Công nghiệp ô tô Việt Nam: Mãi không chịu lớn! - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Công nghiệp ô tô Việt Nam: Mãi không chịu lớn!

Những con số thống kê tình hình nhập khẩu ô tô của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong 9 tháng đầu năm 2015 cho thấy sự tăng trưởng trong nhu cầu tiêu thụ ô tô của thị trường Việt Nam. 2015 là một năm ăn nên làm ra của những nhà kinh doanh ô tô nhưng với nền công nghiệp sản xuất ô tô thì sao?.

 

Niềm vui & nỗi buồn

Tổng kim ngạch nhập khẩu ôtô cộng dồn 9 tháng năm 2015 đã đạt khoảng 83.000 chiếc về lượng và 2,097 tỷ USD về giá trị. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng kim ngạch nhập khẩu ôtô 9 tháng năm 2015 tăng đến 88,5% về lượng và tăng 113,2% về giá trị. Với giá trị kim ngạch xấp xỉ 2,1 tỷ USD đạt được trong 9 tháng, đã có những dự đoán cho rằng tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc cả năm 2015 hoàn toàn có thể vượt qua con số kỷ lục 3 tỷ USD, cao gấp đôi so với năm 2014.

Theo Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tốc độ tăng trưởng thị trường ô tô Việt Nam hiện dẫn đầu khu vực, đạt 43% trong năm 2014 và 58% trong 6 tháng đầu năm nay, bỏ xa thị trường sau đó là Philippines, ở mức 17%.

Nhiều nhận định cho thấy, thị trường ô tô Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những năm tới. Đó là nhờ kinh tế khởi sắc, thuế giảm dần, cùng với việc kiểm soát chặt chẽ tải trọng phương tiện của cơ quan quản lý. Dân số Việt Nam hiện là hơn 90 triệu người, GDP bình quân đầu người 2.200 USD, dự kiến sẽ đạt ngưỡng 3.000 USD vào giai đoạn 2021-2022. Khi đó, quá trình xã hội hóa xe hơi sẽ diễn ra. Thời kỳ này, thị trường ô tô sẽ đạt quy mô khoảng 400.000 xe/năm; khi nhu cầu tăng mạnh, sẽ lên tới 1 triệu xe vào giai đoạn 2030. Với dung lượng lớn, giá xe sẽ thuận lợi hơn, kích thích người tiêu dùng mua xe. Thị trường ô tô Việt Nam dự kiến đạt quy mô 6 tỷ USD vào giai đoạn 2022 và 12 tỷ vào năm 2030. Kinh doanh ô tô được cho là sẽ thu lợi nhuận lớn.

Những con số kỷ lục trên là niềm vui của những nhà kinh doanh ô tô nhập khẩu nhưng lại là nỗi buồn của những nhà hoạch định chính sách công nghiệp ô tô Việt Nam. Nó phản ánh một thực tế rằng các chính sách phát triển công nghiệp ô tô nội địa đã thất bại khi phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô còn chủ yếu hoạt động theo hình thức lắp ráp CKD (xe được lắp ráp trong nước) đơn giản, chưa chế tạo được các cụm chi tiết quan trọng như động cơ, hộp số, cụm truyền động. Cơ chế, chính sách cho phát triển cũng chưa phù hợp, chưa tạo động lực cho phát triển ngành.

Chấp nhận cạnh tranh hay mãi không chịu lớn?

Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được thủ tướng chính phủ thông qua, với mục tiêu tổng quát là xây dựng ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ôtô thế giới.

Automotive-industry-analysisCon số quan trọng trong văn bản chiến lược, phản ánh mong muốn và kỳ vọng vào sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025 đó là tỷ lệ số xe sản xuất lắp ráp trong nước chiếm khoảng 78% so với nhu cầu nội địa.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành ô tô Việt Nam phải vượt ra rất nhiều rào cản, trong đó rào cản quan trọng nhất là tư duy về chính sách của các bộ ngành. Chính sách thuế cho ngành công nghiệp ô tô nhìn bề ngoài tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành bằng cách đánh thuế cao ô tô nhập khẩu để hỗ trợ cho sản xuất, lắp ráp trong nước. Thế nhưng việc đánh thuế cao (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặt biệt) đã tạo động lực thúc đẩy các công ty sản xuất ô tô nhập khẩu mua linh kiện ô tô từ nước ngoài về để lắp ráp trong nước và hưởng một mức lợi nhuận cao do bán được ô tô với giá cao hơn giá bán ở các quốc gia khác. Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng các chính sách bảo hộ luôn gây ra những phản ứng ngược, trái với mong đợi của những nhà hoạch định chính sách nguyên nhân cốt lõi đó là bảo hộ làm triệt tiêu cạnh tranh, động lực của sự phát triển.

Các chính sách thuế cho ô tô lại thay đổi thường xuyên khiến các doanh nghiệp sản xuất ô tô không thể tập trung vào đầu tư sản xuất khi mà việc sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng rất lớn bởi các chính sách. Các chính sách thuế phục vụ cho rất nhiều mục đích khác nhau từ việc thúc đẩy lắp ráp ô tô trong nước cho đến hạn chế nhập siêu để ổn định tỷ giá… đã làm cho các doanh nghiệp ô tô đứng trước nhiều rủi ro trong sản xuất vốn cần sự ổn định lâu dài.

Trong ba năm tới, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn mới khi các cam kết cắt giảm tối đa thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc và linh kiện, phụ tùng từ các nước trong khu vực và thế giới bắt đầu có hiệu lực. Những cam kết này không chỉ nằm trong khuôn khổ Hiệp định gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ký năm 2007, mà còn liên quan tới các hiệp định trong khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), ASEAN-Trung Quốc và ASEAN-Hàn Quốc, cũng như các cam kết đa phương mới sau này. Theo cam kết của Việt Nam với các quốc gia ASEAN, ôtô chở người nguyên chiếc, thuế suất năm 2013 là 60% nhưng sẽ về 0% vào năm 2018.

Sức ép của việc cắt giảm thuế là rất lớn, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam sẽ đứng trước thử thách chấp nhận cạnh tranh để lớn lên hay vẫn chịu sự bảo hộ của chính sách để mãi không chịu lớn.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment