Má chồng tôi • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Má chồng tôi

Tôi may mắn có dịp gặp rất nhiều phụ nữ giỏi giang và má là người thứ hai trong hai người phụ nữ hiếm hoi được tôi đặt trên hàng tôn thờ và ngưỡng mộ. Má khiến tôi ngoài chuyện cảm thấy kính trọng như mẹ mình còn xen lẫn sự nể phục.

Lần đầu tiên gặp má cách đây cũng đã hơn năm năm, ấn tượng đầu tiên của tôi là cảm giác e dè, thận trọng thậm chí có chút sợ hãi. Không biết có phải vì má cầm tinh con cọp hay không nhưng nói chung tôi rất sợ và vì sợ nên tôi ẩn mình rất kỹ. Càng về sau, tôi mới hiểu cảm giác đầu tiên đó có lẽ do tôi bị chi phối bởi đôi mắt tinh tường như nhìn thấu tâm can người khác của má. Thực chất tôi là người thẳng tính, tôi thích kiểu có sao thể hiện vậy, thà biết rõ nhau từ đầu để về sau không thất vọng. Tôi chẳng giỏi giang gì khoản bếp núc, chỉ nấu ăn được chứ không ngon, điều này càng khiến tôi thêm lép vế trước má. Two women embracing and the other standing in front of them

Má không chỉ biết nấu nhiều món mà món nào cũng ngon, nếu có món nào không ngon chắc là tâm trạng bữa đó của má không tốt. Tôi nghĩ vậy. Chính vì lẽ đó, chỉ có má mới có thể chiều hết thảy mọi gu ẩm thực trong nhà, khó tính nhất là ba sau đó tới chồng tôi và hai cô em chồng. Đôi khi má cũng có ý “truyền nghề” cho tôi, ví dụ như trong lúc tôi đứng sớ rớ ngó nghiêng, má vừa nấu vừa giảng làm cách nào để canh mướp không bị đen, làm sao cho hành phi vàng mà phải giòn… nói chung tôi nghe xong cũng để đó vì ít khi có dịp thực tập. Phần lớn công việc bếp núc ở nhà, nếu không phải má thì em chồng tôi đảm nhiệm, chẳng phải tôi lười biếng gì mà ai nấu ngon hơn sẽ được ưu tiên làm “bếp trưởng”, tôi chọn phần rửa chén cho chắc.Two women seated at table and busy with flowers

Tuy nhiên, nếu má nấu ăn ngon tôi đã nể một thì riêng khoản má biết “xài” di động thông minh và chơi game thành thạo là đủ để tôi phục sát đất. Ít có người phụ nữ nào ở quê tôi lại biết rành rọt và cập nhật liên tục như má nhưng điều khiến tôi nể nhất ở má là sự thấu tình đạt lý. Má cực kỳ giỏi trong việc giảng hòa và có nhiều sáng kiến vì vậy, dễ nhận thấy sự thần tượng má trong ánh mắt mọi người, ngay cả những đứa cháu họ cũng rất thích má… Thế nên tôi tự thấy mình may mắn. May mắn đầu tiên là được làm con gái của mẹ tôi, may mắn thứ hai là được làm con dâu của má. Tôi không biết liệu má có hiểu tôi không, nhưng rõ ràng tôi cảm nhận được sự thông cảm và bao dung của má. Má thậm chí còn che chắn cho tôi trước những câu hỏi khó của ba chồng, nghĩ giùm tôi cách phải xử trí ra sao, giúp tôi không thấy áp lực “dâu trưởng và duy nhất” và ít ra không bênh con trai má trước mặt tôi nên đôi khi tôi nghĩ má với tôi cùng “phe”. Thế nên, dù nghĩ thế nào tôi cũng thấy những người phụ nữ như má hay mẹ tôi thật xứng đáng trở thành vũ trụ thu nhỏ của cả nhà và mọi hành tinh khác phải vận hành theo quỹ đạo của nó, ấy vậy mà tiểu vũ trụ ấy vẫn cứ phải xoay theo chiều của người đàn ông mà họ gọi là chồng.

 

***

“Tôi thương cho sự lam lũ của họ thì ít, vì thời đó ít ai được sung sướng nhưng cảm phục sự nhường nhịn thì nhiều. Họ sẵn sàng nhịn, sẵn sàng thua thiệt để đổi lấy hai chữ “yên ấm”

***

 

Có mặt trên đời cũng chỉ hơn ba mươi năm nhưng những người phụ nữ quanh mình đã phần nào cho tôi nhìn ra con người ta ít ai có thể tránh được những nốt trầm và với những người như má hay mẹ tôi, nhìn vào cuộc đời họ đôi khi chỉ sự thương cảm thôi tôi thấy vẫn chưa đủ. Không biết là ngẫu nhiên hay đây là mẫu số chung của những người phụ nữ sinh cùng thời với má và mẹ tôi. Cả hai không hẹn mà gặp đều là những người con dâu “không được lòng” các bà mẹ chồng khó tính. Tôi nhớ có lần ba chồng tôi kể, má “ngại” bà nội đến mức đang đi xe đạp trên đầu dốc nếu thấy bóng dáng bà từ xa xa đi lại liền xuống xe ghé vào một nhà nào đó, đợi nội qua khỏi dốc mới đi tiếp. Tôi nghĩ, sao mà khổ quá. Không phải vì họ thiếu đảm đang, ít chịu thương chịu khó hay không hi sinh cho chồng con mình vì chính họ là những người đã phải ăn rau với khoai, ăn cơm độn với muối để các con có chén cơm trắng với cá. Họ đã phải gánh gồng cả đời, hết chăm con lại đến cháu và dù đã qua tuổi năm mươi từ lâu vẫn phải chiều theo mọi sở thích đôi khi trái gió của các đấng ông chồng. Thế mà họ vẫn cứ phải rơi nước mắt chỉ vì cái tính gia trưởng “thâm căn cố đế”. Tôi thương cho sự lam lũ của họ thì ít, vì thời đó ít ai được sung sướng nhưng cảm phục sự nhường nhịn thì nhiều. Họ sẵn sàng nhịn, sẵn sàng thua thiệt để đổi lấy hai chữ “yên ấm”. Tôi nghĩ, chắc họ đã nhịn đủ lâu đến mức quên mất cách phản kháng thế nào. Thế nên, khi họ phản kháng, có lẽ chính là lúc tột cùng.Portrait of happy grandmother with cup of tea looking at camera wit hher daughter and granddaughter on background

Cũng không hẹn mà gặp, chỉ trong hai buổi chiều liền kề nhau – những buổi chiều lý ra phải vui vẻ nhất vì đó là những ngày cuối cùng của một năm – tôi lại thấy họ cùng khóc. Chỉ cần chồng họ nói không thì họ không dám làm trái dù đó là người má bản lĩnh hay người mẹ tháo vát của tôi. Trước những lời nói gió thoảng nhưng lại như dao, như kiếm của những ông chồng, họ đã đặt ra cùng một câu hỏi mà theo tôi là câu hỏi khó nhất tôi từng gặp, câu hỏi mà ngay chính người được hỏi cũng chẳng biết phải trả lời ra sao: Tại sao lại đối xử với tôi như vậy?! Chẳng lẽ chỉ vì họ là vợ thôi sao? Với tôi, câu hỏi được bật ra cùng giọt nước mắt lăn dài trên mặt họ chính là hình ảnh ám ảnh nhất cho tôi nhìn thấy tất cả những cơ cực, tủi hờn mà họ đã phải nhường nhịn mấy chục năm nay. Tại sao vậy, tại sao lại làm thế với người đã sinh con cho mình, nuôi con cho mình, nhận về mọi phần cơ cực lem luốc để chồng con sáng rạng với người đời. Ngay chính họ, những ông chồng cũng biết rằng họ không thể thiếu người phụ nữ ấy. Bằng chứng là dù họ có đi xa hàng tháng trời hay chỉ rời nhà vài phút thì câu hỏi đầu tiên khi bước chân lên thềm luôn là: Má đâu con?

Thế thì tại sao? câu hỏi ấy cứ mãi treo lơ lửng trong đầu tôi. Nó khiến tôi băn khoăn liệu rằng hai cô con gái của mình rồi đây có khi nào là hình ảnh của mẹ hay má tôi lặp lại. Đành rằng xã hội đã thay đổi rất nhiều, những người đàn ông hiện đại không thiếu nhưng những người đàn ông đó với gần hai mươi năm sống và được giáo dục bởi những ông bố gia trưởng của mình, liệu mấy ai có thể bước qua được cám dỗ quyền lực ấy?!

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm:

Nhật ký mẹ chồng của một nữ doanh nhân

Khi chồng ngoại tình

Comment