ĐÀO CHI ANH – Thương trường không có chỗ cho người nghệ sĩ - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

ĐÀO CHI ANH – Thương trường không có chỗ cho người nghệ sĩ

Tất cả những câu chuyện xoay quanh The KAfe chỉ là một hòn đá tảng mạnh nhất trong câu chuyện khởi nghiệp của người trẻ ngày nay. Trong kinh doanh, không thể nói trước được bất kỳ điều gì, nhưng nếu nhìn vào thất bại của The KAfe tại Việt Nam, hẳn không ít người sẽ thấy được những khó khăn cực lớn trong việc đưa mô hình chuỗi nhà hàng thành công tại thị trường Việt Nam.

Bỏ công việc nghìn đô tại một tập đoàn nổi tiếng để dấn thân vào khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực, Đào Chi Anh đã từng là cái tên gây sốt trong cộng đồng người trẻ Việt một thời. Người ta nô nức đến The KAfe, chuỗi cửa hàng chuyên phục vụ đồ ăn Á-Âu của Chi Anh, để thưởng thức, chụp ảnh và “check-in”. Vậy nhưng chỉ sau ba năm hoạt động, và hơn một năm nhận vốn “khủng” từ nhà đầu tư nước ngoài, Đào Chi Anh đã phải nói lời chào tạm biệt với đứa con tinh thần do mình sáng lập.

Những ngày tháng 4 này, chuỗi cửa hàng The KAfe tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh liên tục đóng cửa hoặc bị sang nhượng cho đơn vị khác. Fanpage chính thức của The KAfe cũng không update từ ngày 31/3/2017.NDN_Dao Chi Anh-nghe si_1_resize

Từ khởi đầu của niềm đam mê

Vì tính chất công việc của bố, nên ngay từ nhỏ, Đào Chi Anh đã cùng gia đình đến rất nhiều nơi trên thế giới. Sinh ra ở Nga, sống một thời gian dài ở Đức, Đài Loan, sau đó làm việc ở Singapore gần 8 năm… Chuỗi ngày liên tục thay đổi môi trường sống, làm quen với những nền văn hóa mới, những chuyến bay dài, những chuyến đi đến nhiều phương trời mới khiến Chi Anh phải suy nghĩ nhiều, cô bắt đầu để ý nhiều hơn đến cuộc sống xung quanh, đặc biệt là ẩm thực.NDN_Dao Chi Anh-nghe si_6_resize

Với nhiều người, bếp núc chỉ đơn giản là thói quen hoặc buộc phải thế, nhưng với Chi Anh, bếp núc đã trở thành một niềm đam mê giúp cô nàng chạy trốn khỏi sự mệt mỏi của công việc thường nhật. Tích góp trải nghiệm, sáng tạo với ẩm thực được một thời gian, Chi Anh lập nên blog nấu ăn (www.door2mykitchen) và nhận được sự hưởng ứng không nhỏ. Từ đó, cô bắt đầu hợp tác với một số tạp chí về du lịch, ẩm thực, chia sẻ các bài viết về cảm nhận cũng như cách thức nấu các món ăn ngon, và trở nên khá nổi tiếng trong cộng đồng yêu nấu nướng. Trong quá trình viết blog ấy, Đào Chi Anh đã gặp được một người bạn đặc biệt tên Hoàng Anh. Qua những lần nói chuyện về nấu nướng, ước mơ, suy nghĩ về ẩm thực, họ tìm thấy nhiều điểm chung, nhất là niềm đam mê vô bờ bến với nghệ thuật liên quan đến các món ăn. Vậy là một tình bạn đẹp đã ra đời và dự án mang tên Kitchen Art bắt đầu chính thức được thực hiện. Kitchen Art không chỉ là một góc bếp mà còn là một thế giới riêng với những người yêu thích công việc bếp núc, nơi sẽ nâng tầm nấu nướng lên một thứ nghệ thuật và hấp dẫn nhiều hơn những người tham gia.NDN_Dao Chi Anh-nghe si_4_resize

Đến sự liều lĩnh của chuỗi cafe “triệu đô”

The KAfe mở cửa như một bước tiến hiển nhiên của Kitchen Art. Với tư duy cùng quyết tâm “liều” của mình, Đào Chi Anh đã vượt lên trên tất cả khó khăn cho ra đời The KAfe (KAfe là từ gộp giữa Kitchens Art và từ Cafe). KAfe Group là một chuỗi nhà hàng cafe tiên phong trong việc mang đến những món ăn mới lạ, lai giữa Âu & Á cùng lối decor đẹp mắt. Processed with VSCOcam with e3 preset

Từ đầu năm 2016, hoạt động của The KAfe bắt đầu chững lại. Thương hiệu này không còn nhận được quá nhiều sự quan tâm của khách hàng, sau đó là lùm xùm liên quan đến việc chiếm dụng vốn kinh doanh, rồi thương hiệu này không còn là cái tên hot với giới trẻ, trong khi mỗi ngày có biết bao đối thủ mới xuất hiện. Để rồi hôm nay, trên Facebook cá nhân của mình, Đào Chi Anh đã đăng tải một trạng thái thông báo rằng kể từ 25/10, cô sẽ chính thức ngừng làm việc với tư cách CEO của KAfe Group sau 3 năm. Lý do được cô đưa ra là vì không tìm được tiếng nói chung với Hội đồng quản trị về cách phát triển KAfe Group, vậy nên Chi Anh sẽ nhường lại vị trí CEO cho ban lãnh đạo mới do HĐQT chỉ định và chủ động từ chức.

Bài học nào từ The KAfe cho khởi nghiệp trẻ?

1 – Lựa chọn nhà đầu tư không phù hợp

Có những nhà đầu tư gọi là Nhà đầu tư cá mập, chỉ có mục tiêu thâu tóm chứ không có mục tiêu đồng hành. Họ đến để tiếm quyền và với mục tiêu kiếm lời ngắn hạn từ việc kiểm soát công ty và bán công ty chứ không hướng tới dài hạn. Nhiều nhà đầu tư tài chính nhắm đến mục tiêu này. Vì thế, thứ tự ưu tiên lựa chọn nhà đầu nên là Đối tác cùng ngành => Quỹ đầu tư cùng ngành => Quỹ đầu tư tài chính.

2 – Thiếu cẩn trọng trong đàm phán điều khoản nhận đầu tư

Đây chính là điểm mấu chốt trong thương vụ thất bại của The KAfe. Nhận tiền đầu tư sẽ kèm theo hàng loạt các điều kiện của nhà đầu tư, nhất là họ sẽ đưa ra yêu cầu kiểm soát hoàn toàn về tài chính mà có thể đa phần các founder (nhà sáng lập) không kiểm soát được việc này. Nhà đầu tư sẽ áp đặt các chỉ tiêu mang tính thâu tóm, và nếu các founder không đạt được chỉ tiêu, thì họ sẽ nâng tỷ lệ sở hữu và thâu tóm công ty. Bài học cho các start-up là phải xây dựng cho mình chiến lược tài chính chủ động ngay từ đầu, để không bị phụ thuộc một cách mù quáng mọi yêu cầu của từ đầu tư.
NDN_Dao Chi Anh-nghe si_2_resize

————————

“Nếu được quay lại, tôi sẽ mạnh mẽ hơn trong lúc đàm phán với nhà đầu tư, sẽ quyết liệt hơn trong việc chấp nhận hay không chấp nhận chỉ tiêu họ áp đặt cho mình”. “Những chỉ tiêu đó, tôi cũng đạt được và đã có trả giá. Những cái giá đó không bao giờ nhìn được trong lúc mình làm, mà càng về sau càng hiện ra rõ hơn…”

————————

3 – Kế hoạch kinh doanh không hoàn hảo

Kế hoạch kinh doanh nửa vời chính là vấn đề mấu chốt. Khi chỉ một mình làm chủ, bạn có thể làm bất kỳ thứ gì bạn muốn. Nhưng khi có nhiều hơn các “ông chủ” bạn cần phải đảm bảo lợi ích của tất cả. Khi đó, một kế hoạch kinh doanh chi tiết và khả thi và từ đó các bên bám vào đó mà thực hiện sẽ giúp đáp ứng được lợi ích, hoặc ít nhất lấy đó làm căn cứ “đồng cam cộng khổ”. Ngược lại, thì mâu thuẫn sẽ gia tang, có thể dẫn đến ngõ cụt cho các bên.

