THỊ TRƯỜNG VIỆT CÒN “HÚT” NHÀ ĐẦU TƯ NGOẠI? - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

THỊ TRƯỜNG VIỆT CÒN “HÚT” NHÀ ĐẦU TƯ NGOẠI?

Trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, thị trường Việt có còn sức hút đầy hấp dẫn ở nhiều ngành nghề khi nền kinh tế Việt Nam vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng? Xoay quanh vấn đề này, Nữ Doanh Nhân đã có cuộc trò chuyện cùng chuyên gia tư vấn chiến lược Robert Trần.

shutterstock_110266724_huge_resizeChào ông. Thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài đã cho rằng thị trường Việt có nhiều tiềm năng và triển vọng để họ ưu tiên lựa chọn. Theo ông, những tiềm năng và triển vọng ấy là gì, trong đó yếu tố nào là tiên quyết nhất?

Không chỉ có Việt Nam, thị trường của các nước khác như Indonesia, Philippines, Myanmar cũng rất tiềm năng. Mỗi thị trường có điểm mạnh khác nhau. Riêng Việt Nam là thị trường đông dân, thu nhập ngày càng cao, có thể sản xuất và bán ngay tại chỗ, lao động giá chấp nhận không quá đắt. Trước đây, nếu tính theo thứ tự thì yếu tố nhân công giá rẻ được đặt lên hàng đầu. Nhưng càng về sau, yếu tố sản xuất và bán ngay tại Việt Nam chiếm ưu thế hơn.

Thế còn những hạn chế, đó là những gì? Nó ảnh hưởng như thế nào và có là rào cản lớn đối với họ?

Đó là cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Gần như công ty nước ngoài nào bán sản phẩm ngay tại thị trường Việt, chú trọng về mặt hệ thống cung ứng, phân phối, đều cho rằng chi phí vận chuyển nơi đây đắt so với khu vực. Bên cạnh đó phải kể đến luật thuế của Việt Nam, mỗi năm đều có những thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Thế nhưng, đối với các doanh nghiệp nước ngoài, đó lại là những trở ngại.

Chúng ta không thể phủ nhận, Việt Nam đang thay đổi từng ngày và đây là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, nếu sự thay đổi diễn ra nhanh quá thì sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh, sản xuất. Ví dụ như ở Myanmar, luật thay đổi rõ rệt, nhưng hoàn toàn được doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ủng hộ vì rất phù hợp. Có thể, Myanmar học được thực tế tốt nhất từ những nước trong khu vực như Việt Nam, Indonesia…

Hơn năm năm trước, các nhà đầu tư ngoại dường như rất ưu ái cho thị trường Việt trong khá nhiều ngành nghề. Tuy nhiên, trong khoảng từ năm 2008, kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế bắt đầu lan rộng đến nay, họ trở nên dè dặt, khoanh vùng và chỉ còn chọn một vài lĩnh vực. Theo ý kiến của ông, hiện nay họ quan tâm đến các ngành nào bởi những ưu điểm vượt trội gì?

Các nhà đầu tư nước ngoài hiện dành sự ưu ái cho thị trường Myanmar. Ngoài Myanmar, họ thường đặt lên bàn cân giữa ba thị trường: Thái Lan, Việt Nam và Indonesia. Năm 2008, nền kinh tế của nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề, việc đóng cửa, ngừng đầu tư để bảo toàn công ty mẹ là chuyện dễ hiểu và hiển nhiên. Nói chung, các nhà đầu tư nước ngoài và Việt Nam đều giống nhau, vì mục đích kinh doanh là lợi nhuận. Nếu không có lợi nhuận hoặc rủi ro cao thì điều đầu tiên là họ phải thu gọn, bảo toàn, khoanh vùng hoạt động…

Hiện nay, các ngành nghề được quan tâm nhiều là giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tiêu dùng và những lĩnh vực liên quan phong cách sống. Đầu tiên là giáo dục, người Sinagpore vốn có thế mạnh về dịch vụ, đã nhìn thấy trước triển vọng và vào thị trường Việt Nam gần mười năm cho lĩnh vực này. Đầu tư về giáo dục hiện được chia thành ba mảng: tiếng Anh, hệ thống trường tiểu học – trung học, liên kết đào tạo giữa các trường đại học trong nước và nước ngoài.

Đặc biệt, có một phân khúc giáo dục rất tiềm năng là dạy nghề, nhưng doanh nghiệp dạy nghề khó tồn tại được do văn hóa ở Việt Nam. Nếu một công ty nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực dạy nghề, chắc chắn học phí không hề rẻ, học viên ra trường có thể dễ dàng xin được việc làm nhưng chỉ là thợ. Làm thợ không có gì phải lấy làm xấu hổ, tuy nhiên phần lớn các bậc cha mẹ đầu tư học hành cho con chỉ muốn con mình làm những vị trí cao cấp. Ví dụ, Philippines đào tạo nghề điều dưỡng cung cấp cho rất nhiều bệnh viên trên thế giới với học phí không hề rẻ. Thế nhưng, theo văn hóa Việt Nam, phụ huynh sẽ không dễ gì chịu chi số tiền lớn cho con học điều dưỡng chỉ để phục vụ bệnh nhân ở nước ngoài.shutterstock_130862018_huge_resize

Ngành thứ hai là y tế, dược phẩm, sự quan tâm này cũng dễ hiểu vì đây là nhu cầu rất cần thiết cho thị trường, nhưng luật của Bộ Y tế hiện đang thay đổi rất nhiều làm trở ngại cho những doanh nghiệp dược phẩm nước ngoài. Ngành thứ ba là hàng tiêu dùng, một thị trường đông dân có nhu cầu và mức sống ngày càng cao hơn như Việt Nam là cơ hội để những sản phẩm tốt chọn làm điểm đến, nhưng thực tế những thương hiệu này hiện còn bán quá đắt ở đây. Ngành thứ tư là lĩnh vực phong cách sống, Việt Nam còn thiếu rất nhiều trong lĩnh vực này, trong khi tỉ lệ người thu nhập trung bình cho đến cao không ngừng tăng lên mỗi năm. Không có nhiều hoạt động shopping, giải trí trong nước, mọi người phải chi tiền ra nước ngoài. Đây là một phần tiền rất lớn nếu được chi trả trong nước sẽ đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế.

Ông nhận thấy các nhà đầu tư ngoại e dè, thẳng thừng “nói không” với những ngành nào, xuất phát từ nguyên nhân khách quan nào? Liệu điều đó sẽ được thay đổi ra sao trong thời gian tới, các nhà đầu tư nước ngoài có lấy lại được niềm tin đã mất từ các ngành này?

Thật ra, một khi đã mở rộng kinh doanh ra quốc tế, ai cũng muốn xây dựng mối quan hệ tốt với tất cả quốc gia mình muốn đầu tư. Chính vì vậy, câu trả lời thẳng thừng “nói không” khó xảy ra lắm (Cười). Gần như lúc nào họ cũng khen và vẽ ra nhiều định hướng, nhưng có thực hiện hay không lại là một chuyện khác. Nhìn chung, đối với tất cả ngành nghề, các nhà đầu tư đều muốn đầu tư vào Việt Nam vì đây là thị trường quá lớn, nhưng quan trọng còn tùy thuộc luật pháp, cơ sở hạ tầng… tại đây.

Cảm ơn ông rất nhiều!

76-78_GocQuyOng_NuDN 8-2011_P.indd

Ông Robert Trần tốt nghiệp Đại học McMaster (Canada), Cao học Quản trị rủi ro ở Đại học Harvard (Mỹ) và làm luận án Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh tại Đại học Bolton (Anh),  hiện là CEO Khu vực châu Á – Mỹ của Tập đoàn Tư vấn Chiến lược Robenny (Robenny Corporation). Ông đã tham gia đào tạo đội ngũ quản lý cao cấp, cũng như tư vấn chiến lược cho nhiều doanh nghiệp: Mobifone, Beeline, MFone, Toyota, Denso, DKSH, Sacombank, ANZ Royal Cambodia, Solvay Fournier Pharmaceutical…

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment