Làn da nhạy cảm hay rất nhạy cảm đều sẽ dễ bị kích ứng trước thời tiết, môi trường, mỹ phẩm, nội tiết tố, thực phẩm… nhất là các loại mỹ phẩm sẽ khiến da nhạy cảm chịu nhiều áp lực và tổn thương. Hãy bảo vệ làn da nhạy cảm của bạn với những sản phẩm makeup và chăm sóc dịu nhẹ nhất.
Để xem phiên bản báo in, vui lòng bấm vào đây! |
Làn da nào cũng cần được chăm sóc với mỹ phẩm để tăng cường sức khỏe và làm chậm quá trình lão hóa, tuy nhiên có một quy luật bất di bất dịch phái đẹp nên tham khảo nếu làn da bạn thuộc loại nhạy cảm hoặc rất nhạy cảm. Đó là không sử dụng nhiều loại mỹ phẩm cùng lúc khiến da nhạy cảm trở nên quá tải, không thay đổi loại hoặc thương hiệu mỹ phẩm đang sử dụng nếu chúng an toàn cho da. Khi muốn thay đổi, hãy thử thật kỹ càng và tìm hiểu rõ thành phần (không paraben, không chì, hạn chế chất tạo mùi…). Tốt hơn hết, hãy trung thành với phong cách tự nhiên và chỉ trang điểm trong những dịp đặc biệt. Chất tẩy rửa nhẹ nhàng, kem dưỡng ẩm và chống nắng mới là những gì bạn cần khi chăm sóc da hàng ngày.
Ngoài quy luật chung này, bạn cũng nên tìm hiểu thêm những lưu ý khi chọn mua mỹ phẩm cho da nhạy cảm.
Bước làm sạch
Làm sạch da luôn là bước quan trọng nhất khi chăm sóc da, với làn da nhạy cảm hãy chọn loại sữa tắm không chứa nhiều chất tẩy (dạng sữa thay vì xà phòng dạng bánh, dạng kem hay gel tạo nhiều bọt) tác dụng dịu nhẹ, nếu có thêm tác dụng giữ ẩm càng tốt. Chúng sẽ không làm mất đi lượng dầu tự nhiên của da, giúp da tránh tình trạng khô, căng. Tương tự như vậy, với khuôn mặt cũng không nên chọn loại kem hoặc gel rửa mặt chứa nhiều bọt, chúng có chứa những chất tẩy mạnh có thể khiến da khô hơn và gây khó chịu, chẳng hạn da mặt căng, nóng bừng…
Sản phẩm yêu thích có thể thay đổi công thức bất cứ lúc nào: Nếu một loại sữa rửa mặt bạn đã quen sử dụng trong nhiều năm liền bỗng dưng khiến da bạn nổi mẩn đỏ hoặc ngứa, có thể nhà sản xuất đã thay đổi công thức hoặc một thành phần nào đó. Nhưng ngay cả khi nó vẫn như cũ thì các tác nhân từ môi trường, bệnh lý, thay đổi nội tiết tố, tốc độ lão hóa… cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ nhạy cảm của da. Ngay cả một làn da bình thường cũng có thể phản ứng với một sản phẩm đã dùng trong một thời gian dài. Vì thế, nếu thấy những dấu hiệu trên nghĩa là đã đến lúc bạn nên thay sản phẩm khác.
Nuôi dưỡng da
Dưỡng da mỗi sáng và tối với các loại nhũ tương hoặc lotion chứa các thành phần thảo dược tự nhiên, có nguồn gốc từ yến mạch cung cấp độ ẩm, giúp làm dịu nhẹ làn da đang bị khô hay dễ bị kích ứng, ửng đỏ hoặc ngứa rát. Tránh các loại kem làm trắng các tác dụng lột nhẹ, kem chống lão hóa chứa retinoids, axit glycolic, axit alphahydroxy… vì chúng có thể quá mạnh đối với làn da nhạy cảm. Trước khi quyết định mua sản phẩm, bạn nên tìm hiểu kỹ thành phần trên bao bì, sau đó có thể đến cửa hàng yêu cầu dùng thử để kiểm chứng độ thân thiện và an toàn của sản phẩm.
Mẹo thử sản phẩm trước khi mua: Bất cứ khi nào cũng vậy, trước khi quyết định mua sản phẩm bạn nên yêu cầu được cung cấp các mẫu dùng thử để kiểm tra mức độ phù hợp với da. Hằng ngày, bôi một lượng nhỏ sản phẩm lên phần cổ tay hoặc mu bàn tay hai lần trong khoảng 4 ngày. Nếu da không có phản ứng gì khác, nên bắt đầu thử với vùng cằm vì da bạn thuộc loại nhạy cảm và da mặt có thể khác với các vùng da khác trên cơ thể. Đến khi mọi thứ đều ổn, lúc đó có nghĩa là bạn đã chọn được sản phẩm phù hợp.
Chống nắng
Kem chống nắng là lớp áo rất quan trọng đối với mọi loại da. Riêng với da nhạy cảm, tầm quan trọng của nó càng được nhân lên để tránh cho da khỏi những kích ứng hoặc tổn thương do ánh nắng: rát đỏ, cháy nắng… Ngoài mỹ phẩm, bạn cũng có thể sử dụng các loại thuốc bôi chống nắng có chứa các thành phần như titanium dioxide và oxit kẽm giúp làm dịu làn da và cho hiệu quả cao nhưng điểm bất lợi của chúng là tạo một lớp màng trắng thấy rõ và khá dày nên sẽ mất thẩm mỹ trong một số trường hợp. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng các loại thuốc chống nắng dạng hóa học (chứa oxy-benzone và avobenzone) là loại dùng những chất hóa học để hấp thụ hoặc chuyển hóa ánh sáng qua cơ chế các phản ứng hóa học. Loại này cho tính thẩm mỹ cao nhưng hiệu quả chống nắng thấp hơn.
Chỉ dùng lượng vừa đủ: Một lượng mỹ phẩm quá nhiều sẽ làm cho làn da không hấp thụ hết. Với làn da nhạy cảm, bạn chỉ cần lượng mỹ phẩm khoảng hạt đậu xanh là đủ. Mặc dù vậy, nên để các chuyên viên kiểm tra da và tư vấn cho bạn vì ở mỗi người, mức hấp thụ và kích ứng của làn da sẽ khác nhau.
Lớp phủ trang điểm
Các bác sĩ da liễu khuyến cáo rằng, da nhạy cảm nên hạn chế trang điểm vì chúng có thể gây bít tắc lỗ chân lông, hoặc tác động của mỹ phẩm về lâu dài có thể làm suy yếu làn da. Tuy nhiên, thi thoảng bạn cũng có thể làm đẹp với các sản phẩm trang điểm khoáng không chứa các “chất kích thích” cổ điển như: màu nhuộm, chất tạo hương, chất bảo quản… Mặt khác, mỹ phẩm khoáng cũng thường có titanium dioxide và oxit kẽm với tác dụng kháng viêm và làm dịu làn da. Nhờ đó, việc trang điểm cũng dễ chịu hơn cho làn da nhạy cảm.
Giữ sạch sẽ dụng cụ trang điểm: Luôn chú ý hạn sử dụng, tuổi thọ và vệ sinh các dụng cụ trang điểm. Hãy chọn các loại cọ có khả năng kháng khuẩn để tránh sự xuất hiện hoặc sinh sôi của các loại vi khuẩn, nấm mốc… làm hại đến làn da nhạy cảm của bạn.
Mỹ phẩm tạo màu
Các mỹ phẩm tạo màu như mascara, màu mắt, son môi, phấn má… rất dễ gây kích ứng da nhạy cảm. Nếu mắt bạn có xu hướng dễ chảy nước mắt sống, các sản phẩm trang điểm mắt sẽ càng khiến mắt xốn và khó chịu hơn. Vì thế, đầu tiên bạn nên chọn loại mascara không chứa chất bảo quản tổng hợp – những chất có thể gây kích ứng cho mắt. Màu mắt cũng không nên phủ nhiều lớp cầu kỳ, chọn phong cách nude nhẹ nhàng với các sản phẩm dạng gel cũng là một gợi ý. Đối với son môi, nếu bạn từng bị dị ứng gluten, chắc chắn bạn sẽ không muốn mình vô tình “ăn” phải chất ấy trong son môi hoặc son bóng đang dùng. Tuy nhiên, sẽ có ngoại lệ với son chứa thành phần có nguồn gốc từ lúa mạch, yến mạch, lúa mì… bởi một số sản phẩm chứa vitamin E có nguồn gốc từ lúa mì sẽ tốt cho đôi môi.
Giảm thiểu mùi thơm: Loại bỏ mùi hương chính là cách giảm đáng kể những kích thích cho da nhạy cảm. Cần đọc kỹ thông tin trên bao bì vì những sản phẩm tưởng chừng không mùi cũng có thể có chứa các tác nhân tạo mùi. Do đó, nên xem kỹ danh sách các thành phần kể cả phần chữ in nhỏ xem có các từ như: “fragrance hoặc parfum” không, nên chọn loại hương tự nhiên của chính nguyên liệu cấu thành sản phẩm.
Sơn móng tay
Da nhạy cảm không chỉ thể hiện ở khuôn mặt, với nhiều người những sản phẩm làm đẹp móng cũng là thử thách không nhỏ. Rất có thể sản phẩm sơn móng tay có chứa các chất hóa học như: formaldehyde, toluene và dibutyl phthalate – đây được xem là bộ ba gây tranh cãi – chính là nguyên nhân gây nên những tác dụng không tốt cho da nhạy cảm. Nhất là với khu vực da xung quanh móng. Do đó, hãy chọn các loại sơn móng từ các thương hiệu uy tín trên thị trường với cam kết không có chất gây hại móng và da tay.
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN