5 điều kiện cần và đủ để thành công • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

5 điều kiện cần và đủ để thành công

Bạn đang là nhân viên tiềm năng cho những vị trí lãnh đạo then chốt của tập đoàn, bỗng một ngày nào đó bạn quyết định “ra riêng” và điều đầu tiên quan trọng nhất trong bước đường làm chủ chính mình là xác định thời cơ và có một kế hoạch kinh doanh hoàn hảo!

Vì sao một kế hoạch kinh doanh tốt lại trở nên quan trọng đến vậy? Đơn giản vì đây chính là viên gạch nền móng cần thiết nhất trước khi bạn gặp gỡ chinh phục các nhà đầu tư, kêu gọi những nhân viên tài năng về với mình và là cái đảm bảo tất cả tài sản, công sức bạn đang đổ vào một kế hoạch khả thi nhất chứ không phải là một cái thùng không đáy. Không chỉ các nhà đầu tư có hứng thú với kế hoạch kinh doanh đó và đầu tư cho bạn mà còn có cả những đối tác quan trọng khác nhận thấy bạn sẽ mang đến nguồn lợi cho họ hoặc chí ít sẽ cũng hợp tác kinh doanh ở một lĩnh vực nào đó. Liệu bạn có biết, các nhà đầu tư này tìm kiếm điều gì ở một bản kế hoạch kinh doanh dự báo nhiều thành công? Dưới đây là một vài mẹo bạn có thể tham khảo trong bước đầu:

Cơ hội từ thị trường

Cơ hội không phải lúc nào cũng xuất hiện, ai cũng nghĩ vậy. Điều này không sai nhưng đôi khi bạn có chắc rằng mình không để lỡ cơ hội. Rất nhiều người đã để cơ hội vuột qua vì mải mê tìm kiếm điều gì đó họ cho là to tát. Tôi từng có dịp gặp một nhân vật khởi nghiệp thành công vì nhìn thấy cơ hội mà rất nhiều người không nhìn thấy. Khi cô ấy gặp khó khăn trong việc mua sắm đồ dùng nội thất cho con vì đa số là hàng ngoại nhập với mức giá đắt đỏ và cũng không có nhiều mẫu mã để chọn lựa, đồng thời cô ấy cũng nhìn ra đây chính là cơ hội hiếm có. Với thị trường rộng lớn trong nước và tỉ lệ sinh luôn tăng, sản xuất cung ứng mặt hàng dành cho trẻ em với chất lượng tốt và mức giá phù hợp sẽ là cơ hội tuyệt vời. Với việc xác định cơ hội và tiềm năng từ thị trường, bạn sẽ trả lời được câu hỏi quan trọng đầu tiên trong bản kế hoạch kinh doanh của mình. Mặt khác, nếu là người tiên phong bạn còn có thể mở ra rất nhiều cơ hội để thay đổi quan điểm thị trường, thu hút khách hàng và từ đó gia tăng nguồn lợi bền vững trong tương lai.NDN_5dieu kien can&du de thanh cong_02

Biết người biết ta

Bước tiếp theo là vạch ra những điểm mạnh và yếu của đối thủ cạnh tranh thay vì bỏ qua khâu này. Không ít người có thể vì tự phụ vào tài năng hoặc chủ quan đã bỏ qua việc tìm hiều các đối thủ của mình. Khi bạn biết mình là ai và hiểu về đối thủ của bạn, bạn sẽ tìm cách tranh thủ lợi thế của mình và vạch ra phương hướng làm thế nào để vượt lên trên các đối thủ khác. Ra đời sau cũng có nghĩa là bạn đã có những bài học riêng, những đúc kết để hạn chế thất bại. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư thấy rằng kế hoạch của bạn là thực tế và giúp họ nhìn được bức tranh toàn cảnh mà bạn vẽ ra, đồng thời bạn phải tự biến mình thành điểm màu nổi bật nhất trong bức tranh đó bằng những sáng tạo mới, có cơ sở.

Xác định thời điểm chốt

Khi kêu gọi các nhà đầu tư, điều quan trọng nhất là đảm bảo nguồn lợi trong tương lai và xác định được thời điểm công bố tài chính. Chẳng hạn, bạn cần tối thiểu ba năm để xây dựng bộ máy, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, hệ thống phân phối… và dựa trên phân tích thị trường bạn cần xác định thời điểm chốt cho thấy hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận. Điều này giúp các nhà đầu tư thoải mái hơn với nguồn vốn đổ vào doanh nghiệp của bạn. Bạn cũng cần đưa ra những dự báo rủi ro, và có biện pháp để phối phó với chúng.NDN_5dieu kien can&du de thanh cong_01

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Nếu bạn chỉ mới vừa bắt đầu kinh doanh, ít nhất bạn cũng đã huy động được một nguồn vốn cá nhân, bạn nên đưa nó vào kế hoạch kinh doanh cộng với nguồn đầu tư có thể có được trong thời gian tới bạn cần có kế hoạch cụ thể cho nguồn vốn này. Có thể liệt kê cụ thể theo từng quý, từng kỳ hoặc từng năm… nhằm tạo niềm tin và cho thấy bạn là người sử dụng đồng vốn thông minh nhất. Với các nhà đầu tư – những người luôn luôn thận trọng và khó tính, dòng tiền dương bao giờ cũng hấp dẫn họ hơn.

Tóm tắt sơ bộ doanh nghiệp

Không ít ý kiến cho rằng, phần tóm tắt về doanh nghiệp nên đưa lên đầu bản kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, đưa vào phần kết cũng không hẳn là một ý kiến tồi bởi nó như một phần kết luận quan trọng cho những gì bạn đã vạch ra ở trên. Nó giúp các nhà đầu tư có một hình dung trọn vẹn nhất về bạn, doanh nghiệp của bạn trong tương lai. Nó khẳng định rằng bạn có kế hoạch khoa học và biết cụ thể hóa ý tưởng của mình, bạn có mục đích, chiến lược và dự báo kết quả đầy khả quan.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm:

Bạn thuộc tuýp người lãnh đạo nào?

Vượt định kiến để thành công

Comment