Với nguyên liệu chính là thịt gia cầm và một số gia vị đặc trưng, chuyên mục Cùng vào bếp kỳ này muốn giới thiệu đến bạn 4 món ăn được chế biến theo 2 trường phái ẩm thực nổi tiếng nhất châu Á: Nhật Bản và Trung Hoa. Cách chế biến có phần đơn giản và hương vị đặc biệt của món ăn sẽ khiến bạn thực sự hài lòng.
1Gà xào Tứ Xuyên
Nguyên liệu:
- 180g thịt gà phi lê
- 1 quả trứng gà
- 2g ớt khô
- 60g hành baro
- 40g hành tây
- 40g ớt xanh Đà Lạt
- 20g hạt điều
- 10g đầu hành
- Sốt Kung Pao
Gia vị:
- Tỏi băm
- 30g dầu hào
- 60g dấm trắng
- 20g chilli bean sauce
- Muối
- 10g hắc xì dầu
Chế biến:
- Gà phi lê rửa sạch cắt lát mỏng vừa ăn. Sau đó ướp với các loại gia vị kèm 1 quả trứng gà để khoảng 2 phút cho gia vị thấm vào thịt. Gà tẩm ướp gia vị đem xào qua với dầu cho chín tái sau đó để ráo dầu.
- Cho hành baro, ớt khô, ớt Đà Lạt và hạt điều vào xào riêng, thấy rau vừa chín cho thêm phần gà phi lê, sốt kung pao và bột năng tiếp tục xào trên lửa nhỏ khoảng 2 phút rồi nêm nếm lại cho vừa ăn.
2Vịt quay kiểu Quảng Đông
Nguyên liệu:
- Vịt nguyên con khoảng 2kg
Gia vị:
- Tai vị
- Quế hồi
- Hành lá
- Tỏi
- Hành tím
- Dầu hào
- Bột gà
- Muối
Nước chấm: 60g sốt Rum
Chế biến:
- Vịt rửa sạch, để ráo nước rồi ướp với các loại gia vị.
- Treo vịt sau khi ướp lên khoảng 2 tiếng cho thấm đều gia vị.
- Nướng vịt trong khoảng 45 – 50 phút trong lò.
- Mang vịt ra xối mỡ nóng cho da vịt có độ bóng vàng bắt mắt.
- Chặt vịt ra thành các miếng vừa ăn.
- Thưởng thức kèm bánh tráng chiên giòn, cải cắt sợi chiên giòn và sốt rum.
Bếp Trưởng Trần Nhiêu Minh – Nhà hàng San Fu Lou:
“Mỗi món ăn đều có hương vị rất riêng được tạo nên từ những loại gia vị đặc trưng. Ví dụ món Gà Xào tứ Xuyên phải có sốt Kung Pao – sốt đặc trưng để giúp món xào hoàn chỉnh theo đúng phong cách Trung Hoa. Đặc biệt, các món ăn phong cách này sẽ rất hợp với thức uống là một ấm trà nóng để giúp người ăn cảm thụ được hết vị ngon, ngọt của thịt và vị đậm đà trong nước sốt.”
3Baby Chicken
Nguyên liệu:
- 1 con gà ta (chọn gà tơ) khoảng 600g
- 2g rau thì là
- 2g muối
- 2g tiêu
- 2g Togarashi (bột ớt Nhật Bản)
- 2ml rượu Sake (loại dùng trong nấu ăn)
- 5ml sốt Yakitori
- 5g tỏi tây cắt lát (trang trí)
- 5g chanh (trang trí)
Chế biến:
- Rưới rượu sake và tẩm ướp các gia vị trên cho gà baby cho ngấm đều.
- Sau đó, nướng từ từ với lửa nhỏ cho đến khi gà chuyển sang màu nâu vàng và da gà thực sự giòn, thịt gà vừa chín tới. Phết thêm sốt yakitori lên thịt gà để tăng thêm hương vị món ăn rồi nướng tiếp khoảng 2 phút.
- Sau khi gà chín, chia gà thành 5 – 6 phần nhỏ, trang trí lên đĩa cùng với tỏi tây cắt lát và chanh.
4Negima Kushi – Xiên gà nướng
Nguyên liệu:
- 50g đùi gà rút xương
- 15g tỏi tây
- 15ml sốt Yakitori
- 1 que tre
Chế biến:
- Đùi gà rút xương cần được làm sạch trước khi cắt thành đoạn nhỏ vừa ăn khoảng 15g. Chia phần thịt gà thành 3 đoạn, tỏi tây cũng chia 3 đoạn (khoảng 5g cho mỗi đoạn). Dùng que tre xiên xen kẽ thịt gà và tỏi tây.
- Rưới rượu sake và muối lên phần thịt gà và tỏi tây rồi nướng trong trong vòng 8 phút sau đó quét thêm sốt Yakitori và tiếp tục nướng thêm 7 phút nữa cho đến khi thịt gà chín tới.
- Trang trí thức ăn lên đĩa kèm sốt miso cay.
Bếp trưởng Yoji Kitayama – Nhà hàng Sorae:
“Sốt Yakitori chính là điểm nhấn tạo nên hương vị rất riêng cho món nướng. Để món nướng không bị khô, các đầu bếp của Sorae sử dụng rượu Sake rưới lên thịt gà để thịt nhanh mềm mà vẫn giữ được độ ẩm cần thiết. Rượu Sake cũng giúp thịt ngọt hơn và phần da thì giòn để phát huy hết ưu điểm của món nướng hấp dẫn”.
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN
Text: GA – Photographer: Hoàng Vũ – Cảm ơn nhà hàng San Fu Lou (Tầng trệt, toà nhà AB, 76A Lê Lai, P. Bến Thành, Q. 1, TP. HCM) và nhà hàng Sorae (Tầng 24, toà nhà AB, 76A Lê Lai, P. Bến Thành, Q. 1, TP. HCM) đã hỗ trợ chúng tôi thực hiện chuyên mục này.