Sinh viên nhận học bổng RMIT chia sẻ kinh nghiệm ứng tuyển - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Sinh viên nhận học bổng RMIT chia sẻ kinh nghiệm ứng tuyển

Nhân dịp hạn chót nộp hồ sơ học bổng Đại học RMIT Việt Nam đang đến gần, các sinh viên của chương trình học bổng “Chắp cánh ước mơ” của trường đã chia sẻ lời khuyên cho các bạn đang có kế hoạch ứng tuyển.

Nguyễn Minh Hải: “Chiến lược của tôi là lên kế hoạch đầy đủ và sẵn sàng”

Sinh viên ngành Cử nhân Kinh doanh (Quản trị) Nguyễn Minh Hải đam mê kinh doanh và kinh tế từ khi còn nhỏ.

“Tôi tin rằng kinh doanh là chìa khóa để cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người khuyết tật. Tôi đã tìm hiểu và biết được Đại học RMIT Việt Nam có chương trình học tốt nhất cho sinh viên kinh tế”, Hải cho biết.

Với quyết tâm nhận được Học bổng Chắp cánh ước mơ duy nhất của Đại học RMIT năm 2017, Hải đã miệt mài lên kế hoạch chi tiết để đạt được mục tiêu của mình. Hải nhấn mạnh rằng các bạn trẻ mong muốn ứng tuyển học bổng RMIT nên chuẩn bị thật sớm và thật kỹ.

Sinh viên học bổng RMIT

Nguyễn Minh Hải (thứ hai từ phải qua) nhận Học bổng Chắp cánh ước mơ của Đại học RMIT năm 2017.

Theo Hải, bên cạnh việc chứng minh thành tích học tập xuất sắc và kỹ năng lãnh đạo được trau dồi qua các hoạt động xã hội, các ứng viên cũng cần có mục tiêu rõ ràng xuyên suốt và kế hoạch  toàn diện để hiện thực hóa mục tiêu đó.

Chẳng hạn, sinh viên ngành kinh doanh nên thể hiện được rằng mình đã học hỏi, khám phá và triển khai các dự án kinh doanh trong quá khứ ra sao, đồng thời trình bày được một số dự án đang hoặc sẽ thực hiện. Các ứng viên nên tránh đưa ra quá nhiều thông tin không liên quan tới mục tiêu đề ra”, Hải chia sẻ thêm.

Nguyễn Thị Thanh Vinh: “Hãy đọc thật kỹ và làm theo các hướng dẫn”

Nguyễn Thị Thanh Vinh nhận Học bổng Chắp cánh ước mơ của RMIT năm 2018 và đang theo học ngành Cử nhân Ngôn ngữ. Vinh khuyên các ứng viên hãy đọc kỹ các yêu cầu được đăng tải trên website của RMIT và làm theo các hướng dẫn.

sinh viên học bổng RMIT

Nguyễn Thị Thanh Vinh – Nữ sinh “ẵm” học bổng toàn phần của ĐH quốc tế RMIT khuyên các ứng viên đọc kỹ các tiêu chí xét tuyển học bổng

“Các tiêu chí xét tuyển được trình bày rất rõ ràng. Điều bạn cần làm là chứng minh được mình đáp ứng được những yêu cầu  đó. Bạn sẽ phải chuẩn bị khá nhiều giấy tờ. Vì vậy, hãy bắt đầu chuẩn bị hồ sơ càng sớm càng tốt để có thời gian xem lại và chỉnh sửa nếu cần.Tôi đã khá hồi hộp trong vòng phỏng vấn. Lời khuyên của tôi là hãy giữ bình tĩnh và trả lời thành thực. Hội đồng xét tuyển có nhiều kinh nghiệm nên họ sẽ nhận ra ngay nếu bạn không nói thật”. Vinh chia sẻ.

Nguyễn Thành Vinh: “Hãy là chính mình!”

Nguyễn Thành Vinh, cử nhân tốt nghiệp ngành Truyền thông (Truyền thông Chuyên nghiệp) Đại học RMIT năm 2018, khuyên các sinh viên học bổng tương lai hãy tự tin trong quá trình xét tuyển.

“Điều sáng suốt nhất mà tôi đã làm, đó là nghe theo lời tư vấn của cô Jade Bilowol, một giảng viên Đại học RMIT khi đó. Cô nói rõ với tôi rằng tôi  chỉ cần là chính mình. Cô đã giúp tôi nhận ra một điều quan trọng, đó là cần khẳng định với hội đồng phỏng vấn học bổng rằng tôi chính là người họ tìm kiếm. Điều duy nhất tôi cần làm là lựa chọn những câu chuyện có thể truyền tải được một cách hiệu quả rằng tôi đáp ứng được yêu cầu xét tuyển học bổng”.

sinh viên học bổng RMIT

Nguyễn Thành Vinh tốt nghiệp Cử nhân Truyền thông (Truyền thông chuyên nghiệp) vào năm 2018.

Từ năm 2014, Đại học RMIT đã trao 12 học bổng dành cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam. Các ứng viên thành công không chỉ nhận hỗ trợ tài chính toàn phần, mà còn được gia nhập một cộng đồng quốc tế đa dạng và có cơ hội trải nghiệm học tập tại một trong 200 trường đại học đối tác của RMIT trên khắp thế giới.

Các ứng viên Học bổng Chắp cánh ước mơ cần nộp hồ sơ qua một trong bốn tổ chức phi lợi nhuận: Reach, KOTO, Trung tâm Sao Mai hoặc Hội người mù Việt Nam trước ngày 30/7/2020.

Nguyễn Thị Ánh Ngọc: “Nâng cao trải nghiệm bằng những hoạt động phát triển kỹ năng”

Trước khi nhận ra Đại học RMIT là ngôi trường tốt nhất nơi có thể cho cô nền học vấn hỗ trợ cô thực hiện ước mơ giúp đỡ người khác, Nguyễn Thị Ánh Ngọc đã từng từ chối ba suất học bổng từ các trường đại học ngoài nước. 

Quyết định theo học chương trình kinh doanh tại Đại học RMIT theo kỳ vọng của ba mẹ mình. Trong năm học đầu tiên, Ngọc đã giành được học bổng của trường nhờ thành tích học tập xuất sắc, cô bạn còn tận dụng thời gian học tại RMIT để khám phá thế mạnh của bản thân, cũng như những hướng đi mà cô biết có thể giúp đỡ mọi người và tạo ra tác động tích cực lên cộng đồng.

sinh viên học bổng RMIT

Cựu sinh viên ngành Kinh doanh (Quản lý chuỗi cung ứng & logistics) Nguyễn Thị Ánh Ngọc (đứng giữa) nhận học bổng trong năm học đầu tiên học tại RMIT.

Ngọc còn tận dụng mọi cơ hội để tham gia những sự kiện quan trọng trong trường để phát triển kỹ năng lãnh đạo cho bản thân, chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng đến các bạn đồng trang lứa cũng như những em học sinh muốn vào học tại RMIT Việt Nam.

Ngọc chia sẻ: “Ngay cả khi không được nhận học bổng, Đại học RMIT Việt Nam vẫn sẽ là nơi bạn có thể phát triển mạnh mẽ hơn và đạt được nhiều thành tựu vượt xa khỏi những giới hạn của bản thân bạn”.

Mời độc giả tìm hiểu thêm về cách ứng tuyển học bổng Đại học RMIT tại website: https://www.rmit.edu.vn

Đọc thêm:

Thay đổi tư duy & khởi sự từ việc nghĩ “nhỏ” để chinh phục thành tựu “lớn”

Làm thế nào để trẻ vui chơi nhưng không quên nhiệm vụ học tập?

Comment