Giải pháp thực phẩm ngăn tác hại hút thuốc lá thụ động - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Giải pháp thực phẩm ngăn tác hại hút thuốc lá thụ động

Nếu một người đứng gần người đang hút thuốc lá trong bán kính 1m, thì được xem như đang hút thuốc, vì phải hít hai loại khói: Khói thuốc lá chính từ người hút thải ra, và dòng khói thuốc lá phụ từ đầu điếu thuốc đang cháy lan tỏa vào không khí.

THUỐC LÁ THỤ ĐỘNG – HIỂM HỌA KHÓ LƯỜNG

Khói thuốc lá được coi là một trong những chất độc hại nhất có mặt ở môi trường sống của chúng ta hiện nay. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong khói thuốc lá có khoảng 4.000 loại hóa chất, trong đó có khoảng 40 loại độc hại như nicotine, carbon monoxide, benzene, hắc ín, formaldehyde, amoniac, acetone, asen, cyanur hydro… có tác dụng ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, nội tiết, gây ra bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và có thể gây ung thư.khoi thuoc la 1Cơ quan Quốc tế Nghiên cứu Ung thư (International Agency for Research on Cancer – IARC), trực thuộc WHO, đã xếp khói thuốc lá vào nhóm các chất gây ung thư bậc I (nhóm này gồm những chất mà chỉ cần một khối lượng nhỏ cũng có thể gây ung thư cho mình hoặc cho người khác).

Theo WHO, mỗi năm có tới 600.000 người trên toàn thế giới bị chết do những nguyên nhân có liên quan đến việc hút thuốc lá thụ động. Các nhà y học ghi nhận rằng những phụ nữ hút thuốc lá sẽ gia tăng 16% nguy cơ bị ung thư vú sau khi mãn kinh. Với những người đã từng hút thuốc, nguy cơ này là 9% và vẫn còn kéo dài đến 20 năm sau khi bỏ thuốc.

Với những người phụ nữ đang mang thai mà phải hút thuốc lá thụ động, thì thai nhi có thể bị tổn thương. Trẻ sinh ra bị nhẹ cân, có phổi bất thường và khi lớn lên phổi vẫn kém phát triển. Các trẻ này sẽ dễ bị sưng phổi hoặc cuống phổi, hen suyễn, viêm tai, viêm mũi… Ngoài ra, hút thuốc lá thụ động còn là nguyên nhân gây chứng đột tử ở trẻ sơ sinh… Những đứa trẻ lớn khi phải hút thuốc lá thụ động sẽ bị ảnh hưởng đến hệ tim mạch, hô hấp, thần kinh, tiêu hóa và suy giảm chức năng của hệ miễn dịch

Khói thuốc lá còn có thể gây hại tới khả năng sinh sản, gây rối loạn tình dục ở nam giới, do làm giảm sản xuất tinh trùng, làm dị dạng và giảm khả năng di chuyển của tinh trùng, gây liệt dương do động mạch ở dương vật bị xơ vữa, gây ung thư bàng quang…

______________

Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do những nguyên nhân liên quan đến thuốc lá. Trong đó, ung thư phổi là dạng ung thư cao nhất ở nam giới, và xếp hàng thứ tư ở nữ giới.

______________

BẢO VỆ BẰNG CÁCH NÀO?

Để bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của khói thuốc lá, khi bất đắc dĩ phải có mặt trong một môi trường bị ô nhiễm bởi khói thuốc lá, người phụ nữ nên thường xuyên sử dụng một số loại thực phẩm có khả năng giải độc cho cơ thể. Các loại thực phẩm này có thể liệt kê thành hai nhóm như sau:

Rau quả và trái cây:

Cung cấp cho cơ thể các chất chống oxy hóa, vitamin A, C, E, chất khoáng vi lượng thiết yếu, chất xơ, giúp cơ thể đào thải các chất độc ra ngoài.khoi thuoc la 3

Hãy thường xuyên sử dụng:

  • Cà rốt, cà chua, cà tím, bí đỏ, hành tây, măng tây, tỏi tây, tỏi ta, củ hành tím, bông cải xanh, atisô, cải xoăn, cải bắp xanh, cải bắp tím, cải bó xôi, củ cải trắng, củ cải đường, rau bồ ngót, rau lang, rau mồng tơi, rau đay, mướp hương, đậu bắp, rau má, mướp đắng, củ sen, tảo xanh, cải cúc, xà lách soong, cần tây, dưa hấu, dưa leo, giá đậu, ớt chuông…
  • Các loại trái cây có ích cho việc giải độc, bảo vệ lá phổi nói riêng, và sức khỏe nói chung: Lê, táo tây, táo đỏ, dâu tằm, dâu tây, mâm xôi, mơ, lựu, sơ ri, các loại có múi (bưởi, cam, quýt, phật thủ…), khế, xoài chín, bơ, thanh long, chuối…
  • Các loại ngũ cốc và đậu: Gạo lứt, kê, yến mạch, kiều mạch, mầm lúa mì, mạch nha, bắp tím, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu nành, đậu ván, đậu cô ve, khoai lang đỏ, khoai tía, khoai mài…
  • Các loại nấm: mộc nhĩ đen, mộc nhĩ trắng, nấm hương, nấm rơm, nấm bào ngư, nấm kim chi…, cùng với rong biển, mật ong…
  • Các loại thực phẩm có chứa chất béo Omega-3: dầu ô-liu, dầu mè, dầu hướng dương, cá hồi, cá thu, cá trích, cá nục, cá mòi, cá tầm…
  • Các loại hạt: hạt bí đỏ, hạt mè, hạt hướng dương, quả óc chó, hạnh nhân…

Thức uống:

Lá trà xanh và một số chế phẩm từ cây chè được ghi nhận có tác dụng tốt trong việc giúp cơ thể giải độc, phòng chống nhiều loại bệnh tật, kể cả ung thư. Nước trà xanh có tác dụng chống oxy hóa mạnh, giúp tăng cường chức năng giải độc của gan.khoi thuoc la 4

Một số loại thức uống khác như trà hoa cúc, trà hoa quỳnh, hoa ngâu, hoa sói, trà sen, hà thủ ô, atisô…đều có tác dụng tốt cho cơ thể.

Ngoài việc sử dụng các nhóm thực phẩm trên, hàng ngày, bạn cần chăm sóc kỹ lưỡng các bộ phận của hệ hô hấp như sau:

  • Nên súc miệng và cổ họng bằng nước muối ấm mỗi tối trước khi đi ngủ.
  • Thường xuyên mở cửa phòng ngủ để không khí lưu thông.
  • Không nên uống nước lạnh như đá, nước ngọt ướp lạnh, kem lạnh… vào buổi chiều tối. Tốt nhất, nên uống nước đun sôi để nguội, mỗi ngày khoảng hai lít nước hoặc nhiều hơn.

Bên cạnh đó, chị em phụ nữ cũng nên kết hợp tâp luyện thể dục, thể thao, khí công, dưỡng sinh, yoga, phù hợp với thể trạng và điều kiện sống của mình. Tốt nhất là nên có người chuyên môn hướng dẫn cụ thể để đạt được hiệu quả tốt, an toàn và tiết kiệm thời gian tập luyện.

______________

Công thức đối phó với hút thuốc lá thụ động bằng thực phẩm:

  • Nước lê-mật ong: Lê 1 quả, bỏ hạt, cắt nhỏ, cho thêm ít mật ong vào, đem chưng cách thuỷ, ăn lê và uống nước.
  • Nước gừng-mật ong: Gừng 50g, mật ong đủ dùng. Gừng sắc lấy nước, cho mật ong vào khuấy đều. Mỗi lần uống 20ml, ngày uống 2 lần.
  • Nước mía đỏ: Mía đỏ 300g, gừng 3 lát mỏng. Mía đỏ chẻ đôi, xếp gừng vào phần ruột mía sau đó kẹp 2 phần lại, buột chặt, nướng trên than hồng. Khi mía đã nóng đều thì ép lấy nước, chia 2 lần uống trong ngày.
  • Trà gừng-nho-mật ong: Chè xanh 10g, nho tươi 100g, gừng tươi 20g, mật ong 20g. Nho và gừng rửa sạch xay nhuyễn vắt lấy nước. Chè xanh rửa sạch, hãm bằng nước sôi, chắt lấy nước. Trộn chung nước nho, nước gừng, nước trà và mật ong rồi khuấy đều, chia 3 lần trong ngày. Uống lúc còn ấm nóng.
  • Cháo sữa-gừng-táo-hạnh nhân: Gừng và hạnh nhân mỗi thứ 10g, hồng táo 7 trái, sữa bò tươi 200ml, gạo tẻ 100g. Ngâm hạnh nhân, bóc vỏ, vớt ra để ráo, tán thật nhuyễn rồi hòa vào sữa bò, lọc lấy nước. Gừng và táo sắc lấy nước. Cho gạo vào cùng với lượng nước thích hợp để nấu thành cháo. Khi cháo chín, cho nước sữa-hạnh nhân vào khuấy đều. Ăn vào lúc đói bụng.
  • Cháo mía: Mía đỏ 300g, gạo 100g. Mía đỏ ép và lọc lấy nước. Gạo vo sạch, cho vào nước mía nấu thành cháo. Ngày ăn 2 lần, vào lúc đói.
  • Cháo đậu xanh: Đậu xanh 50g, lá dâu non 15g, lá tía tô 10g, muối vừa đủ. Lá dâu non, lá tía tô rửa sạch thái nhỏ. Đậu xanh đãi sạch giã dập, để cả vỏ, cho vào nồi. Thêm nước vừa đủ, đun nhỏ lửa cho đậu nhừ rồi cho lá dâu, tía tô và muối vào quấy đều, cháo sôi lại là dùng được. Ăn cháo nóng ngày 1 lần vào lúc đói bụng.

Bài: Lương y Đinh Công Bảy (Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP.HCM)
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Có thể bạn quan tâm:

Cứ 6.5 giây có một người chết vì thuốc lá

 

Comment