Bạn cứ nghĩ, gia trưởng là điều đã lùi vào dĩ vãng nhưng ngày nay vẫn không ít chị em sớm ôm hận ngay sau ngày cưới vì chồng gia trưởng. Bởi, gia trưởng khi yêu đã được khoác cái vỏ nam tính hấp dẫn khôn tả, chị em không thể không tưởng bở. Thôi thì tìm cách xoay xở xem sao, cứu chàng, lợi ta.
“Chẩn bệnh” cho chàng
Gia trưởng là nét tính cách tiêu cực của đàn ông, như một “bệnh” mà nhiều khi chính “bệnh nhân” chẳng thể nhận ra mình mắc phải. Cũng bởi “bệnh nhân” thì khỏe re, vợ con mới là người gánh giùm tất tật mọi vấn đề nan giải do cái tính ấy gây ra. Chuyên quyền, độc đoán thì có ở khắp nơi, từ cơ quan, đoàn thể đến trường lớp, thậm chí các nhóm chơi. Nhưng gia trưởng thì khủng khiếp hơn cả hai tính kia, vì những người phải “chịu trận” là những người vốn gần gũi và chung sống với “con bệnh”.
Ngày xưa, thuật ngữ “gia trưởng” thường được dùng để chỉ quyền lực của người nam giới ở địa vị đứng đầu trong gia đình. Thời hiện đại, từ này thường được dùng để nhắc tới kiểu đàn ông có tính thích nắm quyền chỉ đạo mọi việc trong nhà, đồng thời bóc lột và thống trị phụ nữ. Quyền chỉ đạo thì rõ rồi, nhiều phụ nữ còn thích huống hồ là đàn ông. Nhưng giữa thời hiện đại này thì bóc lột thế nào, thống trị thế nào được nhỉ? Bạn có thắc mắc không?
Hóa ra là thế này. Chàng rất thích chê bai vợ, làm cho vợ cảm thấy có lỗi và kém cỏi. Chàng sẵn sàng cằn nhằn, cáu bẳn với vợ trước mặt người khác. Chàng đối xử với vợ như kẻ hầu người hạ, đến bữa ăn xong là đứng lên đi thẳng, đến cái ghế ngồi xô ra cũng chẳng buồn xếp lại cho thẳng thớm. Chàng quyết định mọi việc trong nhà từ mua giấy toilet nhãn hiệu gì đến ăn gạo loại nào, còn vợ là người thực hiện tất mà phải không được sai lệch tí teo nào. Chàng kể công làm bố dạy bảo con ngoan học giỏi, con phạm lỗi thì đay nghiến “con hư tại mẹ”. Chàng kiểm soát giờ giấc đi lại của vợ. Chàng quản lý cả cách ăn mặc của vợ. Chàng khó chịu khi vợ thân thiết với người khác, kể cả là chị em gái hay họ hàng. Chàng giáo huấn vợ cả việc phải kết bạn hay “unfriend” ai với ai trên Facebook..v.v…
Không cần nghĩ ngợi xem vợ có cảm xúc gì, thích hay không thích, miễn tất cả cứ răm rắp thực hiện đúng theo chỉ đạo của chàng là được. “Bệnh” gia trưởng của chàng ngày càng nặng nếu vợ con cứ tiếp tục chiều ý.
***
“Chàng đối xử với vợ như kẻ hầu người hạ, đến bữa ăn xong là đứng lên đi thẳng, đến cái ghế ngồi xô ra cũng chẳng buồn xếp lại cho thẳng thớm”.
***
Cùng chàng “cắt cơn”
Để giúp chồng “cắt cơn” gia trưởng, chị em cần bắt đầu bằng cách dừng ngay việc tiếp củi vào lò.
Không phải chồng nói gì cũng nghe theo (chồng ỏng eo chê món ăn chán là tin rằng mình nấu chán thật, chồng chê mặc xấu là tin rằng thẩm mỹ của mình kém thật).
Không răm rắp làm theo những lời chồng sai vặt (bảo lấy hộ cái tăm là lấy ngay, kêu đem xe đi rửa là đi ngay).
Không chiều chuộng những đòi hỏi vô lý của chồng (cấm đăng ảnh ăn mặc đẹp lên Facebook là không dám đăng cả ảnh đi hội nghị đứng cùng đồng nghiệp, bắt cuối tuần ở nhà là sinh nhật đứa bạn thân cũng phải năn nỉ gãy lưỡi để “được” đi).
Đặc biệt có một sai lầm mà rất nhiều chị em cần dừng ngay. Đó là “tận dụng” tính gia trưởng của chồng để xây dựng hình ảnh chồng thành một “lãnh tụ độc tài” trong mắt con cái. Nhiều chị em làm thế không phải để con nể trọng người cha mà là để… có cái đem ra dọa dẫm. Dần dần trẻ con sẽ học tập thói độc đoán vì nhầm tưởng như thế là có quyền lực, nhưng điều đáng sợ hơn chính là việc ông bố ngày càng trở nên thật sự độc tài. Do đó cần dừng ngay việc “tận dụng” nguy hiểm này.
Nếu người vợ “cắt cơn” cho chồng thành công, sẽ thấy ngay hiệu quả là chàng bớt những việc làm và lời lẽ có tính áp đặt. Khi đó, việc còn lại là giúp chàng đoạn tuyệt hoàn toàn với gia trưởng.
Cương quyết chấm dứt
“Non sông khó chuyển, bản tính khó dời” là chuyện dễ hiểu. Song, nếu chàng thực tâm muốn xây dựng một gia hạnh phúc thì phải biết thay đổi để thích nghi với cuộc sống bên vợ con.
Còn người vợ đầu gối tay ấp với chàng, nếu không cương quyết hành động để chồng dứt bỏ tính gia trưởng, thường có xu hướng lựa chọn giải pháp “sống chung với lũ” để tránh đổ vỡ. Nhưng phụ nữ thời hiện đại không còn dễ dàng chịu trận.
Phụ nữ ngày nay nếu đã bó tay, rất nhiều người sẵn sàng ra đi. Trước nguy cơ mất vợ, đức ông chồng nào vẫn quyết giữ bản tính gia trưởng thâm căn cố đế thì cũng chẳng đáng để cho người đàn bà lưu luyến anh ta làm gì nữa. Một người cha gia trưởng, hẹp hòi nhất định có ảnh hưởng tồi đến tâm tính của những đứa con.
Tuy vậy, để tránh trường hợp xấu nhất, đương nhiên chị em vẫn luôn cố gắng kéo dài giai đoạn “điều trị” tính gia trưởng của chồng. Sự kiên trì là rất cần thiết, sự khéo léo càng cần thiết hơn. Trong giai đoạn “cắt cơn” cho chồng, chị em cần tránh “đối đầu trực diện”, không nên “bật lại”, không tranh cãi, không phê phán. Cách tốt nhất là… lờ lớ lơ.
Đàn ông gia trưởng vốn hay đòi hỏi. Từ chuyện bắt bẻ, chê bai, đến sai vặt, cấm cản… chàng có nói gì đi nữa, nàng cứ “giả điếc” là tốt nhất. Lúc thì vờ như bận việc không chú ý, lúc thì cứ vâng dạ rồi để đấy, dần dần chàng sẽ phải thích nghi với việc tự túc. Và từ lúc nào không hay, chàng đã chia tay được với “ông bạn vàng” gia trưởng.
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân
Có thể bạn quan tâm: