Thị trường chứng khoán: Câu chuyện lâu đài trên cát - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Thị trường chứng khoán: Câu chuyện lâu đài trên cát

Tâm lý đánh bạc rất cao, thích làm giàu nhanh của những nhà đầu tư nhỏ lẻ Trung Quốc đã khiến thị trường chứng khoán trở thành một sòng bạc khổng lồ, nơi mà tâm lý đầu cơ, mua cổ phiếu bằng việc sử dụng nợ vay với kỳ vọng giá tăng nhanh hơn trong thời gian ngắn, ngự trị đã thổi bùng thị trường chứng khoán một cách nhanh chóng.


Lâu đài trên cát

Từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã “bốc hơi” gần 1/3 vốn hóa thị trường. Đà lao dốc của thị trường chứng khoán đã ảnh hưởng nặng nề đến tài sản và kèm theo đó là tâm lý của những nhà đầu tư nhỏ lẻ, những “ông vua” sở hữu 80% giá trị cổ phiếu đã được niêm yết trên thị trường, theo thống kê của ngân hàng đầu tư CICC. Nhiều câu chuyện bi hài đã diễn ra với các nhà đầu tư nhỏ lẻ khi toàn bộ tiền tiết kiệm của họ đổ vào thị trường “bốc hơi” một cách nhanh chóng.

Ngày 29/7, một người đàn ông ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã dắt chú lạc đà trắng Big White đeo tấm biển “Chơi chứng khoán và lỗ nặng – bán con thú huyền thoại” rao bán đi giữa đường phố, sau khi ông này thua lỗ nặng vì chơi chứng khoán.

Chủ nhân của chú lạc đà trắng cho biết gia sản đã khánh kiệt sau khi thị trường chứng khoán Trung Quốc gần như sụp đổ trong thời gian gần đây, đến mức nhà cửa, xe hơi đều đã bị ngân hàng tịch thu để xiết nợ. Trong khi đó, con gái ông lại sắp đi học trung học, nên ông buộc lòng phải bán con thú cưng này để kiếm ít tiền trang trải cuộc sống. Đòn bẩy tài chính, thế chấp cổ phiếu để vay tiền mua chứng khoán, đã làm cho rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ Trung Quốc rơi vào tình trạng tài chính bi đát. Không những mất hết số tiền tiết kiệm tích lũy nhiều năm trời, họ còn mất luôn cả những tài sản dùng thế chấp cho ngân hàng để mua cổ phiếu. Với khoản nợ ước tính 3000 tỉ USD, thị trường Trung Quốc rất bất ổn khi giá cổ phiếu giảm sẽ dẫn tới vòng xoáy đi xuống của thị trường khiến cho mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn. Gần 1/3 các nhà đầu tư cá nhân Trung Quốc – hơn 20 triệu người đã rút lui khỏi sàn giao dịch chứng khoán tháng trước. Số cổ phiếu các nhà đầu tư nhỏ lẻ giữ trong tài khoản giảm xuống còn 51 triệu tại thời điểm cuối tháng 7, cuối tháng 6 con số này vẫn còn là 75 triệu, theo Công ty thanh toán và lưu ký chứng khoán Trung Quốc (CSDC). Kết thúc tháng 7, chỉ số Shanghai Composite giảm 14%, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất trong 6 năm qua. So với đỉnh điểm thiết lập hôm 12/6 chỉ số Shanghai Composite đã sụt giảm 29%.

Nếu nghiên cứu lịch sử của các cuộc khủng hoảng tài chính đã diễn ra trên thế giới, từ bong bóng hoa tu-lip Hà Lan, đại khủng hoảng 1930 ở Mỹ, bong bóng dot-com 2000, khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ 2007-2009 bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tín dụng nhà ở thứ cấp, những hệ quả xảy ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện tại là hậu quả nhãn tiền của phong trào đầu tư chứng khoán vô tội vạ trong suốt thời gian qua. Tâm lý đánh bạc rất cao của những nhà đầu tư nhỏ lẻ đã khiến thị trường chứng khoán trở thành một sòng bạc khổng lồ.

Khi giá cổ phiếu tăng nhanh do đầu cơ, không có một nền tảng cơ bản vững vàng từ sự tăng trưởng và phát triển của các công ty hậu thuẫn thì lâu đài trên cát cuối cùng cũng sẽ sụp đổ.

Giải cứu thị trường

Khi thị trường lao dốc, số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường rất lớn, 10-12% tổng số hộ gia đình ở Trung Quốc, đã buộc chính phủ phải đề ra các biện pháp giải cứu thị trường khi tài sản của hàng trăm triệu hộ gia đình bốc hơi một cách đột ngột, có khả năng gây ra các bất ổn xã hội.

Nhiều biện pháp giải cứu được sử dụng theo một cách rất đặc trưng. Khi thị trường đột ngột bốc hơi 3.000 tỉ USD trong tài sản, mất gần 30% giá trị chỉ trong 4 tuần, chính phủ đã can thiệp và bắt đầu buộc các công ty nhà nước, và thậm chí các nhà đầu tư cá nhân bơm tiền bằng nhiều hình thức khác nhau: mua cổ phiếu, cho vay mua cổ phiếu, không cho bán cổ phần. Trung Quốc cũng tuyên bố điều tra các vụ bán khống, vay cổ phiếu để bán do dự đoán giá cổ phiếu sẽ giảm sau đó mua lại, cấm mua bán trong ngày, cấm các cổ đông lớn bán ra cổ phiếu trong vòng 6 tháng… nhằm mục đích giảm lượng cổ phiếu bán ra.

“Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc không làm các tập đoàn lớn của châu Âu lo ngại bằng việc quỹ Bridgewater hiện đang khuyến cáo nhà đầu tư chạy khỏi Trung Quốc.”

Lịch sử các cuộc khủng hoảng tài chính cho thấy các biện pháp giải cứu thị trường khi bong bóng nổ ra thường chỉ có tác dụng tạm thời trong một thời gian ngắn. Giá cổ phiếu trở nên quá cao so với giá trị thực, những nhà đầu tư thực sự đã rút đi, chỉ còn lại những nhà đầu cơ – những người mua cổ phiếu để mong giá tiếp tục tăng. Khi giá cổ phiếu sụt giảm, vốn chủ sở hữu của những nhà đầu cơ đột ngột bốc hơi, chỉ còn lại những khoản nợ. Các công ty chứng khoán, ngân hàng sẽ tìm cách thu hồi nợ để đảm bảo an toàn về mặt tài chính. Khi đó, vòng xoáy đi xuống của thị trường do hiện tượng call margin (bán giải chấp cổ phiếu để thu hồi nợ) diễn ra khiến toàn bộ thị trường lao dốc.

Nhiều nhà quản lý quỹ nổi tiếng trên thế giới đều tỏ ra bi quan về thị trường Trung Quốc. Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc không làm các tập đoàn lớn của châu Âu lo ngại bằng việc quỹ Bridgewater hiện đang khuyến cáo nhà đầu tư chạy khỏi Trung Quốc. Bridgewater là quỹ đầu cơ lớn nhất trên thế giới với 169 tỷ USD tài sản và từng ủng hộ mạnh mẽ đầu tư vào Trung Quốc. Ông Raymond Dalio – nhà tỷ phú sáng lập quỹ này cho biết quan điểm của Bridgewater về Trung Quốc đã thay đổi, hiện ở Trung Quốc không có nơi an toàn để đầu tư.

Cùng với quỹ Bridgewater, quỹ đầu tư Kingdon Capital Management tại New York quản lý 3 tỷ USD vốn cũng đã thông báo cho khách hàng rằng quỹ đã bán toàn bộ cổ phiếu trong các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong.

Quỹ Elliott Management, quỹ Perry Capital và Pershing Square Capital Management cũng đã công khai bày tỏ quan ngại trước việc đầu tư vào thị trường Trung Quốc. Thậm chí, trong cuộc hội thảo về đầu tư tại New York vừa qua, giới đầu tư còn cho rằng tình hình tại Trung Quốc hiện nay còn xấu hơn tại Mỹ năm 2007.

Các biện pháp giải cứu thị trường của chính phủ Trung Quốc rất khó để đạt được mục đích ổn định thị trường khi họ đã để bong bóng thổi lên quá căng. Thị trường chứng khoán là một hệ thống rất phức tạp với hàng triệu nhà đầu tư tham gia. Khi vòng xoáy đi xuống đã hình thành, rất khó để ngăn cản được nó.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment