VnExpress vừa có một bài phỏng vấn thiết thực trong tình hình ngành du lịch hiện tại từ ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch Vietravel. Tạp chí Nữ Doanh Nhân xin được trích đăng để bạn đọc có thêm thông tin đa dạng về giai đoạn cao điểm dịch Covid-19 như hiện nay.
Tháng 8 đang được ông Nguyễn Quốc Kỳ và các cộng sự kỳ vọng đạt doanh thu kỷ lục thì bỗng trở thành “tháng đáng buồn nhất”. Chia sẻ với VnExpress khi số ca nhiễm nCoV tại Việt Nam vẫn tăng lên từng ngày và hoạt động lữ hành đang ngày một khó khăn, ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch Vietravel nói “như vừa bị giáng một cú đánh bồi bất ngờ”.
Những ngày gần đây hoạt động của Vietravel như thế nào, thưa ông?
Đòn giáng này thực sự khiến chúng tôi sững sờ. Trong 99 ngày trước khi dịch bùng phát ở Đà Nẵng, tốc độ phục hồi của Vietravel rất tốt. Tổng doanh thu vẫn chưa vượt trước dịch vì còn đang bị hụt ở thị trường quốc tế nhưng doanh thu thị trường nội địa thì đã vượt xa, thậm chí tăng hơn gấp đôi. Kết quả tháng 6 và 7 làm chúng tôi rất tự tin, tháng 8 có thể sẽ là tháng cao kỷ lục trong lịch sử công ty.
Thế rồi lại có dịch. Tháng này lại thành đáng buồn nhất rồi. Nhiều nhân viên của Vietravel còn đang tự hỏi điều gì đã xảy ra, mọi thứ đang vận động trơn tru bỗng nhiên dừng lại, đứt gãy.
Không riêng Vietravel, những doanh nghiệp du lịch khác, đặc biệt là quy mô nhỏ hơn đều chịu ảnh hưởng nặng nề. Nhiều doanh nghiệp vừa bung vốn để chuẩn bị đón đầu giai đoạn phục hồi đã chịu một đòn giáng mạnh. Họ chắc sẽ bị mắc kẹt, không rút ra được nữa.
So với lần đầu, thiệt hại lần này nếu xét về quy mô thì thấp hơn vì không phải ghi nhận sự sụt giảm của thị trường nước ngoài nữa nhưng nó như một “cú đánh bồi”, nhất là nó lại bùng phát ở một địa phương đi đầu về du lịch.
Các biện pháp ứng phó của Vietravel hiện tại ra sao?
Dẫu sao chúng tôi vẫn cố “chạy”, hoạt động. Kinh nghiệm từ lần trước giúp chúng tôi đối diện với làn sóng thứ hai bình tĩnh hơn. Ngay khi có thông tin dịch bùng phát tại Đà Nẵng, chúng tôi chủ động sắp xếp lại hoạt động, điều chỉnh ngay toàn bộ phân khúc và phân vùng sản phẩm. Thị trường nào đóng thì sản phẩm đóng nhưng thị trường nào còn mở thì phải cân đối lại.
Chúng tôi cũng không vội vàng dừng toàn bộ như lần dịch đầu tiên. Vì bài học từ lần trước cho thấy việc phục hồi lại khi đã đóng cửa rất khó. Chúng tôi chủ động làm việc với các đơn vị trong hệ thống phân phối để sắp xếp lại hệ thống sản phẩm. Có những chính sách phù hợp với những khu vực bị phong tỏa, còn những khu vực khác chỉ điều chỉnh lại chứ không hủy hẳn, giảm bớt tần suất và tăng cường các biện pháp phòng ngừa, phục vụ theo nhu cầu đi du lịch an toàn của một bộ phận khách hàng.
Thách thức chính với Vietravel và các doanh nghiệp du lịch bây giờ là gì?
Những ngành như du lịch, là ngành thượng tầng, sử dụng nhiều ngành hạ tầng phía dưới thì thách thức là phải giữ được các doanh nghiệp trong chuỗi này, nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn.
Một vấn đề đáng ngại khác là sau đợt dịch đầu tiên, nhân sự ngành du lịch bị bào mòn rất nhiều. Đến trước tháng 8, Vietravel mới đưa vào hoạt động trở lại ba phần năm lực lượng lao động, một phần năm vẫn đang ở nhà chờ việc, còn lại đã chuyển việc khác. Nhưng giờ, khi dịch bùng phát trở lại, khả năng số nhân viên mới được trở lại làm sẽ bị giảm tiếp. Vietravel còn như thế thì các doanh nghiệp khác trong ngành còn chịu ảnh hưởng mạnh hơn nữa.
Khác với đợt dịch đầu năm, lần này Chính phủ và các địa phương khá đắn đo với việc thực hiện giãn cách, cách ly xã hội. Quan điểm của ông thế nào?
Theo tôi, vấn đề này nên xem xét từ hai khía cạnh, tác động tới các doanh nghiệp – bộ phận quan trọng của nền kinh tế và kinh nghiệm thực tiễn việc xử lý dịch lần đầu.
Nếu nhìn lại năm nay, các doanh nghiệp hầu hết chỉ hoạt động 2 tháng đầu năm, dừng lại trong ba tháng tiếp theo trước khi trở lại guồng máy vào tháng 6 và 7. Tính ra, 8 tháng đầu năm, thời gian kinh doanh thực tế chỉ hơn 4 tháng, với sự đứt gãy, không đồng bộ diễn ra liên tục. Từ nay đến cuối năm chúng ta chỉ còn 4 tháng, nếu tiếp tục giãn cách xã hội trong tháng 8, thời gian kinh doanh chỉ còn 3 tháng. Rất khó để một doanh nghiệp chỉ kinh doanh trong 7 tháng mà gồng gánh được kết quả kinh doanh cả năm. Chưa nói tới việc hoàn thành kế hoạch, để tồn tại cũng là một bài toán không đơn giản.
Ngay với Vietravel, chúng tôi đang kỳ vọng kịch bản tích cực nhất là kiểm soát dịch trong tháng 8, ba tháng cuối năm hy vọng có thể đỡ lại phần nào. Nhưng nếu thời gian tiếp tục bị gián đoạn lâu hơn, rất khó để đong đếm thiệt hại.
Khía cạnh thứ hai là kinh nghiệm, lần dịch bùng phát cuối tháng 3 chúng ta có những ổ dịch lớn. Lúc đó kinh nghiệm xử lý còn hạn chế, việc áp dụng giãn cách, cách ly xã hội là biện pháp cần thiết và quan trọng để hạn chế sự lây lan, giúp xử lý dứt điểm đợt dịch.
Khác với lần đầu, lần bùng phát trở lại này chúng ta đã xác định được ổ dịch, có địa chỉ. Đang có những diễn biến phức tạp với mức độ lan nhanh nhưng với kinh nghiệm từ lần trước, các biện pháp khống chế dịch đang được thực hiện rất quyết liệt. Vì thế, tôi cho rằng quan điểm của Chính phủ về việc thận trọng, linh hoạt khi áp dụng biện pháp giãn cách xã hội là cần thiết.
Chúng ta đã có quy trình xử lý, có kinh nghiệm thì khi thực hiện sẽ đúng trọng tâm, đúng mục tiêu. Tác động của các biện pháp giãn cách xã hội là rất lớn, đặc biệt với kinh tế. Chính thế, giai đoạn lúc này là một thử thách với bản lĩnh của người đứng đầu, không chỉ với doanh nghiệp mà còn là các địa phương.
Sau đợt dịch lần trước, ông rút ra được bài học gì để có thể cùng chia sẻ với các doanh nghiệp trong lần thử thách này?
Mỗi doanh nghiệp sẽ đối diện với khó khăn theo cách riêng nhưng theo quan điểm của tôi, điều quan trọng nhất là phải tồn tại được, phải giữ được thương hiệu, đừng để nó “chết hẳn”. Còn thương hiệu là còn khả năng quay lại, chứ mất nốt thì rất khó.
Nhiều doanh nghiệp chịu cú sốc thứ hai này có thể nghĩ tới phương án rời khỏi thị trường. Nhưng họ hãy đặt vấn đề ngược lại, sẽ như thế nào nếu muốn trở lại sau dịch. Cũng giống như bạn kéo gầu nước từ dưới giếng lên, đến lưng chừng thì thả tay cho rơi xuống. Lúc này để kéo lại lên mức cũ thì lực kéo phải gấp đôi, gấp ba lần. Việc phục hồi cũng vậy, một khi đã rời khỏi thị trường, quay lại là điều không dễ.
Trong cuộc sống, anh đi cũng được, anh chạy cũng được, lăn lê, bò trườn cũng xong nhưng phải nhích lên, dù là rất nhỏ. Quan trọng là chúng ta phải luôn hướng về phía trước. Điều thôi thúc mọi người lúc này nên là nhìn vào những điểm tích cực hơn là một bức tranh u ám.
Theo VNExpress.