Nhà sáng lập The 1985 Café, Nguyễn Thị Kim Hoàng: Phải có đủ đam mê • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Nhà sáng lập The 1985 Café, Nguyễn Thị Kim Hoàng: Phải có đủ đam mê

Tạo được sự khác biệt trong mùi vị, mang đến những loại bánh ngọt đặc trưng của xứ sở hoa anh đào, đấy là cách Kim Hoàng thành công trong việc tạo nên The 1985 Café vốn được biết như điểm đến yêu thích của giới trẻ.NDN_Nguyen Thi Kim Hoang_1_resize

Chào chị, ấn tượng của tôi khi đặt chân đến tiệm café và bánh ngọt này là sự tổng hòa khéo léo giữa không gian với thức uống và món ăn. Tôi cũng thích hình ảnh món ăn bắt mắt xuất hiện trên fanpage lẫn thực đơn theo mùa. Tất cả như nói lên người tạo nên chúng có tình yêu với văn hóa Nhật?

Cảm ơn bạn. Quả thật là thế! Từ thuở còn là học sinh, tôi đã có niềm đam mê với nền văn hóa, con người và ẩm thực Nhật Bản thông qua những bộ truyện tranh đọc được. Tôi vẫn nhớ sự háo hức trẻ con khi ấy mỗi khi chờ xem những bộ phim Nhật Bản ngày xưa chiếu trên truyền hình. Lớn hơn chút nữa, tôi có dịp thưởng thức sự tinh tế trong ẩm thực Nhật Bản từ các chuyến đi đến đất nước này và thú thật tôi có thể ăn đồ Nhật hàng ngày mà không ngán.

Ba năm trước, trong một lần tình cờ, tôi được bạn dẫn đến studio dạy làm bánh Nhật để giải khuây. Hôm ấy chính là lần đầu tiên tôi trải nghiệm việc tự tay tạo nên chiếc bánh mình yêu thích là như thế nào và điều đó thật sự cuốn hút tôi. Khi trở về, ý tưởng về mô hình kinh doanh không ngừng ùa đến, và tôi biết điều thú vị lớn lao sẽ thay đổi cuộc đời mình sắp xảy ra. Song song với việc không ngừng thực hành, tôi còn tìm hiểu thêm các món bánh Nhật thông qua sách báo, internet và kể cả đi thực tế từ rất nhiều nhà hàng Nhật ở Sài Gòn. Không chỉ vậy, trong quá trình du lịch đến các nước lân cận, tôi cũng để ý so sánh mùi vị và các phiên bản ở các quốc gia này so với phiên bản gốc tôi từng thưởng thức tại Nhật. Một năm sau, The 1985 chính thức ra mắt với thực đơn về các món trà và bánh được thay đổi theo mùa – điều đặc trưng biểu hiện sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên, mùa màng trong văn hóa Nhật. Đặc biệt, các món nước và bánh được pha chế và điều chỉnh theo khẩu vị cá nhân với gần như 80% nguyên liệu được tôi và người bạn đồng kinh doanh cất công tìm kiếm và nhập về từ đất nước hoa anh đào. 

PLEASE CLICK HERE TO READ ENGLISH VERSION!

 

***

Ước mơ dù nhỏ hay lớn sẽ không trở thành sự thật ở những người lười biếng và có tư duy tiêu cực.” – Nguyễn Thị Kim Hoàng, The 1985 Café

***

 

Vận hành mô hình kinh doanh nhỏ có thể nói dễ mà khó. Đến nay, The 1985 sắp bước sang năm thứ ba, khó khăn nào được xem là thách thức nhất?

Có lẽ là cạnh tranh về giá chính là áp lực tôi trăn trở trong thời điểm hiện tại. Bởi thị hiếu của đa phần người Việt chúng ta thường chuộng giá rẻ nhưng lại yêu cầu cao về chất lượng lẫn mùi vị. Song với loại bánh ngọt trong nền ẩm thực Nhật vốn tinh tế, được tạo nên một cách chăm chút từ nguyên liệu chọn lọc, kiến thức lẫn tay nghề khá cao, chỉ nói đến vị trí người làm bánh hay người yêu ẩm thực thôi cũng khó chấp nhận mức giá bán món ăn ở dưới giá trị thật chúng được tạo nên. Vì thế, bằng việc phục vụ khách hàng chu đáo hơn, giữ vững chất lượng sản phẩm, tôi tạo ra nhiều chương trình mới lạ để tạo nên sự yêu thích và tương tác cũng như không ngừng sáng tạo những món bánh mới mẻ, đó là cách tôi giữ chân vào gầy dựng niềm tin, lòng yêu mến từ khách hàng.

Dự định và cả “tham vọng” của chị trong thời gian sắp tới để phát triển thương hiệu là gì?

Tôi khá thận trọng trong việc lên kế hoạch phát triển quy mô của đứa con tinh thần mình tạo nên. Và cũng bởi vì là người cầu toàn trong công việc nên nếu chưa thể tìm sắp xếp được một cách hoàn hảo, tôi sẽ không vội vàng thực hiện. Trong thời gian tới, bên cạnh việc mở thêm một hoặc hai chi nhánh mới, tôi cũng đang ấp ủ một dự định nho nhỏ về việc hình thành một cooking studio theo phong cách zen đương đại. Đó là nơi bạn có thể thư giãn, tìm lại nguồn cảm hứng cho cuộc sống và công việc qua việc trải nghiệm ẩm thực hoặc lớp học làm bánh. Tôi mong mình có thể tự đứng lớp để trao đổi những đam mê với những người có cùng sở thích về ẩm thực Nhật Bản cũng như các bạn nước ngoài đang sống tại TP.HCM muốn học nấu các món ăn Việt.
NDN_Nguyen Thi Kim Hoang_2_resize

ĐỂ ĐỌC PHIÊN BẢN BÁO IN, VUI LÒNG NHẤN VÀO ĐÂY!

Trước khi bước ra tự kinh doanh, chị cũng từng là một nhân viên văn phòng như những cô gái cùng độ tuổi khác. Đâu là điều quan trọng nhất mà chị tự chiêm nghiệm khi làm chủ công việc của mình? Và có không một “công thức” mà chị dùng để biến ước mơ thành hiện thực?

Vốn là một người yêu thích trải nghiệm, tôi từng làm nhiều việc khi mới ra trường: phục vụ, tiếp tân, tiếp thị hay đi phát quà… và sau đấy là cuộc sống của một nhân viên văn phòng tại FPT. Song mọi thứ với tôi quá êm đềm và không có nhiều áp lực. Khi bắt đầu chuyển qua tự kinh doanh tôi mới thấm thía và nhận ra nhiều thứ, bắt đầu đồng cảm với những sếp cũ. Càng thách thức, càng khó khăn thì tôi lại càng khao khát chinh phục. Nếu nói về thay đổi, đó hẳn là những thay đổi tích cực giúp tôi trở nên “đa nhiệm” và suy nghĩ chu đáo hơn không chỉ trong kinh doanh mà còn ở mặt giao tế. Tôi thân thiện, hoà đồng và luôn tôn trọng nhân viên nhưng lại khá nghiêm khắc trong công việc. Tôi giao thiệp nhiều nhưng lại hạn chế bạn bè thân thiết. Tôi thích sự đúng giờ và cố gắng giữ lời hứa với bất kỳ ai, dù chuyện nhỏ hay lớn. Quan trọng hơn, từ khi bắt đầu kinh doanh tôi tập được tính buông bỏ với những việc quá sức hoặc không phù hợp. Đặc biệt, tôi đón nhận những sai lầm như là cơ hội để học hỏi hơn là mất.

Với tôi, mỗi người sẽ luôn có một cách riêng để đi đến thành công. Song, ước mơ dù nhỏ hay lớn sẽ không trở thành sự thật ở những người lười biếng và có tư duy tiêu cực. Quan trọng hơn cả, bạn phải có đủ đam mê. Vì chỉ khi thực sự đam mê và nghiêm túc với nó, bạn sẽ cảm thấy đó không đơn thuần là công việc nữa, mà là niềm vui vì được làm điều mình thích mỗi ngày và kiếm được tiền từ đó.NDN_Nguyen Thi Kim Hoang_3_resize

Tôi cảm nhận chị là mẫu người của thực tế song lại giữ được niềm đam mê cho riêng mình. Hãy chia sẻ với độc giả của Nữ Doanh Nhân về một triết lý giúp chị giữ lửa đam mê!

Lúc trước tôi đọc khá nhiều về các sách dạy làm giàu trong kinh doanh nhưng bản thân chỉ đọc cho biết vì tôi không hào hứng với các sách dạy làm giàu, những thủ thuật trong kinh doanh. Thay vào đó, các cuốn sách mang đến cảm hứng giúp tôi giữ được niềm đam mê và chất xúc tác để sáng tạo nhiều hơn nữa. Có một câu nói của tác giả Inamori Kazuo, nguyên chủ tịch của Japan Airlines đã viết trong cuốn Vương Đạo Cuộc Đời (hay còn có tựa đề Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế) mà tôi luôn ghi nhớ: “Ngay cả trong buôn bán cũng vậy, nếu chỉ nghĩ đến riêng mình thu lợi thì thành công không kéo dài được lâu. Phải làm sao những người liên quan đến việc mua bán đều hài lòng, người bán cũng vui mà người mua cũng mừng, không để chỉ một bên hưởng lợi như trò zero-sum”.

Phụ nữ làm kinh doanh vốn ít có thời gian dành cho bản thân, nhưng chị lại gây ấn tượng cho tôi với hình ảnh một quý cô thành thị có gu ăn mặc và biết tận hưởng cuộc sống hơn là vai trò “cô chủ” của chuỗi café. Tôi khá tò mò về danh sách những điều chị ưu tiên trong cuộc sống?

Nếu có thể sắp xếp, thứ tự ưu tiên của tôi lần lượt là: Bản thân – Gia đình – Công việc – Tình yêu – Bạn bè. Nguyên nhân có sự sắp xếp này bởi vì, tôi thật sự tin rằng, nếu muốn yêu thương ai đó thì trước tiên, bạn cần học cách biết yêu thương chính mình.

Yêu thương bản thân không có nghĩa ta sống ích kỷ chỉ nghĩ đến mình, mà là sự suy tư về điều mình mong mỏi nhận được trong cuộc sống. Khi bản thân có thể giữ cho mình cân bằng và vui vẻ, thì mới có thể biết lắng nghe, biết yêu thương gia đình và người thân, bạn bè đúng cách. Còn với yếu tố công việc, tình yêu hay bạn bè tôi nghĩ mọi sự hợp tan đều là do cách ta cư xử và một phần là do chữ “duyên” đưa đến. Vì thế, tôi thích việc điềm nhiên đón nhận mọi thứ với sự tỉnh táo hơn là chạy theo cảm xúc.

Text: DiDi – Creative Director: Hiepleduc – Photo: Hoàng Vũ – Makeup: BEO

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm: 

TGĐ, Salon Saigon, Sandrine Llouquet: Một Việt Nam năng động đã níu chân tôi

Giám đốc Nhà hàng Khoái, Nguyễn Thị Ngọc Diệp: Vươn ra biển lớn

 

Comment