Biz Inspiration | FOUNDER: Bạn là ai?

Biz Inspiration | FOUNDER: Bạn là ai?

Trong thế giới kinh doanh đầy biến động và cạnh tranh, những nhà sáng lập đóng vai trò quan trọng như những ngọn lửa soi đường, mang đến những cơ hội và sự thay đổi táo bạo. Họ là đại diện cho niềm đam mê, sự sáng tạo và lòng kiên nhẫn tạo nên những thay đổi vượt bậc cho cuộc sống. Vậy đâu là công thức tạo nên “Founders” – những nhà sáng lập?

Founder nhà sáng lập khởi nghiệp kinh doanh

Trên thế giới liên tục có rất nhiều “Founder” hay nhà sáng lập doanh nghiệp thành công và xây dựng được đế chế riêng. Tiêu biểu như Elon Musk, người đã đưa Tesla và SpaceX lên tầm cao mới, thúc đẩy tiến bộ công nghệ và khám phá vũ trụ. Hay Steve Jobs nhà sáng lập Apple và mang đến cuộc cách mạng thiết bị di động với iPhone và iPad. Không thể không kể đến Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook và đã thay đổi cách thức mọi người kết nối với nhau thông qua các mạng xã hội. Hay Whitney Wolfe Herd, nữ doanh nhân mới ngoài 30 tuổi nhưng đã sáng lập thành công hai ứng dụng hẹn hò phổ biến nhất hành tinh là Tinder và Bumble, góp phần thay đổi cách con người hẹn hò yêu đương. Nhiều câu hỏi đã đặt ra, lý giải tại sao họ thành công. Hãy cùng tạp chí Nữ Doanh Nhân tìm hiểu xem hình mẫu những nhà sáng lập là gì nhé!

1. Founders – Những nhà sáng lập, bạn là ai?

Khái niệm “Founder” – nhà sáng lập hay nhà đặt nền móng đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử, với nhiều nhân vật được xem là những nhà sáng lập quan trọng, từ các đế chế cổ đại, các tổ chức khoa học công nghệ, đến những doanh nghiệp đương đại. Nhà sáng lập có ý tưởng ban đầu và thường là người khởi xướng việc thành lập cho một thể chế hay tổ chức, là người xây dựng nền tảng, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tầm nhìn, giá trị cốt lõi, và chiến lược phát triển của doanh nghiệp, nói nôm na nhà sáng lập chính là linh hồn của một tổ chức.

Về kinh doanh, dựa trên thế mạnh cá nhân và lĩnh vực hoạt động, các nhà sáng lập doanh nghiệp được phân loại cơ bản như sau:

  • Technical Founder: Đây là nhà sáng lập có kiến thức và kỹ năng chuyên môn cao trong lĩnh vực công nghệ, phát triển phần mềm, hoặc thiết kế sản phẩm. Họ thường đảm nhận vai trò quản lý sản phẩm và công nghệ, xây dựng sản phẩm hoặc dịch vụ cốt lõi và định hình chiến lược công nghệ.
  • Business Founder: Mẫu nhà sáng lập có khả năng kinh doanh, quản lý và xây dựng mô hình kinh doanh. Họ thường đảm nhận vai trò phát triển chiến lược kinh doanh, tìm kiếm khách hàng, xây dựng mạng lưới quan hệ và quản lý hoạt động kinh doanh tổng quát.
  • Creative Founder: Là những nhà sáng lập có tư duy sáng tạo và năng lực trong việc tạo ra các ý tưởng mới, thiết kế và truyền thông. Họ có thể đảm nhận vai trò trong việc phát triển sản phẩm, branding, marketing và quảng cáo.
  • Financial Founder: Đây là nhà sáng lập có kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực tài chính và quản lý tài sản. Họ có thể đảm nhận vai trò trong việc xây dựng và quản lý chiến lược tài chính, thu thập vốn và quản lý rủi ro tài chính.
  • Social Founder: Đây là người sáng lập có mục tiêu xã hội và quan tâm đến các vấn đề xã hội, môi trường hoặc cộng đồng. Họ có thể đảm nhận vai trò trong việc xây dựng mô hình kinh doanh xã hội, gây quỹ từ thiện hoặc vận động ủng hộ của đối tác cộng đồng.
Founder nhà sáng lập khởi nghiệp kinh doanh

2. “Founders” có những thuộc tính thành công nào?

Mỗi người sáng lập đều có những đặc điểm và phong cách riêng, không thể có một công thức thành công chung cho tất cả. Tuy nhiên, để trở thành một nhà sáng lập doanh nghiệp thành công, những chuyên gia quan sát đã đúc kết một số yếu tố tính cách như sau:

  • Đam mê

Đầu tiên và quan trọng nhất, nhà sáng lập doanh nghiệp phải là người có đam mê sâu sắc và nhiệt huyết dâng trào đối với lĩnh vực hoặc ý tưởng kinh doanh của mình. Chính đam mê sẽ tạo động lực thôi thúc nhà sáng lập không ngừng học hỏi, tiến về phía trước, vượt qua thử thách và tạo ra đột phá.

  • Sáng tạo và tầm nhìn

“Founder” thường có ý tưởng sáng tạo và tầm nhìn rõ ràng về việc xây dựng một doanh nghiệp thành công. Tầm nhìn này sẽ định hình chiến lược và hướng phát triển trong tương lai. Vì thế, các nhà sáng lập phải rèn luyện cho mình khả năng nhìn xa trông rộng và định hình tương lai khác biệt.

  • Kiến thức và kỹ năng

Người sáng lập doanh nghiệp cần có kiến thức và kỹ năng cần thiết trong lĩnh vực kinh doanh của mình. Đó có thể là kinh nghiệm trong lĩnh vực liên quan, hiểu rõ thị trường và có khả năng tạo ra giá trị trong doanh nghiệp. Việc sở hữu kiến thức và kỹ năng cần thiết sẽ giúp xây dựng và quản lý công ty một cách hiệu quả.

  • Khả năng quan sát

Nhà sáng lập là người cần có khả năng quan sát tốt, luôn nhìn được bức tranh toàn cảnh mọi vấn đề đang diễn ra trên thị trường, trong xã hội, từ đó nắm bắt được những nhu cầu cần được thoả mãn. Nhờ thế, các nhà sáng lập sẽ dễ nảy ra các ý tưởng cho sản phẩm mới, hoạch định những chiến lược đúng đắn nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và giúp doanh nghiệp tăng doanh thu.

  • Kiên nhẫn và quyết tâm

Thuyền to sóng cả, cương vị càng cao trách nhiệm càng lớn, các nhà sáng lập thường phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn trong quá trình khởi nghiệp. Chính sự kiên nhẫn, quyết tâm và khả năng “vững tay chèo vượt qua sóng cả” là những đặc điểm quan trọng để đạt được thành công.

  • Tự tin và quyết đoán

Thành công sẽ không đến với người rụt rè và nhút nhát, mà chính sự tự tin, quyết đoán sẽ dẫn lối. Tâm lý vững vàng, làm chủ được cảm xúc và có niềm tin mãnh liệt vào bản thân là chìa khóa giúp cho các nhà sáng lập đi đến thành công. Trong đó, việc nắm bắt thời cơ được ví như “bản năng” của người làm “founder”. Họ không chỉ biết bắt lấy cơ hội kịp lúc, mà còn có khả năng quyết định nhanh chóng để đi tắt đón đầu, chiếm lĩnh cơ hội.

  • Linh hoạt và thích ứng

Các “founder” thường phải đối mặt với sự biến đổi liên tục trong quá trình khởi nghiệp. Vì thế, khả năng nhìn nhận thực tế, biết cách chấp nhận và thay đổi chiến lược khi cần thiết là biểu hiện của một người có tố chất làm “founder”. Họ cần có khả năng thích ứng và điều chỉnh chiến lược, kế hoạch và mô hình kinh doanh theo nhu cầu và tình hình thị trường.

  • Xây dựng mối quan hệ

Có một sự thật rằng những người có cùng suy nghĩ và cùng tần số sẽ thu hút nhau, và họ có thể trở thành những nhà hỗ trợ đắc lực về sau của doanh nghiệp. “Founder” thường có khả năng xây dựng mạng lưới quan hệ và thiết lập các mối quan hệ có giá trị trong lĩnh vực của mình. Mạng lưới này có thể giúp họ tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đối tác và hỗ trợ trong việc phát triển doanh nghiệp. Trong những buổi gặp gỡ với các đối tác, họ có thể là người nảy sinh những ý tưởng mới, hoặc tìm thấy sự tương đồng giữa các ý tưởng để có thể gắn kết chúng.

  • Lãnh đạo và truyền cảm hứng

Nhà sáng lập không chỉ đơn thuần là người thành lập và điều hành công ty, mà còn là người định hướng và tạo động lực cho đội ngũ và cộng đồng xung quanh. Bằng cách tạo ra một hướng đi rõ ràng và cung cấp định hướng, nhà sáng lập tạo nên một tầm nhìn chung cho đội ngũ và thu hút sự đồng lòng và cam kết của mọi người. Nhà sáng lập cần có khả năng truyền cảm hứng và thúc đẩy sự đam mê và nhiệt huyết cho công việc. Họ phải biết cách giao tiếp một cách hiệu quả, truyền đạt tinh thần và ý nghĩa của công việc đến đội ngũ của mình để tạo nên một môi trường làm việc tích cực, khích lệ sự sáng tạo và tinh thần cống hiến từ đội ngũ.

Founder nhà sáng lập khởi nghiệp kinh doanh

3. Làm thế nào để trở thành “Founders”?

Trở thành “founder” của một doanh nghiệp là một quá trình hướng đến mục tiêu dài hạn. Nó đòi hỏi sự cam kết, đam mê và sự kiên nhẫn để xây dựng và phát triển một ý tưởng kinh doanh thành công. Để trở thành một nhà sáng lập doanh nghiệp, bạn cần trải qua những giai đoạn học hỏi và tích lũy kinh nghiệm trong cuộc sống và lĩnh vực kinh doanh mình quan tâm, chẳng hạn như:

  • Làm việc hoặc thực tập để lấy kinh nghiệm tại các công ty startup: Trong giai đoạn hình thành và phát triển ban đầu, các công ty khởi nghiệp có quy trình vận hành rất khác so với các tập đoàn lớn. Chính vì vậy, nếu muốn trở thành một nhà sáng lập doanh nghiệp, bạn có thể làm việc hoặc thực tập tại các công ty startup để lấy kinh nghiệm. Trong đó, bạn có thể học hỏi cách xử lý và giải quyết vấn đề của người đi trước trong từng giai đoạn thăng trầm của doanh nghiệp. Đây chính là bài học kinh nghiệm quý giá mà không tiền bạc nào mua được.
  • Tìm cho mình một mentor để học hỏi và đồng hành: Tìm kiếm một cố vấn tiềm năng là điều giúp bạn sớm trở thành nhà sáng lập. Họ có thể là “founder” của các doanh nghiệp, giảng viên tại các trường đại học, những bạn bè đã có kinh nghiệm trong việc vận hành và quản lý doanh nghiệp riêng…
  • Thường xuyên theo dõi tin tức và các chương trình startup: Để nắm bắt xu hướng thị trường và nhu cầu của người dùng, bạn nên thường xuyên theo dõi tin tức kinh tế trong và ngoài nước lẫn các chương trình startup để hiểu thêm về bức tranh toàn cảnh. Từ đó, bạn có thể tìm thấy cơ hội hay các ý tưởng kinh doanh từ các tin tức và chương trình mà mình đã xem.
  • Tham gia các hội thảo, lớp học, sự kiện hoặc cuộc thi khởi nghiệp: Khi bạn bắt đầu khởi nghiệp trong một lĩnh vực nào đó, để tìm được một hoặc nhiều người hiểu được những khó khăn, thách thức của bạn là một điều quý giá. Vì thế, tham gia các lớp học và sự kiện, hay những cuộc thi khởi nghiệp là một ý tưởng tuyệt vời để xây dựng mối quan hệ và kết nối với những người cùng chí hướng.Đây cũng chính là nguồn lực quan trọng giúp bạn tìm kiếm các nhà đầu tư trong tương lai.

4. Founder và CEO có gì giống và khác?

Đều là hai chức danh đứng đầu doanh nghiệp, Founder và CEO có nhiều điểm tương đồng lẫn khác biệt. Founder là người đưa ra ý tưởng thành lập hoặc xây dựng một doanh nghiệp từ những ngày đầu. Trong khi đó, CEO (Chief Executive Officer) là Giám đốc Điều hành, người đảm nhận vị trí này có thể chính là người sáng lập hoặc được tuyển dụng để điều hành một công ty. Công việc chính của một CEO là lên kế hoạch và xác định phương hướng phát triển cụ thể cho doanh nghiệp nhằm hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra. Đồng thời, họ cũng là người chịu trách nhiệm về tất cả các hoạt động của doanh nghiệp.

Về điểm tương đồng, Founder và CEO đều có trách nhiệm lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp và có ảnh hưởng lớn đến định hướng phát triển lẫn thành công của công ty. Cả hai đều tham gia vào quá trình ra quyết định chiến lược và định hình tương lai của doanh nghiệp.

Về sự khác biệt, Founder có liên quan trực tiếp đến ý tưởng ban đầu, tầm nhìn và giá trị cốt lõi của công ty, trong khi đó, CEO thường được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào vị trí này sau khi công ty đã được thành lập. Founder thường có mức độ kiểm soát cao hơn trong quyết định chiến lược và hướng đi của công ty, trong khi đó, CEO thường phải làm việc với ban điều hành hoặc hội đồng quản trị trong đó có các Founders để thực hiện các quyết định. Founder có xuất phát điểm từ sự đam mê và ý tưởng ban đầu, trong khi CEO thường được đánh giá dựa trên khả năng lãnh đạo và quản lý kinh doanh.

Ở các công ty khởi nghiệp, trong thời gian đầu, các nhà sáng lập thường sẽ kiêm nhiệm vị trí CEO. Nhưng hiện nay theo xu hướng mới, các nhà sáng lập thường sẽ “nhường sân khấu” cho CEO khác điều hành sau khi “con thuyền doanh nghiệp” đã vững tay chèo hoặc sau quá trình IPO (Initial Public Offering – hình thức huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu đầu tiên ra công chúng).

Một kết quả nghiên cứu cho thấy vai trò lãnh đạo của người sáng lập kiêm CEO thường giúp giá trị công ty tăng cao hơn gần 10% tại thời điểm IPO. Tuy nhiên, giá trị công ty dưới sự lãnh đạo của nhà sáng lập lại giảm nhanh trong các năm sau đó và dần trở nên không đáng kể sau khoảng ba năm kể từ khi công ty niêm yết. Thậm chí, có những trường hợp, nhà sáng lập bắt đầu có những ảnh hưởng tiêu cực hoặc không còn hợp thời đến giá trị của công ty trong dài hạn.

Founder nhà sáng lập khởi nghiệp kinh doanh

5. Founder nên giữ vị trí CEO bao lâu?

Trung bình trong quá trình phát triển của một công ty, vai trò CEO được người sáng lập đảm nhận mang lại nhiều giá trị nhất trong những năm đầu. Tuy nhiên, khi công ty đã tồn tại được sáu năm, người sáng lập thường trở nên có giá trị hơn khi chuyển sang các vị trí khác ngoài vai trò CEO, như CTO hoặc một vị trí trong hội đồng quản trị. Tất nhiên, sáu năm chỉ là một con số tương đối, khoảng thời gian tối ưu sẽ khác nhau đáng kể tùy thuộc vào tình hình cụ thể và quyết định của bản thân “Founder” và hội đồng quản trị.

Một số “Founder” có thể tiếp tục giữ vai trò CEO trong suốt quá trình phát triển công ty, trong khi một số nhà sáng lập có thể quyết định chuyển giao vai trò CEO cho người khác khi công ty đạt được một giai đoạn phát triển nhất định hoặc khi có nhu cầu mở rộng quy mô. Mục tiêu chính là đảm bảo rằng công ty có một người lãnh đạo phù hợp để đạt được chiến lược và đáp ứng các yêu cầu của giai đoạn phát triển hiện tại và tương lai.

Trong quá trình người sáng lập doanh nghiệp quyết định chuyển giao quyền quản trị, thường có ba tình huống phổ biến xảy ra:

Thứ nhất, nhà sáng lập có thể quyết định chuyển hướng khỏi vị trí CEO. Ngoài các vai trò truyền thống, “Founder” cũng có thể tích hợp với các vai trò khác trong công ty tùy thuộc vào sự phát triển và quy mô của doanh nghiệp. Ví dụ, “Founder” có thể giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị, CTO (Giám đốc Công nghệ), CMO (Giám đốc tiếp thị), hoặc chuyển sang các vai trò tư vấn, nhà đầu tư hoặc cố vấn chiến lược. Quyết định về vai trò cụ thể phụ thuộc vào năng lực, sự phù hợp và mục tiêu phát triển của “Founder” cùng với sự tương tác và sự đồng ý của ban điều hành hoặc hội đồng quản trị. Ví dụ, khi Google đạt doanh thu 100 triệu USD, Sequoia Capital – một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Google lúc đó – lo ngại về khả năng quản lý của Larry Page và Sergey Brin trong việc dẫn dắt một công ty đang phát triển quá nóng. Vì vậy, Page và Brin đã mời Eric Schmidt làm CEO và Eric Schmidt đã đồng hành với Google trong quá trình IPO thành công và đạt được sự phát triển đáng kể.

Thứ hai, một số nhà sáng lập quyết định đào tạo và chuyển giao quyền điều hành cho một người kế nhiệm. Ví dụ, Steve Jobs đã tự mình tuyển dụng Tim Cook như là người kế nhiệm và giúp ông chuẩn bị cho vị trí CEO. Dưới sự lãnh đạo của Tim Cook, giá cổ phiếu của Apple đã tăng lên 1,022%.

Thứ ba, một số nhà sáng lập sau khi chuyển giao quyền điều hành quyết định theo đuổi các dự án hoặc đam mê khác. Ví dụ, Jon Huntsman đã rời Huntsman Chemical để thành lập Viện Nghiên cứu Ung thư Huntsman. Tương tự, Bill Gates của Microsoft đã tập trung vào việc thành lập và điều hành Quỹ Bill & Melinda Gates sau khi chuyển giao quyền điều hành tập đoàn Microsoft.

“Founder” sẽ làm gì nếu có thêm “Co-Founders”?

“Co-Founder” của một doanh nghiệp là những người cùng tham gia vào quá trình sáng lập và thành lập công ty với “Founder” từ ban đầu. Các “Co-Founder” hay còn gọi là nhà đồng sáng lập có thể là những người vợ hoặc chồng, là bạn bè, đồng nghiệp, đối tác, hoặc những người có cùng tầm nhìn và mục tiêu kinh doanh với “Founder”. Khi có thêm các nhà đồng sáng lập trong một doanh nghiệp, “Founder” có thể:

– Chia sẻ tầm nhìn chiến lược và kế hoạch, đường hướng phát triển doanh nghiệp trong ngắn hạn và dài hạn.Phân chia trách nhiệm và vai trò phù hợp sở trường và kỹ năng của mỗi người.

– Xây dựng một đội ngũ mạnh mẽ bằng cách tuyển dụng nhân viên phù hợp và xác định cơ cấu tổ chức hiệu quả.

– Quản lý và hỗ trợ các “Co-Founder” để đảm bảo tất cả các thành viên đều hoạt động hiệu quả và đóng góp vào sự thành công của công ty.

– Xây dựng mối quan hệ đồng đội tạo tinh thần làm việc đoàn kết và khả năng giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả.

***

Nhà sáng lập không chỉ là những con người đơn thuần, mà là biểu tượng của sự kiên nhẫn, sự đam mê và lòng tin tưởng vào bản thân. Họ không ngại đối mặt với khó khăn, mà thậm chí làm nên thành công từ những thất bại. Họ là những người tạo ra không chỉ những doanh nghiệp thành công, mà còn là niềm hy vọng và nguồn cảm hứng cho mọi người. Họ đã chứng minh rằng không có giới hạn nào cho sự sáng tạo và ước mơ của con người.

Hãy lắng nghe giọng nói bên trong khát khao nội tại của mỗi chúng ta, như một nhà sáng lập tiềm năng đang chờ đợi để được xuất hiện. Hãy tin rằng chúng ta có khả năng thay đổi thế giới và tạo ra những điều kỳ diệu.

FACTS
“Founder” nữ – Tiềm năng còn ở phía trước!


3% Trung bình chỉ có 3% vốn đầu tư mạo hiểm được dành cho doanh nghiệp do phụ nữ thành lập trên toàn cầu. Trong đó, 95,1% quỹ đầu tư mạo hiểm ở Mỹ có người đồng sáng lập là nam giới, và chỉ 5% đồng sáng lập là nữ. Tuy nhiên trên thực tế, các quỹ mạo hiểm do phụ nữ thành lập thường hoạt động tốt hơn (theo các thống kê tại diễn đàn Phụ nữ Đổi mới sáng tạo thuộc Techfest Vietnam 2022).

31% Tỷ lệ người sáng lập là nữ chiếm tỷ lệ trung bình là 31% trên toàn cầu. Tỷ lệ này có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia, từ 8% ở Nhật Bản đến hơn 50% ở Nam Phi và Uganda (theo báo cáo “Women in Business” của Grant Thornton năm 2021).

5,7% Chỉ có 5,7% công ty khởi nghiệp ở châu Á – Thái Bình Dương là do các nữ doanh nhân lãnh đạo và tỷ lệ này không hề thay đổi trong suốt 5 năm qua (theo nghiên cứu của JPMorgan Chase & Co.).

26,5% Tại Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, xếp thứ 9/58 trên thế giới, đồng thời tỷ lệ phụ nữ khởi nghiệp nhiều hơn nam giới (theo nghiên cứu của BCG năm 2016).

Bài viết đã được đăng tải trên ấn phẩm Nữ Doanh Nhân số 146.2024 | Text: Jenni Võ, Quỳnh Nguyễn | Photo: Adobe Stock

Có thể bạn quan tâm:

Comment