7 từ truyền cảm hứng từ Steve Jobs và chiếc iPhone mới

Steve Jobs và “7 từ” truyền cảm hứng về sự ra đời của chiếc iPhone đầu tiên

Là một người có ảnh hưởng to lớn đối với ngành công nghệ, di sản Steve Jobs để lại cho thế giới không chỉ là những phát minh vĩ đại mà còn là một tấm gương mãi sáng soi và truyền cảm hứng cho những người đang nuôi giữ đam mê.

Đúng là để làm được những điều phi thường, trước hết bạn phải nghĩ được những điều khác thường. Giống như hầu hết các vĩ nhân trên thế giới, Steve Jobs cũng nắm giữ cho mình một vài niềm tin cốt lõi. Ông tin vào sự kỳ vọng to lớn từ chính bản thân cũng như từ người khác. Ông tin vào sức mạnh của sự đòi hỏi. Và ông tin rằng tương lai là thứ mà tất cả chúng ta đều có thể ghi dấu ấn…

Steve Jobs truyen cam hung iphone

Steve Jobs – huyền thoại của những sáng tạo công nghệ vĩ đại

Trong câu chuyện sau, Steve Jobs đã tin vào sức mạnh cơ bản của chính niềm tin và sử dụng niềm tin đó để thúc đẩy và truyền cảm hứng. Ông tin con người có tiềm năng làm được nhiều hơn cả những gì họ có thể tưởng tượng. Năm 2007, cả thế giới đã từng phải trầm trồ trước một phát minh công nghệ đột phá mang tính lịch sử từ Apple – chiếc iPhone đầu tiên được trang bị những tính năng mới chưa từng có trước đó trên một thiết bị điện thoại di động. Mấy ai biết lần ra mắt đầu tiên vào tháng 1/2007, nó vẫn là một phiên bản “lỗi” vì sử dụng màn hình nhựa chứ không phải kính như lúc chúng ta được sở hữu thực sự. Vấn đề nằm ở chỗ, màn hình nhựa của nguyên mẫu không đủ cứng để thực hiện tốt tính năng bảo vệ cho máy. Sau một ngày mang nó trong túi, Jobs phát hiện màn hình bị trầy xước và sứt mẻ.

Thế là ông quyết định thay đổi kế hoạch sản xuất trong khi chỉ còn vài tháng nữa sản phẩm phải được tung ra thị trường. Jobs cho rằng cần thay màn hình bằng kính và ông đã quả quyết: “Tôi không biết chúng ta sẽ làm như thế nào, nhưng khi giao hàng vào tháng 6, tất cả màn hình sẽ là kính.” Nếu đã nghe qua những mẩu chuyện kể về Steve Jobs, hẳn bạn không mấy ngạc nhiên trước cách nói này lắm, vì tính ông vốn luôn cương trực như vậy. Jobs đã gọi cho Wendell Weeks, CEO của công ty Corning và phác thảo loại kính cần thiết. Weeks đã hào hứng kể với ông về một loại kính cường lực cực kỳ bền mà công ty đã phát triển vào những năm 1960 gọi là “Gorilla Glass”, nhưng chưa bao giờ bán, đồng thời cũng ít được đưa vào sản xuất. Sau khi được nghe mô tả về loại kính này, Jobs tỏ ra rất hài lòng. Ông quyết định đưa loại kính “Gorilla Glass” vào quy trình sản xuất cho hàng triệu chiếc iPhone sắp ra mắt.

Đối với Weeks, việc này dường như bất khả thi. Corning đã từng thử làm ra loại kính này nhưng họ chưa bao giờ thực sự sản xuất nó với số lượng lớn. Không có một nhà máy nào hay bất cứ một dây chuyền nào có thể thực hiện điều này. Lúc ấy, Jobs đã nói: “Đừng sợ, bạn có thể làm được.” (“Don’t be afraid. You can do it.“)

CEO của Corning lại tiếp tục phân bua, rằng vấn đề không phải là sợ hãi, mà chính là công ty không thể đáp ứng được nhu cầu kỹ thuật để có thể đi vào sản xuất. Nhưng Jobs vẫn lặp lại câu nói ấy: “Đừng sợ, bạn có thể làm được.”

Một lần nữa, Weeks cố gắng đưa ra tất cả những mô tả về thách thức họ phải đối mặt nhằm có thể từ chối nhiệm vụ bất khả thi này. Nhưng Steve Jobs là ai chứ, ông vẫn một mực khẳng định: “Đừng sợ, bạn có thể làm được.” Và cuối cùng, Wendell Weeks buộc phải tin rằng mình làm được.

Khi Weeks gọi đến nhà máy Corning ở Kentucky để bảo họ bắt đầu sản xuất kính “Gorilla Glass”, họ lại tiếp tục là những người phản đối việc làm này. Họ cho rằng với điều kiện kỹ thuật, nhân lực, hậu cần như hiện tại, việc đáp ứng yêu cầu để sản xuất hàng loạt trong thời gian gấp rút như vậy là điều không tưởng. Nhưng Steve Jobs vẫn không có câu trả lời truyền cảm hứng nào khác hơn, ngoài “Đừng sợ, bạn có thể làm được.” để gửi gắm đến họ. Và họ đành phải tin là như vậy, nên đã bắt tay vào thực hiện.

Sáu tháng sau, Corning đã sản xuất được số lượng kính theo yêu cầu từ Apple để phục vụ kế hoạch thay mặt kính cho iPhone, và đó cũng là một con số mà công ty này chưa bao giờ làm được. Thế là một “huyền thoại công nghệ” đã chính thức được ra đời. Câu chuyện có hậu được khép lại bằng lá thư mà Jobs gửi cho Weeks được trưng bày một cách trân trọng tại văn phòng của vị CEO này suốt những năm sau đó, với dòng chữ: “Chúng tôi sẽ không thể làm được điều đó nếu như không có bạn.”

Cận cảnh chiếc iPhone đầu tiên – thiết bị mở ra kỷ nguyên mới cho lĩnh vực điện thoại di động

Niềm tin thật sự chứa đựng sức mạnh. Bằng cách trao niềm tin và truyền cảm hứng cho những người xung quanh ngay cả trước khi họ tin vào chính mình, ta có thể khiến họ làm được những điều họ không tưởng. Đây cũng có thể là món quà tuyệt vời nhất mà không chỉ Steve Jobs mà bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng có thể tặng cho nhân viên của mình.

Đọc thêm:

Truyền cảm hứng đến nhân viên bằng tinh thần xông pha của sếp

6 câu chuyện vượt thất bại của người thành công

Comment