Một trong những chủ đề được quan tâm nhất là làm thế nào để có thể giáo dục tốt một đứa trẻ, bởi nó không chỉ ảnh hưởng đến tương lai của đứa trẻ, mà còn là tương lai của toàn thế giới.
Ngày càng có nhiều cha mẹ đang thực hiện quyền kiểm soát theo ý định riêng (dù biết đó là vì lợi ích của con cái) rồi nuôi dạy con mà không có kế hoạch, mục tiêu và định hướng. Dẫn đến một thế hệ thiếu tự chủ và không có động lực. Là một người sếp ở công ty, hay một quản lý của cả đội ngũ, nhưng khi về nhà, đã bao giờ bạn nghĩ rằng mình cũng vô tình áp đặt vai trò trong công việc lên con mình? Chìa khóa để giải quyết vấn đề là các bậc cha mẹ nên ngừng can thiệp và cho trẻ thêm tự do để lựa chọn và học cách đưa ra quyết định.
Tiến sĩ William Stixrud, nhà tâm lý học lâm sàng và là tác giả của một trong cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ “The Self‑Driven Child” (tựa Việt: Đứa trẻ tự định hướng) đã nói rằng: Thế hệ cha mẹ ngày nay có sự lo lắng chưa từng thấy, và điều này làm dấy lên một thế hệ hoang mang và “lo lắng mới”.
Ngừng can thiệp và cho trẻ tự do
Trong cuộc sống, độc lập rất quan trọng. Tin rằng, trẻ em cũng chỉ có thể thực sự tự chủ khi chúng cảm thấy rằng chúng có thể dẫn dắt cuộc sống của chúng và có được định hướng mà chúng mong muốn trong cuộc đời mình.
Cha mẹ nên dừng lại hành động đối xử với một đứa trẻ như một người sếp hay quản lý và cố gắng đóng vai trò như những nhà tư vấn. Nhà cố vấn là người mở đường, chỉ lối và thể hiện sự tôn trọng đối với người mà họ tin rằng họ có thể giúp đỡ người ấy làm tốt hơn. Khi cha mẹ biết tôn trọng con cái, cho chúng tự chủ nhiều hơn và để chúng tự giải quyết những vấn đề xảy ra, dù đó đơn giản chỉ là một bài tập về nhà thì chúng sẽ có thể tự làm nhiều thứ hơn và xem sự hỗ trợ của cha mẹ là món quà vô giá.
“Buông tay” con cái là điều rất khó bởi cha mẹ biết rằng thế giới ngoài phức tạp và nguy hiểm hơn bao giờ hết, nhưng để đứa trẻ không bị tổn hại thì sự giám sát liên tục có thể là một quyết định sai lầm.
Liệu con có được nhận vào trường đại học ưu tú, liệu con có trúng tuyển vào một công ty danh tiếng, liệu con có đang làm tốt? Tất cả mọi câu hỏi mà bạn lo lắng chỉ là những quan tâm “hạn hẹp” mà bạn không muốn buông bỏ, trong khi điều quan trọng hơn là hoàn thành vai trò người cố vấn để hiểu được tâm lý của con và ngưng gây áp lực lên suy nghĩ của chúng.
Một trong những lý do khiến trẻ thiếu động lực trong cuộc sống là vì cha mẹ đã tước đi quyền tự quyết định của con. William Stixrud cũng đã chứng minh rằng, có nhiều nghiên cứu khác nhau chỉ ra việc học đại học và thành công trong tương lai của đứa trẻ trong các lĩnh vực kinh tế hoặc chuyên môn không có “mối liên quan” đến nhau, và nó càng không liên quan đến việc liệu trẻ em có hài lòng và hạnh phúc trong tương lai hay không.
Theo tâm lý học, con người có ba nhu cầu cơ bản: tự chủ, khả năng nhận thức và mối quan hệ. Và ý thực “tự chủ” là một bản năng quyết định động lực sống của một người sẽ tăng lên hay giảm xuống khi bị các tác động xung quanh thúc đẩy.
Thành tích học tập không phải là thứ quyết định hạnh phúc của con cái
Stixrud cho rằng chúng ta chỉ có thể dần dần rèn luyện tính chủ động của trẻ và chọn hướng làm việc chăm chỉ theo sở thích của trẻ. Khi các con của ông còn học tiểu học, ông đã nói với con mình rằng: “Bố muốn nhìn học bạ của con, nhưng bố không coi trọng nó. Bố muốn đánh giá cao sự nỗ lực của con khi phát triển bản thân – để trở thành một học sinh, và quan trọng hơn là để trưởng thành và mở rộng ranh giới của cuộc đời con.” Sau đó, con trai của ông đã lấy bằng tiến sĩ tâm lý học và trở thành một người thành đạt.
Nếu con bạn muốn trở thành một vận động viên hay một nhạc sĩ thay vì một doanh nhân hay bất cứ điều gì bạn nghĩ là quan trọng hơn, hãy thúc đẩy sự nỗ lực tự phát của con và khuyến khích chúng đạt được thành công thay vì phản bác và bắt con chăm chăm vào học hành, bởi thành tích học tập vốn tự nó không thể quyết định sự ưu tú của một đứa trẻ.
Trẻ em nên được truyền cảm hứng để học tập, dần loại bỏ các phương tiện truyền thông xã hội và trò chơi điện tử, tận dụng thời gian ở nhà và thu thập kiến thức bằng nhiều cách. Stixrud cũng đề cập rằng, một chuyên gia nghiên cứu về động lực học tập và sự tập trung cũng đã kết luận nếu trẻ em có thể đầu tư vào những chúng thực sự yêu thích, chúng sẽ phát triển. Sức mạnh não bộ cũng sẽ cải thiện sự tập trung, nâng cao sức sống, tạo thêm động lực và giảm bớt áp lực.
Chúng ta – những nhà cố vấn thực thụ sẽ không nên kiểm soát trẻ, và xem mục tiêu của mình như là mục tiêu của con. Vai trò của chúng ta là dạy cho những đứa trẻ suy nghĩ và hành động độc lập để chúng có những đánh giá quan trọng nhất ở trường học và thậm chí trong cuộc sống.
Vì vậy, không có con đường nào giúp con hạnh phúc hơn bằng cách để chúng tự do tìm kiếm bản chất của mình và cha mẹ sẽ là những “nhà cố vấn” chuyên nghiệp khi có thể tạo ra một môi trường sống thoải mái và cùng con tận hưởng thành quả của con tạo ra.
Illustrations by Uran
Đọc thêm: Chuyên gia Harvard cảnh báo 6 dấu hiệu bạn đang nuôi dạy một đứa trẻ “kém cỏi”