Thất bại của Đào Chi Anh trong việc phát triển The Kafe một lần nữa khẳng định việc gọi được vốn đầu tư không phải là con đường “trải đầy hoa hồng”, mà luôn đi kèm với rủi ro.NDN_Buc tam thu cua Dao Chi Anh_2_resize

4 – Định danh “ngành nghề” không rõ ràng

Một lần nữa nguyên lý không bao giờ cũ trong xây dựng thương hiệu: “The category first” luôn đúng. Nguyên lý này chỉ ra rằng hãy khoan nói về khác biệt nếu thương hiệu chưa trả lời được câu hỏi mình là ai và bán cái gì? Dường như chính The Kafe cũng bối rối không rõ trọng tâm của mình là gì? Ăn hay Uống? Với The Kafe, dù là ăn hay uống họ đều làm chưa tới. Chính vì vậy nên báo chí cũng bối rối không biết gọi họ là chuỗi đồ uống (cà phê), chuỗi nhà hàng hay nhà hàng-cà phê?

Các thương hiệu hãy luôn nhớ điều này, khác biệt không nhất thiết phải tốt hơn, hay hơn hoặc giỏi hơn. Khác biệt chỉ đơn giản là “làm khác đi”.

5 – Quy tắc “Thu hẹp để mở rộng”

Trong cuốn sách “Tập trung để khác biệt”, cây đại thụ Marketing Al Ries đưa ra những ví dụ về thất bại của những tập đoàn nổi tiếng thế giới do mất tập trung trong định hướng chiến lược kinh doanh. Ông khẳng định: chỉ có tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi mới tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững cho thương hiệu.

Quan điểm này không có gì mới. Ngay tại Việt nam, từ xa xưa cha ông ta đã từng nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Có nghĩa là không có ai có thể giỏi mọi thứ, bạn chỉ có thể thành công khi phát huy một sở trường mạnh nhất của mình mà thôi.

Vấn đề là trong thực tế, đứng trước cơ hội kinh doanh và áp lực tăng trưởng, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tỉnh táo và kiên định với mục tiêu chiến lược ban đầu đề ra. Ai cũng hiểu (về nguyên tắc tập trung) nhưng rất nhiều người không đủ dũng cảm để thực thi nguyên tác đó đến cùng.

6 – Không cải tiến

Nhiều founder sau khi nhận vốn thì hơi vĩ cuồng về khả năng của mình. Họ luyên thuyên về nào là thương hiệu, nào là ý tưởng lớn, nào là viễn cảnh đẹp mà quên mất một điều rằng thương hiệu hay ý tưởng lớn muốn thành công phải trải qua rất nhiều yếu tố, đặc biệt là cần đến sự đầu tư chăm chút và cải tiến về chất lượng sản phẩm. Nếu như Phillip Kotler là “cha đẻ” của marketing hiện đại thì hẳn “ông nội” của marketing hiện đại sẽ là Peter Drucker, người được tạp chí Time nhận định là một trong những bộ óc vĩ đại nhất của thế kỷ XX. Drucker có nói trong cuốn sách Nhà quản trị Hiệu quả (The effective executive) như sau: “Bởi mục đích của hoạt động kinh doanh là tạo ra khách hàng, thế nên kinh doanh có hai – và chỉ hai – chức năng cơ bản: Marketing và Cải tiến. Marketing và Cải tiến tạo nên kết quả; những thứ còn lại chỉ là chi phí”. Điều đó có nghĩa: công việc quan trọng nhất doanh nghiệp phải chú tâm vào chính là hoạt động cải tiến sản phẩm và marketing.

Một nhà hàng thành công không cần phải có một điều gì đó hoàn toàn mới. Sự cải tiến sản phẩm với một chiến lược marketing tốt có thể tạo nên một thương hiệu mạnh.

NDN_Dao Chi Anh-nghe si_3_resize

——————————

“Bạn phải liều nhiều lần thì mới có thể đúng một lần. Sẽ có lựa chọn làm bạn thất vọng, nhưng có những lựa chọn sẽ trở nên tuyệt đẹp. Và vì thế nên mỗi lần cần phải liều đều rất đáng để thử. Và nếu bạn vì không đủ tiền, đủ điều kiện, đủ người, hay đủ thời gian mà không làm, thì sẽ chẳng bao giờ bạn làm được cái mình muốn. Vì thực sự là ta sẽ không bao giờ có “đủ”.

——————————

7 – Thương trường không có chỗ cho người nghệ sĩ

Khởi đầu bằng niềm đam mê với ẩm thực và những câu chuyện bếp núc, vậy mà cô gái trẻ như Chi Anh lại chẳng coi đấy là một điều đáng sợ. Chi Anh làm từ từ từng bước một, Kitchen Art nhận được sự chú ý mạnh mẽ khi Chi Anh cùng cộng sự đầu tư tuyệt đối vào hình ảnh. Những bức hình chụp công thức, món ăn được xây dựng bài bản, công phu không khác gì nước ngoài khiến người ta không thể không click vào. Thậm chí, sau Kitchen Art, khái niệm food stylist và food photography mới được biết đến rộng rãi ở Việt Nam. Đối với cô, việc làm được cái này, lên kế hoạch phải làm được cái kia giống như tình yêu với một ai đó, bạn yêu họ và dành hết mọi sự quan tâm, lo lắng và thật lòng mong họ tốt lên. Với Chi Anh, tình yêu đó của cô dành cho bếp núc và những giá trị cô muốn lan truyền trong căn bếp. Thật vậy, ở Chi Anh, bạn có thể cảm nhận được rõ ràng nhất tình yêu ẩm thực và tâm huyết trong những dự định tuyệt vời cô đang ấp ủ – chỉ bằng việc nhìn vào ánh mắt lấp lánh và giọng nói đầy phấn khích.

Tâm hồn người nghệ sĩ rất nhạy cảm, khi họ đặt kỳ vọng thật nhiều cho giấc mơ của mình, thì lúc thất bại lại thường rơi vào trạng thái trầm cảm cao nhất. Cũng giống như Michelle Phan, Đào Chi Anh cũng là một minh chứng cho một tâm hồn nghệ sĩ mộng mơ, đầy khao khát, tự tin và muốn biến ước mơ của mình thành hiện thực qua việc khởi nghiệp kinh doanh. Đâu có thành công nào là dễ dàng, và cũng không có thất bại nào là không chứa đựng bài học.NDN_Dao Chi Anh-nghe si_7_resize

Kinh doanh không phải chuyện dễ dàng, về kinh doanh chuỗi còn khó hơn gấp bội. Những vấn đề nêu trên chỉ là một phần rất nhỏ trong những khó khăn mà những người khởi nghiệp đều gặp phải. Nhưng nếu bạn vẫn có quyết tâm, thì cũng đừng nản lòng, hãy cứ đi, cứ ngã, rồi lại tiếp tục đứng lên đi tiếp. Mỗi lần ngã sẽ là một bài học để đời. Như Winston Churchille có nói: thành công là đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không hề mất đi nhiệt huyết.

Hành trình “dài hơi” của Đào Chi Anh từ khi bắt đầu đến thời điểm hiện tại đã trải qua rất nhiều gian nan, vất vả. Đó có thể không phải là một hành trình “không tì vết” nhưng không thể phủ nhận một điều rằng, đó là một hành trình đầy cảm hứng. Suốt chặng đường tìm kiếm và thực hiện đam mê của mình, Đào Chi Anh cũng đã truyền lửa cho một thế hệ người trẻ, là tấm gương học tập cho một cộng đồng khởi nghiệp. Dừng lại chặng đường với The KAfe nhưng chắc chắn, cái tên Đào Chi Anh sẽ còn tiếp tục tỏa sáng. Và những gì nhìn lại từ câu chuyện thất bại của The KAfe cũng sẽ là những bài học đáng giá và sâu sắc dành cho những người trẻ đang khát khao khởi nghiệp.

 Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm: 

Bức tâm thư từ “gan ruột” của Đào Chi Anh

MICHELLE PHAN và những bài học dành cho doanh nhân trẻ

Comment