Giấc ngủ của bạn bị ảnh hưởng thế nào trong thời đại kỹ thuật số?

Công nghệ thông tin ngày một xâm chiếm thời lượng cuộc sống của chúng ta, đến cả giấc ngủ cũng bị chi phối ít nhiều làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số với sự thống trị của công nghệ thông tin trong hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là nền kinh tế tri thức. Chúng ta sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để quản lý công việc, giao tiếp, giải trí và tìm kiếm mọi thứ. Các thiết bị tân tiến nhất thậm chí còn tích hợp nhiều tiện ích hơn nữa khi có thể theo dõi sức khỏe của người dùng như đếm số bước chân, đo thời gian ngủ và lượng calo mà chúng ta tiêu thụ. Chỉ cần sở hữu trong tay một chiếc smartphone, bạn đã có thể kết nối với cả thế giới. Sự tiện lợi mà các thiết bị công nghệ mang đến cho con người là điều không thể chối cãi. Nhưng cái giá của sự tiện lợi này không phải chỉ được đánh đổi bằng tiền tệ, mà còn bằng tài sản quý giá nhất của chúng ta, đó là sức khỏe.

Sự xâm chiếm của công nghệ khiến giấc ngủ bị rút ngắn

Khi nói đến những ảnh hưởng của công nghệ đối với sức khỏe con người, có lẽ tác động đáng kể nhất chính là vào giấc ngủ. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học về giấc ngủ lâm sàng, khoảng 90% người Mỹ, đặc biệt là thanh niên, sử dụng công nghệ trước khi ngủ. Họ thường chat qua video call, nhắn tin, duyệt email, làm việc, giải trí, lướt web hoặc đọc sách trước khi ngủ. Hơn nữa, có đến 22% trong số đó đi ngủ mà vẫn để điện thoại trong tình trạng mở bên cạnh, và 10% đã báo cáo rằng họ bị đánh thức bởi chuông điện thoại ít nhất một vài đêm mỗi tuần.

Gene David Block, một nhà sinh vật học người Mỹ, đã tuyên bố rằng 50 năm trước, một người trưởng thành ngủ trung bình 8 tiếng rưỡi/đêm, còn bây giờ chúng ta chỉ ngủ trung bình ít hơn 7 tiếng/đêm. Không có gì đáng ngạc nhiên trước sự thay đổi này bởi mỗi người đều có thể tự hình dung được sự xuất hiện và chi phối của các thiết bị công nghệ kỹ thuật số đối với đời sống của chính chúng ta. Và thậm chí có thể tin rằng con số này sẽ còn có xu hướng giảm dần qua thời gian, tỉ lệ ngược với sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ thông tin. Sự suy giảm báo động về thời gian và chất lượng giấc ngủ này chính là nguy cơ rõ ràng nhất cho những hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe con người trong tương lai và cả ở hiện tại.

Thức khuya và những hệ luỵ

Cụ thể là khi chúng ta sử dụng máy tính hoặc điện thoại vào ban đêm, ánh sáng mạnh phát ra từ thiết bị sẽ làm giảm lượng hormone melatonin và leptin nhất định trong cơ thể, gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe. Melatonin là một loại hormone đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhịp sống bình thường của một số chức năng sinh lý (theo Wikipedia). Nếu lượng hormone này trong cơ thể bị giảm đi sẽ gây ra những rối loạn sinh học như ngủ không đủ giấc và giấc ngủ không sâu, dẫn đến mệt mỏi, thiếu tỉnh táo, kém tập trung, chán ăn hoặc thậm chí là suy giảm trí nhớ. Không những thế, về lâu dài, các tình trạng nghiêm trọng hơn sẽ dẫn đến những bệnh lý mạn tính khó điều trị. Leptin là một loại hormone được tạo ra chủ yếu bởi các tế bào mỡ giúp điều chỉnh cân bằng năng lượng bằng cách ức chế đói (theo Wikipedia). Nếu lượng hormone này giảm đi sẽ tạo điều kiện cho loại hormone khác là ghrelin – có tác dụng ngược lại, hoạt động, khiến bạn cảm thấy đói. Vì vậy, việc dùng máy tính hoặc điện thoại nhiều vào ban đêm sẽ có thể khiến mọi người dễ tăng cân, không chỉ vì chúng ta ít vận động hơn mà còn vì ảnh hưởng của màn hình đối với chu kỳ giấc ngủ.

“Khung giờ vàng” của giấc ngủ?

Giấc ngủ vốn rất quan trọng như liều thuốc tốt nhất để chữa lành, phục hồi và làm trẻ hóa cơ thể và tâm trí. Từ 21:00-5:00 chính là thời gian tuyệt vời nhất cho một giấc ngủ lý tưởng. Đó là lúc mà mọi người cần chìm sâu vào giấc ngủ để các quá trình trao đổi chất được diễn ra nhằm tái tạo năng lượng sau một ngày dài vận động chăm chỉ. Trong đó, từ 21:00–23:00, ba khu vực gồm ngực, bụng và xương chậu (hay còn gọi là tam tiêu) làm nhiệm vụ hô hấp, chuyển hóa thức ăn, phân phối năng lượng vào tất cả các cơ quan nội tạng quan trọng và loại bỏ chất thải. Từ 23:00 – 3:00 là thời gian làm việc của gan và túi mật. Gan sẽ thực hiện chức năng giải độc, túi mật giúp điều hòa tiêu hóa, tăng cường lưu thông máu. Bốn giờ này là khoảng thời gian quan trọng nhất trong giấc ngủ mỗi đêm. Do đó, nếu không thể đảm bảo những khung giờ khác thì bạn vẫn nên cố gắng có được một giấc ngủ trong khoảng thời gian này. Từ 3:00-5:00, năng lượng và máu lưu thông đến phổi để bộ phận này tiếp tục làm nhiệm vụ giải độc.

Vào những ngày mà bạn có thể kiểm soát thời gian đi ngủ của mình, thì việc ngủ vào lúc 9 giờ tối cũng giống như cơ thể của bạn được chăm sóc bởi liệu trình spa tốt nhất. Nếu bắt buộc phải thức khuya, hoặc làm ca đêm và bỏ lỡ giờ đi ngủ phù hợp, bạn nên tìm cách chăm sóc thêm cho những cơ quan quan trọng này. Hãy cố gắng ngủ bất cứ khi nào có thể trong khung giờ “vàng” để cơ thể có cơ hội nghỉ ngơi và phục hồi bạn nhé!

Ảnh: Internet

Đọc thêm:

7 loại thực phẩm phá hoại giấc ngủ nếu dùng trong bữa tối

Xóa tan cảm giác uể oải mỗi sáng với 8 tips đơn giản

Comment