Không thể phủ nhận, thời đại này là thời đại của mạng xã hội. Chúng ta đều thấy được tiềm năng và lợi ích của mạng xã hội khi tất cả công ty hay doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ hiện nay đều chú trọng phát triển và quảng bá sản phẩm thông qua các kênh này.
Các phương thức truyền thông kỹ thuật số mới đã thay đổi đáng kể cách chúng ta giao tiếp, làm việc và định hình cuộc sống với nhiều lợi ích. Công nghệ giúp chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ khám phá và sáng tạo nên các khái niệm mới, xây dựng phong cách sống và nhiều điều quan trọng hơn nữa. Nhưng trong bài viết này, chúng tôi đang tìm giải đáp cho một câu hỏi từ góc nhìn khác: Làm thế nào để chúng ta sử dụng mạng xã hội một cách hạnh phúc?
Nhiều năm qua từ khi mạng xã hội bùng nổ, các nhà tâm lý học đã triển khai nghiên cứu các tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe tinh thần, và phần lớn nghiên cứu đều mang đến kết quả nhất quán: sử dụng nhiều phương tiện truyền thông xã hội làm sức khỏe tinh thần kém đi. Mạng xã hội đã mang lại những bước tiến lớn trong việc chia sẻ thông tin và giúp nhân loại giải quyết nhiều vấn đề. Những thật không may, nó cũng gây ra nhiều căng thẳng, gia tăng cảm giác cô đơn và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất. Trong khi đó, thật sự việc có thể điều tiết sử dụng công nghệ ở cấp độ phù hợp là khá khó khăn với những công dân toàn cầu, đặc biệt là trong môi trường siêu kết nối như ngày nay.
“Không phải tốt hay xấu, giống như bất kỳ thứ gì khác, tác động của mạng xã hội phụ thuộc vào cách bạn sử dụng nó.”
Bạn có thấy mình thường lo lắng hoặc chán nản, sợ cảm giác bị bỏ lại mà hiện tại người ta vẫn hay dùng thuật ngữ “FOMO” (hội chứng sợ bị bỏ lỡ) khi sử dụng mạng xã hội không? Các mạng xã hội như Facebook và Instagram càng làm trầm trọng thêm nỗi sợ hãi này khi bạn luôn có cảm giác đang bỏ lỡ điều gì đó hoặc không theo kịp người khác khi thấy họ luôn có một cuộc sống tốt hơn mình.
Với những cú vuốt màn hình, cú click hay cuộn trang để cập nhật liên tục một cách dễ dàng trên các thiết bị di động, đặc biệt là khi các thuật toán công nghệ của các mạng xã hội có xu hướng cung cấp cho chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta tìm kiếm, bạn sẽ thấy mạng xã hội thực chất đang can thiệp sâu hơn vào tư tưởng của chúng ta. Nếu bạn đang dành một lượng lớn thời gian cho mạng xã hội và bắt đầu nhận thấy cảm giác bất mãn cuộc sống, không hài lòng về bản thân, thất vọng và thấy chính mình lạc lõng, thì có thể đã đến lúc bạn cần đánh giá lại thói quen trực tuyến của mình. Ngược lại, nếu công việc thật sự khiến bạn phải gắn bó mật thiết với mạng xã hội, bạn hãy sử dụng chúng một cách tỉnh táo thay vì để chúng chi phối bạn. Sử dụng mạng xã hội, nhiều lúc có thể trở nên mệt mỏi. Nó ảnh hưởng đến giao tiếp trực tiếp và cũng khiến bạn mất tập trung trong việc hoàn thành công việc. Với mạng xã hội, bạn cần có khả năng tự kỷ luật, biết khi nào sử dụng nó và khi nào nên đặt điện thoại xuống. Không phải tốt hay xấu, giống như bất kỳ thứ gì khác, tác động của công nghệ phụ thuộc vào cách bạn sử dụng nó.
Tìm kiếm mối quan hệ lành mạnh và hạnh phúc khi sử dụng mạng xã hội
Một mối quan hệ chỉ có thể duy trì lâu dài nếu sở hữu các dấu hiệu tích cực và lành mạnh. Mối quan hệ với công nghệ cũng vậy. Đối với hầu hết chúng ta, việc từ bỏ mạng xã hội là không thực tế và cũng không cần thiết. Nhưng chúng ta có những cách để tìm kiếm sự cân bằng lành mạnh trong mối quan hệ này và tận hưởng những lợi ích song song giảm thiểu tác hại.
- Đặt ra ranh giới: Nhiều người trong chúng ta sử dụng điện thoại ngay cả khi ngồi với bạn bè và gia đình, làm phân chia sự chú ý của chúng ta giữa điện thoại và trải nghiệm cuộc sống thực. Hãy đặt ra một số quy tắc cơ bản để cho phép bạn kiểm soát tốt hơn việc sử dụng điện thoại của mình. Ví dụ như không nghe điện thoại khi đang trên bàn ăn, bật chế độ im lặng khi bạn đang trò chuyện với bạn bè, không kiểm tra email khi sắp đi ngủ… Như các công việc khác, thời gian làm việc trên thiết bị di động của bạn cũng nên có thời gian biểu rõ ràng trong ngày, chẳng hạn giờ nào truy cập mạng xã hội, giờ nào xem email cá nhân… Trong một nghiên cứu gần đây, những người cố ý kiểm tra email công việc chỉ vài lần trong ngày cảm thấy ít căng thẳng hơn, và quan trọng là vẫn làm việc có năng suất tương đương với những người kiểm tra email liên tục. Đặc biệt, trừ khi đó là một phần công việc của bạn, hãy tự hỏi bản thân xem bạn có thực sự cần trả lời tin nhắn, email ngay lập tức không. Bạn phản hồi càng nhanh, mọi người càng mong đợi bạn phản hồi vào lần sau. Suy nghĩ về việc đặt ra các giới hạn và thẳng thắn thảo luận về kỳ vọng của bạn với những người khác.
- Tập trung vào các hoạt động phi công nghệ: Có nhiều hành động đơn giản không liên quan đến công nghệ đã được chứng minh có thể giúp chúng ta hạnh phúc hơn.Như vận động nhiều hơn, hít thở, đọc sách, thiền, làm cho người khác hạnh phúc bằng cách giúp đỡ và cho đi. Những hoạt động ngoài màn hình nghe có vẻ nhàm chán nhưng đối với những ai cảm nhận được sức mạnh của những thời khắc này, họ sẽ có những trải nghiệm cuộc sống trọn vẹn hơn. Viết nhiều hơn, luyện nói trước đám đông, đọc ít nhất 3 trang sách mỗi ngày,… hãy xây dựng những thói quen tích cực và cố gắng có thêm trải nghiệm thực trong cuộc sống. Đặc biệt, nếu bạn đã lên chức cha mẹ, việc trở thành tấm gương cho con cũng vô cùng quan trọng khi thiết bị công nghệ rất dễ có những tác động ngược lên những đứa trẻ nếu không được kiểm soát.
- Tiếp cận những ứng dụng sức khỏe: Ngoài những ứng dụng phổ biến mạng xã hội hay chỉnh sửa hình ảnh, các ứng dụng (apps) công nghệ còn có nhiều mô hình đặc biệt được thiết kế để giúp bạn tăng cường sức khỏe tinh thần. Ngày nay, bạn sử dụng ứng dụng cho mọi thứ, từ mua sắm, ngân hàng, thông tin ô nhiễm… Tuy nhiên, các ứng dụng có lợi cho sức khỏe tinh thần đã được chứng minh là rất hữu ích. Các ứng dụng này thường có xu hướng tập trung vào ba lĩnh vực: tâm trạng, căng thẳng và lo lắng. Từ các ứng dụng thiền để giúp bạn thư giãn và tập trung, đến các nền tảng giúp bạn phát triển ý thức về bản sắc và bản thân, hãy luôn kết nối và hỗ trợ lẫn nhau. Các ứng dụng phổ biến mà chúng tôi gợi ý sẽ là Calm, Moodnotes, Headspace, Pacifica và Talkspace.
- Hạn chế so sánh khi xem trang cá nhân của người khác: Trong khi các mạng xã hội ban đầu được thiết lập như một phương tiện kết nối, thì bây giờ nó cũng được sử dụng như một phương tiện so sánh. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng dùng mạng xã hội có thể làm tăng cảm giác ghen tị. Mạng xã hội là một nền tảng nơi mọi người cho phép bạn tham gia vào cuộc sống cá nhân của họ. Tuy nhiên, đã có rất nhiều người nói rằng họ chán nản khi thấy hình ảnh bạn bè trên mạng xã hội có nhiều thành công. Bạn cần hiểu rằng những điều phô bày trên mạng xã hội không phải là đại diện thực tế về toàn bộ cuộc đời của một ai đó. Vì vậy, thay vì quá chú tâm so sánh, hãy xem những bài đăng của họ như một nguồn cảm hứng để bạn thúc đẩy mình phát triển hơn, sống tích cực hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chọn lọc những người bạn theo dõi (follow) trên các nền tảng mạng xã hội. Nếu bài đăng của ai đó liên tục khiến bạn cảm thấy tồi tệ về bản thân hoặc khiến bạn thất vọng, hãy cân nhắc việc hủy theo dõi. Đặc biệt, hãy nghĩ về những gì bạn đang gửi đến thế giới ảo. Trước khi bạn nhấn đăng một bài viết, hãy cân nhắc xem nó có lan truyền sự tích cực hay không.
“Chứng kiến chân dung “hoàn hảo” của những người khác trên mạng xã hội hàng ngày có thể ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần của bạn – trở thành nguồn cơn hoặc khiến bạn chán nản.”
SOCIAL MEDIA “DETOX”!
- Sử dụng một ứng dụng để theo dõi lượng thời gian bạn dành cho mạng xã hội mỗi ngày. Sau đó, đặt mục tiêu cho thời lượng bạn muốn giảm.
- Cố gắng không mang điện thoại hoặc máy tính bảng của bạn khi đã lên giường. Tắt thiết bị và để chúng trong phòng khác qua đêm để sạc.
- Tắt điện thoại của bạn vào những thời điểm nhất định trong ngày, chẳng hạn như khi bạn đang lái xe, đang họp, ở phòng tập thể dục, ăn tối, dành thời gian với bạn bè ngoại tuyến hoặc chơi với con bạn. Đừng mang theo điện thoại vào phòng tắm.
- Dành thời gian mỗi tuần để giao lưu với gia đình và bạn bè. Cố gắng biến nó thành một buổi gặp thường xuyên, nơi chiếc điện thoại trở nên “vô nghĩa”.
- Đặt giới hạn thời cho việc sử dụng ứng dụng: Nếu việc truy cập mạng xã hội của bạn đang cản trở nghiêm trọng đến năng suất làm việc của bạn nhưng dường như bạn không thể kiểm soát, hãy thử ứng dụng như Freedom. Bạn có thể thiết lập các khoảng thời gian mà bạn muốn ứng dụng nhắc nhở hoặc thậm chí chặn khóa tự động để bạn phải tập trung vào việc khác vì không thể tiếp tục “lướt” và “lướt”.
- Nghĩ về mạng xã hội như một… phần thưởng: Bạn có thể không mua một ly cà phê mỗi ngày hoặc làm móng tay hàng tuần, nhưng bạn có thể tự thưởng cho mình những món ăn vặt khi bạn cảm thấy xứng đáng. Vì vậy, hãy nghĩ về mạng xã hội theo cách tương tự: chỉ cho phép khi bạn đã đạt được điều gì đó.
Text: H.D
Bài viết độc quyền được đăng trên số 141 của Tạp chí Nữ Doanh Nhân
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: