Để thoát khỏi nỗi ám ảnh “Đi làm thứ Hai” • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Để thoát khỏi nỗi ám ảnh “Đi làm thứ Hai”

Không ít người trong chúng ta thường cảm thấy mệt mỏi, tinh thần thì ủ rũ, cơ thể thì nặng nề vào ngày đầu tuần. Đó là biểu hiện của Hội chứng Ngày thứ Hai, thường gặp ở những người phải thường xuyên chịu nhiều áp lực làm việc mà không có cách thư giãn hợp lý.

Năm 2000, tạp chí y học British Medical Journal (Anh) đã gây xôn xao dư luận khi công bố kết quả một nghiên cứu được thực hiện trong 10 năm (1986-1995): Vào ngày thứ Hai, số ca tử vong do nhồi máu cơ tim ở nam giới dưới 50 tuổi cao hơn 19% so với những ngày khác trong tuần. Phần lớn các ca tử vong xảy ra ngoài bệnh viện và trước đó nạn nhân chưa hề biết mình mắc bệnh mạch vành. Hiện tượng này cũng được ghi nhận ở Nga, Đức và Mỹ. Ở các quốc gia trên, số vụ tự tử cũng tăng cao vào ngày thứ hai.

Có rất nhiều người thừa nhận đã từng xin nghỉ vào ngày thứ Hai với lý do … không muốn đi làm

Kết quả của nghiên cứu này khiến người ta liên tưởng đến một “vấn nạn” gì đó nghiêm trọng, nhưng thực ra cũng chỉ là câu chuyện …. đi làm ngày thứ Hai. Nhiều thống kê cho thấy, các vấn đề sức khỏe khác như căng thẳng, mệt mỏi, chán nản, rối loạn tiêu hóa… cũng gia tăng trong ngày đầu tuần. Tại Bệnh viện Shuguang (Trung Quốc), số ca bệnh này trong ngày thứ hai cao hơn những ngày khác 10-20%.

Các biểu hiện chính của Hội chứng Ngày thứ Hai là mệt mỏi, không còn hứng thú với công việc. Những người “mắc bệnh” thường xuất hiện với bộ mặt thiểu não, dáng điệu ủ rũ, chậm chạp, ít nói. Một số người còn cảm thấy bứt rứt, cáu kỉnh, khó chịu; có khi kèm theo nhức đầu, ăn mất ngon, khó tiêu…

Có nhiều giả thuyết được đặt ra cho căn bệnh “khó chữa” này. Đó có thể là do chúng ta không biết cách nghỉ ngơi hợp lý vào dịp cuối tuần (như chỉ cắm đầu xem phim, chơi game cả ngày, đi chơi thật xa, hoặc ngủ quá nhiều). Hay có thể là hậu quả của việc ăn uống không đúng cách. Hậu quả của cách nghỉ ngơi “tiêu cực” này là nhịp điệu sống quen thuộc như thức dậy đúng giờ, ăn uống có giờ giấc bị phá vỡ hoàn toàn. Sau 2 ngày thoải mái, khi mọi chuyện phải trở lại “nề nếp” vào sáng thứ Hai thì cơ thể không “kham” nổi, và sự mệt mỏi, chán nản xuất hiện.

Để có một khởi đầu thật suôn sẻ vào sáng thứ Hai, bạn có thể thực hiện theo những nguyên tắc sau:

  • Cố gắng hoàn tất công việc vào ngày cuối cùng đi làm trong tuần. Như vậy, bạn có thể bắt đầu một tuần mới mà không phải lo lắng cho công việc của tuần qua và đi làm với tâm trạng thoải mái hơn.
  • Lên chương trình nghỉ ngơi cho 2 ngày cuối tuần.
  • Tạo thói quen chơi một môn thể thao vào dịp cuối tuần.
  • Tránh thức quá khuya vào tối chủ nhật.
  • Dành nhiều thời gian hơn để chuẩn bị đi làm vào sáng thứ Hai. Nên tạo thói quen đi làm sớm hơn những ngày bình thường để giữ cho mình tâm lý thoải mái, không gò bó. 
  • Đặc biệt đầu tư vào bữa sáng thứ Hai để có đủ năng lượng làm việc.
  • Nên dàn đều công việc trong tuần ra các ngày, tránh sắp xếp chương trình làm việc quá nặng vào thứ Hai. Đặc biệt nên tránh đặt deadline công việc vào ngày này.
  • Dành thời gian ở bên gia đình nhiều hơn. Chính những mối quan hệ trong gia đình sẽ giúp bạn cảm thấy bình yên hơn trước những mối bận tâm về công việc.
  • Giữ thái độ tích cực và tự tin để đối phó với những việc “khó nhằn” nhất.
  • Thực hiện nguyên tắc 80-20: 80% ngày trong tuần  ăn uống các thực phẩm giàu chất xơ, protein nạc, đa dạng màu sắc và giảm chất béo no, chất béo trans và muối. 20% ngày còn lại có thể ăn các thực phẩm nhiều muối hay chất béo hơn bình thường. Chế độ ăn này sẽ giúp bạn duy trì tình trạng cân bằng dinh dưỡng cho cơ thể. 

Có thể bạn quan tâm: 

Thư giãn kiểu…doanh nhân

Giữ dáng, đẹp da với chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải

Comment