Cha mẹ không chỉ cần quan tâm đến sự an toàn mà còn phải dạy con tự vệ như một kỹ năng sống quan trọng, đó là cách để trẻ biết giữ an toàn cho bản thân, cũng như định hình và xây dựng những phẩm chất tốt đẹp mai này.
Kỹ năng tự vệ đâu chỉ là biết cách tránh tổn hại bản thân bằng sức mạnh cơ bắp mà còn là tư duy ứng biến linh hoạt con có thể tích lũy mỗi ngày. Trong giáo dục con trẻ, dạy con tự vệ là một quá trình cha mẹ tìm cách hướng dẫn dễ tiếp thu và áp dụng cho trẻ qua những câu chuyện thực tế hay tình huống giả định, đồng thời đóng vai trò là một hình mẫu để trẻ noi gương và học hỏi. Cha mẹ có thể tự hướng dẫn hoặc đăng ký các lớp học tự vệ, võ thuật để con có được những kỹ năng “mạnh dùng sức” như cách ngăn chặn một cú đấm, từ đó giúp con lý trí và chủ động hơn khi gặp trường hợp bị đe dọa hay bắt nạt, giải phóng cơ thể khi bị gò bó hay kỹ năng tự vệ trước một nhóm tấn công. Ngoài ra, cũng có những cách thức tự vệ “yếu dùng chước” hữu ích để cha mẹ chỉ dạy và luyện tập cho con trẻ nhằm phát triển những kỹ năng xã hội cần thiết như sự tự tin, tự giác, tự trọng và cả tôn trọng người khác.
Mạnh dùng sức, yếu dùng chước
Dù ở trường lớp hay những nơi công cộng, sẽ có lúc con trẻ cảm thấy thiếu an toàn và không thể ngay lập tức thoát khỏi sự đe đọa, tấn công. Đó là lý do cha mẹ cần nhắc nhở con không quên để mắt đến những lối tắt hay lối thoát hiểm quanh mình để tìm đến ngay khi cần thiết.
Quan trọng không kém là việc cha mẹ giúp trẻ hiểu được ý nghĩa tự vệ khi không để bản thân rời rạc và tách khỏi một đám đông hay nhóm bạn của mình. Bởi những mối đe dọa tấn công con trẻ và cả người lớn thường nhắm đến những cá nhân riêng lẻ mà việc di chuyển theo nhóm sẽ cùng tạo nên một bức tường chắn ban đầu khá an toàn để đẩy lùi nguy hiểm. Thêm vào đó, im lặng phục tùng dưới sự kiểm soát của đối phương hẳn chưa là một giải pháp hay. Vì vậy, bạn hãy chắc rằng đã dặn dò con có thể chấp nhận và thậm chí cố gắng tạo ra những tiếng la hét để thu hút chú ý, tìm kiếm sự giúp đỡ. Mặt khác, con cũng cần có kỹ năng đánh lạc hướng chính những người đang đe dọa mình để tìm cách xoay chuyển tình thế.
Ngôn ngữ cơ thể tự tin là một dạng sức mạnh
Một trong những cách tốt nhất để ngăn chặn việc con có thể bị bắt nạt hay tấn công chính là giúp con hình thành và biết thể hiện lòng tự tôn một cách lành mạnh, ngay cả khi con không thực sự tự tin như những gì mình đang thể hiện. Cha mẹ hãy luyện tập cho con có một tư thế, bước đi, dáng đứng hay cử chỉ và giao tiếp mắt một cách tự tin. Dù mang vóc dáng nhỏ nhắn, ngoan hiền nhưng việc bước đi mạnh dạn với ánh mắt tự tin nhìn thẳng sẽ giúp con tránh khỏi hình ảnh yếu ớt và vô tình trở thành mục tiêu để những kẻ tấn công, bắt nạt nhanh chóng tiếp cận. Và để con có được dáng vẻ cứng cáp ấy, những ảnh hưởng từ cha mẹ là một điều chắc chắn phải kể đến. Cha mẹ là những người gần gũi, cận kề nhất trong cuộc sống của con và vì thế cũng cần luyện tập để trở thành hình mẫu cho con thấy được vẻ khẳng khái, bình tĩnh trong phản ứng với mọi tình huống. Khi có môi trường để tự tin bộc lộ những thái độ đúng mực và suy nghĩ cá nhân, con có thể bước ra ngoài với chính tâm thế và khí chất rằng bản thân có thể tự bảo vệ chính mình.
___________*___________
“Nét khẳng khái, bình tĩnh trong từng cách thể hiện hàng ngày của cha mẹ sẽ trở thành hình mẫu giúp con có được sự tự tin và lòng tự tôn đúng mực.”
___________*___________
Cảm nhận thế giới bằng sự tin tưởng bản năng
Cha mẹ hãy giúp trẻ luôn nhận thức về thế giới hay những gì đang diễn ra xung quanh và tin tưởng vào bản năng để thể hiện và giữ lập trường chủ động trước hiểm nguy. Đó có thể là việc nhắc trẻ luôn cảnh giác với người lạ, tình huống lạ và chú ý đến cảm giác “không ổn” khiến con bỗng nhiên sợ sệt. Trẻ cũng cần được hiểu về những giới hạn trong xử lý tình huống hay khả năng “chiến đấu” của mình để biết đâu là lúc cần rút lui, tháo chạy trước kẻ tấn công. Điều này đòi hỏi cha mẹ cần khéo léo giải thích với con về lòng can đảm và sự hèn nhát, về cách “biết mình biết ta”, để con không đồng nhất việc im lặng, bỏ đi hoặc thậm chí chạy thoát là hành động của một người nhút nhát, thiếu gan dạ.
Điều này là hữu ích để con ứng phó với một kẻ tấn công trên đường đi, và càng cần thiết khi con trẻ đến lớp hay những môi trường có sự giao lưu, tiếp xúc với những người mới. Hãy để trẻ ghi nhớ tầm quan trọng của việc chủ động thoát ra khỏi một sự chẳng lành trước khi để tình huống trở nên căng thẳng và vượt khỏi tầm kiểm soát. Luôn cẩn thận, biết phòng vệ, rút lui sẽ là một kỹ năng sống cần thiết giúp con trẻ có thể kịp thời tránh khỏi việc bị tấn công bất ngờ, đồng thời có ý thức dự phòng cho những vấn đề quan trọng trong dần lớn khôn.
Trưởng thành nhờ lòng tự tôn nơi bản thân
Sau tất cả, có lẽ ý nghĩa quan trọng của kỹ năng tự vệ là giúp con trẻ thể hiện lòng tự tôn với bản thân cũng như tôn trọng cảm xúc của chính mình và người khác, đặc biệt là đối với cha mẹ hay những người “yếu thế” hơn mình. Khi trẻ tự tin với những nhận định của riêng mình để ứng phó mọi tình huống, đó là lúc con rèn luyện lập trường và tự tôn nơi bản thân. Phẩm chất này tựa như cách mà võ thuật dạy cho trẻ lăn lộn với những cú đấm, để rồi nhận ra điều đó không quan trọng bằng việc con ngã xuống đất trong tư thế nào và cách con đứng lên, lấy đà hay tiếp tục phản đòn. Khi con nhận thức và cảnh giác xung quanh nhằm kịp thời không để bản thân thêm tổn thương hay rơi vào thế bị động, đó là lúc con học được cách tôn trọng chính cảm xúc, bản năng mách bảo trong mình và hình hài mà cha mẹ đang từng ngày yêu thương nuôi lớn.
Biết cách tự vệ, con trẻ sẽ không còn quá ngây thơ, ngờ ngệch mà dần cẩn thận với mọi thứ vì ý thức được rằng thế giới rộng lớn này luôn có nhiều cách khiến những người bé nhỏ như con bị đe dọa tổn thương. Và đâu đấy khi trẻ nghĩ về sự yên tâm của cha mẹ chính là một bước trưởng thành khi con biết tôn trọng cảm xúc của những người mình yêu thương. Từ đó, con cũng sẽ có một cái nhìn trong sáng và lương thiện hơn, đặc biệt với những người kém ưu thế hơn mình, biết giúp đỡ, bảo vệ và càng không dễ dàng để bản thân trở thành một kẻ tấn công, bắt nạt.
___________*___________
“Việc con ngã không quan trọng bằng việc ngã trong tư thế nào và cách con đứng lên, lấy đà, tiếp tục phản đòn.”
___________*___________
Sự kỷ luật nuôi dưỡng từ nhận thức về trách nhiệm
Biết cách tự vệ chính là sớm rèn luyện nơi con trẻ tính kỷ luật, nhờ đó trưởng thành hơn với những nhận thức về trách nhiệm từ ngày còn nhỏ. Thông qua những tình huống tự bảo vệ bản thân, cách con trẻ tập trung và tự kiểm soát, đưa ra quyết định tiến hay lùi, kháng cự hay chấp nhận im lặng, bỏ đi hoặc thậm chí chạy thoát sẽ hình thành nên trong con những quy tắc cá nhân cũng như trách nhiệm với chính mình và những người xung quanh. Trách nhiệm ấy còn nằm ở việc trẻ biết cách sử dụng phù hợp sức mạnh bản thân, biết hợp tác và bảo vệ nhau để xây dựng tình bạn đẹp không chỉ trong học tập, vui chơi mà còn trong những tình huống bất trắc.
Những đứa trẻ có kỹ năng tự vệ tốt cũng sẽ có khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong trường học hay tổ chức, đội nhóm mà trẻ tham gia khi các con có được tự tin cùng sự tin tưởng từ bạn bè. Đặc biệt, việc trẻ lựa chọn cách tự vệ hợp lý cũng chính là dấu hiệu con đã nhận ra, biết lắng nghe, tôn trọng và có trách nhiệm với mối quan tâm hay nỗi lo của cha mẹ về mình. Từ đây, thái độ và cách nhìn nhận tích cực, đúng đắn sẽ được ươm mầm từng ngày để con trẻ có thể mạnh mẽ đối diện với những thách thức đang không ngừng chờ đợi phía trước.
Độc giả đang đọc bài viết “Dạy con tự vệ: Hãy “bảo vệ” con bạn bằng cách để con tự “bảo vệ” mình!” tại chuyên mục Education của Tạp chí Nữ Doanh Nhân. Mời độc giả gửi ý kiến phản hồi và bài viết cộng tác cho chuyên mục này về địa chỉ email: bandoc@nudoanhnhan.net. Chân thành cảm ơn quý độc giả!
Đọc thêm:
Nuôi dạy con: Làm thế nào để con trưởng thành tử tế và đầy khí chất?
Dạy con dũng cảm: “Va chạm” để đánh thức dũng khí trong con trẻ