Digital – Sức ảnh hưởng của những “gã khổng lồ” thời đại mới - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Digital – Sức ảnh hưởng của những “gã khổng lồ” thời đại mới

Internet ra đời và thay đổi cách thức kiếm tiền của nhiều nhà kinh doanh. Nhưng bất chấp mọi dự đoán của các chuyên gia, sự ra đời và tồn tại của internet vẫn chưa đủ khả năng xóa bỏ hoàn toàn những áp lực và khó khăn cho người kinh doanh so với các nền tảng truyền thống. Vì sao?

Kỹ thuật số là cụm từ phổ biến nhất trong rất nhiều năm qua. Trong khi công nghệ kỹ thuật số ngày càng phát triển đi cùng nhiều nền tảng và ứng dụng số mới mẻ trong kinh doanh thì vẫn có những băn khoăn được nêu ra cho người bán lẫn người mua. Bất kể bạn đang muốn bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như Amazon, đăng tải ứng dụng lên App Store, kiếm sống trên Youtube hay thuê nhà trên Airbnb. Các nền tảng kể trên đều nhận được những lời phàn nàn từ cả doanh nghiệp và cá nhân về chi phí, quy định và sự hoạt động thiếu tính ổn định của chúng. Và có thể nói, những khó khăn này thậm chí còn phức tạp hơn so với thời kỳ kỹ thuật số chưa xuất hiện. Điều đó cũng phần nào phản ánh lên nỗi lo lắng của con người trong thời đại 4.0 này.

Digital - Sức ảnh hưởng của những "gã khổng lồ" thời đại mới

Kỹ thuật số là con dao hai lưỡi?

Internet xuất hiện, ngoài việc mang đến nhiều cải tiến cho những cách thức xưa cũ, còn hình thành nên những “gã khổng lồ” kiểu mới trong nền kinh tế, chi phối sâu sắc đến trải nghiệm của người dùng thời hiện đại, điển hình như các “gã khổng lồ” công nghệ: Google, Apple, Facebook,…

Một ví dụ trước đây tại Mỹ, người làm nghề thủ công khi ký gửi hàng hóa sẽ chia một phần lợi nhuận cho các cửa hàng để họ bày bán sản phẩm của mình. Vào những năm 1970, tỷ lệ ăn chia là 60% cho người sản xuất và 40% cho chủ cửa hàng, hoặc đôi khi là 50 – 50. Điều này cũng tương tự như cách App Store đang tính hoa hồng cho các ứng dụng của nhà lập trình. Các nhà phát triển ứng dụng than phiền rằng Apple đã và đang áp đặt những chi phí không công bằng và bày vẽ ra sự phức tạp cho người dùng sản phẩm của hãng.

Từ đó có thể thấy, đây chính là cách một thế giới “digital” vận hành – với những “gã khổng lồ” mới lên làm chủ.

Sự chi phối của các “gã khổng lồ” thời đại mới

Hãy làm rõ một ví dụ giữa App Store và một chủ cửa hàng truyền thống. Cả hai đều là nơi cung cấp các gian hàng trưng bày và đảm bảo chất lượng sản phẩm với người tiêu dùng. Nhưng, những nền tảng công nghệ hiện đại được mệnh danh là những “ông lớn”, là người quyết định sản phẩm nào được xuất hiện trên kệ hàng của mình với mức độ quảng cáo, tiếp cận người mua hàng tiềm năng theo ý muốn của họ.

Ví dụ, Apple đã và đang làm điều tương tự đối với hàng hóa là các ứng dụng di động trên nền tảng của mình. Khác biệt nằm ở chỗ các cửa hàng thường giữ mức ăn chia trên giá bán lẻ sản phẩm lớn hơn nhiều so với hoa hồng của Apple, có thể lên tới 30%.

Digital - Sức ảnh hưởng của những "gã khổng lồ" thời đại mới

Và không chỉ Apple, những “gã khổng lồ” khác cũng đang có một sức ảnh hưởng tương tự. Một số thành viên của Quốc hội Mỹ đang cố gắng điều chỉnh luật để ngăn Amazon – nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới, cho ra đời thương hiệu cà phê và thời trang riêng để cạnh tranh trực tiếp với những người bán hàng khác trên nền tảng thương mại điện tử Amazon. Hay việc những nhà sáng tạo nội dung trên Youtube và Tiktok đã và đang có nhiều phản ứng trái chiều về sự phát triển như vũ bão và cách tính hoa hồng của các nền tảng này.

  • Một nhà thiết kế thời trang không cần thuyết phục các cửa hàng bày bán sản phẩm của mình. Anh ta có thể tự thành lập một trang web bán hàng hoặc đăng ký một cửa hàng trên các nền tảng thương mại điện tử. Tuy nhiên, một chủ cửa hàng vẫn phải chi trả một khoản tiền không nhỏ để quảng cáo trên Google, Facebook… nhằm tiếp cận khách hàng.
  • Một nhạc sỹ có thể tạo ra video và đăng tải lên Youtube mà không cần thông qua các vòng tuyển chọn của các công ty sản xuất âm nhạc. Nhưng rồi người nghệ sĩ ấy vẫn phải tuân theo những điều khoản và thuật toán khó đoán định của Youtube, Google để tiếp cận người xem và được trả tiền cho sản phẩm sáng tạo của mình.
  • Một nhà lập trình có thể tự tạo ra ứng dụng game và đăng tải chúng lên Google Play hoặc App Store mà chẳng cần thuyết phục bất cứ công ty phần mềm sản xuất nào. Nhưng nhà lập trình vẫn phải phụ thuộc vào thuật toán chi phối khả năng xuất hiện app khi được tìm kiếm trên các cửa hàng ứng dụng. Đã có rất nhiều khiếu nại nhắm vào các công ty công nghệ vì cho rằng họ đang lạm dụng quyền lực để chi phối các phương diện trong đời sống người dùng.

Những lời phàn nàn này phản ánh sự khác biệt giữa kỳ vọng và thực tế của những gì đang xảy ra trên Internet. Giờ đây, bất kỳ ai cũng có thể tạo ra nội dung và đăng tải lên mạng. Vì thế, ngày càng khó để tạo ra khác biệt và gây được sự chú ý với người dùng trực tuyến, đặc biệt khi quyền lực chi phối của những “gã khổng lồ” công nghệ ngày một bành trướng.

Trong thời đại kỹ thuật số bùng nổ, chúng ta có thể tiếp cận hàng tỷ khách hàng tiềm năng chỉ sau vài cú “click chuột” – điều mà các cửa hàng và dịch vụ truyền thống khó có thể làm được. Nhưng sự dễ dàng đó được đánh đổi bằng một cái giá không hề nhỏ, đó là sự chi phối của những “gã công nghệ” khổng lồ với cách thức chi phối theo kiểu mới trong thời đại kỹ thuật số.

Bài viết được đăng trên số 140 của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Comment