7 điều ưu tiên doanh nghiệp cần làm để đối mặt với “đại dịch” - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

7 điều ưu tiên doanh nghiệp cần làm để đối mặt với “đại dịch”

“Kẻ thù” mang tên virus corona đang hoành hành trên toàn thế giới và mang lại những thách thức chưa từng có cho các doanh nghiệp. Hơn ai hết, các nhà lãnh đạo là những người cần phải bình tĩnh và sáng suốt nhất trong lúc này nhằm giữ vững tinh thần cho tập thể để cùng vượt qua “cuộc chiến” khốc liệt với “đại dịch”.

Từ khi dịch bệnh bùng phát, những biện pháp an toàn dành cho nhân viên như cách ly tại chỗ hoặc làm việc tại nhà đã được nhiều doanh nghiệp áp dụng để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, việc suy giảm về năng suất, tinh thần của nhân viên cũng như hiệu suất chung của toàn doanh nghiệp là điều không thể tránh khỏi. Dưới đây là một số bước chủ động nhà quản lý nên làm để đứng vững trước “đại dịch”:

1Đồng hành với nhân viên từ xa

Hãy đảm bảo rằng bạn có thể nắm bắt được mọi hoạt động trong công việc dù nó được thực hiện bởi ai, ở đâu và khi nào thông qua việc sử dụng các phần mềm họp trực tuyến cùng các thiết bị công nghệ giao tiếp hiện đại để kết nối với nhân viên mỗi ngày. Lúc này im lặng không phải là vàng, hãy khuyến khích nhân viên trình bày các vấn đề họ cảm thấy khúc mắc, ngay cả đó là vấn đề nhỏ nhất. Bên cạnh đó, để vấn đề được giải quyết một cách tối ưu, bạn cần phân chia cấp độ các cuộc trao đổi từ ưu tiên “một đối một” đến các cuộc họp nhóm và điểm danh khi cần thiết.

2Minh bạch trong lời nói và hành động

Dịch bệnh là điều không ai mong muốn, càng không thể nói trước được điều gì, cho nên chắc chắn bạn không thể có câu trả lời khẳng định nào dành cho nhân viên, khách hàng và nhà đầu tư ngay lúc này. Điều quan trọng mà các nhà lãnh đạo cần thể hiện bây giờ đó là một thái độ bình tĩnh, một tư duy nhất quán và sự cẩn trọng khi nói về kế hoạch đường dài. Tính minh bạch là điều rất cần thiết để củng cố và duy trì niềm tin đối với một nhà quản lý. Hãy tư duy như một phóng viên và cung cấp đầy đủ các thành phần cấu thành của một bản tin – ai, khi nào, ở đâu, tại sao, như thế nào. Chỉ khi đó, những người muốn nghe câu trả lời sẽ không phải tự điền vào những chỗ trống còn thiếu và suy diễn thông tin theo hướng sai lệch.

3Tự tin kiểm soát tình hình

Trước tiên, cần phải nhắc lại rằng sự tự tin sẽ giúp bạn làm được nhiều điều hơn cả mong đợi. Hãy giúp nhân viên, khách hàng và nhà đầu tư của bạn biết rằng, nếu như trước đây họ đã tin tưởng bạn như thế nào thì bây giờ họ vẫn có thể tin tưởng bạn như thế ấy. Trong tình hình hiện tại, bạn chỉ cần tập trung vào những gì có thể làm được, và cứ thế phát huy. Bên cạnh đó, hãy truyền năng lượng tích cực cho nhân viên trong thời gian họ phải làm việc tại nhà, khi công việc đôi lúc không suôn sẻ và gây ra áp lực. Bằng bản lĩnh của một nhà lãnh đạo, hãy chia sẻ thẳng thắn và chân thành với nhân viên, khích lệ rằng khó khăn họ đang gặp phải không là gì so với thành công mà họ sẽ đạt được qua những nỗ lực này.

***

“Khó khăn hiện tại không là gì so với thành công sẽ đạt được trong tương lai nếu như bạn cố gắng nỗ lực ngay từ bây giờ.”

***

4Linh hoạt giải quyết vấn đề phát sinh

Để chiến lược “work from home” đạt được hiệu quả tối ưu nhất, bạn cần siết chặt khâu kiểm tra, đánh giá mỗi ngày. Tuy nhiên, sự linh hoạt là điều cần thiết trong chính sách của công ty để tránh gây nên áp lực quá lớn nơi nhân viên. Khi làm việc tại nhà, áp lực mà mỗi người phải đối mặt không chỉ là sự đe dọa của dịch bệnh hay hiệu suất công việc, đó còn là những thách thức cảm xúc từ phía gia đình – nơi các thành viên “bỗng” có thời gian gần nhau hơn bao giờ hết và không thể tránh khỏi những “va chạm”. Là lãnh đạo, hẳn bạn cũng không thoát khỏi cảm giác này, nên hãy đồng cảm và sẻ chia cùng họ để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.

5Thúc đẩy năng lượng tích cực nơi nhân viên

Trong những thời điểm bất ổn như hiện tại, tâm trạng nhiều người sẽ tràn ngập nỗi bất an vì cảm thấy mất khả năng kiểm soát một thứ. Nhân viên của bạn cũng vậy. Do đó, hãy cho họ cảm thấy khả năng chiến thắng dù là rất nhỏ từ những việc họ có thể kiểm soát được. Chẳng hạn như để họ thấy giá trị của việc được giúp đỡ các thành viên khác – những người đang chịu ảnh hưởng nặng nề hơn trong mùa dịch này. Đó có thể là lương thực thực phẩm, đồ dùng thiết yếu hay bất kỳ sự trợ giúp nào khác mà họ có khả năng san sẻ. Nhà quản lý có thể lập một cổng thông tin làm nơi mà các nhân viên có thể chia sẻ với nhau về các bí kíp hay kinh nghiệm khi làm việc tại nhà. Ngoài ra, sự kiên nhẫn và một chút khiếu hài hước là điều cần thiết để làm dịu đi nỗi bất an của mọi người trong tình cảnh này.

***

“Sự kiên nhẫn và một chút khiếu hài hước là điều cần thiết để làm dịu đi nỗi bất an trong hoàn cảnh khốn khó.”

***

6Cho đi và nhận lại

Nhà lãnh đạo giỏi có thể là người sở hữu bức tranh toàn cảnh về sự việc này bằng cách nhìn xa hơn là chỉ xem nó với định nghĩa đơn thuần là một trận đại dịch. Bạn có thể vận động tập thể của mình trở thành những công dân mang tinh thần hợp tác cả nội bộ của tổ chức, công ty lẫn bên ngoài. Các công ty có thể hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau không chỉ vì đó là điều đúng đắn cần làm ngay lúc này mà sự thiện chí này còn có thể tạo nên hình ảnh quảng cáo vô giá cho thương hiệu của bạn. Hãy chia sẻ những động thái tích cực này ra bên ngoài để tạo hiệu ứng lan tỏa, giúp nâng cao giá trị về mặt tổ chức cũng như mặt tinh thần cho tổ chức của bạn.

7Phát hiện những cá nhân ưu tú

“Work from home” đồng nghĩa với việc mỗi nhân viên phải chịu trách nhiệm rõ ràng hơn về phần nhiệm vụ của mình. Họ phải làm việc với những gì họ có và mang lại hiệu quả thực tế có thể đo lường. Khi điều kiện làm việc từ xa gây khó khăn ít nhiều trong việc điều hành và phát triển, đây cũng là lúc bạn có thể tìm ra những cá nhân tận tâm và trung thành của tổ chức. Thách thức đặt ra là vô cùng lớn, nhưng trên tinh thần chủ động giải quyết vấn đề thay vì đưa ra lý do để khước từ, họ còn tìm kiếm được những cơ hội mới từ chính cuộc khủng hoảng này.

Cuộc khủng hoảng nào rồi cũng sẽ qua, “đại dịch” lần này cũng vậy, dù tất cả kế hoạch trong năm 2020 của bạn gần như “phá sản”, hãy bắt đầu nghĩ đến những chiến lược mới với những cơ hội mới. Hãy ưu tiên:

  • Phân tích nhân sự để hiểu rõ hơn về nguồn lực sẵn có và cần tìm kiếm để bổ sung;
  • Tạo diễn đàn học tập online để nâng cao hoặc bồi dưỡng kỹ năng cho nhân viên;
  • Huấn luyện và đào tạo cho các cấp quản lý mới;
  • Duy trì giao tiếp bằng công nghệ để luôn theo sát và kịp thời khích lệ nhân viên từ xa.

Illustration: Ilona Rybak

Đọc thêm:

Cần làm gì khi phải “work-from-home” trong mùa dịch Covid-19?

Tính cách lãnh đạo nào mang tên “truyền cảm hứng”?

Comment