Zhang Yiming cần 10 năm để trở thành tỷ phú công nghệ giàu nhất Trung Quốc, với vị trí Chủ tịch ByteDance và sáng lập ra nền tảng mạng xã hội TikTok “hot” nhất toàn cầu. Nhưng cũng chính ông là người cảm thấy không phù hợp với vai trò quản lý điều hành để quyết định từ bỏ tất cả chỉ trong thời gian 6 tháng.
Báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Datareportal cho thấy, TikTok hiện có đến 1,051 tỷ người dùng từ 18 tuổi trở lên, tính đến tháng 01/2023. Trong đó, Mỹ là quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới với hơn 113,3 triệu người, bất chấp nguy cơ ứng dụng bị cấm hoạt động tại quốc gia này.
Đằng sau những con số ấn tượng trên là tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc và người góp phần tạo nên thành công này chính là Zhang Yiming. Ông là tỷ phú công nghệ giàu nhất Trung Quốc hiện nay. Sự giàu có của Yiming có liên quan đến cổ phần trong ByteDance. Công ty được định giá 220 tỷ USD và đạt doanh thu 80 tỷ USD tính đến năm 2022, theo Bloomberg. Chỉ riêng hoạt động kinh doanh tại Hoa Kỳ của TikTok có thể trị giá từ 40 đến 50 tỷ USD tính đến tháng 3 năm nay.
Khởi đầu từ một kỹ sư bình thường…
Zhang Yiming sinh năm 1983 tại Phúc Kiến, Trung Quốc trong một gia đình có cha mẹ là nhân viên nhà nước. Tên của Zhang Yiming bắt nguồn từ một câu ngạn ngữ Trung Quốc có nghĩa là “làm mọi người ngạc nhiên với lần thử đầu tiên”. Tuy nhiên, con đường thành công của doanh nhân công nghệ này không phải một sớm một chiều.
Tuổi thơ Zhang gắn liền với những câu chuyện của cha mẹ về những chủ đề về công nghệ mới ở nước ngoài hay việc khám phá, phát triển sản phẩm.
Không khó hiểu khi gia đình Zhang lại thường trao đổi về những chủ đề này khi thời điểm ấy Trung Quốc đang thực hiện cuộc cải cách xã hội, kinh tế giai đoạn 1979 – 1991. Trong đó, tỉnh Phúc Kiến, quê hương của Zhang nằm ở bờ biển phía Đông Nam còn là một trong những khu vực sớm nhất ở Trung Quốc đại lục mở cửa với thế giới.
Việc sinh ra ngay thời điểm đất nước có cuộc chuyển mình sau một thời gian dài đóng cửa với thế giới, có lẽ chính điều này đã tác động ít nhiều đến hệ tư tưởng cho sự nghiệp sau này của Zhang. Giống như nhiều đồng nghiệp phương Tây, Zhang Yiming bắt đầu khiêm tốn và kiên trì vượt qua thử thách và sai lầm trước khi gặt hái được quả ngọt như hiện nay.
Zhang Yiming học ngành vi điện tử tại trường Đại học Nankai trước khi chuyển sang chuyên ngành kỹ thuật phần mềm. Đến năm 2005, Zhang tốt nghiệp và làm việc cho một công ty khởi nghiệp có tên là Kuxun, nơi đã giúp ông có được những kỹ năng quý giá để xây dựng nền tảng cho công ty của mình về sau.
Zhang chia sẻ rằng “Tôi đã gia nhập một công ty có tên là Kuxun và là một trong những nhân viên đầu tiên. Lúc đầu tôi là một kỹ sư bình thường, nhưng sang năm thứ hai, tôi phụ trách khoảng 40 đến 50 người, chịu trách nhiệm về công nghệ back-end và các nhiệm vụ khác liên quan đến sản phẩm.”
Bốn năm sau đó, Zhang chuyển sang làm công việc kinh doanh cho một trang web tìm kiếm bất động sản có tên 99fang.com. Tuy nhiên, Zhang cũng không gắn bó lâu với công việc này, song nơi đây cũng khơi dậy tinh thần kinh doanh trong ông.
…đến ông chủ của tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc
Năm 2012 đánh dấu cột mốc quan trọng trong ngành kinh tế Trung Quốc khi đây là thời điểm mở đầu cho một tập đoàn công nghệ lớn mạnh và là nơi khai sinh ra nền tảng xã hội dẫn đầu thế giới.
Trước khi khởi nghiệp, Zhang nhận thấy người dùng điện thoại thông minh ở Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin trên các ứng dụng dành cho thiết bị di động, trong khi gã khổng lồ tìm kiếm Baidu đang thêm quảng cáo vào kết quả tìm kiếm.
Ông cho rằng cần phải tạo ra một ứng dụng mới, nơi mà nội dung sẽ được tạo đề xuất cho người dùng bằng trí tuệ nhân tao. Chính điều này là nguồn gốc cho sự ra đời của ByteDance, công ty chuyên cung cấp dịch vụ tổng hợp tin tức, có trụ sở tại Bắc Kinh.
Tháng 8/2012, ByteDance đã ra mắt ứng dụng tin tức Toutiao và thu hút hơn 13 triệu người dùng hàng ngày chỉ sau hai năm. Zhang muốn tạo ra một nền tảng tin tức được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo, khác với công cụ tìm kiếm Baidu, một ứng dụng tìm kiếm gần như độc quyền tại Trung Quốc. Người dùng càng đọc nhiều, Toutiao càng hiểu họ hơn và giữ họ ở lại với ứng dụng. Zhang nói: “Chúng tôi thúc đẩy thông tin, không phải bằng các câu hỏi, mà bằng các đề xuất tin tức.”
Đặc biệt, Zhang có niềm kiêu hãnh riêng của một doanh nhân Trung Quốc khi tự tin nói rằng: “Điều quan trọng nhất là chúng tôi không kinh doanh tin tức. Chúng tôi giống một doanh nghiệp tìm kiếm hoặc một nền tảng truyền thông xã hội hơn. Chúng tôi đang làm công việc rất sáng tạo”
“Chúng tôi không phải là bản sao của một công ty Hoa Kỳ, cả về sản phẩm và công nghệ.“
Tầm nhìn của Zhang không chỉ giới hạn ở Trung Quốc như hầu hết các doanh nghiệp nội địa. Ông đã lên kế hoạch mở rộng công ty ra khắp thế giới. Tuy nhiên, tầm nhìn này không được hầu hết các nhà đầu tư mạo hiểm đồng tình. Dù đã nỗ lực rất nhiều, nhưng Zhang không thể đảm bảo được nguồn vốn để thực hiện ý định, cho đến khi Tập đoàn quốc tế Susquehanna đầu tư vào công ty khởi nghiệp và nhận thấy tiềm năng của dự án.
Tháng 9/2015, ByteDance cho ra mắt ứng dụng chia sẻ video TikTok, được gọi là Douyin ở Trung Quốc, với một lượng nhỏ người dùng. Thông qua ứng dụng, người dùng có thể chỉnh sửa video với độ dài 15 giây (tại thời điểm ban đầu) và chia sẻ trực tiếp lên các mạng xã hội như Weibo hay Wechat.
Sản phẩm này nhanh chóng gây ấn tượng với Gen Z và thế hệ thiên niên kỷ, đe dọa trực tiếp đến các nền tảng truyền thống ở đất nước tỷ dân. Sức ảnh hưởng của TikTok bùng nổ mạnh mẽ khi nó nhanh chóng phổ biến trên toàn thế giới ở những năm tiếp theo.
Năm 2021, TikTok là ứng dụng iOS số một tại nước Mỹ (không tính game), theo báo cáo của trang Business Insider. Trước đó, TikTok đã sớm vượt mặt Youtube, Tinder, Tencent Video… để trở thành ứng dụng kiếm tiền nhiều nhất thế giới, dựa trên báo cáo của Sensor Tower.
ByteDance sau đó cũng đã mua Musical.ly, một dịch vụ truyền thông xã hội của Trung Quốc với giá 800 triệu đô la Mỹ và tích hợp nó vào TikTok.
Theo Pitchbook, công ty hiện trị giá 75 tỷ USD, khiến nó trở thành công ty tư nhân có giá trị nhất trên toàn cầu. Công ty cũng sở hữu một số ứng dụng mạng xã hội hoạt động ở Trung Quốc. Ngoài ra, ByteDance cũng sở hữu FlipChat, một đối thủ cạnh tranh của WeChat; Duoshan, một ứng dụng nhắn tin video; và Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok.
Hoàn thiện dựa trên trải nghiệm cá nhân
“Kể từ khi tôi trở thành một doanh nhân, tôi ngày càng được tiếp xúc với nhiều người và trải nghiệm nhiều hơn. Khi tôi còn là một kỹ sư, lối suy nghĩ của tôi khá hạn chế. Nhưng bây giờ tôi phải phát triển một sản phẩm, điều này khiến tôi cần phải hiểu người dùng của mình và những gì họ trải nghiệm.”, Zhang nói.
Trong một thời gian dài, Zhang chỉ xem video TikTok mà không tự làm bất kỳ video nào vì định vị sản phẩm chủ yếu dành cho giới trẻ. Thế nhưng càng về sau, ông cảm thấy những người phát triển sản phẩm cần tự trải nghiệm để có những cải tiến mới giúp ứng dụng giữ chân người dùng.
Ông buộc tất cả các thành viên trong nhóm quản lý phải tạo video TikTok của riêng họ và họ phải giành được một số lượt ‘like’ nhất định. Nếu không, họ phải chống đẩy xem như là hình phạt vì không thực hiện được. Cách này đã giúp ông ấy hiểu cách hoàn thiện ứng dụng dựa trên trải nghiệm cá nhân và nhân viên với TikTok.
Khi nói về tương lai, Zhang không giấu tham vọng: “Tôi muốn ứng dụng tiếp tục phát triển ở nước ngoài và hy vọng một ngày nào đó ByteDance sẽ ‘không biên giới như Google’. Cá nhân tôi hy vọng sẽ làm được những điều thú vị và có ý nghĩa cho xã hội. Giống như sự phân chia lao động quốc tế trong thời đại công nghiệp hóa, trong thời đại thông tin ngày nay cũng có sự phân chia lao động quốc tế. Các doanh nhân Trung Quốc cũng phải cải thiện khả năng của chính họ khi họ tiến ra toàn cầu.”
“Chúng ta phải làm việc chăm chỉ hơn, chúng ta cũng phải cầu toàn hơn.“
Học hỏi và trách nhiệm là nền tảng
Zhang cho rằng sự thăng tiến nhanh chóng của ông ấy là nhờ vào tinh thần làm việc vượt qua ranh giới trách nhiệm. Zhang đã học được giá trị của việc theo đuổi sự xuất sắc trong tất cả các sản phẩm khi vẫn còn ở công việc đầu tiên tại Kuxun.
Ông nói: “Lúc đó tôi chịu trách nhiệm về kỹ thuật, nhưng khi sản phẩm có vấn đề, tôi sẽ tích cực tham gia thảo luận về phương án sản phẩm. Nhiều người nói rằng đây không phải là điều tôi nên làm. Nhưng tôi muốn nói rằng: tinh thần trách nhiệm và mong muốn làm tốt mọi việc của bạn sẽ thúc đẩy bạn làm nhiều việc hơn và tích lũy thêm kinh nghiệm.”
Zhang cũng từng có trải nghiệm về kỹ năng bán hàng vào cuối năm 2007. Ông kể: “Tôi đã đến gặp khách hàng cùng với Giám đốc Kinh doanh. Trải nghiệm này cho tôi biết thế nào là bán hàng giỏi. Khi tôi thành lập Toutiao và tuyển dụng nhân viên, những kinh nghiệm này đã giúp tôi rất nhiều.”
Chính sự học hỏi, trải nghiệm vượt qua ranh giới trách nhiệm đã giúp Zhang trong việc tạo dựng một đế chế như Tiktok hiện nay. Mặt khác, khi nhớ lại thời điểm bắt đầu khởi nghiệp, ông cho biết mọi thứ đều rất tốt dù công ty chỉ giới hạn trong một căn hộ bốn phòng ngủ ở Bắc Kinh. Vị doanh nhân này nhớ lại một khẩu hiệu mà ông từng nhìn tại một công trường xây dựng có nội dung: “Nơi nhỏ bé, giấc mơ lớn”. Tương tự như điểm khởi đầu của ByteDance, “Căn phòng lớn nhất rộng khoảng 10 mét vuông. Nhưng Ý tưởng của chúng tôi rất lớn. Chúng ta có thể nói về toàn cầu hóa trong một căn hộ nhỏ.”
Không dừng lại ở đó, Zhang Yiming cũng gây ấn tượng ở phong cách quản lý. Các công ty công nghệ của Hoa Kỳ như Google hay Microsoft đã tác động ít nhiều đến cách quản lý của Zhang tại ByteDance như công ty chỉ họp hai tháng một lần và không khuyến khích nhân viên gọi Zhang là ‘sếp’ hoặc ‘CEO’, như cách các công ty Trung Quốc đang thực hiện.
Các nhân viên ByteDance nhận xét phong cách lãnh đạo của Zhang là ‘ăn nói nhẹ nhàng nhưng lôi cuốn, logic nhưng đam mê, trẻ trung nhưng khôn ngoan’.
Không chỉ tập trung vào kinh doanh, tỷ phú Trung Quốc cũng tích cực đóng góp cho xã hội. Vào năm 2021, Yiming đã quyên góp 1,85 tỷ đô la để thành lập quỹ giáo dục có tên “Fang Mei” có trụ sở tại quê hương Longyan của anh ấy, theo South China Morning Post. Theo SCMP, khoản quyên góp này nhằm đáp trả cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với ngành công nghệ của nước này. Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Toàn Trung Quốc và Ban Công tác Mặt trận Thống nhất cũng đã nêu tên Zhang Yiming trong danh sách 100 doanh nhân được ghi nhận vì “những thành tựu to lớn trong sự phát triển của nền kinh tế tư nhân” trong 40 năm qua.
Tuy nhiên vào tháng 5/2021, Zhang Yiming bất ngờ thông báo rời khỏi ghế CEO của Bytedance. Và chỉ trong 6 tháng sau đó, tỷ phú người Trung cũng tuyên bố từ chức vị trí Chủ tịch ByteDance, dù vẫn tham gia xây dựng chiến lược dài hạn cho tập đoàn. Chia sẻ về việc từ chức, ông cho biết “Sự thật là tôi thiếu một số kỹ năng để trở thành một người quản lý lý tưởng. Tôi thích các hoạt động đơn độc như lên mạng, đọc sách, nghe nhạc và suy ngẫm về những điều có thể xảy ra.”. Đồng thời, ông cho biết bản thân sẽ giúp đỡ tốt hơn cho công ty trong vai trò không liên quan trực tiếp đến việc quản lý mọi người.
Quyết định bất ngờ của Zhang làm tăng thêm số lượng các “ông lớn” công nghệ Trung Quốc từ chức trong bối cảnh chính phủ nước này thực hiện hàng loạt cuộc điều tra chống độc quyền trong lĩnh vực công nghệ. Hoạt động này cũng tác động đến các công ty công nghệ, trong đó có ByteDance, buộc hãng phải thực hiện cải tổ lớn, đẩy mạnh phát triển phần mềm doanh nghiệp.
Tạp chí Nữ Doanh Nhân tổng hợp | Hình ảnh: AP, Getty Images, Reuters
Có thể bạn quan tâm: