Trưởng khoa Mắt FV Hospital, Bs. Nguyễn Thị Mai: Đam mê trả lại ánh sáng và vẻ đẹp cho đôi mắt • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Trưởng khoa Mắt FV Hospital, Bs. Nguyễn Thị Mai: Đam mê trả lại ánh sáng và vẻ đẹp cho đôi mắt

Bác sĩ Nguyễn Thị Mai là một trong những chuyên gia hàng đầu chuyên sâu về điều trị tật khúc xạ bằng phẫu thuật lasik và kính áp tròng (Ortho-K) tại Việt Nam. Với hơn 23 năm kinh nghiệm, bác sĩ Mai đã thực hiện thành công hơn 20.000 ca phẫu thuật tật khúc xạ và hơn 3.000 ca điều trị đục thủy tinh thể cũng như nhiều ca phẫu thuật thẩm mỹ vùng mắt, mí mắt… “Đem lại ánh sáng và vẻ đẹp cho đôi mắt là niềm hạnh phúc của tôi”, bác sĩ Mai tâm sự khi chia sẻ về niềm đam mê trong lĩnh vực nhãn khoa.

Bác sĩ “ghiền công việc”

Các đồng nghiệp thường trìu mến gọi bác sĩ Mai là người “ghiền công việc”, bởi chị luôn làm việc với một niềm say mê bất tận. Chị cũng thú nhận mình là người dễ thấy chán với công việc bình thường, đều đặn. Chính sự “dễ chán” ấy khiến chị thường xuyên dốc tiền túi tự đầu tư cho việc du học: “Cứ nghe nơi đâu có kỹ thuật mới tôi lại tìm cách tiếp cận để học hỏi”, bác sĩ Mai tâm sự. Không chỉ dừng lại ở những gì học được từ sách vở và trường lớp, chị luôn mạnh dạn áp dụng nhiều kỹ thuật mới có tính cải tiến vào công tác khám chữ bệnh. Sự táo bạo của chị thường mang lại thành công và được đồng nghiệp kính nể.

Là một trong những chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam về mổ tật khúc xạ, chị Mai được biết đến là người “chuyện trị” những ca khó, tiềm ẩn nguy cơ tai biến cao nếu không có sự cẩn trọng, khéo léo và kỹ thuật thành thục như các ca giác mạc cong…

Ông bà ta nói: “giàu hai con mắt khó hai bàn tay”. Thực tế bộ phận nào của cơ thể cũng đáng quý, nhưng khi có đôi mắt sáng khỏe, nhìn rõ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống cũng như công việc. Chị từng mổ cho một bệnh nhân cận hơn 10 độ, sau khi mổ xong, chị thốt một câu nghe vừa buồn cười vừa thương: “Bác Mai ơi, đến giờ tôi mới rõ mặt chồng tôi!”. Theo chị, chính những mong mỏi sáng mắt của bệnh nhân, giúp chị vượt qua các thử thách và luôn giữ lửa với nghề.

Tất bật từ sáng đến tối, với bác sĩ Mai, giấc ngủ trưa là khái niệm xa xỉ. “Khi ta chọn đúng nghề mình yêu thích và được gắn bó với nó hằng ngày thì sẽ luôn dồi dào năng lượng. Tôi may mắn vì được làm nghề mình yêu thích”, chị lý giải về nguồn năng lượng luôn tuôn chảy mãnh liệt.

“Tôi quan niệm, bất kỳ ai đã chọn nghề y thì phải có trách nhiệm chăm sóc và làm tốt nhất cho bệnh nhân. Nhãn khoa là công việc tôi yêu thích và tôi muốn đem lại những gì tốt chất cho bệnh nhân thông qua việc áp dụng thành quả khoa học vào khám chữa bệnh”.

Làm bác sĩ là ước mơ lớn của Nguyễn Thị Mai từ thuở chị còn là cô bé tóc thắt bím. Chị kể: “Từ nhỏ, mỗi khi bị bệnh, mẹ dẫn tôi khám ở một bác sĩ gần nhà. Ông bác sĩ cao lớn, oai phong với áo blu trắng đã gieo vào lòng tôi sự cảm phục nghề y. Rồi bà ngoại của tôi không may bị mảnh thủy tinh bắn vào mắt. Dù vết thương không nặng, nhưng thời đó phương tiện khám chữa bệnh còn khó khăn nên các bác sĩ không cứu được mắt bà. Thương bà, tôi quyết tâm sẽ trở thành bác sĩ đem lại ánh sáng cho ngoại. Cũng từ đôi mắt của ngoại, tôi nhận ra giá trị vô giá của đôi mắt”, bác sĩ Mai tâm sự.

“Giàu hai con mắt…”

Con đường vào ngành y của chị cũng nhiều thử thách bất ngờ. Từ bé, chị vốn sợ máu và dao kéo nhưng quyết định học ngành y, chị không ngờ đã chọn nghề buộc bản thân phải đối diện với điều mình sợ nhất! Khi học giải phẫu xác người, chị sợ đến nỗi chỉ dám đứng ngoài, mãi đến gần ngày thi, dồn mọi quyết tâm chị mới dám bước vào lớp học. Chính niềm yêu nghề và mong muốn phụng sự cộng đồng đã giúp chị từng bước chiến thắng nỗi sợ hãi ám ảnh ấy.

Ca phẫu thuật đầu tiên trong đời, đó là chuyến đi mổ mắt từ thiện ở Bến Tre, là một kỷ niệm ấm áp mà chị mang theo mãi trong lòng. Đến giờ, kể lại chị vẫn còn nhớ như in tưởng chừng có thể vẽ lại về bệnh nhân năm ấy: Một bà cụ già gầy gò lưng còng, do hoàn cảnh quá nghèo không có điều kiện mổ cườm mắt, kéo dài nhiều năm khiến bà phải sống trong tăm tối. “Khi tôi vừa mổ xong cho cụ, vừa nhìn thấy ánh sáng, bà cụ lao về phía tôi, bất ngờ quỳ sụp xuống chân tôi. Bà quỳ lạy tôi vì sung sướng. Hành động của bệnh nhân khiến tôi vừa bối rối vừa xúc động nghẹn ngào. Tôi vỡ ra một điều: người bác sĩ khi giúp mang lại điều tốt đẹp cho bệnh nhân tức là đem lại hạnh phúc vô bờ cho họ. Kỷ niệm đó là động lực giúp tôi luôn yêu công việc của mình hơn”.

Từng làm nhiều trung tâm, bệnh viện nhãn khoa, đến nay, chị cho biết, rất hài lòng về bản thân – những gì mong muốn trong nghề đều đạt được, các kỹ thuật mới tiên tiến của thể giới chị đều am hiểu và làm chủ kỹ thuật. Nhận lời mời của bệnh viện FV về làm trưởng khoa Mắt, chị thấy mình may mắn khi được làm việc trong một môi trường quốc tế, có điều kiện giao lưu với nhiều đồng nghiệp tài năng của thế giới. Các máy móc thiết bị hiện đại hỗ trợ người thầy thuốc rất nhiều, tạo điều kiện thuận lợi các ca phẫu thuật thành công cao, kết quả tốt.

Không dừng lại ở thành công đạt được, những năm gần đây chị tiếp tục lao vào nghiên cứu điều trị lão thị. “Đây là một mảng mới, chưa được Việt Nam chú trọng, trong khi chăm sóc mắt người cao tuổi rất quan trọng. Vì trên 40 ai cũng bị lão hóa và nhu cầu điều trị lão khoa rất nhiều. Khi học Chuyên khoa 2, tôi chọn đề tài báo cáo mổ lão bằng laser, đề tài này đã thành công và khách hàng hài lòng với kết quả điều trị. Hiện khoa Mắt của FV đã nhập loại máy mới hiện đại, có thể điều trị lão bằng nhiều cách rất khả quan”, chị cho biết.

Với việc thúc đẩy điều trị lão khoa, một lĩnh vực mới công việc của chị sẽ luôn là những thách thức mới đầy thú vị.

Q&A

Ấn tượng nào khó quên nhất đối với chị?

Có lẽ đó là… mũi tiêm đầu tiên! Không chỉ sợ máu, tôi sợ cả kim tiêm, dao kéo… Khi đi học chích thuốc, nhìn “tướng” lớ ngớ của tôi, chẳng bệnh nhân nào chịu cho tôi chích. Thấy tôi loay hoay đến tội nghiệp, một bệnh nhân sốt rét cơ bắp lực lưỡng, vẫy tôi lại chìa vai cho tôi thực tập. Tôi mừng quýnh, mang ơn người đó vô cùng. Mũi tiêm đầu tiên chích vào cơ bắp của người thật, do quá căng thẳng nên tôi làm đổ ra ngoài phân nửa! Mũi tiêm đó đã khiến tôi quyết tâm: phải vượt lên nỗi sợ hãi của bản thân mới trở thành một bác sĩ để phục vụ cộng đồng được.

Hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực nhãn khoa, điều gì khiến chị trăn trở?

Điều tôi trăn trở là nhiều người chưa quan tâm đến sức khỏe đôi mắt, thường bỏ qua việc khám định kỳ, đến gặp bác sĩ khi bệnh nặng. Trong khi đó, lại có tâm lý muốn hết bệnh và hết cho nhanh nhưng ở giai đoạn muộn thì thường gây áp lực cho bác sĩ. Nhiều người đến khám khi đã bị biến chứng, thậm chí nhiều đứa trẻ đã bị cận 3-4 độ mà cha mẹ không hay biết.

Điều đáng lo ngại nữa là có nhiều lái xe bị cận mà không đeo kính, vẫn hành nghề bình thường bởi nếu họ đeo kính sẽ không được tuyển dụng. Tôi từng khám cho rất nhiều tài xế bị cận mà không đeo kính dù độ cận khá cao. Cách đây 1 năm, tôi mổ cho anh tài xế của 1 công ty đưa rước công nhân viên về thành phố, anh cận hơn 4 độ. Khi tôi hỏi: “Sao lâu nay anh không đi mổ, cũng không đeo kính?”, anh trả lời tỉnh queo: “Đường nằm trong lòng bàn tay tôi rồi bác sĩ ơi!”. Tôi còn biết một tài xế xe khách Sài Gòn-Tây Ninh cũng cận hơn 7 độ mà chạy xe không đeo kính. Anh cũng tuyên bố: “Tôi đi từ nhỏ tới lớn đường thuộc làu”. Thế nên, các cô điều dưỡng nói đùa: ở tỉnh về quê bằng xe đò thì trước khi bước lên xe giơ tay lên hỏi bác tài đếm xem mấy ngón tay, nếu đếm đúng thì đi còn không thì tụt xuống.

Nếu chị có một lời khuyên cho cộng đồng, thì đó là gì?

Việc giữ gìn mắt đơn giản, chỉ cần hiểu biết. Nhiều người chưa được phổ biến kiến thức chăm sóc cộng đồng nhiều nên không biết cách chăm sóc sức khỏe đôi mắt. Họ sử dụng mắt một cách xa xỉ, như xài máy tính nhiều, tối thức khuya, sáng dậy trễ… Những thói quen đó vô tình làm hại mắt mà không biết. Là bác sĩ chuyên khoa mắt, tôi mong mọi người hãy quan tâm hơn đến đôi mắt của chính mình để chất lượng cuộc sống cao hơn.

Cảm ơn bác sĩ!

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment