Nữ tướng sàn chứng khoán Việt, chị là ai? - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Nữ tướng sàn chứng khoán Việt, chị là ai?

Trong vai trò là một phóng viên tài chính cho chuyên trang tài chính CafeF trước đây và sau này trong vị trí một nhà đầu tư tài chính, tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện và phỏng vấn nhiều nữ doanh nhân Việt Nam. Và điều đó cho tôi những hình dung trọn vẹn về các nữ thủ lĩnh sàn chứng khoán Việt.

Không hẹn mà gặp, cả ba nữ doanh nhân tạo cho tôi ấn tượng sâu sắc và mạnh mẽ nhất trong thời gian đó đều đang kiêm nhiệm hai chức vụ quan trọng nhất của một doanh nghiệp niêm yết: Chủ tịch hội đồng quản trị và Tổng giám đốc. Ngoại trừ cô Mai Kiều Liên tổng giám đốc CTCP Sữa Việt Nam, rời ghế Chủ tịch hội đồng quản trị vào ngày 25/7/2015, cô Trương Thị Lệ Khanh vẫn đang giữ vị trí Chủ tịch hội đồng quản trị và Tổng giám đốc CTCP Vĩnh Hoàn, cô Nguyễn Thị Mai Thanh vẫn giữ vị trí đầu tàu kiêm người điều hành của CTCP Điện máy REE.shutterstock_226567309_supersize_resize

Trong khi Chủ tịch hội đồng quản trị là người hoạch định chiến lược, đóng vai trò bộ não của công ty thì Tổng giám đốc là người thực thi chiến lược đã được vạch ra. Tổng giám đốc luôn là người bận rộn với những công việc điều hành hàng ngày, phải xử lý nhiều vụ việc, phải chịu áp lực công việc lớn. Do vậy, những nữ doanh nhân cùng lúc đóng cả hai vai trò Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc luôn tạo cho những nhà đầu tư nam giới niềm cảm phục và sự kính trọng.

Với Vinamilk, tên tuổi cô Mai Kiều Liên luôn được các nhà đầu tư nhắc tới mỗi khi nói về Vinamilk, sự tăng trưởng vượt bậc với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận gộp hàng năm lên tới trên 30% trong suốt thời gian dài là một minh chứng rõ ràng và thuyết phục nhất đối với nhà đầu tư. Trên sàn chứng khoán Việt Nam, mã cổ phiếu VNM của Vinamilk là một trong những cổ phiếu được giới đầu tư xếp vào cổ phiếu tăng trưởng, một dạng cổ phiếu xứng đáng nằm trong danh mục đầu tư của bất kỳ quỹ đầu tư tăng trưởng nào.

Và mới đây thôi, trong tuần cuối tháng 12/2015, một người bạn của tôi, Giám đốc một quỹ đầu tư có trụ sở ở Hà Nội đã bay vào tp. HCM chỉ để tham dự buổi gặp mặt các nhà đầu tư của REE và nghe cô Nguyễn Thị Mai Thanh, Tổng giám đốc cơ điện lạnh REE nói về việc đầu tư của REE vào ngành điện nước của Việt Nam.

Từ một công ty chuyên về mảng cơ điện lạnh, REE đã chuyển mình trở thành một công ty đầu tư với ba mảng chính. Mảng đầu tiên là đầu tư vào hạ tầng điện và nước. Mặc dù mảng này có lợi nhuận không cao nhưng bền vững. Mảng thứ hai là bất động sản với sản phẩm chủ lực là văn phòng cho thuê. Mảng kinh doanh thứ ba của tập đoàn, cũng chính là mảng cốt lõi làm nên thương hiệu của REE chính là mảng cơ điện M&E.

“Vì đâu REE từ một công ty nhỏ, có giá trị 1 triệu USD giờ đã đạt đến 200 triệu USD? Không thể không nhắc đến bà Thanh và những chiến lược táo bạo của bà. Bà là người luôn lắng nghe góp ý nhưng quyết đoán khi ra quyết định”, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital, cựu Phó chủ tịch HĐQT công ty REE, nhận xét.shutterstock_58158778_huge_resize

“Những nữ doanh nhân cùng lúc đóng cả hai vai trò Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc luôn tạo cho những nhà đầu tư nam giới niềm cảm phục và sự kính trọng”

Tôi gặp cô Trương Thị Lệ Khanh, người đứng đầu công ty xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam, trong nhiều buổi hội thảo về cá tra. Ở bất kỳ hội thảo nào, cô cũng luôn tâm huyết với con cá tra, một sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng cũng gặp rất nhiều rào cản khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ. Bởi rất tâm huyết với con cá tra nên khi nhìn thấy sự tăng trưởng về sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam có xu hướng chậm lại, cô Khanh đã tìm cách chuyển hướng sang các sản phẩm có giá trị gia tăng từ con cá tra, chẳng hạn sản phẩm collagen của Vĩnh Hoàn là một trong những nỗ lực đó. Năm 2013, nhà máy Vĩnh Hoàn Collagen 5 được xây dựng, đầu tư thiết bị và công nghệ nhập từ châu Âu. Nhà máy có công suất thiết kế 2.000 tấn/năm. Sau 2 năm, nhà máy chính thức đi vào hoạt động và cho ra sản phẩm collagen dạng nguyên liệu. Cô Khanh dự định sau 3 năm, doanh thu từ collagen sẽ chiếm tới 30% nguồn thu của Công ty.

Điều mà một nhà đầu tư nam giới như tôi luôn thắc mắc đó là các nữ doanh nhân ấy lấy đâu ra thời gian để vừa tham dự các cuộc họp hội đồng quản trị, vừa điều hành công ty, vừa thu xếp công việc nhà trong khi một ngày chỉ có 24 tiếng. Trở thành một doanh nhân đã khó, trở thành một nữ doanh nhân càng khó hơn!.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment