"Hôn nhân đồng hành" có phải là mẫu hình hôn nhân dành cho bạn?

Bạn đã nghe đến khái niệm “hôn nhân đồng hành” chưa? Có thể bạn đang ở trong một cuộc hôn nhân đồng hành nhưng chưa nhận ra đấy!

Bạn biết không, có rất nhiều cặp vợ chồng hiện đại gắn kết với nhau theo cách này. Nó dựa trên việc hai người luôn tôn trọng sở thích và tin tưởng vào sự bình đẳng dành cho nhau. Họ cũng nhìn nhận vai trò của mình hoàn toàn có thể hoán đổi và hỗ trợ nhau tùy tình huống phù hợp.

Vậy “hôn nhân đồng hành” là gì và nó có dành cho bạn hay không?

1.KHÁI NIỆM “HÔN NHÂN ĐỒNG HÀNH”

Hôn nhân đồng hành là sự kết hợp trong đó các bên luôn có sự đồng thuận và giữ vai trò bình đẳng với nhau. Mục đích của cuộc hôn nhân này là tìm kiếm một người tri kỷ, người đồng hành, người bạn đời đúng nghĩa chứ không chỉ dựa trên các chức năng của hôn nhân theo quan niệm truyền thống như nuôi dạy con cái, chia sẻ gánh nặng tài chính hay tìm kiếm cảm giác an toàn.

Khái niệm hôn nhân đồng hành nghe qua có vẻ lạ lẫm nhưng khái niệm của nó đã được nêu ra từ rất lâu. Ngược dòng lịch sử, các định nghĩa và đặc điểm của một cuộc hôn nhân đồng hành được xác định từ đầu thế kỷ 19. Theo các chuyên gia, trước Cách mạng Công nghiệp, tình yêu nếu có, chỉ đóng một vai trò nhỏ trong hôn nhân. Tình yêu như món đồ xa xỉ mà mọi người khó có thể có được. Lúc này, hôn nhân thường bao gồm những điều rất thực tế: cùng nhau vận hành trang trại, truyền nghề cho thế hệ sau, giữ gìn của cải trong gia đình, kiếm đủ sống và giữ an toàn.

Hôn nhân đồng hành và hôn nhân truyền thống

Đây là những chức năng cơ bản của một cuộc hôn nhân truyền thống. Nhưng chính quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đã tạo ra cơ hội cho mọi người xác định lại các mối quan hệ. Khi cuộc sống trở nên dễ thở hơn, chúng ta có thể chuyển đổi từ các mối quan hệ dựa trên nhu cầu cơ bản sang các mối quan hệ dựa trên mong muốn cao hơn.

2.SO SÁNH VỚI HÔN NHÂN TRUYỀN THỐNG

Trong một cuộc hôn nhân truyền thống, người chồng thường là trụ cột kinh tế, trong khi người vợ giữ vai trò nội trợ, chăm sóc nhà cửa, con cái. Bạn có thể nhận thấy cách phân quyền truyền thống dựa trên chức năng này từ thế hệ ông bà, cha mẹ của mình. Một bên cung cấp sự đảm bảo về tài chính, bên còn lại đảm bảo một ngôi nhà sạch sẽ và những đứa con ngoan. Đôi khi, chuyện nuôi dạy con cái chính là điểm chung duy nhất mà hai vợ chồng có thể chia sẻ với nhau.

Trong khi đó, hôn nhân đồng hành lại dựa trên cơ sở lợi ích chung và vai trò bình đẳng của hai bên, trọng tâm là sự đồng hành hơn là nuôi dạy con cái hay tìm kiếm cảm giác an toàn. Một điều quan trọng cần lưu ý là hôn nhân lãng mạn là một dạng khác của hôn nhân truyền thống, nhưng chúng tập trung nhiều vào cảm xúc hơn là tính thực dụng của mối quan hệ. Nó giống như tình yêu trong các bộ phim lãng mạn của Hollywood hay Hàn Quốc vậy.

Trong hôn nhân truyền thống, quy luật thông thường là chúng ta sẽ bị thu hút bởi ai đó về mặt cảm xúc hoặc thể chất và tin rằng mình muốn dành phần còn lại của cuộc đời mình với họ. Những thứ khác được mong đợi sẽ sản sinh ra từ tình yêu này như: cùng nhau trở thành cha mẹ tốt, có các mối quan hệ xã hội giá trị, đầu tư tích lũy tài sản và có đời sống vợ chồng mặn nồng. Nhưng rất ít cặp đôi có thể đạt được tất cả mọi thứ như vậy trong hôn nhân, đôi khi vẫn sẽ có những trục trặc xảy ra.

Trong khi đó, một cuộc hôn nhân đồng hành lại thường có mức độ lãng mạn nhẹ nhàng hơn. Thay vào đó, vợ chồng xem trọng sự đồng điệu về mặt tâm hồn như tri kỷ và đặt trọng tâm vào một tình yêu bình ổn, bền chặt. Họ đánh giá cao khía cạnh bình đẳng hơn là sự thu hút về mặt cảm xúc hay giới tính. Họ tin rằng mỗi người có thể tự đứng trên đôi chân của mình trong thế giới này mà không cần phải phụ thuộc vào tình cảm, sự săn sóc hay hỗ trợ tài chính tuyệt đối từ nửa kia.

Hôn nhân đồng hành và hôn nhân truyền thống

3.ƯU ĐIỂM CỦA HÔN NHÂN ĐỒNG HÀNH

Thông thường, hôn nhân đồng hành ưu tiên sự giao tiếp và hỗ trợ nhau trong các vấn đề cuộc sống hơn là chuyện tiền bạc, vật chất. Đây là một mối quan hệ mang tính ổn định và lâu bền cao hơn. Tình yêu tuy mãnh liệt nhưng đôi khi lại khá mong manh và chóng vánh. Vì vậy, khi tình yêu tàn phai trong một cuộc hôn nhân truyền thống, nó thường dẫn tới sự kết thúc của mối quan hệ ngay cả khi các khía cạnh khác của hôn nhân vẫn đang tồn tại như việc làm cha mẹ, vấn đề tài chính, các mối quan hệ xã hội hay tình cảm với đại gia đình hai bên.

Tình trạng tương tự có thể xảy ra khi con cái trưởng thành rồi chuyển ra sống riêng. Lúc đó, nhiều cặp vợ chồng phát hiện ra giữa họ không có bất kỳ điểm chung nào ngoài con cái nữa. Nhưng trong hôn nhân đồng hành thì khác, cả hai vợ chồng đều có khả năng tự nhận thức và tự tin về bản thân mình lẫn nửa kia để đạt được hạnh phúc mong muốn, ngay cả khi không có sự gắn kết từ đứa con chung và ràng buộc tài chính. Những đặc điểm tích cực này góp phần tạo nên sự tin cậy, tình bạn, sự cam kết cao độ và khả năng chia sẻ giá trị của hôn nhân đồng hành.

Hôn nhân đồng hành và hôn nhân truyền thống

Những lợi ích của một cuộc hôn nhân đồng hành có thể bao gồm:

  • Sự bình đẳng giới trong hôn nhân
  • Khả năng kiểm soát kế hoạch có con và đồng hành nuôi dạy con cái
  • Tìm được bạn đời, tri kỷ có thể đồng hành trong một mối quan hệ lâu dài
  • Sự cân bằng cuộc sống và công việc cùng khả năng phát triển sự nghiệp cao do nhận được sự cảm thông và hỗ trợ bình đẳng từ cả hai phía
  • Nếu không may ly hôn thì vẫn đạt được sự đồng thuận cao từ cả hai bên

4.NHƯỢC ĐIỂM CỦA HÔN NHÂN ĐỒNG HÀNH

Bất kể điều gì cũng có tính hai mặt, hôn nhân đồng hành cũng vậy. Hạn chế chính của một cuộc hôn nhân đồng hành chính là các đặc điểm ổn định, bình đẳng, đôi bên cùng có lợi có thể gây sự thiếu hào hứng, ít đam mê hoặc cảm giác kém thân mật giữa các cặp vợ chồng.

Đọc đến đây, có thể bạn đang cảm thấy một cuộc hôn nhân đồng hành có vẻ nghe khá nhàm chán. Vì nó không tạo được trong mỗi cá nhân sự thu hút mạnh mẽ hay cảm giác tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình. Những ai tôn thờ hôn nhân lãng mạn cũng có thể xem hôn nhân đồng hành là một sai lầm. Vì từ trước đến nay, các sản phẩm văn hóa đại chúng từ văn học đến truyện cổ tích đều ủng hộ cho cảm giác mãnh liệt của tình yêu lãng mạn. Quan điểm này có thể khiến cho các hình thức gắn kết khác nghe có vẻ gượng ép và không có nhiều ý nghĩa.

Hôn nhân đồng hành và hôn nhân truyền thống

Dù đó là hôn nhân truyền thống, lãng mạn hay một mối quan hệ dựa trên cam kết đồng hành, không có mô hình nào đúng với tất cả mọi người. Bạn hãy tìm kiếm cho mình một cách thức duy trì mối quan hệ hôn nhân phù hợp nhất. Thay vì cố gắng chạy theo một mối tình lãng mạn như rất nhiều người khác, sao bạn không bắt đầu suy nghĩ về một cuộc hôn nhân có thể đáp ứng cân bằng mọi nhu cầu từ cảm xúc, cuộc sống đến sự hòa hợp, đồng điệu, hỗ trợ tốt nhất cho nhau trên đường đời?

Nguồn: Tạp chí Nữ Doanh Nhân – Ảnh: Unsplash, Pixabay

Có thể bạn quan tâm:

Comment