Istanbul dường như là xứ sở không tồn tại những ranh giới. Nơi đây là vùng đất vắt giữa châu Á và châu Âu. Tôn giáo dường như cũng không còn ngăn cách khi nhà thờ Thiên chúa có sự hiện hữu của những biểu tượng bằng chữ Ả Rập. Còn văn hóa thì hẳn nhiên, vì Istanbul nằm giữa Á và Âu nên văn hóa chốn này cũng hay ho vào loại bậc nhất…
Vùng đất của 3 đế chế lừng danh
Có lẽ một trong những thú vị mà tạo hóa trao tặng cho xứ sở này chính là eo biển Bosphorus, eo biển nối châu Á với châu Âu. Bởi thế mà, đến Istanbul, bất kể mùa nào, thì cũng cứ phải đến eo biển trứ danh này. Dạo chơi bằng du thuyền để đến cảng Sừng Vàng, vào bình minh hay chiều tà, sẽ là những khoảnh khắc khó quên bởi hiện hữu trước mắt bạn là khung cảnh rất đỗi nên thơ và bình yên với vịnh biển xanh ngút ngàn, con người hiền hòa dung dị và phía xa xa là những công trình kiến trúc cổ kính có tuổi thọ lên tới cả nghìn năm tuổi.
Để xem phiên bản báo in, vui lòng bấm vào đây! |
Cũng bởi Istanbul sở hữu một vị trí địa lý đắc địa về thương mại đường biển như thế, nên vùng đất này cũng là chứng nhân của những chặng đường lịch sử huy hoàng khi cả ba đế chế hùng mạnh La Mã, Byzantine và Ottman đã từng ngự trị nơi đây. Và cũng bởi vậy mà kiến trúc của thành phố liên lục địa này sẽ hút hồn mọi du khách, kể cả những người khó tính nhất. Sẽ khó mà đếm hết số lượng đền thờ ở Istanbul, cũng khó mà đi hết các công trình kiến trúc của thành phố này nếu bạn chỉ là một du khách.
Bởi thế, đến Istanbul, gì thì gì, bạn cũng phải đến Hippodrome. Gần 2.000 năm về trước, năm 203, khi đế chế La Mã thống trị vùng đất này, hoàng đế Septime Sévèse đã cho xây dựng công trình kiến trúc đồ sộ này để làm trường đua ngựa với sức chứa khoảng 40.000 người. Thời gian đã tàn phá gần như toàn bộ vẻ huy hoàng của Hippodrome nhưng những gì còn sót lại như cột tháp Obélisque Égyotien hay trụ đồng hình rắn Colonne Serpentine đã đủ để cho thấy, Hippodrome từng bề thế, đồ sộ và kiêu hùng như thế nào.
Nếu như Hippodrome là dấu ấn của thời kì La Mã thì đền thờ Blue Mosque lại là một chứng tích của thời kì Ottoman. Ngay cái tên cũng đã phần nào gợi lên sắc màu chủ đạo của công trình kiến trúc này. Blue Mosque được bao bọc bởi màu xanh mát mắt của những viên gạch men xanh dương phủ kín thánh đường. Khu di tích này mang kiến trúc đặc trưng của nhà thờ Hồi giáo với những mái vòm khổng lồ đan xen nhau, những cột trụ hiên ngang, thách thức với bầu trời, những họa tiết tinh xảo, những cửa sổ đón ánh sáng…
Tất nhiên, đến Istanbul thì không thể không đến thánh đường Sophia. Thánh đường này đặc biệt ở chỗ, nó không chỉ xuất hiện trong tác phẩm văn học Truy tìm Dracula, cũng không chỉ bởi nó sở hữu kỉ lục thiết kế mái vòm lớn nhất thế giới (đường kính 31m). Mà còn bởi, ở thánh đường này, ranh giới về tôn giáo phần nào đã được xóa bỏ khi nơi đây cùng lúc hiện hữu hai tôn giáo Thiên chúa giáo và đạo Hồi với hình ảnh đức mẹ Maria ôm chúa Giê su bên cạnh những biểu tượng bằng chữ Ả rập.
Mê cung mua sắm
Shopping ở Istanbul cũng là một thú vui khó cưỡng. Hẳn bạn vẫn nhớ những phiên chợ Ba Tư trong Nghìn lẻ một đêm. Chợ Grand Bazaar ở Istanbul sẽ đưa bạn vào thế giới của những kí ức trẻ thơ ấy. Không, Grand Bazaar không thể gọi là chợ, phải gọi nó là mê cung shopping mới đúng. Bởi lẽ, Grand Bazaar có tới 21 cổng rẽ ra 60 đường phố, hơn 4.000 gian hàng và có sức chứa tới 400.000 người. Mê cùng này chẳng thiếu một thứ gì từ những món đồ cổ quý hiếm đến những thứ gia vị đặc trưng Thổ Nhĩ Kì, từ những viên gạch men trang trí đến những món đồ thủ công…
Grand Bazaar có mọi thứ về Istanbul, về Thổ Nhĩ Kì. Phải công nhận, một khi đã bước vào Grand Bazaar thì bạn sẽ bị mê hoặc vô điều kiện. Những lời chào mời ngọt ngào như mật, những lời thủ thỉ thuyết phục khách hàng, những màn mặc cả đầy bất ngờ… Đặc biệt, ở Grand Bazaar chỉ có đàn ông bán hàng. Đến đây rồi bạn cũng sẽ thấy, kĩ nghệ bán hàng của đàn ông Thổ Nhĩ Kì quả thật rất đáng nể.
Kerab – Ẩm thực đường phố
Sẽ không ngoa khi nói ẩm thực là một trong những đặc sắc của Istanbul. Hẳn bạn đã thấy món bánh mì kerab tung hoành ngang dọc Việt Nam thế nào. Sang Istanbul, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức thứ hương vị đặc biệt này trên chính quê hương của nó.
Kerab xuất hiện ở mọi ngóc ngách, từ ẩm thực đường phố cho đến những nhà hàng. Kerab ở Istanbul có đến cả chục loại, bạn hãy từ từ khám phá và tin chắc, bạn cũng sẽ bị nó hút hồn mà thôi.
Lưu ý:
- Phương tiện: Hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã mở đường bay ở Sài Gòn. Từ ngày 27/6, Turkish Airlines sẽ mở đường bay cả Hà Nội và Sài Gòn.
- Visa: Phí 60 USD, gửi hồ sơ trước 1 tháng cùng bản đăng kí qua web www.evisa.gov.tr. Trường hợp, hộ chiếu còn hiệu lực visa ở các nước thuộc liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kì sẽ cấp visa online, phí 50 USD.
- Khi vào các thánh đường, phụ nữ hãy nhớ mang theo chăn choàng lớn để che tóc, mặc quần dài và áo dài. Tuyệt đối không chĩa ống kính chụp phụ nữ đạo Hồi hay những người đang cầu nguyện.
- Thổ Nhĩ Kì nổi tiếng với những tấm thảm màu sắc. Bạn có thể mua nó ở Grand Bazaar về làm quà. Khi đi chợ ở Grand Bazaar, hãy chú ý đến đoàn của mình nếu không muốn bị lạc trong mê cung này.
- Đừng quên thưởng thức món kerab và hạt dẻ nướng khi đến Istanbul.
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN
Có thể bạn quan tâm: