Ca sĩ Mỹ Linh: Tôi quá may mắn! • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Ca sĩ Mỹ Linh: Tôi quá may mắn!

Mười lăm năm trước, khi chị đặt những viên gạch đầu tiên cho cuộc sống gia đình, người ta nghi ngại sự lựa chọn đó. Mười lăm năm sau, những nghi ngại thuở nào đã được giải đáp bằng một cuộc sống viên mãn của người đàn bà hạnh phúc. Nhưng giờ, nhắc đến chị, người ta sẽ không chỉ nhắc đến người đàn bà hát, người vợ mẫu mực, người mẹ yêu con mà còn là người đàn bà bước chân vào kinh doanh với mong ước trả lại cho đời…

Kết nối & truyền cảm hứng

Điều gì khiến chị quyết định mở trường nhạc dù các trung tâm dạy nghệ thuật của các nghệ sĩ giờ cũng nhiều?

Trước hết, tôi xin đính chính, tôi không phải là người duy nhất mở trường nhạc này. Tôi có đội ngũ với nhạc sĩ Anh Quân, ban nhạc Anh Em vànhiều anh em khác và mỗi người có những thế mạnh riêng. Còn điều thôi thúc tôi làm việc này, đó là từ lâu rồi, tôi luôn mơ ước có một nơi cho con trẻ học nhạc. Khi tôi còn nhỏ, tôi khá cá tính, có năng khiếu nhưng cũng rất thiệt thòi vì tiếp xúc với âm nhạc chuyên nghiệp rất muộn. Mãi đến năm 16, 17 tuổi, tôi mới có cơ hội đó. Tôi nghĩ, giờ cũng có nhiều cháu như tôi ngày đấy. Chúng thiếu cơ hội còn phụ huynh thì trong thế hoang mang, không biết phải thế nào. Bởi thế, chúng tôi muốn lập ra ngôi trường phần nào đáp ứng được những mong muốn đó.

Mặt khác, tôi cũng nhìn thấy việc các con đang học ở môi trường quốc tế với nền giáo dục tiên tiến không quá tập trung vào một môn nào ở bậc học phổ thông. Họ chú ý rất nhiều đến việc dạy con người trong đó âm nhạc, thể thao rất được chú trọng. Tôi nghĩ đây là những điều mà giáo dục ở ta đang mất cân bằng. Tôi mơ ước cùng với anh em mình xây dựng một ngôi trường, thể thao thì chưa dám nói nhưng âm nhạc, nghệ thuật càng đạt đến chuẩn mà các cháu được học thì càng tốt. Tất nhiên, là một doanh nghiệp khởi nghiệp, chúng tôi cũng gặp nhiều thách thức, khó khăn, vừa làm vừa mò mẫm, tìm hiểu, nhưng chúng tôi có chung một mơ ước, mục tiêu và mong muốn được cống hiến. Đều là những người đã có những thành công trong sự nghiệp riêng, giờ đây chúng tôi cùng tập hợp lại để cùng làm một điều gì đó mong có thể trả lại cho đời…

Chị vừa nhắc đến chuẩn trong ngôi trường của mình, chị có thể cho biết, chuẩn theo tiêu chí nào không, thưa chị?

Chuẩn ở đây, thứ nhất, chúng tôi đang hướng đến cái chuẩn chung về giáo dục âm nhạc. Và chuẩn thứ hai, đó là chuẩn về thưởng thức nghệ thuật. Cái chuẩn thứ hai này hơi khó để đưa ra một tiêu chí chung thế nào là hay, thế nào dở. Chúng tôi không dám đưa ra chuẩn chung cho tất cả nhưng cố gắng đưa ra một cái chuẩn gần giống với chúng tôi nhất để phụ huynhtìm thấy điểm chung, họ tìm đến chúng tôi và gửi gắm con cái cho chúng tôi.

Vậy sự khác biệt của giữa mô hình anh chị đang xây dựng so với các mô hình hiện có?

Hãy nói về các điểm chung trước nhé. Tôi nghĩ rằng, bất cứ ai lập một ngôi trường đào tạo nghệ thuậttrước hết đều có chung mong muốn được cống hiến. Sau đó nếu có lợi nhuận thì cũng là đến sau chứ không phải ngay lập tức. Bởi giáo dục đòi hỏi đầu tư lâu dài.

Còn về khác biệt, tôi chỉ muốn nói đến khu vực phía Bắc còn phía Nam thì nói thật, tôi chưa có dự định hay tiềm lực để mở rộng. Sự khác biệt, trước hết là ở thế mạnh của chúng tôi, là nhạc nhẹ, pop, R&B, nhạc đương đại, tuy nhiên, vẫn cần có nhạc cổ điển, nhạc truyền thống. Một điểm mạnh nữa, chúng tôi tin rằng mình có lợi thế khi là người của công chúng, có ảnh hưởng xã hội, tôi cũng dễ dàng hơn trong việc kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè và cộng đồng để giúp các cháu học đi đôi với hành trong các chương trình biểu diễn thực sự. Nếu chỉ học mà không được thực hành trình diễn có thể các con sẽ dễ nản hơn.

Điều này tôi học được từ cách giáo dục con tôi được hưởng. Tôi và ông xã đã dự không thiếu buổi nào từ khi các cháu học mẫu giáo để học hỏi, để nghe và hiểu các con cần gì, phụ huynh mong muốn điều gì. Và cho dù đó có là những ngôi trường ưu tú nhất thì các buổi biểu diễn vẫn là không chuyên. Tuy nhiên, cảm giác được bước ra sân khấu, được mọi người lắng nghe, tóm lại nhu cầu thể hiện bản thân ai cũng có và là thứ mà trẻ con Việt Nam rất thiếu. Từ những buổi biểu diễn ấy, các con mạnh mẽ, tự tin hơn, các con biết điểm mạnh, điểm yếu của mình, biết “team work” ra làm sao, phải kỉ luật như thế nào… Tôi nghĩ học nghệ thuật không phải cốt yếu là trở thành ngôi sao để được nổi tiếng. Mà hơn thế, chúng ta học tính kỉ luật, học làm người, học cách hòa hợp với người khác.

Đây cũng là con đường chúng ta tìm thấy sự an vui trong cộng đồng và qua đó, ta tìm thấy niềm an vui trong chính con người mình. Chúng tôi hướng đến tiêu chí đó trước tiên. Sau đó, qua quá trình học tập rèn luyện, tự giác, quá trình tìm cái riêng để hòa hợp với tập thể, các con sẽ có cộng đồng riêng của mình. Sẽ có một cộng đồng tử tế, tôi mong là thế.

Thế còn thách thức lớn nhất của người nghệ sĩ như chị khi bước chân vào kinh doanh? Còn kinh doanh âm nhạc – lĩnh vực đã thuộc về chuyên môn của gia đình thì sao, thưa chị?

Tôi nghĩ, khó nhất là việc phân bố thời gian sao cho hợp lý giữa đi biểu diễn, thu âm, các kế hoạch khác và thời gian cho gia đình. Phải làm sao để cân bằng, để không phải ân hận, làm tốt điều này nhưng lại hỏng cái khác. Đó là thách thức lớn nhất với tôi.

“Tôi như một cánh diều trong gió, họ có thể hướng đến nhưng phải luôn có người giữ để diều không bị đứt dây”.

Đã kinh doanh chắc hẳn phải băn khoăn vấn đề tài chính, tiền thuê mặt bằng, chi phí quản lý, chi phí cố định… Có trăm cái khó cho những doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhưng rất may, khả năng và điểm mạnh của tôi chínhlà kết nối mọi người và truyền cảm hứng. Tôi tin tưởng giao phó cho các cộng sự và truyền cảm hứng cho họ. Chính họ là những người cho tôi biết khó khăn ở đâu, thách thức chỗ nào… để kéo tôi về với thực tế. Tôi như một cánh diều trong gió, họ có thể hướng đến nhưng phải luôn có người giữ để diều không bị đứt dây.

Nhờ kinh doanh, tôi học được nhiều điều, nhìn ra ai là bạn, ai là người mình cứ ngỡ là bạn nhưng không phải là bạn, ai yêu thương mình thật sự, ai là người đồng chí hướng. Điều tôi cảm thấy tin tưởng nhất đó là chúng tôi có một tập thể đoàn kết, chúng tôi có thể cãi nhau sứt đầu mẻ trán nhưng vẫn hướng về phía trước. Và điều quan trọng hơn, vợ chồng chúng tôi càng sát cánh với nhau, anh ấy nhìn ra vẻ đẹp khác của tôi và tôi nhận ra những điều xưa nay chưa nhìn thấy ở anh ấy.

Cam kết thiện nguyện

Hiện có khá nhiều cuộc thi tài năng nghệ thuật nhí. Dường như sự hồn nhiên của con trẻ đang bị người lớn đánh cắp hoặc trở thành một công cụ để kinh doanh. Chị nghĩ gì về điều này? Và điều mà ngôi trường của chị hay các chương trình tài năng sẽ làm cho các bé là gì?

Thời gian gần đây, có nhiều ý kiến về các cuộc thi tìm kiếm tài năng nhưng nói gì thì nói, các cuộc thi ấy vẫn có điểm mạnh riêng. Đấy là cơ hội để các cháu thể hiện mình.

Có một thực tế là, các ngôi trường đào tạo âm nhạc của ta đang đánh mất vị thế của mình. Nhiều năm nay, họ cũng không đào tạo được những người thực sự giỏi và tiếp tục theo nghề sau khi tốt nghiệp. Còn những người đang có những hoạt động mạnh nhất lại đa phần bước ra từ các cuộc thi. Chúng ta cứ tẩy chay các cuộc thi nhưng nó cũng có ích ở một mặt nào đó về thị trường, những cái mà người nghe đang cần. Ở “YoungHit YoungBit nhí tài năng” – chương trình chúng tôi phối hợp sản xuất cùng VTC sẽ cam kết đặt tiêu chí công bằng lên hàng đầu để các cháu thật sự có tài năng sẽ tỏa sáng.

Chị cũng là người đồng sở hữu một thương hiệu spa có tiếng tại Hà Nội. Vì sao chị lại chọn kinh doanh spa trước – một lĩnh vực không phải chuyên môn thay vì thành lập trường đào tạo âm nhạc trước?

Thực ra, kinh doanh spa bắt đầu từ việc tôi là khách hàng của họ, tôi thấy dịch vụ rất tốt nênngỏ lời muốn cùng sở hữu. Lúc đầu, họ muốn tôi cộng tác theo cách tôi làm thuê cho họ. Tôi từ chối và nói rằng, tôi hết tuổi đi làm thuê rồi. Sau đó, chúng tôi quyết định đồng sở hữu. Nhưng tôi cũng có một cam kết rằng, cho đến khi tôi chưa phải dùng đến đồng tiền của việc kinh doanh này, toàn bộ số tiền ấy sẽ được dùnglàm từ thiện. Tôi mong rằng, tôi sẽ không bao giờ phải dùng đến số tiền ấy.

“Là một doanh nghiệp khởi nghiệp, chúng tôi cũng gặp nhiều thách thức, khó khăn, vừa làm vừa mò mẫm, tìm hiểu, nhưng chúng tôi có chung một mơ ước, mục tiêu và mong muốn được cống hiến” .

Thế với tâm thế người nghệ sĩ kinh doanh, triết lý kinh doanh của chị sẽ là gì?

Tôi rất thích triết lý của Sài Gòn Smile Spa, đam mê vẻ đẹp cân bằng. Tôi cũng muốn mang triết lý ấy vào ngôi trường âm nhạc của chúng tôi. Chúng ta chỉ có thể thành công khi chúng ta tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống. Làm sao ta yêu nhạc, ta vẫn đọc sách, chơi thể thao… Làm sao ta đẹp mà vẫn là chính ta. Ta không copy một ai khác, ta đẹp theo cách mà ta vẫn thế. Đấy là sự cân bằng.

Người phụ nữ may mắn

Bận rộn đi hát, làm giám khảo, kinh doanh, chăm lo gia đình. Chị có thời gian cho mình không? Mỗi ngày chị dành bao nhiêu thời gian cho bản thân?

Có chứ. Thường thì sau bữa tối, tôi và chồng sẽ xem phim cùng nhau trong phòng chiếu phim của gia đình. Sáng ra lại cùng nhau ăn sáng. Tôi vẫn đến spa để chăm sóc cho mình. Ngoài ra, lúc đi diễn lại là lúc tôi rảnh nhất, tôi dành thời gian để thăm thú. Tóm lại là, nếu mình biết sắp xếp thì vẫn đâu vào đấy.

Mong muốn lớn nhất của một người đàn bà đủ đầy như chị giờ là gì?

Là ngôi trường của tôi thành công.

Chị được nhắc đến như một người mẹ, người vợ khá cầu toàn. Chị làm điều đó như thế nào vậy?

Tôi tin rằng, mình là người biết nhìn xa hơn những gì mọi người vẫn nghĩ. Cách đây 15 năm, tôi đặt những viên gạch đầu tiên, nền móng cho gia đình, cho các con tôi, giờ đều đi rất đúng hướng. Tôi mong rằng, mình có đủ sáng suốt như những gì tôi làm cho gia đình đặt vào công ty này.

Chị có cho rằng, mình là người phụ nữ may mắn?

Tôi may mắn trong rất nhiều khía cạnh chứ không chỉ trong vấn đề con cái đâu. Tôi không đánh giá cao bản thân, nhưng với những gì đạt được đến lúc này, tôi nghĩ phần may mắn nhiều lắm.

Anh chị là bệ phóng cho các con. Nhưng chắc đó cũng là áp lực…?

Càng ngày tôi càng hiểu, đó là một áp lực rất lớn với các cháu. Tôi thương các con nhưng bù lại, các cháu cũng được những lợi thế khác. Đến giờ phút này, tôi thấy rằng, các con tôi khá tỉnh táo, ngoan, biết mình là ai, hạnh phúc ở đâu và đặc biệt cả ba đứa giống nhau đều không thích trở thành người của công chúng. Chúng thích một cuộc sống khiêm nhường không nhiều người biết đến, có lẽ đócũng là một phần của áp lực trong việc là con của một gia đình bố mẹ được chú ý.

Cảm ơn chị đã chia sẻ và chúc chị thành công!

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Text: Đào Bích – Creative Director: Hiepleduc – Photographer: Tùng Chu – Make-up: Nam Trung – Stylist: Sid Chung

Comment