Theo báo cáo mới được công bố của Nielsen, người tiêu dùng (NTD) ở khu vực Đông Nam Á ngày càng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn và chính điều này đang tạo nên một làn sóng nhu cầu về các sản phẩm cao cấp, đặc biệt là các sản phẩm trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCGs) – bằng chứng là tốc độ tăng trưởng của phân khúc cao cấp trong ngành hàng này tăng nhanh gấp đôi so với các phân khúc khác.
Báo cáo này được thực hiện ở 6 nước trong khu vực Đông Nam Á, đo lường sức mua của các ngành hàng tạp hóa trong năm 2014 và cho thấy rằng thị phần của phân khúc sản phẩm cao cấp tăng 21% so với phân khúc sản phẩm phổ thông và giá rẻ. Báo cáo cũng chỉ ra rằng phân khúc sản phẩm cao cấp đóng góp 16% doanh số cho ngành hàng tạp hóa trong năm vừa qua.
“Chúng ta đều biết rằng các dòng sản phẩm phổ thông được ưa thích và chiếm ưu thế trên khắp các thị trường ở khu vực, nhưng thực tế cho thấy tầng lớp trung lưu trong khu vực đang tăng cao hơn bao giờ hết. Điều này dẫn đến việc xu hướng sử dụng các sản phẩm cao cấp ngày càng rõ nét và đây cũng chính là động lực thúc đẩy các nhà sản xuất “cao cấp hóa” các sản phẩm của mình bằng cách đầu tư cải tiến sản phẩm và cung cấp với mức giá cạnh tranh hơn” – nhận định của Johan Vrancken, Trưởng bộ phận nghiên cứu về Sáng tạo và Đổi mới, Nielsen khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Nghiên cứu của Nielsen khuyến nghị rằng “cao cấp hóa” sẽ là một công cụ hữu hiệu cho các nhà sản xuất trong hầu hết các ngành hàng, nhưng đặc biệt công cụ này sẽ phát huy tác dụng cao nhất trong ngành hàng tiêu dùng nhanh – nơi mà các nhà sản xuất dễ tiếp cận với tầng lớp trung lưu mới nổi trong khu vực vì đây là tầng lớp có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm cung cấp các lợi ích về xảm xúc mạnh mẽ cũng như các tính năng nổi bật mà thông qua đó có thể phản ánh được “sự phát đạt” của họ.
UY TÍN QUAN TRỌNG HƠN GIÁ CẢ
Ước tính đến năm 2030, tầng lớp trung lưu ở khu vực Châu Á sẽ đạt con số 3 tỷ. Và 17% NTD được khảo sát trong khu vực cũng cho biết họ sẵn sàng chi tiêu cao hơn – đây quả thật là một con số giúp các nhà sản xuất có thể dự đoán được mức độ tăng trưởng của mình trong 15 năm tới. Báo cáo của Nielsen cho thấy khoảng 43% người Châu Á sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm mang tính sáng tạo đột phá đồng thời quyết định mua hàng của họ sẽ phụ thuộc vào các đặc tính chính của sản phẩm bao gồm chất lượng, mức độ an toàn, việc áp dụng công nghệ tiên tiến.
Cùng với sự gia tăng nhu cầu sử dụng sản phẩm cao cấp, báo cáo của Nielsen chỉ ra rằng mức giá trung bình của các sản phẩm cao cấp trong khu vực Đông Nam Á đang có xu hướng giảm dần theo thời gian, ngay cả khi mức giá của các sản phẩm dòng phổ thông có xu hướng tăng lên.
“Việc “cao cấp hóa” các sản phẩm đối với nhà sản xuất thường phức tạp hơn rất nhiều so với việc nắm bắt xu hướng về tính cách, đặc điểm của NTD.” Vrancken nhấn mạnh. “NTD ở khu vực Đông Nam Á ngày càng nhận thức rõ hơn về việc họ mua gì và muốn mua gì, và họ có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm mang tính sáng tạo cao, đổi mới đột phá hơn là các sản phẩm bình thường khác. Giá cả là một yếu tố đóng vai trò quan trọng nhưng sự thu hẹp khoảng cách mức giá giữa dòng sản phẩm cao cấp và phổ thông đang giúp NTD ngày càng có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm chất lượng cao hơn.”
CHIẾN LƯỢC PHÙ HỢP ĐỐI VỚI TỪNG NGÀNH HÀNG SẼ ĐEM LẠI TĂNG TRƯỞNG HIỆU QUẢ
Việc cung cấp các sản phẩm cao cấp, về cơ bản, đều dễ thực hiện ở hầu hết các ngành hàng, tuy nhiên, sự tăng trưởng lại có nhiều sự biến động trong 12 tháng vừa qua. Ví dụ: các sản phẩm thực phẩm cao cấp tăng trưởng không đồng đều ở các dòng sản phẩm khác nhau, chẳng hạn như chúng ta có thể thấy sự sụt giảm về tăng trưởng phân khúc cao cấp ở các dòng sản phẩm: kem, ngũ cốc và sữa bột. Ngược lại, các sản phẩm chăm sóc cá nhân cao cấp lại có tốc độ tăng trưởng cao như sữa rửa mặt – 24%, kem dưỡng ẩm – 24% và tã trẻ em – 19%.
“Việc cung cấp các sản phẩm cao cấp có thể sẽ là động lực mạnh mẽ cho các nhà sản xuất tìm cách phát triển các dòng sản phẩm chủ đạo của mình thay vì cung cấp các sản phẩm đại trà cho thị trường”. Vrancken nhận xét. “NTD khu vực ngày càng thích được sử dụng các sản phẩm mới hoặc các sản phẩm được ứng dụng các công nghệ tiên tiến, chính điều đó đang khiến NTD có xu hướng sử dụng sản phẩm cao cấp thường xuyên hơn. Tuy nhiên, để chiến thắng trong cuộc chiến trên thị trường, các nhà sản xuất cần ghi nhớ chìa khóa quan trọng cho việc “cao cấp hóa” đó là đổi mới và đầu tư tiếp thị. Nhà sản xuất cần phải tạo nên sự khác biệt hóa hiệu quả, truyền thông cũng phải đưa ra được thông điệp và cam kết về “sự cao cấp” mà NTD sẽ được trải nghiệm. Bất kỳ một sai lầm nào dù là truyền thông, quảng cáo, bao bì hay tên sản phẩm cũng đều sẽ gây ra những tác hại nặng nề và việc NTD ngừng mua sản phẩm của bạn là tất yếu.”