Đã trưởng thành vẫn bị mụn? Đây là 10 mẹo cần thiết cho bạn - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Nhiều người vẫn nghĩ, mụn thường có ở độ tuổi dậy thì. Nhưng không phải như thế, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể có mụn dù đã đến độ tuổi trưởng thành. Không chỉ vài nốt mụn, thậm chí là rất nhiều. Vậy phải làm sao?

Mụn trứng cá ở tuổi trưởng thành thường xuất hiện ở phụ nữ từ 26 tuổi trở lên với các mức độ khác nhau gây ảnh hưởng đến sức khỏe làn da, thẩm mỹ, tâm lý và chất lượng cuộc sống. Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy, 12-22% phụ nữ trong độ tuổi 26-44 bị mụn trứng cá, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 3% ở nam giới cùng độ tuổi.

Mụn trứng cá ở tuổi dậy thì thường gặp hơn nhưng dễ điều trị và ít để lại sẹo nếu chăm sóc đúng cách. Trái lại, mụn ở tuổi trưởng thành thường dai dẳng, khó trị dứt điểm, dễ tái phát, làm phá vỡ cấu trúc da, để lại sẹo thâm, sẹo rỗ khó phục hồi, mất thẩm mỹ và khiến da lão hóa sớm. Mụn trứng cá ở độ tuổi này thường xuất hiện ở vùng chữ U như hai má ngoài, cằm và quai hàm. Đặc biệt, nó thường bùng phát vào thời điểm trước và sau kỳ kinh ở phụ nữ trưởng thành.

Nguyên nhân gây mụn trứng cá ở tuổi trưởng thành là gì?

Theo nhiều chuyên gia, chúng ta chưa tìm ra được sự khác biệt về nguyên nhân gây ra mụn trứng cá ở thanh thiếu niên so với người trưởng thành. Thông thường, những nguyên nhân chính gây ra mụn đó là: lượng dầu thừa trên da, vi khuẩn gây mụn, các tế bào da chết, tình trạng bít tắc lỗ chân lông, viêm nhiễm. Ngoài ra, sự thay đổi nội tiết tố, stress và chế độ ăn uống thiếu khoa học có thể khiến tình trạng mụn trở nên trầm trọng.

Ngoài ra, khi ở tuổi dậy thì, nội tiết tố của bạn thay đổi tự nhiên, ai cũng thế và bạn không thể kiểm soát được. Nhưng khi đến tuổi trưởng thành, nội tiết tố lại thay đổi do tác động của tình trạng viêm nhiễm và căng thẳng.

Đã trưởng thành vẫn bị mụn? Đây là 10 mẹo cần thiết cho bạn

Lưu ý, có sự khác biệt giữa tình trạng bùng phát mụn tạm thời và mụn trứng cá dai dẳng ở tuổi trưởng thành. Nếu bạn chỉ bị nổi vài nốt mụn nhỏ, “thủ phạm” có thể là do tẩy tế bào chết quá mức, sản phẩm chăm sóc tóc mới đổi hay loại bột giặt dùng cho vỏ gối (vì tóc và vỏ gối sẽ tiếp xúc trực tiếp với da mặt). Nhưng nếu tình trạng mụn diễn ra dai dẳng, “mãn tính” và không có dấu hiệu dừng lại thì bạn cần đặc biệt quan tâm.

Mẹo điều trị và ngăn ngừa mụn trứng cá ở tuổi trưởng thành?

Các chuyên gia da liễu đã khám phá ra nhiều cách mới để điều trị hiệu quả trình trạng mụn trứng cá ở tuổi trưởng thành, giúp da luôn mịn màng, từ duy trì độ ẩm cần thiết đến việc kiểm soát tuyến bã nhờn. Có rất nhiều nghiên cứu đang được tiến hành về hệ vi sinh vật khổng lồ sống trên da có thể gây ra mụn trứng cá hoặc tình trạng da ửng đỏ (còn gọi là rosacea hay chứng đỏ mặt).

Dưới đây là những mẹo đơn giản và hiệu quả hàng đầu để đối phó với vấn đề trị mụn ở tuổi trưởng thành:

1.     Cắt giảm sản phẩm dưỡng da có kết cấu đặc

Tuy thoa một loại kem dưỡng da mịn màng, thơm phức lên da vào buổi tối mang lại cảm giác “rất đã” cho các tín đồ làm đẹp. Tuy nhiên, dùng quá nhiều lớp các sản phẩm có kết cấu đặc có thể “lợi bất cập hại” cho làn da.

Khi bước qua độ tuổi 20, phái nữ thường được khuyên bắt đầu sử dụng các sản phẩm chống lão hóa. Nhưng đa số các sản phẩm này lại chứa quá nhiều dưỡng chất đậm đặc so với nhu cầu thực của da, khiến da bị quá tải. Vì chúng được thiết kế dành cho làn da của người trưởng thành với tuyến bã nhờn không còn tiết nhiều như tuổi dậy thì. Vì thế, bạn nên ưu tiên các loại kem dưỡng ẩm có kết cấu mỏng, nhẹ như gel hoặc sản phẩm “non-comedogenic” không chứa các chất gây bít tắc lỗ chân lông.

2.     Điều chỉnh lượng sản phẩm phù hợp cho từng vùng da

Nguyên tắc này cũng tương tự như việc sử dụng miếng dán lột mụn trứng cá chuyên biệt cho vùng da chữ T. Bạn có thể áp dụng nó khi thoa kem dưỡng da. Ví dụ nếu vùng da trán của bạn không bị khô, hãy chấm ít kem dưỡng hơn những vùng khác. Hãy đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của làn da, nó sẽ giúp bạn kiểm soát tình trạng mụn hiệu quả.

Đã trưởng thành vẫn bị mụn? Đây là 10 mẹo cần thiết cho bạn

3.     Kiên nhẫn với các sản phẩm trị mụn

Khi bị mụn, tâm lý chung là muốn thoa nhiều sản phẩm cùng lúc để mụn nhanh xẹp. Tuy nhiên, bạn phải kiên nhẫn khi sử dụng các sản phẩm trị mụn để đạt hiệu quả cao và bền vững. Việc sử dụng thuốc bôi hay thuốc uống liều mạnh ban đầu có thể khiến mụn giảm nhanh, nhưng nó cũng tiềm ẩn nguy cơ khiến da bạn bị viêm nặng hơn. Nhiều hơn không đồng nghĩa với tốt hơn. Thành phần trị mụn như benzoyl peroxide đã được chứng minh là không mang lại nhiều hiệu quả hơn khi sử dụng với nồng độ cao, trái lại còn có thể khiến da bị kích ứng.

4.     Chọn sản phẩm trị mụn phù hợp

Mỗi loại mụn có phương pháp điều trị chuyên biệt. Hãy cân nhắc tình trạng da và loại mụn bạn đang mắc phải để chọn sản phẩm phù hợp. Nếu bạn bị nổi mụn đỏ to, đau và nóng, có thể bạn đã bị viêm da do vi khuẩn. Benzoyl peroxide là thành phần giúp tiêu diệt vi khuẩn gây mụn và giảm viêm hiệu quả. Nhưng nếu bạn nổi nhiều mụn đầu đen hoặc mụn đầu trắng, hãy cân nhắc sử dụng sản phẩm có chứa salicylic acid (từ 1-2%).

5.     Giản lược chu trình chăm sóc da khi có mụn

Việc áp dụng quá nhiều bước và sử dụng quá nhiều sản phẩm chăm sóc da khi đang bị mụn không phải là lựa chọn khôn ngoan. Thoa quá nhiều sản phẩm hay rửa mặt thường xuyên sẽ làm tình trạng mụn thêm trầm trọng. Hãy giản lược các bước trong quy trình chăm sóc da hằng ngày để giảm tác động lên các đốm mụn tạm thời. Nhiều bác sĩ da liễu còn khuyên nên hạn chế sử dụng mỹ phẩm, chỉ rửa mặt với nước sạch hoặc nước muối sinh lý khi bị mụn.

6.     Xem xét lại chế độ ăn uống

Chắc hẳn bạn đã nghe mẹo này hàng trăm lần, nhưng nó chưa bao giờ hết giá trị. Chế độ ăn nhiều đường có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mụn cho dù ở độ tuổi nào. Khi lượng đường trong cơ thể tăng cao sẽ thúc đẩy tình trạng viêm nhiễm, từ đó hình thành mụn. Bạn nên cắt giảm đường tinh luyện trong khẩu phần ăn và ưu tiên các loại cá biển, hạt, trái cây tươi, thịt hoặc sữa organic (hữu cơ) không chứa hormone tăng trưởng.

Đã trưởng thành vẫn bị mụn? Đây là 10 mẹo cần thiết cho bạn

7.     Tập luyện thể thao và đẩy lùi stress

Việc giảm căng thẳng là điều kiện tiên quyết giúp bạn “đánh bại” mụn ở tuổi trưởng thành. Vì stress khiến nội tiết tố thay đổi, da tăng tiết dầu và hình thành mụn trứng cá. Vì thế, hãy theo đuổi các thói quen giúp bạn giảm thiểu căng thẳng hiệu quả như luyện tập yoga hoặc thiền.

8.     Sử dụng liệu pháp ánh sáng

Có hai loại ánh sáng thường được sử dụng để kiểm soát mụn trứng cá là ánh sáng xanh và ánh sáng đỏ. Ánh sáng đỏ được chứng minh là có khả năng chống viêm, trong khi ánh sáng xanh có thể tiêu diệt vi khuẩn gây mụn hiệu quả. Chúng sử dụng màu sắc, cường độ ánh sáng khác nhau để loại bỏ mụn. Hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia da liễu để chọn liệu trình điều trị mụn bằng ánh sáng phù hợp nhất. Và đừng quên bảo vệ mắt cẩn thận trong quá trình thực hiện.

9.     Không tự ý nặn mụn

Nhiều người có thói quen tự nặn mụn. Tuy nhiên, các loại mụn ở tuổi trưởng thành thường có xu hướng nặng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Chúng rất dễ viêm nhiễm và khó để loại bỏ hoàn toàn nhân mụn. Nặn mụn không đúng cách sẽ phá hủy hàng rào bảo vệ da, gây viêm nhiễm nặng và để lại sẹo rỗ.

10.  Đến gặp bác sĩ da liễu

Bạn nên sử dụng các sản phẩm trị mụn kiên trì từ 1-2 tháng để chúng có thời gian phát huy công dụng. Tuy nhiên, nếu không đạt được kết quả hoặc tình trạng mụn ngày càng nặng, để lại sẹo thâm thì hãy sớm đến gặp bác sĩ da liễu. Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ mụn và hướng dẫn bạn liệu pháp điều trị “trong uống ngoài thoa”, thay đổi lối sống để làm sạch mụn hiệu quả mà không gây kích ứng.

Mụn ở tuổi trưởng thành những tưởng là chuyện đơn giản nhưng không hề giản đơn. Bởi nguyên nhân chưa được xác định rõ ràng nên ưu tiên hàng đầu là bạn hãy chú ý quy trình skincare, thay đổi lối sống và thăm khám bác sĩ da liễu để đẩy lùi mụn trứng cá, lấy lại sự tự tin.

Có thể bạn quan tâm:

Comment