Thời tiết lạnh là nguyên nhân gây và làm tái phát nhiều loại bệnh khó trị. Tuy nhiên, các bệnh này hoàn toàn có thể được hạn chế, thậm chí đẩy lùi bằng các cách phòng chống dưới đây.
Viêm mũi dị ứng
Vì là “cửa ngõ” của cơ thể nên mũi sớm phải tiếp xúc với dòng không khí lạnh. Mũi sẽ phải điều tiết, làm ấm và tăng độ ẩm cho không khí trước khi vào cơ thể. Do đó, khi thường xuyên phải chống đỡ với không khí lạnh, niêm mạc mũi sẽ trở nên nhạy cảm. Nên khi gặp khói bụi, hóa chất…, mũi rất dễ bị dị ứng, viêm và gây ra chứng viêm mũi dị ứng.
Bệnh có những biểu hiện ban đầu như hắt hơi, chảy nước mũi. Nếu không ngừa kịp thời, sẽ tiến triển thành viêm nặng hơn kèm theo các biểu hiện như: nước mũi có màu vàng, xanh, đau nhức vùng mũi, vùng xoang, nghẹt mũi… Khi đó, người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, nhức đầu, thậm chí ngây ngấy sốt…
Phòng tránh:
- Mỗi sáng, khi mới tỉnh dậy, hãy làm ấm mũi bằng cách dùng hai bàn tay chụp vào hai bên vùng cánh mũi và miệng, tay xoa xoa tập thở ra hít vào. Thực hiện động tác này trong 3, 4 phút.
- Hàng ngày, rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Bạn có thể dùng bình rửa mũi hoặc đơn giản hơn là nhỏ nước muối vào mũi để làm sạch niêm mạc mũi ngăn ngừa viêm nhiễm.
- Đeo khẩu trang mỗi khi ra khỏi nhà.
- Hạn chế tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh như: bụi, khói thuốc, hơi than, lông thú… Bạn cũng nên làm sạch nhà cửa, giặt chăn màn thường xuyên.
- Không nuôi chó, mèo trong nhà nếu từng mắc viêm mũi dị ứng vì lông của chúng khiến bạn dễ mắc bệnh.
- Không ngoáy mũi để tránh rách niêm mạc.
(Tư vấn của Bs Nguyễn Thị Lương, Giám đốc Trung tâm tư vấn sức khỏe Hiếu Thảo, đài 1088)
Cảm cúm
Vừa trải qua những ngày ấm áp, khi bước vào mùa đông, cơ thể phản ứng không kịp nên ít nhiều phải chịu những ảnh hưởng tiêu cực. Lúc này, sức đề kháng yếu là cơ hội cho virus cúm xâm nhập. Bệnh cúm thường lây lan qua tuyến nước bọt, nước mũi, đờm của người bị bệnh.
Bệnh cảm cúm thường bắt đầu bằng những triệu chứng như: đau đầu, ngạt mũi, sốt, đau họng… nhưng, bạn đừng vội dùng kháng sinh do tác nhân gây bệnh là virus cúm, hợp bào cúm, không phải là vi khuẩn nên thuốc kháng sinh không có tác dụng.
Để phòng tránh bệnh, trước hết cần tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Bạn có thể uống bổ sung vitamin trước khi mùa đông tới. Ăn đủ bữa, ăn nhiều rau quả tươi có chứa vitamin C và ngủ đủ giấc cũng là một cách chống bệnh hữu hiệu. Đặc biệt, nếu có thể hãy uống 1 cốc nước cam mỗi ngày.
Ăn, uống để chống cảm:
- Dùng gừng tươi và tỏi (mỗi loại 100g) rửa sạch, cắt lát rồi ngâm trong nửa lít giấm ăn, đậy kín trong 30 ngày. Khi bị cảm cúm dùng thức ăn kèm với 2 muỗng cà phê giấm ngâm gừng và tỏi này sẽ có công hiệu đáng kể.
- Ngoài ra, cũng có thể dùng các loại lá như gừng, hương nhu tía, chanh, bưởi, sả, kinh giới, tía tô và lá lốt (là những loại lá có chứa tinh dầu) nấu để xông nhằm giúp sát trùng đường hô hấp.
(Tư vấn của Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Hà Nội)
Viêm phổi
Vào mùa đông bệnh viêm phổi phát triển mạnh là bởi, các tác nhân gây viêm phổi như các liên cầu, tụ cầu, phế cầu… và virus sống trong không khí phát triển nhiều trong khi sức đề kháng cơ thể người yếu đi. Triệu chứng của bệnh có thể bắt đầu bằng việc sốt đột ngột 39-40 độ C, rét run. Sau đó, người bệnh sẽ có biểu hiện ho khan nhiều tiếng, sau ho có đờm, khạc ra gỉ sắt, màu cà phê. Khi ho, người bệnh sẽ thấy những cơn đau ngực, cũng có thể gặp hiện tượng khó thở, da xanh, mệt mỏi, mất ngủ…
Lời khuyên:
- Vào mùa rét khi ra đường cần sử dụng khẩu trang, mặc quần áo ấm, đi tất.
- Nên ăn đồ ăn nóng, uống nước ấm và hạn chế tối đa đồ ăn, thức uống lạnh…
- Nhỏ mũi các loại thuốc thông thường như argyrol, naphazolin, sulfarin 1-3 lần/ngày.
- Phòng ngủ, phòng tắm nên tránh gió lùa.
(Tư vấn của Bs Minh Hương, Trung tâm tư vấn sức khỏe Minh Hương)
Bệnh khớp
Thời tiết lạnh làm độ kết dính niêm dịch của khớp tăng lên khiến người bị viêm khớp cảm thấy thấy đau nhức nhiều hơn. Các bệnh về khớp vì thế cũng tăng vào mùa lạnh.
Khớp có nhiều bệnh lý nhưng bệnh khớp dễ mắc vào mùa đông nhất là viêm đa khớp dạng thấp. Bệnh có biểu hiện ban đầu là viêm các khớp bé trong cơ thể như khớp cổ tay, khớp bàn tay, khớp cổ chân… Khi bệnh kéo dài, người bệnh sẽ khó cử động. Mùa đông cũng là mùa bệnh gout dễ bị tái phát bệnh.
Để phòng ngừa, cần phải giữ ấm cơ thể, đặc biệt là chân tay, luôn đeo găng tay khi tiếp xúc với không khí lạnh. Khi thấy có biểu hiện mắc bệnh, cần phải khám với bác sỹ chuyên khoa.
Ngăn ngừa bằng chế độ dinh dưỡng:
- Để ngăn ngừa, cơ thể cần được tăng cường canxi, vitamin C, D bằng cách đưa vào thực đơn hàng ngày các thực phẩm như: cam, ớt, cà chua.
- Sữa và các sản phẩm chế biến từ đậu tương như: đậu phụ, sữa đậu nành ngoài tác dụng bảo vệ tim mạch còn giúp tăng cường cơ xương và ngăn ngừa viêm khớp. Đây là những thực phẩm không thể thiếu trong mùa lạnh.
- Cá hồi và các thực phẩm giàu axit béo Omega-3 giúp dập tắt tình trạng viêm đau khớp của người bệnh. Ngoài ra, hãy bổ sung thêm các loại hạt, rau lá xanh hay cải xoăn vì chúng cũng chứa Omega-3.
- Hạn chế ăn hải sản, chất béo vì nhóm thực phẩm này rất giàu protein, khiến bệnh khớp tiến triển.
- Ngoài ra, các sản phẩm quá chua hay quá mặn cũng nên hạn chế. Đặc biệt, người bị bệnh gout cần tuân thủ chế độ ăn uống nghiêm ngặt, kiêng đạm, hải sản, thực phẩm giàu protein có trong các loại thịt đỏ như trâu, bò… và hạn chế sử dụng chất kích thích.
(Tư vấn của Bs Nguyễn Lương, Trung tâm tư vấn sức khỏe Hiếu Thảo)
Bệnh tim mạch
Giá lạnh khiến mạch máu bị co lại, huyết áp sẽ tăng gây nên chứng cao huyết áp. Khi nhiệt độ hạ thấp, quá trình trao đổi chất chậm lại cũng khiến cho những người mắc bệnh tim mạch dễ bị tắc mạch máu hay máu khó lưu thông và ảnh hưởng đến việc thải chất độc trong máu. Vì vậy, mùa đông dễ xảy ra các bệnh nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…
Phòng tránh:
- Theo dõi huyết áp: Đo huyết áp và nhịp tim định kỳ như chỉ định của bác sĩ.
- Giữ ấm cổ, lòng bàn chân, tay và không nên rửa mặt bằng nước lạnh để tránh sự kích thích đột ngột, dẫn đến đau tim.
- Không ra khỏi giường ngay sau khi tỉnh dậy: Người mắc bệnh tim không nên ra khỏi giường ngay mà nên nằm nghỉ khoảng 5 phút bởi sáng sớm là lúc khả năng ứng biến của mạch máu kém nhất, hoạt động đột ngột dễ dẫn đến các chứng bệnh mạch máu não như đột quỵ…
- Không tẩm bổ tùy tiện: Sức đề kháng tăng lên, bệnh tật sẽ rời xa. Nhưng không vì thế mà người mắc bệnh tim mạch tẩm bổ tùy tiện. Chế độ ăn hàng ngày nên đảm bảo cân bằng dinh dưỡng, nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin và chất khoáng như thức ăn làm từ các loại đậu, hoa quả, sữa, thịt nạc, tránh ăn cay và nhiều mỡ.
(Tư vấn của Bs Bích Hà, Trung tâm tư vấn sức khỏe Minh Hạnh)
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN