Sống chậm lại không làm bạn lùi về phía sau!

Sống chậm không làm bạn lùi về phía sau!

Giữa thế giới đầy rẫy căng thẳng với nhịp sống gấp gáp, ai cũng mong mỏi chút bình yên trong cuộc sống. Nhưng làm thế nào để được là chính mình và sống chậm lại để tận hưởng mọi thứ toàn vẹn nhất, dù là chỉ trong vài phút giây?

Đã bao lâu rồi bạn sống mà không lo lắng, tất bật với nhiều suy nghĩ bồn chồn vì phải chạy đua liên tục với cuộc sống? Tin rằng, giống như hầu hết mọi người, bạn cũng khao khát được sống chậm lại để tạm quên đi những nỗi lo, bởi tạm biệt chúng là điều không thể nào. Ít nhất là trong vài khoảnh khắc, vẫn sẽ có cách để ta tạo nên một vùng trời an định cho chính mình vẫy vùng mà mặc kệ mọi thứ, và điều đó chỉ có thể bắt đầu từ chính tâm trí của chúng ta.

Chậm lại không làm bạn lùi về phía sau!

Những khoảnh khắc bình yên vốn không quá hiếm, nó có thể là bất cứ lúc nào và đến vào lúc ta ít mong chờ nhất. Bạn có nhớ lần cuối cùng được dạo thong thả trên bãi biển, khi say sưa đọc một cuốn sách, hay cùng con nở nụ cười vì hoàn thành một việc nào đó đã lâu chưa thể làm cùng nhau. Những khoảnh khắc được sống chậm ấy, sẽ lấy đi khỏi tâm trí bạn những đau khổ, bực dọc và thay thế bằng một tinh thần thoải mái và nhẹ lòng. Đó chính là sự bình yên đến từ bên trong, không ai có thể làm phiền và vì chỉ kéo dài trong một thời gian, bạn cần tận hưởng chúng hơn bao giờ hết. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào có được một tinh thần thoải mái và cảm giác yên tâm trong cuộc sống của mình, quan trọng hơn, bạn trải qua nó như thế nào trong những lúc khó khăn và thử thách.

Chậm lại không làm bạn lùi về phía sau!

TED Talk từng có một video đặc biệt của Sam Berns, một diễn giả mang căn bệnh “progeria” mà chỉ có 350 người trên thế giới mắc phải. Anh ấy chỉ nặng 23kg, ở độ tuổi của một thiếu niên nhưng quá trình lão hóa nhanh hơn bình thường từ 5 đến 10 lần khiến anh trông như một ông già ở độ tuổi 70 hay 80. Bác sĩ chẩn đoán rằng anh ta sẽ không sống quá 13 tuổi, nhưng anh đã sống lâu hơn 4 năm so với dự kiến. Sam đã chia sẻ trong buổi talkshow rằng: “Buồn bã không mang lại cho tôi hạnh phúc, nhưng cũng không có nghĩa là tôi bỏ qua hoàn toàn cảm giác buồn này, tôi chỉ thẳng thắn chấp nhận nó và nhìn thẳng vào sự thật, đồng thời làm những gì tôi cần làm và vượt qua mọi rào cản.”

Sam là người luôn nhận định bản thân không-có-nhiều-thời-gian nhưng luôn cố gắng hướng tới, tìm kiếm mục tiêu và làm cho cuộc sống của mình nhiều màu sắc hơn. Và bạn cũng hãy nên như vậy. Chúng ta cần hiểu rằng cuộc sống là tất cả những điều không chắc chắn và chúng ta cần phải chấp nhận nó. Chấp nhận, là yếu tố quan trọng nhất để tìm kiếm sự an tâm cho chính mình. Sự chấp nhận không có nghĩa là bạn khiên cưỡng đồng thuận với một điều gì đó, mà nó thể hiện mức độ quyết đoán và nhận thức rõ ràng của bạn về những nhu cầu của mình.

Chậm lại không làm bạn lùi về phía sau!

Chấp nhận một người đã rời khỏi, chấp nhận một dự án bạn không ngừng cố gắng đã thất bại. Chấp nhận những gì không thể thay đổi. Chấp nhận mọi thứ tìm đến với tâm trạng cởi mở nhất. Và rồi khi tâm trí bạn bình yên, bạn sẽ không thực sự bị ảnh hưởng bởi những gì mọi người nghĩ về bạn. Học cách hài lòng với bản thân cũng là một kỹ năng. Bạn cần cho phép mình trải nghiệm những cảm giác “thất vọng”, “bất lực”, hiểu được sự vô thường của cuộc sống và học cách tha thứ cho những người khác, lẫn bản thân. Tất nhiên, bạn sẽ không dễ dàng đầu hàng, nhưng sẽ tốt hơn nếu bạn biết chấp nhận trạng thái “đủ tốt” tức không-hoàn-hảo và hạnh phúc với nó. Có thể chấp nhận những kết quả “không thể tránh khỏi” vốn chẳng dễ dàng, nhưng khi học được nó, bạn sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, sức lực và những lo lắng với những tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát rồi đối xử tử tế hơn với chính mình khi không còn đổ lỗi cho bản thân.

Sau khi chấp nhận, chúng ta có thể tìm cách thay đổi, dù không phải điều nào cũng mang đến những kết quả tốt đẹp, nhưng để những điều lãng phí qua đi và tập trung nuôi dưỡng cảm xúc để tận hưởng những giây phút hiện tại, đó cũng là một trạng thái của người biết “đủ” và giàu có trong cuộc sống.

Trong bối cảnh xã hội phức tạp này, dưới sự cám dỗ của danh lợi, con người khó có tâm hồn thanh thản. Hãy tưởng tượng một người phụ nữ giàu có làm việc ngày đêm nhưng ít khi có thời gian dành cho gia đình. Những gì người phụ nữ ấy có, là tiền bạc, là địa vị, nhưng họ lại thiếu những khoảnh khắc sum vầy cùng gia đình và sự an tâm khi nghĩ về những người thân yêu của mình. Những lúc như vậy, hãy cho phép bản thân được sống chậm lại một phút để tinh thần thoải mái và an ổn hơn. Tiền là tài sản quý giá nhất trong thế giới ngày nay, quyết định quan trọng đến sự thành công của một người, nhưng chưa chắc là thứ quan trọng nhất trong cuộc sống. Hạnh phúc của chúng ta vốn phụ thuộc vào trạng thái tinh thần, nếu một người thoải mái trong trạng thái tinh thần của mình thì người đó sẽ hạnh phúc và bình an. Mọi thứ đều là một trò chơi của trí óc. Nếu bạn bằng lòng với những thứ mình sở hữu, tâm trí bạn sẽ bình yên. Nhưng nếu bạn tham lam, bạn sẽ chạy theo những thứ vật chất và cuối cùng chỉ lo tích lũy thêm của cải.

Chậm lại không làm bạn lùi về phía sau!

Ảnh: Morgan Sessions

Cuộc sống không khó, nếu bạn học được cách sống chậm lại và giữ một trạng thái tâm trí đơn giản: Đó là biết sống cho mình, tận hưởng những cái đẹp và làm những điều khiến bản thân mỉm cười. Khi càng tiếp xúc với nhiều thứ, con người lại càng có nhiều nhu cầu hơn, và rồi tự do không còn là thứ người ta ham muốn nhiều nữa, nhưng trong những thời khắc không thoải mái, bạn sẽ thấy rằng quyền năng vô tận của một người chỉ được phát huy tối đa nếu họ giàu có về tinh thần. Đó là khi dù họ sở hữu nhà lầu xe hơi, nhưng vẫn biết ơn khoảnh khắc được ngồi xuống, tận hưởng một bài hát hay, ngồi trên chiếc ghế để uống một tách trà và ngắm gió mưa, sao trời. Đó là nơi thoải mái và tiện nghi nhất, nơi họ được là chính mình và có thêm một lần nữa cơ hội để lắng nghe lòng mình.

Cuộc sống rất thực tế, chúng ta sẽ đau khổ, băn khoăn và lo lắng, chúng ta sẽ đôi lúc phàn nàn về người khác, và không thiếu khoảnh khắc tự trách mình. Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn, đừng quên đối xử với mỗi ngày với bằng tâm trạng tích cực, trân trọng những ngày tháng đi qua và rồi giúp trái tim từng non nớt, mềm dại trở nên mạnh mẽ, tỏ tường sau những va chạm cùng thế giới bên ngoài. Đối diện cuộc sống với tâm hồn thanh thản, chúng ta có thể nhận ra sự tĩnh lặng không phải là cô đơn và lẻ loi, mà là khả năng chiêm ngưỡng cuộc sống và lĩnh hội những bài học mà cuộc sống gửi gắm.

Đã bao giờ bạn nói với bản thân rằng muốn sống chậm lại để thoát khỏi sự bận rộn và tận hưởng cuộc sống một cách đúng nghĩa? Nhưng đến khi công việc bị quá tải, việc tận hưởng cuộc sống cũng khiến bạn e dè. Không biết từ lúc nào, trong quá trình quay cuồng của nhịp sống, bạn đã không thể cảm nhận hết được lòng mình, mà chỉ bị vùi dập trong hàng tá “deadline” khiến cuộc sống trở nên nhàm chán. Có người khi hoàn thành một dự án khó nhằn, sẽ tìm cách lẩn trốn hoặc giải phóng hết năng lượng trong những ánh đèn rực rỡ và âm nhạc sôi động. Nhưng, lòng không yên, cho dù ở đâu, cũng không thể tĩnh tại và tự do. Có người trái tim không muốn, nhưng không có lựa chọn nào khác ngoài chăm chỉ làm việc.

Đây là một sự thỏa hiệp, thỏa hiệp với sự cô đơn, day dứt mà không thể tìm thấy lối thoát. Sống chậm lại không có nghĩa là bạn không thể đảm bảo địa vị và của cải của mình trong xã hội, mà đôi khi, chỉ cần tạm dừng, để những ngày nghỉ thực sự là ngày nghỉ, bạn sẽ nhận ra đâu là điều quan trọng nhất giữa ham muốn vật chất của bản thân và cảm giác hài lòng với những gì bạn có, rồi sẽ tìm được cách để đạt được nhiều hơn mà không phải hy sinh thứ còn lại.

Chậm lại không làm bạn lùi về phía sau!

Ảnh: Oliver Pacas

Thực tế, tận hưởng và bận rộn không hề mâu thuẫn. Không quan trọng nếu bạn không có thời gian để đi du lịch vòng quanh thế giới, bạn vẫn có thể thăm thú những thành phố lân cận và trải nghiệm những điều chưa từng biết. Quan trọng là bạn có sẵn sàng tận hưởng cuộc sống này hay không, còn lại mọi thứ thật sự không thành vấn đề. Đừng để cuộc sống xô đẩy bạn, điều gì hiện đang ràng buộc bạn vào một lối suy nghĩ nhất định? Nó thường xuất phát từ những kiểu suy nghĩ theo thói quen. Và có những lúc, vì mắc kẹt trong những định kiến và suy nghĩ của chính mình đã khiến tâm trí bạn không thể giải phóng và cảm thấy tự do.

Sẽ có lúc khó khăn cho bạn dũng khí để vượt qua những rào cản của cuộc đời, và tìm kiếm sự yên tĩnh là tìm cách tốt nhất để sống chứ không chỉ là tồn tại. Bước vào sự yên tĩnh là bước vào vùng ánh nắng của tâm hồn. Cảm nhận sự yên tĩnh là cảm nhận một kiểu sống khác. Học cách sống chậm giúp chúng ta trân quý những thứ hiện hữu và theo đuổi sự bình dị giữa thế giới vật chất bủa vây. Tận hưởng cuộc sống một cách thích hợp không chỉ không lãng phí thời gian, mà còn giúp bạn có một tinh thần thoải mái để làm việc hiệu quả hơn. Muốn cuộc sống thêm vui vẻ, hãy không ngừng cống hiến làm việc, nhưng cũng nên làm bạn với “nhàn hạ”, đó cũng là một loại trí tuệ của cuộc sống.

Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân | Ảnh: Internet

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Comment