Du lịch xứ Puno để “truy tìm” vẻ đẹp văn hóa dân gian Nam Mỹ - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Du lịch xứ Puno để “truy tìm” vẻ đẹp văn hóa dân gian Nam Mỹ 

Những tháng cuối năm là thời điểm đẹp nhất để ghé thăm Nam Mỹ. Và chuyến du lịch đến Puno vùng Nam Mỹ – nơi sở hữu bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp cùng những lễ hội màu sắc Latin mãnh liệt sẽ không thể nào là một lựa chọn khiến bạn thất vọng trong những ngày cận kề năm mới.

Mang sắc thái đậm chất Latin cùng những phong cảnh ngoạn mục đã trở thành “thánh địa du lịch”, Peru chính là một điểm đến đầy cảm hứng mang tinh thần của một lục địa đầy văn minh. Nơi đây có hầu hết mọi thứ mỗi người mong đợi trong một chuyến hành trình, từ thành phố sôi động, thị trấn thuộc địa, truyền thống sâu sắc đến cảnh quan ấn tượng và lòng tốt cùng sự mến khách của những người dân thân thiện nhất thế giới. Điều nguy hiểm là… bạn sẽ có thể muốn ở đây mãi mãi. Tuy nhiên, vốn là đất nước sở hữu nền văn hóa và địa hình rất khác Việt Nam, đôi lúc bạn sẽ cảm thấy quá sức khi lựa chọn những địa điểm để ghé thăm ở quốc gia này. Thay vì một Machu Picchu đã quá nổi tiếng, sao không thử tìm hiểu một số điểm đến nổi bật khác cũng là niềm tự hào của đế chế Inca. Và Puno, một thành phố nằm ở phía Đông đất nước với những địa điểm mê hoặc sẽ là một trong những thành phố tốt nhất mà bạn phải ghé thăm trên lục địa này.Titicaca là hồ lớn nhất Nam Mỹ với khối nước có thể điều hướng cao nhất thế giới. Nằm giữa biên giới giữa Peru và Bolivia, hồ Titicaca được xem là nơi sinh ra của nền văn minh nhân loại. Hồ được hình thành khoảng 60 triệu năm trước khi một trận động đất lớn tấn công dãy núi Andes, chia đôi phạm vi hai đất nước và tạo ra một thánh địa chứa đầy nước từ các sông băng tan chảy.

Từ lâu, nơi đây đã được xem là vùng đất linh thiêng giữa nơi cư ngụ của các dân Andean bản địa. Những người sống xung quanh hồ (tại khu vực nhà nổi) xem mình là hậu huệ của Mama Qota, hay còn gọi là Người mẹ thiêng liêng và họ tin rằng có những linh hồn mạnh mẽ đang sống và bảo vệ họ dưới đáy hồ sâu thẳm. Luôn tự hào với cảnh tượng độc đáo và vùng nước xanh thẳm kéo dài mãi mãi, hồ Titicaca là một trong những nơi chứng kiến bình minh và hoàng hôn rực rỡ nhất ở không chỉ Puno mà cả đất nước Peru. Để đến khu nhà nổi Uros, ắt hẳn bạn sẽ phải bắt gặp Titicaca trước tiên và khám phá nét đẹp nơi đây trên con tàu hơi nước của những người dân bản địa.

Khi phát âm “titicaca”, điều này không thể phủ nhận rằng sẽ có thể tạo ra tiếng cười khúc khích. Thực tế, đây là tên gọi được bắt nguồn từ sự kết hợp của ngôn ngữ bản địa khu vực Aymara và Quechua. Đối với người dân địa phương, Titicaca có thể hiểu là “Hồ Thiêng”, nhưng nếu tách nó ra, ta sẽ có “Titi-” là “con mèo” trong tiếng Aymara và “-caca” là “hòn đá linh thiêng trên đảo mặt trời” trong tiếng Quechua.

Ai đã từng mơ ước được sống trên thuyền hay nhà nổi? Cùng với những ngôi nhà trên cây, những ngôi nhà nổi giữ một vị trí đặc biệt trong trí tưởng tượng của con người. Và người Uros của hồ Titicaca đã thực hiện giấc mơ này và tạo thành một quần đảo lau sậy của riêng họ. Là địa điểm thu hút hàng đầu không thể chối cãi của khu vực, những hòn đảo nổi này chính là lý do khiến du khách tìm đến Puno nhiều nhất.

Được tạo lập bởi người Uros từ hàng trăm năm trước, các hòn đảo đã được tạo ra một cách nhân tạo nhưng đầy tinh tế từ những cây sậy bản địa tên là Totora chỉ mọc trên bề mặt hồ Titicaca. Sự tồn tại của cộng đồng Uros trên hòn đảo được xem là một trong những nền văn hóa lâu đời nhất của lục địa có từ thời tiền Inca và được tự xưng là chủ sở hữu của vùng biển hồ Titicaca. Đặc biệt, theo thời gian, lau sậy bắt đầu thối rữa và tan rã, vì vậy nơi đây đã tạo ra một lượng công việc làm thêm đáng kể cho người dân địa phương và khiến họ bận rộn hơn, khi cứ sau ba tháng hoặc lâu hơn, họ sẽ hoán đổi lau sậy và đảm bảo giữ vững địa hình của hòn đảo.

“Puno – Điểm dừng chân thú vị của con đường du lịch Nam Mỹ với nét quyến rũ của nền văn hóa Inca kỳ bí.”

Khi bạn đến một trong những hòn đảo của Uros, bạn sẽ được chào đón bởi những người phụ nữ với trang phục truyền thống và những câu thần chú của họ. Họ tin đó là cách chào đón thân mật bằng ngôn ngữ bản địa và dẫn dắt bạn bước vào hành trình khám phá quần đảo một cách trực diện nhất.

Bạn có biết rằng có hơn 3.000 lễ hội truyền thống của Peru được tổ chức xuyên suốt trong cả năm? Peru là một quốc gia luôn giữ vững truyền thống của mình trong khi ngày càng nắm bắt sự đổi mới để phát triển và hội nhập. Không chỉ choáng ngợp bởi những cảnh quan thiên nhiên, khi đến nơi đây đặc biệt vào tháng 11, bạn sẽ ngay lập tức bị hấp dẫn bởi viễn cảnh của một trong những lễ hội đặc biệt nhất đó là Puno Festival Week. Tuần lễ được diễn ra vào đầu tháng 11, trong đó hoành tráng nhất là ngày 5/11 còn được gọi là Puno Day. Mục đích của Puno Day là để kỷ niệm sự ra đời huyền thoại của một Manco Cápac (The Rising of Manco Cápac), được cho là người đầu tiên đã trỗi dậy từ vùng biển hồ Titicaca để thành lập đế chế Inca. Một đám rước lớn sẽ được dẫn từ bờ hồ đến sân vận động thị trấn. Những điệu nhảy và âm nhạc tràn ngập khắp thành phố trong điệu nhạc Altiplano du dương. Những điệu nhảy hoang dã và trang phục thời tiền Columbus sôi động trong buổi lễ chắc chắn được xếp hạng trong số các lễ hội ngoạn mục nhất trong cả nước.

Lễ hội Puno không chỉ là một bảng màu sắc nổi bật. Hằng năm cứ đến ngày này, người dân địa phương lại sốt sắng khơi gợi truyền thống của tổ tiên và thể hiện hình thức nhớ ơn bằng những hoạt động độc nhất vô nhị. Các văn hóa cổ xưa sẽ được trưng bày, từ nghệ thuật dệt may đến giảng dạy lao động nông nghiệp, và hàng trăm diễn viên đóng vai trò chiến binh Inca, linh mục hay phụ nữ xinh đẹp,… sẽ cùng nhau kết nối để thực hiện nghi lễ đặc biệt. Cũng đừng bất ngờ nếu bạn bắt gặp cảnh tượng nhiều người loạng choạng và say sưa trong hơi men bởi đó chính là cách mà họ ăn mừng những ngày đáng vui mừng nhất trong năm.

Cũng trong dịp ghé thăm Puno, bạn sẽ không thể bỏ qua một trong những nơi được mệnh danh là đẹp nhất Nam Mỹ – Tiny Taquile. Đi khỏi hồ Titicaca để đến với hòn đảo này, bạn có thể thấy những tàn tích tiền Columbus và truyền thống thủ công mỹ nghệ vẫn còn tồn tại đến ngày nay thông qua ý thức cộng đồng mạnh mẽ. Đây là một hòn đảo được sưởi ấm bởi ánh nắng mặt trời trong vắt và khiến tâm trí bạn có thể bị cuốn đi bất cứ lúc nào giữa vùng trời Địa Trung Hải trong một màu xanh đẹp mắt. Hòn đảo là nơi sinh sống của chỉ hơn 2.000 người với diện tích 5,72km2 và điểm cao nhất trên đảo là 4.050m so với mực nước biển, vì vậy, bạn hoàn toàn có thể cảm nhận được sự ảnh hưởng của độ cao khi đặt chân đến đây.

Ở Taquile, bạn sẽ bắt gặp cảnh tượng những người đàn ông đang đan len với tay cầm kim thoăn thoắt khâu vá những chiếc mũ. Trong khi đó, phụ nữ sẽ dệt những chiếc chăn đầy màu sắc để mang đi bán ở khu hợp tác xã của hòn đảo. Từ khi UNESCO công nhận giá trị của Taquile bằng cách biến nó thành di sản thế giới và nghệ thuật dệt thành di sản phi vật thể của nhân loại, nơi đây đã xoay chuyển trở thành một thiên đường nhỏ bé nhưng đầy điềm đạm và mộc mạc. Đừng mong đợi sẽ được thưởng thức các nhà hàng và cơ sở du lịch kiểu phương Tây, bởi Taquile sẽ là nơi khách du lịch được hòa mình vào cuộc sống địa phương, ăn tối với các món ăn truyền thống trong không gian giản đơn hoặc nhà riêng của người dân trên đảo.

Những nơi khác cần ghé thăm khi đến Puno:

  • Nhà thờ chánh tòa thánh St. Charles Borromeo
  • Giáo hội San Juan
  • Đảo Amantani
  • Khu phức hợp khảo cổ Sillustani
  • Đảo Suasi
  • Đồi Mirador El Condor
  • Làng Chucuito
  • Cánh cổng Aramu Muru

Bài viết độc quyền của ấn phẩm Nữ Doanh Nhân.

Độc giả đang đọc bài viết “Du lịch xứ Puno để “truy tìm” vẻ đẹp văn hóa dân gian Nam Mỹ” tại chuyên mục Du lịch & Ẩm thực của Tạp chí Nữ Doanh Nhân. Mời độc giả gửi ý kiến phản hồi và bài viết cộng tác cho chuyên mục này về địa chỉ email: bandoc@nudoanhnhan.net. Chân thành cảm ơn quý độc giả!

Đọc thêm:

Khám phá những ngôi làng tuyết mùa đông: Khi cổ tích có thật…

Lombok – thiên đường du lịch mới mang lằn ranh kỳ diệu giữa “thực” và “ảo”

Comment