“Bỏ mặc” trẻ ở đây không có nghĩa là phớt lờ, không quan tâm đến trẻ. Mà lúc này, cha mẹ sẽ đảm nhiệm vai trò của một nhà quan sát, một người dẫn dắt để trẻ tự hình thành ý thức, tự lập và phát triển năng lực sáng tạo.
Trẻ cần được “bỏ mặc” nhiều hơn
Có một thực tế cần thừa nhận chính là các ông bố bà mẹ Việt đang bao bọc trẻ quá nhiều. Ai cũng cố để tậu nhà cho con ấm thân, mang con đến những lớp học hiện đại nhưng lại bỏ quên điều tuyệt vời nhất là giúp trẻ hình thành tính tự lập, khả năng tự đương đầu với khó khăn. Tâm lý sợ con khổ, sợ con thiệt thòi đang biến những đứa trẻ trở nên thụ động hơn, ích kỉ hơn và khó hòa đồng hơn. Cha mẹ càng làm thay trẻ những việc trẻ có thể làm chính là vật cản trên con đường phát triển của trẻ. Với trẻ, quan trọng hơn cả là bầu không khí chan hòa, cha mẹ trở thành những người bạn, quan tâm đến chúng, dẫn dắt chúng, đặt chúng vào đúng vị trí của một đứa trẻ. Và đôi khi, cũng phải học cách “bỏ mặc” trẻ…
Câu hỏi đặt ra là trẻ có khát khao tự làm mọi việc không? Xin thưa, ngay từ 2 tuổi, trẻ đã có khát khao này rồi. Chỉ là chúng ta vô tình hay cố ý phớt lờ khao khát này của trẻ mà thôi.
Để xem phiên bản báo in, vui lòng bấm vào đây! |
Chẳng có ông bố bà mẹ nào không yêu con. Nhưng chúng ta lại chẳng thể đi bên chúng suốt cả cuộc đời. Bởi thế, ta cần giúp trẻ chuẩn bị một hành trang để chúng đủ tự tin vững bước vào đời. Hành trang đó trước hết là tính tự giác, khả năng đương đầu với trở ngại, sự kiên nhẫn và một thế giới quan rộng mở để có thể dung nạp mọi thứ quanh chúng.
Vì sao cần “bỏ mặc” trẻ?
“Bỏ mặc” không có nghĩa là phớt lờ, không quan tâm mà là trao quyền cho trẻ, khuyến khích trẻ làm những việc phù hợp với độ tuổi. Hay nói cách khác, “bỏ mặc” chính là cách giúp trẻ nâng cao ý thức tự giác, tự lập. “Bỏ mặc” trẻ tự giải quyết những công việc trong khả năng của chúng là cách rất hữu ích để trẻ học hỏi và khám phá thế giới xung quanh. Từ những lần khám phá này, trẻ sẽ hình thành thói quen, sự chủ động, tính tự giác và đặc biệt là sự tự tin trước những vấn đề gặp phải. Việc trẻ tự vật lộn với những vấn đề mới làm cho các tế bào não sinh sôi, phát triển. Từ đó trẻ nhanh nhẹn, thông minh và sáng tạo hơn.“Ba mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con”, thiết nghĩ, cũng chỉ đúng phần nào bởi trẻ càng được bao bọc, muốn gì có đó sẽ càng ích kỉ, ỷ lại, lười tư duy và từ đó thiếu đi kĩ năng sống. Khi chúng lớn lên, bước ra ngoài xã hội sẽ gặp rất nhiều khó khăn và loay hoay không biết cách giải quyết. Thế nên, chi bằng hãy học cách “ném” chúng ra khỏi mình ngay từ khi còn nhỏ. Sẽ có lúc ta thấy xót trước sự chật vật của con trẻ, nhưng đổi lại, ta đang dạy chúng trưởng thành.
“Bỏ mặc” trẻ như thế nào?
Tất nhiên, “bỏ mặc” trẻ cần phải có cách. Ví dụ như, nếu con bạn thường đánh mất đồ dùng học tập, thay vì bạn dán tên con lên những đồ dùng đó, hãy để trẻ tự tìm cách. Sự không chu đáo/lười nhác một cách cố tình của bạn sẽ dạy con bài học cần vận dụng đầu óc để giải quyết những rắc rối gặp phải.
Nhà nào con trẻ chẳng cãi nhau. Trừ những trường hợp cực kì nghiêm trọng còn lại hãy để kệ chúng. Bọn trẻ khắc có những quy tắc của chúng, chúng sẽ tự biết cách phân bua, dàn xếp, thương lượng với nhau. Đừng mất thời gian biến mình thành trọng tài bất đắc dĩ. Nhưng ngay cả khi đó, bạn cũng cần đóng vai trò một nhà quan sát, đơn giản để bạn hiểu hơn cá tính những đứa trẻ của mình.
Đừng nghĩ thay tụi nhỏ, cứ kệ chúng với lối tư duy con trẻ của mình. Chúng thích gì, muốn gì hãy để chúng tự xử lý. Nhưng hãy dẫn dắt để trẻ học được thói quen, hỏi ai và hỏi như thế nào cũng cần phải học. Thế giới rất rộng lớn, kiến thức là vô cùng nên việc để trẻ tự khám phá sẽ giúp trẻ hiểu kiên trì và chờ đợi cũng rất đáng để luyện rèn. Bạn đừng sợ vì không trả lời giúp trẻ mà trẻ sẽ “bơ” bạn đi. Cách bạn dẫn dắt, gợi mở, “bóng chuyền”, “câu giờ” cũng là lúc bạn tìm thấy sự gắn kết với những đứa con của mình.
Hãy để trẻ làm công việc của chúng rồi chúng sẽ làm được hết, học được hết. Và chỉ thế, chúng mới trưởng thành. Nhưng hãy bỏ mặc trẻ trong sự quan tâm vì trẻ cần trò chuyện, cần “tám” với chúng ta từng ngày, từng giờ. Càng trò chuyện với trẻ, bạn sẽ càng hiểu chúng hơn. Và như thế, dù bạn có “ném” chúng vào với mớ “hỗn độn” tuổi thơ của chúng, thì chúng cũng không bao giờ cảm thấy bị bỏ mặc.
GỢI Ý ĐỂ TRẺ TỰ LẬP
|
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN