng sự hiện diện của những đốm nâu trên da là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên, cho dù khá mất thời gian, điều đó không có nghĩa việc điều trị tăng sắc tố là không thể thực hiện được. Tùy nguyên nhân tăng sắc tố, một số loại vết thâm do mụn có thể mờ dần theo thời gian, nhưng những loại được sản xuất khi da tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím sẽ cần nhiều thời gian hơn, thậm chí chúng có thể không bao giờ phai mờ.
Để hệ thống lại kiến thức, bạn cần biết tăng sắc tố là gì? Đây là tình trạng xuất hiện những mảng da có màu không khớp với màu da bình thường của bạn. Nó thường có màu nâu đậm hoặc nhạt, hình dạng là các đốm nhỏ hay các mảng lớn nhưng không phải tàn nhang. Tăng sắc tố gây nám được phân loại theo hình dáng, một là dạng cục bộ (đốm), hai là dạng tản rộng (mảng). Hầu hết các nguyên nhân gây tăng sắc tố trên diện rộng là do tình trạng sức khỏe, chẳng hạn như bệnh tự miễn hoặc rối loạn chuyển hóa như thiếu vitamin B12 hoặc folate. Trong khi đó, việc tăng sắc tố cục bộ có xu hướng đại diện cho một tổn thương trực tiếp hoặc viêm da – một trong những nguyên nhân thường thấy ở các phòng khám da liễu. Bất cứ điều gì gây nên viêm da cũng có khả năng gửi tín hiệu đến các tế bào melanocytes của chúng ta, khiến chúng sản xuất ra sắc tố melanin màu nâu như là một phần của phản ứng miễn dịch. Từ các tia cực tím, các đốm mụn nhiễm trùng, việc tiếp xúc với hóa chất độc hại, đến rối loạn nội tiết tố khi mang thai hoặc uống thuốc ngừa thai đều có thể gây ra viêm nám da.
Sự thật là có một số người dễ bị tăng sắc tố trên da hơn những người khác. Sự mất ổn định của melanocyte chính là lý do khiến da chúng ta bị tăng sắc tố. Những tế bào sản xuất sắc tố này sống ở lớp đáy của thượng bì, chúng có thể trở nên “hiếu động” nếu bị kích hoạt và bắt đầu sản xuất quá nhiều melanin. Càng có nhiều melanin trong nền da nghĩa là da bạn càng thâm nám, sẫm màu và bạn càng có nguy cơ cao bị nám da chỉ từ những lần đầu tiên tiếp xúc với các điều kiện gây tăng sắc tố.
Cần làm gì?
1.Vẫn là một câu nói quen thuộc, hãy phòng bệnh hơn chữa bệnh! Cách có hiệu quả nhất để giữ cho các vùng da sạm không bị trầm trọng hơn là bảo vệ chúng khỏi ánh nắng mặt trời. Chỉ một ngày phơi nắng mà da không được bảo vệ sẽ có thể phá hủy lợi ích của nhiều tháng dưỡng sáng da của bạn. Vì vậy, bạn hãy nghiêm túc và xem như là bắt buộc phải sử dụng những loại kem dưỡng ban ngày có SPF tối thiểu 30 cho dù đó là những ngày xám xịt hay mưa phùn. Bạn có thể tăng lên chỉ số 50 ở những vùng nắng nóng để ngăn ngừa tổn thương do tia cực tím.
2.Dùng vitamin A (retinol) đúng liều lượng mỗi ngày sẽ có tác dụng tốt đối với hầu hết các trường hợp. Đây là thành phần được công nhận trong việc giúp giảm tổn thương tế bào, tăng cường sửa chữa việc điều tiết và sản xuất dầu, đồng thời tăng cường hình thành collagen cũng như giảm sắc tố. Nói đơn giản, retinol có tác dụng ổn định melanocyte và phân huỷ melanin. Tuy nhiên, chỉ nên dùng retinol vào ban đêm, vì nếu dùng ban ngày tia UV sẽ làm mất tác dụng của retinol, tăng nguy cơ nhạy cảm với ánh sáng của làn da.
3.Bạn có thể cân nhắc dùng thêm các sản phẩm chăm sóc da có thành phần ổn định sắc tố, giảm lượng melanin được sản xuất trên da. Những thành phần như L-Ascorbic acid (còn gọi là vitamin C) 20 % hay Alpha Arbutin có nguồn gốc từ dâu tây là những gợi ý hiệu quả. Bên cạnh đó là các sản phẩm giàu vitamin B, Niacin hay Pantothenic acid (thường được ghi trên nhãn là vitamin B5). Cần lưu ý thành phần của các sản phẩm phải giúp cải thiện được sắc tố nhưng không được tẩy trắng da.
4.Việc điều trị bằng công nghệ cao tại các thẩm mỹ viện cũng nên được kết hợp nếu tình trạng nặng. Phương pháp thường sử dụng sẽ là lazer kết hợp các sản phẩm điều trị tại chỗ chứa retinoid, azelaic acid, lột hoá chất (peel da)…
***
- Tùy thuộc vào màu da, bạn có thể bị một số loại tăng sắc tố nhất định. Các làn da sáng màu sẽ dễ bị các đốm nâu đậm màu hoặc sạm da. Trong khi đó, da tối màu dễ bị tăng sắc tố sau viêm, đặc biệt là da châu Á. Nám sẽ phổ biến hơn ở phụ nữ và những làn da có màu tối hơn.
- Các mảng tăng sắc tố phát triển chủ yếu ở xương gò má, trán, môi trên và cũng có thể ở mũi, cằm, dưới má và hai bên cổ.
- Xu hướng phát triển nám của mỗi người thường dựa trên hai yếu tố: di truyền và nội tiết tố, đồng thời tình trạng này cũng trở nên trầm trọng hơn khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.
Độc giả đang đọc bài viết “Da thâm nám: Ngăn ngừa ngay cả trong tiết trời gắt gỏng!” tại chuyên mục Fashion & Beauty của Tạp chí Nữ Doanh Nhân. Mời độc giả gửi ý kiến phản hồi và bài viết cộng tác cho chuyên mục này về địa chỉ email: bandoc@nudoanhnhan.net. Chân thành cảm ơn quý độc giả!
Đọc thêm: