TGĐ, Hôtel des Arts Saigon, Julie Marie-Anne Bruley: Đối đãi bằng sự chân thật • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

TGĐ, Hôtel des Arts Saigon, Julie Marie-Anne Bruley: Đối đãi bằng sự chân thật

Julie Marie-Anne Bruley vốn là một phụ nữ đã được ngưỡng mộ từ lâu trong giới quản lý nhà hàng khách sạn bởi những cống hiến, sự sáng tạo và không ngừng đổi mới để mang lại những khác biệt. Bà còn gây ngạc nhiên bởi phong thái gần gũi, giản dị và vô cùng cởi mở khi khiến người xung quanh luôn thấy thoải mái và dễ dàng bắt chuyện một cách hết sức tự nhiên… Đặc biệt, bà luôn xem bản thân là một người Pháp với một nửa châu Á trong mình.

Luôn cần những điều khác biệt

Ngay khi đặt chân đến khách sạn, tôi đã bị thu hút bởi sự sang trọng và phong cách thiết kế hiện đại nhưng phảng phất nhiều dấu ấn Việt, bà có thể chia sẻ thêm về ý tưởng xây dựng Hôtel des Arts Saigon?

Hôtel des Arts Saigon là khách sạn được xây dựng mới hoàn toàn thuộc nhánh Mgallery do Tập đoàn AccorHotels quản lý. Vì thuộc nhánh Mgallery nên như nhiều khách sạn khác trên thế giới, Hôtel des Arts Saigon cũng được xây dựng theo phong cách boutique – phong cách tạo nên những cá tính và dấu ấn riêng cho khách sạn. Thiết kế tập trung nhiều về mặt nghệ thuật, vừa tạo được sự sang trọng nhưng vẫn mang đến cảm giác thoải mái và dễ chịu cho khách đến ở hoặc sử dụng các dịch vụ tại khách sạn. Đây cũng là tiêu chí quan trọng tập đoàn hướng đến và muốn tập trung đầu tư trong quá trình xây dựng, hoàn thiện kiến trúc khách sạn. Có thể nói, cảm hứng xuyên suốt mà cũng là câu chuyện chính của Hôtel des Arts Saigon chính là phong cách kiến trúc Đông Dương thời Pháp thuộc, những năm 1930 trở đi. Ngoài ra, chúng tôi cũng rất chú ý đến việc mang đến những trải nghiệm khác biệt cho du khách ngay từ bước chân đầu tiên cho đến khi nhận phòng hay sử dụng các dịch vụ.

Như tôi nhìn thấy, bộ phận lễ tân và đón khách tại khách sạn đang khoác lên mình những bộ áo dài cách tân rất đẹp, có vẻ như dấu ấn bản địa đã được nghiên cứu tỉ mỉ và khéo léo đưa vào khách sạn?

Hầu hết những sản phẩm trang trí nội thất tại khách sạn hoặc một trong số các đặc điểm, bộ phận nào đó của sản phẩm đều có sự góp mặt của các tác phẩm thủ công được tạo nên từ những nghệ nhân, nghệ sĩ Việt Nam. Ví dụ như tranh tường, đồ cổ hoặc từ ngay những chi tiết rất nhỏ và đơn giản như thảm trải sàn cũng có hình hoa sen cách điệu. Từ sảnh nhìn ra bức tường lớn ngoài khách sạn, bạn có thể nhìn thấy những hoa văn trang trí mang đậm dấu ấn văn hóa Việt được khắc rất tinh tế và đẹp mắt hay ngay tại bàn khách trong các phòng cũng đều được trang trí những món đồ thủ công tinh xảo.

Vâng, xin trở lại với công việc hiện tại của bà. Bà đã có thời gian làm việc tại Việt Nam từ năm 2013 đến nay, liệu bà có cho rằng đang có nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường khách sạn Việt Nam hiện đang phát triển theo chiều hướng tốt không?

Tôi đã làm việc tại khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội trong 2 năm và giờ đây là Hôtel des Arts Saigon. Theo đánh giá của tôi, đây là hai khách sạn đẹp nhất Việt Nam. Riêng khách sạn Hôtel des Arts Saigon vừa được xây dựng tại TP. HCM với chất lượng và vẻ đẹp hoàn toàn xứng tầm quốc tế cũng là một trong những dấu hiệu cho thấy thị trường khách sạn đang rất phát triển và được đón nhận tại Việt Nam.

Với tình hình thị trường cạnh tranh hiện nay, một khách sạn mới như Hôtel des Arts sẽ có hướng phát triển và cạnh tranh như thế nào trong thời gian tới? Bà sẽ đóng vai trò ra sao?

Có thể khẳng định, Hôtel des Arts Saigon – MGallery Collection là khách sạn phong cách boutique 5 sao đầu tiên ở TP. HCM. Thực ra cá tính của khách sạn cũng đã tạo nên nhiều điểm khác biệt so với các đối thủ khác, do vậy tôi muốn hướng đến sự phát triển chuẩn theo từng giai đoạn. Giống như mỗi một con người cũng phải trải qua các giai đoạn từ trẻ thơ đến trưởng thành và hoàn thiện. Chúng tôi cũng vậy, luôn phát triển để ngày càng hoàn thiện hơn đồng thời tạo ra những sản phẩm tốt nhất.

Bản thân tôi luôn tự nhắc chính mình không bao giờ được ngủ quên, phải luôn luôn sáng tạo, không ngừng đổi mới và tạo khác biệt. Điều này sẽ giúp tôi nắm bắt và quản lý tốt công việc.

Thế so với thành phố thâm trầm như Hà Nội nơi bà từng làm việc, TP. HCM được đánh giá là trẻ và năng động hơn, liệu điều này có tác động đến việc hoạch định chiến lược kinh doanh không?

Tôi tin rằng không có sự khác biệt bởi vì điều quan trọng khi quản lý một khách sạn là quản lý con người. Khi quản lý con người, cần phải truyền cho họ niềm đam mê, sự kiên trì và tinh thần trách nhiệm. Khi làm được điều đó, chất lượng dịch vụ tại khách sạn sẽ luôn được đảm bảo.

Tôi đam mê được làm việc hằng ngày với những con người khác nhau cũng như đam mê mang đến dịch vụ và phục vụ tốt các khách hàng lẫn từng nhân viên của mình. Khi đam mê một điều gì đó bạn sẽ làm với tất cả nhiệt huyết, sự hăng hái. Do vậy, tôi hầu như không bao giờ quá căng thẳng vì công việc mà luôn cảm thấy hài lòng. Phần thưởng khiến tôi tự hào nhất, thỏa mãn nhất chính là được nhìn thấy đội ngũ nhân viên càng ngày càng phát triển và tiến lên phía trước.

Khách hàng & nhân viên đều phải hài lòng

Làm việc lâu năm trong ngành dịch vụ này, theo kinh nghiệm của bà, điều then chốt nhất để làm hài lòng các vị khách của mình là gì?

Cá nhân tôi luôn luôn tích cực khích lệ, khuyến khích các nhân viên để họ có thể phát triển và hoàn thiện chính bản thân mình đồng thời cảm thấy yêu thích, hài lòng với công việc. Như vậy, họ sẽ giúp khách sạn mang đến dịch vụ ngày càng chất lượng hơn cũng như chăm sóc khách hàng chu đáo hơn.

“Để có thể khiến khách hàng quay trở lại vào những lần sau thì không phải là một cá nhân nào đó mà mọi nhân viên của khách sạn đều phải chú ý và lưu lại từng sở thích, thói quen của khách…”

Trong ngành dịch vụ lấy việc hài lòng của khách hàng làm tiêu chí như khách sạn, rất nhiều nhà quản lý đã hướng đến triết lý mang lại phong cách phục vụ cá nhân hóa. Còn với bà, bà chọn triết lý nào?

Tôi thì tin rằng từ những việc nhỏ nhất sẽ tạo nên sự khác biệt. Bản thân tôi cách đây vài tuần, khi trở lại từ Bangkok, Thái Lan sau hội thảo dành cho các Tổng giám đốc của AccorHotels đã được các nhân viên của tôi chuẩn bị xe đón tại sân bay với dòng chữ: “Chào mừng cô Julie trở lại, chúng tôi nhớ cô!”. Các bạn còn chuẩn bị khăn lạnh và vài món ăn nhẹ trên xe, đó không phải là điều gì quá đặc biệt nhưng lại thể hiện sự quan tâm và cá nhân hóa khiến tôi rất cảm động. Hôtel des Arts Saigon cũng muốn làm điều tương tự cho khách hàng của mình. Chẳng hạn, chính tôi hoặc phó tổng giám đốc sẽ xuống sảnh chào đón khách khi họ đến khách sạn hoặc các nhân viên sẽ chuẩn bị một vài chi tiết nhỏ liên quan đến sở thích cá nhân trên bàn tiệc tối cho từng vị khách… Tôi tin rằng càng có nhiều thông tin về khách hàng, trước khi khách đến và qua từng lần khách ở thì càng đáp ứng tốt nhu cầu của khách giúp họ vui vẻ, hạnh phúc hơn.

Để có thể khiến khách hàng quay trở lại vào những lần sau thì không phải là một cá nhân nào đó mà mọi nhân viên của khách sạn đều phải chú ý và lưu lại từng sở thích, thói quen của khách… Khi làm được điều đó, khách sạn sẽ nâng dịch vụ của mình lên một cấp độ khác và chính những vị khách cũng sẽ muốn quay trở lại.

Trước khi gặp bà, tôi có nghe được rằng bà khá nổi tiếng trong ngành dịch vụ khách sạn, bà có thể chia sẻ những thành tựu hay niềm tự hào của mình trong hành trình phát triển sự nghiệp?

Bản thân tôi luôn thích điều gì đó đến một cách tự nhiên và chân thật, kể cả trong công việc hay cuộc sống hằng ngày. Tôi nghĩ, mình cho đi cái gì thì sẽ nhận lại cái đó nên khi đến với người khác bằng sự chân thật chắc chắn cũng sẽ được đối đãi như vậy. Chính điều đó sẽ mang đến niềm vui cho mình mỗi ngày.

Thế ngoài công việc, bà có sở thích gì đó đặc biệt không?

Tôi rất thích chạy bộ và đọc sách. Ở TP.HCM có rất nhiều công viên nên mỗi cuối tuần tôi thường mang theo sách để đọc sau khi chạy bộ. Ngoài ra, tôi luôn chú ý gìn giữ và vun đắp các mối quan hệ đã có, nhất là tình bạn không chỉ ở Việt Nam hay quê hương Pháp của tôi mà tại các nước trên thế giới khi tôi có dịp làm quen, kết bạn với họ. Tôi luôn cố gắng để các mối quan hệ ấy không bị ngủ quên.

Tôi có thể hỏi, bà được thừa hưởng những đức tính tốt đẹp này từ ai đó trong gia đình hay cuộc sống và công việc đã hình thành trong bà những nét tính cách như vậy?

Tôi chịu nhiều ảnh hưởng từ cha mình. Ông là một người thường xuyên phải di chuyển đến nhiều nơi trên thế giới và từng đến Việt Nam cách đây 25 năm. Bản thân tôi 21 năm trước trong chuyến đi đầu tiên đến châu Á chính là du lịch tại Việt Nam, đi từ Bắc vào Nam và đạp xe đạp vòng quanh các con phố ở Hà Nội. Cho đến nay, tôi vẫn tin đó là chuyến đi đẹp nhất và đáng nhớ nhất.

Thông thường, trước khi đến một nơi nào đó, bạn sẽ tìm hiểu về nơi đó đồng thời mường tượng trước những điều sẽ thấy, tôi cũng vậy. Việt Nam trong suy nghĩ của tôi lúc ấy là một đất nước ẩn chứa nhiều điều lạ lẫm, đặc biệt và rất châu Á, khi đến nơi mọi thứ thật đúng như tôi đã nghĩ.

Liệu có phải những điều đó cũng phần nào khiến cô đi đến quyết định làm việc lâu hơn tại Việt Nam?

Một mặt là vì việc được tham gia vào mở khách sạn Hôtel des Arts Saigon, nơi thường được chúng tôi ví như một “Metropole” thu nhỏ trong lòng Sài Gòn là một cơ hội lớn cho bản thân tôi và nghề nghiệp của tôi. Mặt khác, được sống ở châu Á, tại một trong những đất nước tuyệt vời như Việt Nam thì không có lý do gì để phải suy nghĩ lần thứ hai, nên tôi đã quyết định. Tôi thấy bản thân mình dường như đã có một nửa là người châu Á (cười).

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Text: THANH XUÂN – Photo: VINH VLK  – Make-up & Hair: Đình TRẦN

Comment