5 bước chạm đến “Work-life balance” – chu trình cân bằng đáng khao khát của bất kỳ ai - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

5 bước chạm đến “Work-life balance” – chu trình cân bằng đáng khao khát của bất kỳ ai

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, làm việc quá sức hoàn toàn không tốt cho nhân viên lẫn công ty. Tuy nhiên trong thực tế, chúng ta lại rất khó bỏ thói quen không lành mạnh này để đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Vậy đâu là bí mật thật sự của khái niệm “Work-life balance”?

Để trả lời cho câu hỏi này, một nghiên cứu với gần 200 cuộc phỏng vấn chuyên sâu đã được thực hiện trên 78 nhân sự cấp trung và cấp cao trong độ tuổi từ 30 đến 50 tại London. Trong đó, số lượng nam nữ bằng nhau và mỗi người đều đã có ít nhất một người con. Phần lớn những người tham gia phỏng vấn mô tả công việc của họ là “yêu cầu cao, mệt mỏi, hỗn loạn và áp lực”. Họ cho rằng việc làm thêm giờ là bình thường và cần thiết để đạt được thành công trong sự nghiệp.

5 bước cân bằng cuộc sống công việc work life balance

Tuy nhiên, khoảng 30% nam giới và 50% nữ giới trong số này vẫn thể hiện suy nghĩ phản đối việc làm thêm hàng giờ liên tục và chia sẻ bí quyết để duy trì sự cân bằng cao nhất giữa công việc và cuộc sống. Nhiều người cho biết họ tìm cách giảm thiểu áp lực và tìm kiếm sự cân bằng cho bản thân thông qua quá trình nâng cao nhận thức cá nhân, định hướng hành động có ý thức và liên tục điều chỉnh trong công việc và cuộc sống.

Từ các câu trả lời, nghiên cứu này đã chỉ ra rằng, để đạt được sự cân bằng lâu dài trong cuộc sống giữa công việc sự nghiệp và những ưu tiên cá nhân, mỗi người trong chúng ta cần xem “work-life balance” không phải là điểm đến, cũng không phải là hoạt động mà chúng ta chỉ cần thực hiện một lần là được, mà đó phải là một chu trình, một chiếc vòng lặp liên tục của cuộc đời. Trong đó, chúng ta phải thường xuyên đánh giá lại nhận thức của bản thân, tái định nghĩa vai trò và thứ tự ưu tiên của các vấn đề trong cuộc đời mình, đồng thời có sự phối hợp linh hoạt và mềm dẻo giữa hai cán cân “công việc” và “cuộc sống”.

Và, đây là 5 bước bạn cần thực hiện để đạt được chu trình “work-life balance” như mong đợi:

1.     Tạm dừng mọi thứ và “tiêu chuẩn hóa” những việc quan trọng

Khi cảm thấy quá tải hay mất cân bằng, điều đầu tiên bạn cần làm là lùi lại một bước và tự hỏi bản thân: “Điều gì đang khiến mình căng thẳng, khiến mình mất cân bằng hoặc không hài lòng? Hoàn cảnh hiện tại ảnh hưởng đến chất lượng và sự gắn bó với công việc của mình ra sao? Cuộc sống cá nhân của mình đang bị ảnh hưởng như thế nào? Mình cần ưu tiên và hy sinh những gì trong giai đoạn này? Mình có đang bỏ lỡ hay đánh mất điều gì quan trọng không?” Chỉ sau khi sống chậm lại, thẳng thắn thừa nhận và phân tích rõ ràng các vấn đề hiện hữu thì bạn mới có thể giải quyết chúng một cách ổn thỏa.

Đã có nhiều người sau nhiều năm tập trung cao độ theo đuổi sự nghiệp, bỗng một ngày họ cảm thấy bản thân “kiệt quệ”, cơ thể như “chạm đáy”, không còn đủ năng lượng và động lực để hoàn thành bất cứ việc gì. Đó là lúc mà chúng ta nhận ra những tác hại của thói quen làm việc quá sức đã ảnh hưởng như thế nào lên sức khỏe thể chất, tinh thần lẫn các mối quan hệ của mình.

5 bước cân bằng cuộc sống công việc work life balance

Với phụ nữ, luôn có những suy nghĩ xung đột luôn hiện diện trong tâm tư của họ, ví dụ như suy nghĩ “mình cần phải phát triển sự nghiệp” luôn đấu tranh với cảm giác “đã đến lúc mình nên có con” hay là “mình phải dành nhiều thời gian chăm sóc cha mẹ”. Xung đột này chính là “chất xúc tác”, là động lực giúp mỗi người có thể lùi về phía sau một bước, nhận thức rõ về sự mất cân bằng trong hoàn cảnh chúng ta đang sống và đâu là những ưu tiên. Từ việc hệ thống lại những thứ tự cuộc đời, chúng ta sẽ có thể lập kế hoạch để “chuẩn hóa” lại các thói quen, đặc biệt là những thói quen trong công việc để hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư.

Trong thực tế, có nhiều người bận rộn với công việc đến nỗi không còn thời gian và năng lượng để dừng lại và suy ngẫm, trừ phi có một sự kiện, biến cố hay sự thay đổi lớn xảy ra trong đời. Đó có thể là thất bại trong công việc, giai đoạn họ có con, hay mất đi người thân yêu. Những sự kiện này chính là “mồi lửa” thúc đẩy chúng ta nhận thức rõ ràng hơn về tình trạng của bản thân, tạm dừng tất cả và tự hỏi đâu mới chính là điều mình nên ưu tiên trong cuộc đời này.

“Nếu cảm thấy quá mệt mỏi, bạn hãy nghỉ ngơi một lát rồi đi tiếp. Nếu bạn nghỉ ngơi, thế gian này cũng sẽ nghỉ theo. Hãy tin vào chính bản thân mình và tự cho mình thêm một chút thời gian.” – Đại Đức Haemin

2.     Để tâm và thấu hiểu những cảm xúc tận cùng của tâm hồn

Sau khi tự nhận thức rõ ràng về tình huống hiện tại của bản thân, việc tiếp theo là bạn hãy chú ý xem tình huống đó khiến bạn cảm thấy như thế nào. Liệu bạn có thấy thỏa mãn, hài lòng, đầy sức sống hay tức giận, bất bình và buồn bã? Chúng ta thường sẽ vui vẻ, thoải mái khi được làm điều mình yêu và ở cạnh người mình yêu. Ngược lại, chúng ta sẽ tràn đầy cảm xúc tiêu cực khi phải làm điều mình không muốn hay phải mất thời gian quý giá cho những việc, những người không xứng đáng.

Vì thế, tuy sống với lý trí là điều cần thiết, nhưng năng lực cảm xúc ẩn sâu bên trong cũng quan trọng không kém. Bạn cần phải nhận thức rõ ràng hoàn cảnh hiện tại mang đến cho bạn cảm xúc ra sao. Nhận thức này là bước cần thiết giúp bạn xác định đâu là những thay đổi bạn muốn thực hiện để đạt được sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc.

5 bước cân bằng cuộc sống công việc work life balance

3.     Xem xét lại danh sách những điều xứng đáng được ưu tiên trong cuộc đời

Sau khi nâng cao nhận thức về hoàn cảnh và cảm xúc cá nhân, bạn đã có đủ công cụ để xác định và điều chỉnh những điều bạn cần ưu tiên trong cuộc sống. Bạn sẽ sẵn sàng hy sinh vì điều gì và trong bao lâu? Chẳng hạn bạn chọn ưu tiên công việc hơn trong ba năm sắp tới thì đâu là lý do thúc đẩy bạn làm điều đó? Nó có thực sự cần thiết với bạn và cần đến mức độ nào? Có cách nào khác để bạn hoàn thành mục tiêu đó không? Liệu bạn có điều gì hối tiếc khi theo đuổi mục tiêu ưu tiên đó?

“Hãy suy nghĩ về những ý nghĩ khiến bạn hạnh phúc. Hãy làm những điều khiến bạn cảm thấy tốt đẹp. Hãy ở bên những người khiến bạn cảm thấy tuyệt vời. Hãy ăn những thứ khiến cơ thể bạn thấy tốt lành. Hãy đi với tốc độ khiến bạn thoải mái.” – Louise Lynn Hay

Những ưu tiên trong cuộc sống của chúng ta thường biến chuyển nhanh hơn nhiều so với những thói quen cố hữu mà chúng ta làm mỗi ngày. Những người tham gia cuộc khảo sát trên nếu đã có sự cân bằng ổn thỏa trong cuộc sống của họ đều cho biết rằng, họ phải thường xuyên tái định vị các thứ tự mục tiêu cuộc đời một cách chủ động theo từng giai đoạn sống, và rồi nghiêm túc dành thời gian theo đuổi những mục tiêu đó. Chẳng hạn nếu bạn theo đuổi mục tiêu trở nên “chuyên nghiệp” hơn, thì nên nhớ rằng khái niệm đó rất rộng và sẽ thay đổi theo hoàn cảnh sống, không chỉ là chuyên nghiệp trong công việc, đôi khi đó còn là sự chuyên nghiệp trong gia đình, trở thành bậc cha mẹ chuyên nghiệp trong việc nuôi dạy con gái. Vậy nên chỉ cần xác định được những ưu tiên thật sự bạn đang cần trong hoàn cảnh sống hiện tại, bạn sẽ có thể đạt được chúng mà không quá tạo áp lực đến độ mệt mỏi cho bản thân.

4.     Sắp đặt những phương án thay thế để điều chỉnh khi cần

Trước khi lựa chọn từ bỏ, tiếp tục hay đánh đổi bất cứ điều gì, bạn nên dành thời gian xem xét các lựa chọn thay thế của vấn đề. Có nhiệm vụ nào trong công việc mà bạn có thể thay đổi cách thức tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới để giải quyết hiệu quả và tiết kiệm thời gian hơn không? Bạn muốn dành bao nhiêu thời gian cho gia đình và các sở thích cá nhân của mình? Liệu thời gian mà bạn tiết kiệm được từ việc tăng hiệu suất có đủ để bạn theo đuổi những hoạt động cá nhân mà mình đam mê?

5 bước cân bằng cuộc sống công việc work life balance

Tìm ra được những lựa chọn thay thể là cách nhanh chóng và dễ dàng hơn cả để bạn không bị xáo trộn kế hoạch cuộc sống quá nhiều và giữ được sự cân bằng. Cách thức này cũng giúp bạn không phải đưa ra lựa chọn cho thứ tự việc ưu tiên mới quá thường xuyên. Tuy nhiên, để có sẵn cho mình những “plan B”, “plan C” nhằm dự phòng cho các tình huống, bạn cần có thời gian để tính toán sự khả thi, đưa ra nhiều giải pháp, nhiều hướng giải quyết cho vấn đề, đồng thời bạn cũng cần kiên nhẫn cho mình thời gian thử nghiệm, điều chỉnh nếu chưa đúng hướng. Chỉ có như vậy bạn mới có thể tìm ra phương án tối ưu, giúp bản thân hài lòng và chấp nhận với những thay đổi cuộc sống mới.

“Thiếu thời gian thực ra là thiếu sự ưu tiên.” – Timothy Ferris

5.     Thực hiện các biện pháp thay đổi thứ tự ưu tiên một cách bình tĩnh

Sau khi bạn đã xác định được các thứ tự ưu tiên trong cuộc đời mình, cũng như cân nhắc cẩn thận các lựa chọn thay thế, cuối cùng đã đến lúc bạn bắt tay vào hành động để tìm được “work-life balance”. Đó có thể là sự thay đổi mang tính chất công khai trong công việc, sẽ có ảnh hưởng ít nhiều đến những người xung quanh, hoặc cũng có thể chỉ là sự thay đổi mang tính riêng tư bạn tự điều chỉnh trong cuộc sống cá nhân và chẳng ảnh hưởng đến ai.

Đối những thay đổi công khai, bạn cần trao đổi cẩn thận với cấp trên và đồng nghiệp để xác định lại những giới hạn về vai trò và nhiệm vụ của bạn mà có thể sau thời gian dài làm việc cùng nhau, các bên đã có những nhầm lẫn. Điều này cũng giúp họ có cái nhìn rõ ràng hơn về những gì họ có thể kỳ vọng nơi bạn. Thay đổi công khai cũng có thể đạt được khi bạn đề đạt nguyện vọng với quản lý về việc không muốn làm thêm giờ quá nhiều hoặc được sắp xếp giờ làm việc linh hoạt hơn. Nếu thật sự đã thấy quá tải, hãy thẳng thắn đề nghị sự hỗ trợ và thấu hiểu từ những người liên quan đến công việc của bạn, đó cũng là ý thức trách nhiệm của bạn để tránh ảnh hưởng đến công việc chung.

Đối với những thay đổi riêng tư, để có được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, bạn cũng có thể tự điều chỉnh cách làm cách nghĩ của mình để thay đổi mà không làm ảnh hưởng đến người xung quanh. Ví dụ như bạn tự đặt ra khung giờ làm việc ngoài giờ cho bản thân có thời gian tái tạo năng lượng như không làm việc cuối tuần hay trong các kỳ nghỉ, hoặc mạnh dạn từ chối các yêu cầu công việc mà bạn cho rằng vượt quá trách nhiệm và quyền hạn của bản thân hay nằm ngoài thỏa thuận công việc ban đầu mà không có lý do hợp lý.

5 bước cân bằng cuộc sống công việc work life balance

“Không bao giờ có đủ thời gian để làm tất cả mọi chuyện, nhưng luôn có đủ thời gian để làm chuyện quan trọng nhất.” – Brian Tracy

Cho dù là sự thay đổi nào, nhưng để đạt đến trạng thái cân bằng trong cuộc sống, yêu cầu quan trọng là bạn phải thật kiên trì và hạn chế lệch hướng ưu tiên đã xác định. Bạn đừng quá lo lắng khi cảm thấy mất cân bằng, vì như Steve Maraboli từng nói: “Vũ trụ này cân bằng đến nỗi, chỉ việc bạn có một vấn đề cũng đã là dấu hiệu cho thấy có một giải pháp.” Tất cả mọi người từ người đã thành công đến người đang trên đường tìm kiếm thành tựu nào đó trong cuộc sống, không phải lúc nào cũng đạt được “work-life balance”. Vậy nên, chỉ cần bạn ý thức và nhận ra được vấn đề của mình một cách chủ động và thường xuyên, bạn sẽ nhanh chóng giải tỏa được áp lực và bình tĩnh đưa bản thân vào một chu trình cân bằng đáng sống hơn.

Tạp chí Nữ Doanh Nhân tổng hợp – Ảnh: Unsplash

Có thể bạn quan tâm:

Comment