Chủ tịch HĐQT L&A Holding, Phạm Thị Mỹ Lệ: Người đi tìm nơi hành động - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Chủ tịch HĐQT L&A Holding, Phạm Thị Mỹ Lệ: Người đi tìm nơi hành động

Không chỉ luôn khao khát điều mới mẻ hay khiến người đối diện bị lây cả sự nhiệt huyết lẫn nguồn năng lượng tràn trề của chính mình, nữ doanh nhân Phạm Thị Mỹ Lệ còn cho thấy một con người nhiều trải nghiệm và có tầm nhìn rộng.

Lớn lên trên mảnh đất cố đô lại học ngành Sư phạm dễ khiến nhiều người liên tưởng đến một cô gái “rất Huế” và mô phạm như hầu hết những ai chọn nghề “gõ đầu trẻ” thời đó. Tuy nhiên Mỹ Lệ lại rất khác với nhiều người mà bạn từng biết hay vẫn hình dung. Chính chị cũng thừa nhận, trên mảnh đất thần kinh thơ mộng ấy dường như chị là người lập dị với bầu nhiệt huyết luôn sẵn sàng bùng nổ. Thế nên sau khi vừa tốt nghiệp thủ khoa năm đó chị nhanh chóng khăn gói vào Sài thành – “place of action” (nơi hành động) như chị gọi – tìm đến những thử thách mới mẻ với ý định thực hiện bằng được điều đã nung nấu từ thời cắp sách là xây dựng sự nghiệp kinh doanh riêng dù chưa biết sẽ làm điều đó như thế nào.

Tuy chỉ vừa đôi mươi nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc chấp nhận mọi thứ một cách thụ động, chị đã sớm vạch ra những kế hoạch cụ thể và luôn tự tìm cách trả lời câu hỏi: Mình sẽ là ai và làm gì trong năm năm tới? Cho đến nay chị vẫn giữ vẹn nguyên thói quen này và nó chính là động lực thôi thúc chị không bao giờ dừng lại mà luôn tiến về phía trước.

Kiên định cũng chính là một nét tính cách nổi bật dễ nhận thấy ở chị. Năm đầu tiên đi làm, dù được săn đón với mức lương cao hơn vài lần nhưng chị vẫn quyết tâm đến cùng với kế hoạch vừa học vừa làm cho mục tiêu mình theo đuổi, mà không hề có chút dao động. Để rồi nhiều năm sau đó, khi đã “lận lưng” không ít kiến thức và kinh nghiệm qua nhiều vị trí khác nhau, chị tự mình gầy dựng cơ nghiệp riêng để được “thỏa chí tang bồng”.

Làm kinh doanh là phải sướng!

Le & Associates bắt đầu từ năm 2001, vào thời điểm đó lý do chị chọn xây dựng công ty chuyên cung ứng giải pháp nhân lực toàn diện là gì?

Vào năm 2000, nhà nước chính thức cho phép tư nhân tham gia kinh doanh lĩnh vực dịch vụ việc làm. Từ trải nghiệm của bản thân ở vai trò quản lý trong lĩnh vực kinh doanh và tiếp thị, tôi nhận thấynhân sự quả là một lĩnh vực nhiều tiềm năng và luôn có nhu cầu cao. Do đó, tôi nghĩ mình phải mang đến một dịch vụ để giải quyết ngay và luôn vấn đề nhức nhối này cho các nhà quản lý. Khi vạch kế hoạch cho cơ nghiệp trong lĩnh vực sẽ kinh doanh, tôi đã hình dung không chỉ cung ứng các gói tuyển dụng mà còn nhiều dịch vụ khác xoay quanh con người trong một doanh nghiệp nhưng tôi sẽ bắt đầu từ việc tuyển dụng quản trị viên.

Có lẽ việc tôi chưa từng làm chuyên môn trong lĩnh vực nhân sự mà là một khách hàng bị nhiều thất vọng đã giúp Le & Associates có thể phát triển tốt như ngày nay. Ngay từ ngày đầu, tôi không quá đam mê kỹ thuật mà luôn tự khẳng định vị trí người tổ chức, phát triển kinh doanh và định vị rõ phân khúc dịch vụ mà mình cạnh tranh: thu tiền từ việc cung cấp dịch vụ về nhân lực cho các doanh nghiệp chứ không phải thu của người lao động. Công ty non nớt của tôi sẽ thuộc quỹ đạo khác, cạnh tranh với vài công ty đa quốc gia hàng đầu trong ngành dịch vụ nhân sự thay vì với trên 1.000 công ty địa phương khác. Quan niệm của tôi là cung cấp đúng ứng viên cho khách hàng và dịch vụ chu đáo để các công ty lớn đồng ý trả tiền cho mình thì thích hơn là thu phí từ người lao động đang cần việc. Với tôi, kinh doanh là phải thấy sướng!

“Để tiếp tục đi xa hơn, chúng tôi sẽ không đi một mình mà sẽ cộng tác với các đơn vị thành viên khác để tích hợp nguồn lực và tận dụng lợi thế của nhau vì không ai có thể làm hết tất cả mọi thứ”

Vậy chị có từng vấp phải bước hụt hoặc thất bại tạm thời nào chưa? Và cho đến giờ, bài học quan trọng nhất chị có được cho mình là gì?

Đối với cuộc đời kinh doanh của mình, tôi đã hụt nhiều bước chứ không chỉ một nhưng với riêng Le & Associates thì may mắn là không. Tuy nhiên, mỗi năm lại tung ra thêm một dịch vụ mới để có được giải pháp nhân lực toàn diện như hiện nay đã làm chúng tôi đối mặt với không ít khó khăn của việc tăng trưởng nóng: dòng tiền luân chuyển không kịp, công suất tăng cao… Bài học lớn nhất của tôi là việc thu gọn để tập trung vào thế mạnh cốt lõi của nhóm công ty, đặc biệt là KingBee Media từ mô hình kinh doanh mạng xã hội thành một công ty chuyên cung ứng dịch vụ tiếp thị từ năm 2012. Từ đó đến nay, tôi đã phải trải qua những biến cố để đời như: cắt giảm gần như toàn bộ đội ngũ của KingBee, xây dựng lại chiến lược sản phẩm, tái cấu trúc các công ty để có thể tận dụng được lợi thế và năng lực về quản lý nhân lực của L & A và quản lý dự án tiếp thị tại điểm bán của KingBee nhằm đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Tôi đã phải trả giá đích đáng cho các mơ mộng mạo hiểm nhưng tư duy lạc quan đã giúp tôi thay vì ngồi tiếc nuối cái đã chìm xuống nước thì nghĩ cách vớt được gì đang nổi trên mặt nước để đi tiếp tới bờ. Các bài học có được thực sự bồi đắp rất nhiều cho bản thân tôi cũng như sự phát triển của công ty về sau, nhất là sự tỉnh táo và thực tế hơn trong các quyết định kinh doanh.

Thế sau gần 15 năm khởi nghiệp với lĩnh vực nhân sự, chị có còn tâm huyết và dồn hết sức lực cho nó?

Thành thực mà nói tôi là người yêu nghề nên luôn nhận thấy còn rất nhiều đất để khai thác, nhất là trong tình trạng thừa mà thiếu so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Sau nhiều năm kinh doanh với vài thành công nhất định và không ít thất bại, bên cạnh việc mở rộng tầm nhìn để dẫn dắt doanh nghiệp đi đúng hướng và về đích, cần phải nhận thức rõ giới hạn của bản thân. Qua rồi thời khởi nghiệp với suy nghĩ việc gì cũng có thể tự làm được.

Để tiếp tục đi xa hơn, chúng tôi sẽ không đi một mình mà sẽ cộng tác với các đơn vị thành viên khác để tích hợp nguồn lực và tận dụng lợi thế của nhau vì không ai có thể làm hết tất cả mọi thứ. Những sản phẩm dịch vụ xung quanh lĩnh vực cốt lõi của mình thì nhất định phải hợp tác với các nguồn lực có sẵn và đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức của chính mình cho đối tác. Trong số này, cũng cần phải nhắc đến một số đối tác đa quốc gia mà chúng tôi đã và đang hợp tác để bản địa hóa các công cụ và ứng dụng của họ nhằm áp dụng một cách hữu hiệu cho khách hàng tại địa phương.

Nhân sự là bài toán đa nghiệm

Cho đến nay, lĩnh vực chị đang theo đuổi có nhiều đối thủ cạnh tranh không? Điều khó nhất với chị chính là giải bài toán cạnh tranh, doanh thu hay quản lý?

Chúng tôi có nhiều đối thủ và là những đối thủ hàng đầu thế giới, những công ty đa quốc gia nên câu chuyện cạnh tranh với họ hoàn toàn khác với hơn 1000 công ty dịch vụ việc làm nói trên. Rõ ràng họ có những lợi thế không thể phủ nhận: cơ sở hạ tầng tốt, mạng lưới đa quốc gia, nguồn dữ liệu khổng lồ… nhưng chúng tôi cũng có những lợi thế nhất định. Là doanh nghiệp địa phương, chúng tôi am hiểu từng khách hàng, mỗi ngóc ngách của thị trường và cả những nét văn hóa đặc thù. Bắt đầu với suy nghĩ của một khách hàng tiêu biểu nên hơn ai hết, tôi hiểu được nhu cầu của người cần dịch vụ và luôn tìm cách tốt hơn để tổ chức thỏa nhu cầu đó.

Tuy làm việc trong lĩnh vực cung ứng nhân lực, giải quyết vấn đề nhân lực cho doanh nghiệp nhưng chính tôi cũng phải thừa nhận rằng việc quản lý và phát triển con người là khó nhất. Với ngành dịch vụ và tư vấn của chúng tôi, có con người thì có tất.

Vậy theo quan điểm của chị, thế nào là một lãnh đạo tốt? Chị truyền cảm hứng đến các nhân viên của mình thế nào?

Bạn có nghĩ Steve Jobs – một trong những thần tượng lớn của tôi – là một lãnh đạo tốt không? Steve Jobs nổi tiếng là người cực kỳ khó chịu khi phải làm việc cùng, nhất là với nhân viên nhưng bù lại, ông có tầm nhìn và sự sáng tạo vô bờ… Theo quan điểm của tôi trong kinh doanh mèo đen hay mèo trắng không quan trọng, chỉ cần bắt được chuột là tốt. Tôi không cần nhân viên khen mình, chê tôi càng thích vì dám nói thật. Cuối cùng, lãnh đạo tốt có lẽ là người định ra được đường lối phù hợp và thu phục được nhân tâm, huy động được người tài để cùng làm cho ra việc. Đương nhiên, mỗi người có thể có một cách khác để đi đến đích và mỗi doanh nghiệp lại có một văn hóa riêng, vì vậylãnh đạo phải phù hợp với công việc, văn hóa và phải được ủng hộ, quý mến. Không thể có một đáp án duy nhất trong tất cả các vấn đề về nhân sự. Đó là bài toán đa nghiệm.

Tất cả mọi người đều phải đi tới và tôi cũng chưa bao giờ muốn dừng lại. Đối với doanh nghiệp của mình, tôi muốn mỗi năm phải làm được gì đó mới mẻ, luôn tự tạo năng lượng cho mình, có những lúc phải “tự túm tóc mình lôi lên”. Chính điều đó giúp tôi truyền lửa và cảm hứng cho những người xung quanh mình.

Với riêng chị, tính cách có ảnh hưởng đến cách chị đưa ra quyết định hay giải quyết mâu thuẫn nội bộ chẳng hạn?

Nhiều người cho là tôi rất rạch ròi, quyết đoán. Với những quyết định lớn, sẽ phải trăn trở rất nhiều tuy nhiên một khi đã quyết thì làm tới chứ không bàn nữa. Càng trải nghiệm thì càng tính toán thận trọng hơn nhưng đã thích thì phải làm cho được và cho đúng. Có thể đó chính là suối nguồn tươi trẻ của tôi (cười). Luôn luôn suy nghĩ các hướng đi mới, dám mạo hiểm và chấp nhận rủi ro nên đôi khi tôi như ở trên mây và cần những người điều hành công ty có đầu óc thực tế hơn “kéo” tôi trở lại mặt đất, giúp tôi cân bằng ý tưởng với hiện thực. Việc của tôi là đặt niềm tin ở họ!

Vâng, cảm ơn chị!

Nguyên tắc xây dựng các mối quan hệ xã hội:

Đó là sự chân thành và tự lực cánh sinh. Đối với bạn bè, người thân tôi không giỏi nói lời có cánh mà luôn đi thẳng vào vấn đề và giải quyết sự việc nhanh gọn vì “cán” mình quá mỏng với nhiều lĩnh vực, vai trò khác nhau. Nhưng tôi luôn nhất quán không dựa dẫm ai hay muốn ai dựa dẫm mình.

 Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Text: Thanh Xuân – Creative Director: Hiepleduc – Photo: Vinh VLK – Make-up: Viễn Dương

Comment