Là bộ phận giữ an toàn quan trọng nhất trên xe, nhưng dường như nhiều thói quen trong khi lái xe lại vô tình khiến phanh xe bị hư tổn trong thời gian dài sử dụng.
Hệ thống phanh ôtô có chức năng giảm tốc độ và dừng xe theo mong muốn người lái. Có 2 cơ cấu phanh là phanh chính và phanh đỗ. Ngày nay, phanh ôtô được trang bị rất nhiều công nghệ hỗ trợ như chống bó cứng phanh ABS, phân bổ lực phanh,… giúp quá trình phanh an toàn và hiệu quả hơn.
Các dạng hỏng thường gặp ở hệ thống phanh là phanh mất bám, phanh bị bó, không nhả, xe bị chệch hướng khi phanh, đặt chân phanh có cảm giác nặng hoặc “âm” chân, có tiếng kêu khi phanh, và cuối cùng là hỏng các công nghệ hỗ trợ. Dưới đây là 5 thói quen các lái xe thường xuyên mắc phải dễ gây hại cho phanh ôtô:
1Kéo phanh tay sau khi về số P
Thói quen về P, tắt máy sau đó mới kéo phanh tay về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng tới tuổi thọ và độ bền của cơ cấu bánh răng cóc bên trong hộp số. Đây là bộ phận bám vào các ngàm giữ trên trục ra của hộp số, giúp bánh xe không lăn khi người điều khiển về số P. Vì nhỏ gọn chỉ bằng ngón tay, nếu bánh răng cóc phải chịu toàn bộ khối lượng của chiếc xe lâu ngày, sẽ dẫn đến bị mài mòn, thậm chí bị phá vỡ nếu tác động mạnh. Để giảm gánh nặng một phần cho cơ cấu bánh răng cóc, khi dừng đỗ xe nên làm theo quy trình đạp phanh chân, kéo phanh tay, sau đó về số P và tắt máy. Việc kéo phanh tay trước sẽ giúp bánh răng cóc bên trong hộp số được san sẻ rất nhiều áp lực. Tài xế có thể thêm một bước là về số N để đảm bảo xe không bị chồm lên. Cụ thể là đạp phanh chân, về N, kéo phanh tay, về P, và tắt máy. Bên cạnh đó, bạn cũng nên chú ý bảo dưỡng các hệ thống cảm biến gắn trên cụm phanh.
2Quên hoặc hạ chưa hết phanh tay
Lúc này, guốc phanh và má phanh vẫn còn áp sát vào tang trống (hoặc đĩa phanh), ma sát lớn giữa má phanh và tang trống sẽ sinh nhiệt lớn khi xe chạy, làm cho má phanh có thể bị cháy. Khi gặp trường hợp này, một số dòng xe sẽ phát tín hiệu thông qua đèn cảnh báo bật sáng trên đồng hồ trung tâm để nhắc nhở người lái. Nếu không, sau khi xe chạy, người lái sẽ cảm nhận được độ nặng của xe kèm theo mùi khét từ hệ thống phanh.
3Hạ phanh tay khi xe chưa dừng hẳn
Theo thói quen sử dụng hoặc sơ xuất, một số tài xế thường hạ phanh tay khi xe chưa dừng hẳn. Trên thực tế, phanh tay không được thiết kế cho khả năng dừng khi xe đang chạy, mà chỉ để giữ xe đứng yên khi đã dừng hẳn. Trong trường hợp xe đang di chuyển hay chưa dừng lại hẳn, nếu tài xế sơ suất kéo phanh tay, lực phanh tác động lên 2 bánh sau có thể dẫn đến hiện tượng trượt bánh, gây nguy hiểm.
4Rà phanh khi đổ dốc hoặc xuống đèo
Thói quen này sẽ tạo ra nhiệt lượng lớn có thể gây cháy và cong vênh má phanh với phanh đĩa, hoặc trống phanh với phanh tang trống, dẫn đến tình trạng mất phanh, nguy hiểm đến người trên xe. Đối với những trường hợp này, nên chuyển sang chế độ bán tự động với xe dùng hộp số tự động, chuyển về số thấp đối với số sàn. Tuân theo nguyên tắc “lên số nào, xuống số đó”. Hệ thống truyền động sẽ hãm tốc độ xe lại, giảm áp lực cho hệ thống phanh.
5Không bảo dưỡng phanh thường xuyên
Việc bảo dưỡng định kỳ phanh sẽ giúp loại bỏ những mạt bám trên bề mặt tiếp xúc, phát hiện lỗi trên hệ thống phanh, tránh nguy cơ má phanh bị kẹt, phanh không bám nhả theo đúng ý người lái, gây mất an toàn khi sử dụng. Nên thay thế dầu phanh định kỳ, để tránh hiện tượng dầu phanh sôi sớm khi làm việc, tạo ra các bọt khí khi làm việc trong hệ thống phanh, dẫn đến mất tính trợ lực, mất tác dụng. Bạn cần thay thế dầu phanh sau khi sử dụng 40.000km hoặc 2 năm, tùy theo điều kiện nào đến trước.
Lực kéo không bình thường
Khi kéo phanh mà lại thấy cảm giác bất thường, có thể là một dấu hiệu cho thấy phanh đang gặp trục trặc và kẹp phanh đang bị mắc kẹt.
Chân phanh không ổn định
Chân phanh lúc “ăn” lúc không, khi đó phanh đang gặp vấn đề như rò rỉ dầu, không khí, má phanh không đều, dầu phanh lẫn cặn bẩn.
Xuất hiện âm thanh lạ
Âm thanh kỳ lạ vang lên trong lúc lái xe là dấu hiệu cảnh báo hệ thống phanh đang gặp sự cố.
Cảm giác rung
Nguyên nhân của tình trạng này thường là do rô-tơ bị biến dạng.
Cảm giác phanh khác thường
Cảm giác đạp chân phanh quá nhẹ có thể do má phanh mòn, rò rỉ dầu phanh hoặc không khí tràn vào bên trong khoang dầu. Chân phanh quá cứng có thể liên quan tới các chi tiết nhỏ trong hệ thống phanh ôtô.
Má phanh mòn
Nếu má phanh mỏng hơn 1/4 inch (khoảng 6,35 mm) là không còn đảm bảo an toàn.
***
Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân
Text: April – Images: S.T
Có thể bạn quan tâm: