Chuyển giao cuộc đời: Hãy chuẩn bị để không đau đớn!

Giai đoạn “hóa bướm” trong sự nghiệp: Hãy chuẩn bị để không đau đớn!

Trên con đường thăng tiến, khi chuẩn bị bước vào vai trò lãnh đạo, dù đã là một nhà điều hành dày dặn kinh nghiệm hay là một nhân viên tài năng vừa được cất nhắc, tất cả đều sẽ gặp những thách thức của việc làm sếp. Sự chuẩn bị trong quá trình chuyển giao này sẽ tác động rất lớn đến sự nghiệp của bạn. 

Chuyển giao vị trí không đơn thuần chỉ là việc thay đổi chức vụ của một cá nhân. Điều này còn ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức, nhân viên, khách hàng và hàng nghìn mối quan hệ nằm trong hệ sinh thái của doanh nghiệp. Để quá trình “lột xác” không diễn ra đau đớn, bạn cần có sự chuẩn bị như thế nào?

Hãy chuẩn bị cho giai đoạn chuyển giao cuộc đời không đau đớn!

Giai đoạn lột xác từ sâu thành bướm

Một nhân viên xuất sắc là người luôn biết cách lập kế hoạch để hoàn thành tốt công việc chuyên môn và phối hợp nhịp nhàng với đội nhóm của mình. Do đó, họ thường được cấp trên giao thêm nhiều trách nhiệm mới hoặc sẽ được thăng chức lên một vị trí quan trọng hơn. Với tư cách là một người quản lý mới, những kiến thức chuyên môn mà bạn đã tích góp trong thời gian qua sẽ là phương tiện bổ trợ cho công việc điều hành của bạn, nhằm thúc đẩy nhân viên và đội nhóm làm việc hiệu quả.

Một con sâu phải trải qua một quá trình lột xác lâu dài để trở thành một con bướm trưởng thành, xinh đẹp. Một người lãnh đạo muốn thành công trong quá trình chuyển đổi này cần phải chuẩn bị cho mình một tinh thần cởi mở, ham học hỏi và khả năng quan sát, đánh giá tình hình thật tốt. Đặc biệt, những nhà điều hành trẻ tuổi thường có xu hướng muốn bắt tay vào thực hiện ngay các thay đổi và kế hoạch. Đừng vội vã, vì đó có thể là một sai lầm mà bất cứ nhà điều hành mới nào cũng mắc phải. Bạn cần có thời gian để tìm hiểu và lập kế hoạch từng bước cho lộ trình từ sâu thành bướm này.

“Khi bạn là một cá thể, bạn có thể là một ngôi sao. Nhưng khi bạn là một nhà quản lý, bạn sẽ phải tạo ra được những ngôi sao mới.”

Trong vai trò là một người điều hành, bạn phải nắm vững các vấn đề cốt lõi của doanh nghiệp trước tiên, vì bạn cần truyền đạt những điều ấy đến nhân viên cấp dưới thay vì bắt buộc họ phải tuân theo các chỉ thị một cách mù quáng. Một nhà lãnh đạo giỏi là người không chỉ có cái nhìn bao quát về bức tranh lớn của doanh nghiệp, mà còn phải nhìn ra được những kẻ hở, những chi tiết nhỏ bé nhất trong bộ máy hoạt động. Quan trọng hơn hết, bạn cần biết biết khi nào là thời cơ thích hợp để hành động. Đừng nóng vội! Vì quá trình “lột xác” của bướm luôn phải trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt và cần sự kiên nhẫn hơn bao giờ hết.

Hãy chuẩn bị cho giai đoạn chuyển giao cuộc đời không đau đớn!

 

Giai đoạn cất cánh của chú bướm mới

Một nhà điều hành mới sẽ là người tiếp quản đội nhóm hiện có hoặc sẽ xây dựng một đội ngũ cho riêng mình. Khi bạn là một cá thể, bạn có thể là một ngôi sao, nhưng khi bạn là một nhà quản lý, bạn phải tạo ra được những ngôi sao mới. Sự chuyển giao này đòi hỏi những người có xu hướng hoạt động cá nhân, phải thay đổi tư duy theo hướng tập thể, lấy lợi ích chung làm trọng. Mọi người sẽ là một tập thể cùng nhau đẩy mạnh hiệu suất công việc và bạn chính là người thúc đẩy từ phía sau một cách tích cực. Là một lãnh đạo mới, hãy khuyến khích nhân viên cùng thảo luận và đưa ra các đề xuất giải quyết vấn đề. Điều này sẽ tạo nên một văn hóa doanh nghiệp mang tính dân chủ và đòi hỏi nhân viên phải nắm rõ mọi khía cạnh của công việc, kể cả những việc không thuộc chuyên môn của mình.  

Quan trọng hơn hết, hãy tránh làm “siêu anh hùng”. Các nhà quản lý mới thường có xu hướng tin rằng chính mình có thể làm mọi việc tốt hơn bất kỳ ai khác. Vì vậy, đôi lúc, họ cũng tự mình “nhảy” vào các công việc thuộc về nhân viên cấp dưới. Bạn đã trải qua một quá trình “lột xác” khắc nghiệt cho quá trình chuyển giao vị trí này, và cách quản lý vi mô không còn phù hợp với vị trí hiện tại của bạn. Thành công ngắn hạn này có thể kìm hãm những thành công lâu dài và nhân viên của bạn sẽ không thể tiến bộ nếu người sếp của họ luôn ôm đồm mọi thứ về mình. Công việc của bạn bây giờ là tìm ra được những nhân viên tài năng, đào tạo và thúc đẩy họ làm việc tốt hơn và phát triển các chiến lược nhằm cải thiện hiệu suất công việc.

Hãy chuẩn bị cho giai đoạn chuyển giao cuộc đời không đau đớn!

Trong giai đoạn chuyển giao vị trí này, đừng đòi hỏi mọi thứ phải luôn thật hoàn hảo và sát sao với mong muốn của bạn. Hãy để cấp dưới có thời gian thích nghi với vị lãnh đạo mới của mình. Bởi vì bạn cũng đã từng ở vị trí của họ, hơn ai hết, bạn là người hiểu được chính sự tin tưởng và trao cơ hội mới là cách thúc đẩy nhân viên làm việc hiệu quả hơn là sự áp đặt, chuyên quyền.

Thay vì chỉ chú tâm đến khối lượng công việc và kết quả cuối cùng, những nhà điều hành cần nhìn ra được những điểm tắc nghẽn khiến công việc trì trệ và tiến hành cải tổ lại văn hóa làm việc của nhân viên. ­Và đừng chỉ đưa ra các sắc lệnh buộc nhân viên phải răm rắp làm theo, hãy từng bước dẫn dắt, hỗ trợ họ trong việc lập kế hoạch, làm việc tích hợp để công việc luôn được thu xếp ổn thỏa. Là một lãnh đạo mới, hãy từng bước thu phục nhân tâm của nhân viên bằng phong cách quản lý mềm dẻo của mình, chính là cách để họ tin tưởng và ra sức cống hiến cho doanh nghiệp. Đi cùng nhau, doanh nghiệp của bạn sẽ tiến xa hơn nhiều so với bất kỳ nhà lãnh đạo nào có thể đi một mình.

Quá trình chuyển giao, “lột xác” từ sâu thành bướm nào cũng phải trải qua những khó khăn, đau đớn. Quan trọng hơn hết, hãy tin vào chính mình, giữ một tinh thầm ham học hỏi và xây dựng cho mình một tư duy, phong cách lãnh đạo đúng đắn, chúng tôi tin rằng bạn sẽ bước qua giai đoạn chuyển giao này một cách ngoạn mục.

Text: An Mi

Bài viết độc quyền trên số 140 của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Comment