Minh bạch kinh doanh, cần gì? - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Minh bạch kinh doanh, cần gì?

Hiện tượng chuyển giá ngày càng phổ biến trong khu vực doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn nước ngoài và liên kết lợi ích xuyên biên giới, không chỉ trực tiếp gây thất thu ngân sách nhà nước, mà còn làm giảm cạnh tranh lành mạnh, làm méo mó, sai lệch thông tin, tín hiệu thị trường, giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, giảm hiệu quả chủ trương, chính sách quản lý nhà nước…

Thời gian qua có khá nhiều vấn đề bất cập liên quan đến sự minh bạch giá thị trường đã và đang gây bức xúc xã hội. Nổi bật là việc một số mặt hàng và dịch vụ có tính độc quyền cao tăng và giảm tuỳ thuộc vào khả năng “vận động, thuyết phục và kêu ca” của doanh nghiệp và Hiệp hội kinh doanh ngành hàng. Hơn nữa, giá một số mặt hàng nhập ngoại liên tục tăng (như sữa trong vòng 3 năm qua đã tăng giá hơn 30 lần), tăng đồng loạt và chỉ có chiều lên mà không giảm, bất chấp xu hướng giá thế giới và khó khăn của thị trường tiêu thụ do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Điều này đã khiến giá trong nước bị đẩy cao hơn nhiều so với giá cùng loại sản phẩm ở nước ngoài.

Nhận diện kịp thời và xử lý nghiêm khắc

Minh bạch trong kinh doanh đòi hỏi nhận diện kịp thời và xử lý nghiêm khắc những chiêu trò, thủ thuật chuyển giá điển hình. Chẳng hạn khai tăng chi phí khấu hao và giảm thu nhập chịu thuế trên cơ sở nâng giá trị tài sản cố định, máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu nhập khẩu, lãi suất vay vốn và chi phí bảo lãnh vay vốn, chi phí trả lương, đào tạo, chi phí quảng cáo, bán hàng… Hoặc nâng giá trị chuyển giao các tài sản vô hình như: công nghệ, bí quyết kỹ thuật, bản quyền, nhãn mác, kỹ thuật quản lý điều hành và các dịch vụ khác trong góp vốn đầu tư của doanh nghiệp (DN). Ngược lại, khai giấu doanh thu, chi phí và lãi thực, hạ giá bán sản phẩm đầu ra (thậm chí thấp hơn giá thành sản xuất) cho một công ty liên kết, chịu lỗ hình thức kéo dài để trốn thuế.

Đặc biệt, cần nhấn mạnh các quy định về quyền xác định giá, thương thảo giá trước; Quyền ấn định thuế đối với các DN giao dịch liên kết có nghi ngờ che giấu, nổi bật là ghi giá bán trên hóa đơn thấp hơn giá giao dịch thông thường trên thị trường hoặc khai lỗ vượt vốn chủ sở hữu. Cập nhật thường xuyên các chi phí khấu trừ để tính thu nhập chịu thuế đảm bảo rõ ràng, minh bạch, gắn với diễn biến chi phí thực tế thị trường quốc tế và Việt Nam. Coi nhẹ và buông lỏng kiểm soát các hoạt động che giấu đã, đang và sẽ tạo thất thoát lớn cho Ngân sách nhà nước, thiệt hại cho người tiêu dùng và gây cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, làm méo mó môi trường đầu tư… Đồng thời phản ánh sự yếu kém cả về nhận thức, trách nhiệm, uy tín, năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, trực tiếp và trước hết là thừa nhận sự bất lực trong ngành Thuế các cấp.

“Khi các tập đoàn và doanh nghiệp độc quyền có ý thức liên kết, lũng đoạn thị trưòng, mượn danh hiệp hội, mượn danh thị trường, lạm dụng và trở thành công cụ tập hợp, vận động chính sách, gây sức ép với các cơ quan chức năng và người tiêu dùng, bất chấp Luật cạnh tranh, thì hệ lụy càng nặng nề.”

Quản lý giá nếu tách rời việc hoàn thiện cơ chế cạnh tranh kinh tế và minh bạch thị trường, tách rời mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội cũng làm hạn chế vai trò thị truờng. Sự thiếu minh bạch và chậm trễ trong phản ứng chính sách quản lý giá còn nuôi dưỡng tật xấu và đặc quyền của các doanh nghiệp độc quyền ưa kêu ca đòi nhà nước bù lỗ khi giá lên và “ngậm miệng ăn tiền” khi giá xuống. Chính sách chỉ điều chỉnh giá lên, chậm hoặc không điều chỉnh giá xuống là tàn dư điển hình của tư duy cũ, cần được nhận thức đầy đủ để kiên quyết khắc phục trong quản lý giá cả thời kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Kiềm chế lạm phát và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh

Yêu cầu hoàn thiện thể chế quản lý thị trường đòi hỏi bảo đảm tính minh bạch và có thể dự báo được của giá cả và các động thái điều chỉnh chính sách tuân thủ các quy luật, nguyên tắc, quy trình, tín hiệu thị trường, các cam kết hội nhập quốc tế và thông lệ thế giới, hài hoà lợi ích, góp phần tích cực kiềm chế vững chắc lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Cho phép doanh nghiệp độc quyền tự định giá thị trường khi chưa có cạnh tranh đầy đủ theo quy trình và điều kiện của quy luật kinh tế thị trường là kẽ hở lớn nhất trong quản lý giá cả. Cả về quy luật và thực tiễn kinh tế đều khẳng định, chỉ có được giá thị trường khi có sự liên thông trực tiếp thị truờng trong nước với nước ngoài, sự cạnh tranh đầy đủ và sự kiểm soát thị trường lành mạnh.

Nếu cho phép các doanh nghiệp tự định giá trước khi có cạnh tranh thị trường là tạo cơ hội cho tăng giá độc quyền, biến độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp, vô tình mang lại lợi ích độc quyền kép cho doanh nghiêp độc quyền. Họ vừa không phải cạnh tranh thị trường, vừa được áp giá độc quyền. Việc thiếu minh bạch và thông tin giải trình về đăng ký tăng giá, công tác kiểm toán và giám sát đầu tư mang tính hình thức sẽ chỉ làm tăng hiện tuợng giá cả bị bóp méo, thậm chí bị lạm dụng để hợp pháp hóa việc tăng giá độc quyền. Khi các tập đoàn và doanh nghiệp độc quyền có ý thức liên kết, lũng đoạn thị trưòng, mượn danh hiệp hội, mượn danh thị trường, lạm dụng và trở thành công cụ tập hợp, vận động chính sách, gây sức ép với các cơ quan chức năng và người tiêu dùng, bất chấp Luật cạnh tranh, thì hệ lụy càng nặng nề.

Về tổng thể, minh bạch kinh doanh trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay đòi hỏi tăng cường sự cạnh tranh đầy đủ và lành mạnh, bình đẳng. Sớm tách biệt và minh bạch hóa các nhiệm vụ chính trị với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có tính độc quyền, giảm thiểu sự lạm dụng, mập mờ, nhân danh nhiệm vụ chính trị mà hạch toán giành lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp và lợi ích cho nhóm, ngành và đẩy lỗ tối đa cho nhà nước hoặc tranh thủ “móc túi” người tiêu dùng…

Nhận diện những ngộ nhận và xử lý những hệ lụy do thiếu minh bạch trong kinh doanh gây nên sẽ tạo động lực mới thúc đẩy hành trình tiến tới thể chế giá thị trường lành mạnh, bảo đảm sự minh bạch và công bằng, hài hòa về lợi ích xã hội và tuân thủ các quy luật, nguyên tắc, quy trình thị trường, các cam kết hội nhập quốc tế và thông lệ thế giới…

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment