Một doanh nhân hiểu rõ hơn ai hết tầm quan trọng của việc chấp nhận thay đổi và phát triển theo đó. Càng có khả năng đón nhận sự thay đổi, bạn càng dễ dàng sở hữu một sự nghiệp tốt đẹp nhất. Bạn có tin không?
Dù có đại dịch hay không, ắt hẳn là một chủ doanh nghiệp, bạn không ít lần chứng kiến khách hàng, đối tác hay chính nhân viên của mình trải qua những đau thương khi mất người thân hay những tai họa bất ngờ ập đến. Và trong mọi trường hợp, nhiều năm sau đó, những sự kiện ấy lại là bước ngoặt trong cuộc đời họ, đưa họ đến những điều tốt đẹp hơn so với những gì họ có trước đấy. Một vị trí tốt hơn, một tầm nhìn lớn hơn, một trí tuệ sâu sắc hơn, một con người tự do và phóng khoáng khám phá mục đích sống hơn. Đó chính là giá trị của sự thay đổi.
Dù bạn có nhận ra hay không, mọi thứ luôn thay đổi – môi trường, thời tiết, kinh tế, công nghệ, xã hội, mối quan hệ và mọi thứ. Và nếu bạn càng có khả năng đón nhận những thay đổi đang diễn ra trong thế giới của mình, bạn càng dễ dàng sở hữu một cuộc sống tốt đẹp nhất. Thay đổi, giống như thời gian, là một trong những yếu tố không đổi duy nhất trong cuộc sống. Vậy tại sao chúng ta lại sợ hãi nó đến vậy? Chúng ta thường coi sự thay đổi là một điều gì đó tiêu cực hoặc rủi ro, mà không thấy rằng nó cũng có thể là một cơ hội mới tuyệt vời. Thực tế của vấn đề là, không thể có sự tăng trưởng nếu không xảy ra sự thay đổi nào.
Đón nhận sự thay đổi và coi đó là điều tích cực là sự cần thiết để nuôi dưỡng tư duy thành công trong kinh doanh. Sẽ là tốt nhất nếu bạn nhìn vào một viễn cảnh lớn hơn là để ý và bị mắc kẹt vào những chi tiết nhỏ. Ví dụ, sau khi giao nhiệm vụ cho các nhân viên, hãy tin tưởng họ và đừng liên tục theo dõi tiến độ công việc của mỗi cá nhân. Điều đó có nghĩa là họ có thể gặp khó khăn trong tuần này, tháng này hoặc quý này, nhưng không có nghĩa cả quá trình đều như thế. Một người sếp chỉ cần xem xét nhiệm vụ tổng thể trong khi nhân viên đối phó với những thách thức cụ thể để đạt được mục tiêu chung. Mọi công ty đều cần sự nhanh nhẹn và tinh thần hướng tới tương lai. Thay đổi thường chỉ là một va chạm trên đường. Hãy tập trung và nhìn vào bức tranh lớn hơn, bạn sẽ thường thấy rằng sự thay đổi này mở ra cánh cửa cho những cơ hội mới. Cố gắng thúc đẩy quan điểm này ngay khi thay đổi xảy ra, và bạn sẽ giải quyết nó một cách bình tĩnh hơn nhiều.
Bởi vì mục tiêu cuối cùng của cuộc sống không chỉ là có một công việc an nhàn, mà là một cuộc sống nơi bạn làm chủ nó và sẵn sàng phát huy kỹ năng khi buộc phải đương đầu với thử thách. Trong kinh doanh, thật dễ dàng để thuyết phục bản thân rằng những gì chúng ta đang theo đuổi là sự ổn định và nằm trong tầm dự đoán. Nhưng sự thật là nếu không có những thay đổi đột phá, chúng ta không thể phát triển khi cả người sếp là bạn và mọi người trong doanh nghiệp không thể phát huy hết tiềm năng của mình.
Sau khi các doanh nghiệp trải qua một giai đoạn thay đổi lớn, xu hướng tự nhiên là dành nhiều thời gian và năng lượng để tập trung vào việc trấn an mọi người rằng sự thay đổi đã tạm kết thúc và tương lai sẽ tươi sáng hơn. Mặc dù cách tiếp cận này nghe có vẻ hợp lý nhưng thực tế là chuyện kinh doanh vốn không có gì thực sự ổn định, và nếu có, nó còn đồng nghĩa với sự trì trệ. Vì vậy, thay vì dành thời gian thuyết phục mọi người rằng sẽ không có bất kỳ thay đổi nào nữa, tại sao không có cuộc nói chuyện và chia sẻ với tất cả những người đã sát cánh cùng bạn đến ngày hôm nay chấp nhận sự thay đổi?
Tầm quan trọng của sự thay đổi trong môi trường kinh doanh cho phép nhân viên của bạn học các kỹ năng mới, khám phá cơ hội mới và hiện thực hóa ý tưởng của họ theo cách mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Thay đổi, chính là cơ hội tăng trưởng của không chỉ người quản lý, mà còn của mọi thành viên trong doanh nghiệp ở mọi cấp bậc. Đặc biệt khi đây là thời đại của công nghệ truyền thông, những nhân viên trẻ sẽ càng có thế mạnh để lấp đầy khoảng cách giữa các kỹ năng hiện tại và các kỹ năng thời đại nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển.
Thay đổi là khi bạn liên tục thích nghi. Đó vừa là kỹ năng sinh tồn, vừa là tố chất thành công. Thông thường, rào cản lớn nhất để thực hiện thay đổi chính là bản thân bạn. Nếu nỗi lo lắng chủ yếu của bạn là e ngại mọi người sẽ chỉ trỏ và cười nhạo, thì đã đến lúc vượt qua nó. Triết lý kinh doanh của nhiều chủ doanh nghiệp hàng đầu là luôn kiên cường và học cách chịu đựng nỗi đau lẫn mất mát. Đón nhận sự thay đổi có thể không phải là một trải nghiệm thoải mái nhưng thế giới kinh doanh sẽ luôn chuyển động, sự lựa chọn của những người chơi thực thụ là di chuyển cùng với nó, hoặc bị ở lại trong quá khứ. Đừng nhượng bộ trước sự sợ hãi, hoặc tự ti, hãy trở thành một doanh nhân vĩ đại, người sẽ luôn tìm kiếm những cuộc phiêu lưu tiếp theo bằng cách tận dụng những thay đổi đang diễn ra. Đừng chỉ nghĩ về những gì đang xảy ra ở hiện tại, mà hãy mường tượng đến những thứ có thể thay đổi trong tương lai. Quan sát và quan sát nhiều hơn nữa những gì đang diễn ra và phân tích những thay đổi dù nhỏ bé nhất. Nhìn vào những lĩnh vực đang dẫn đầu và những ngành nghề đang tụt hậu, bạn sẽ có thể cải thiện các quy trình kinh doanh hiện có cùng con người, vốn liếng, công nghệ và các xu hướng toàn cầu.
Không một công ty nào hy vọng tồn tại trong thế giới toàn cầu hóa với áp lực thay đổi và cạnh tranh ngày càng cao, lại có thể bỏ qua những cơ hội và ứng dụng mà công nghệ mang lại. Nếu bạn đã từng nghe đến Three and a Half Degrees, một chuỗi podcasts được thực hiện bởi Facebook, tập hợp những cặp đôi bất ngờ giữa các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, những người đam mê kinh doanh và những doanh nhân chia sẻ những bài học kinh nghiệm khi xây dựng thời đại kết nối ngày nay. Trong đó, với tập xuất hiện của nữ doanh nhân Beth Comstock và nhà vật lý học kiêm doanh nhân Suzanne Gildert, hai người phụ nữ này đã cùng thảo luận về cách họ phản ứng và đón nhận sự thay đổi thật sự thúc đẩy doanh nghiệp của họ phát triển như thế nào. Và đây là 3 cách bạn có thể học từ họ để tận dụng các công nghệ mới nhằm bắt kịp với nhu cầu của khách hàng và duy trì tính cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường:
- Thoải mái với sự thay đổi
Việc sợ hãi trước những điều chưa biết là đương nhiên, nhưng hãy cảm thấy thoải mái với suy nghĩ rằng sự thay đổi trong kinh doanh vừa mang lại sức mạnh, vừa là yếu tố quan trọng có thể giúp bạn nắm bắt những ý tưởng và công nghệ mới. Bên cạnh đó, luôn cập nhật và thử nghiệm các công nghệ mới từ sớm sẽ cho phép bạn thử nghiệm và học hỏi nhanh chóng, giúp việc áp dụng mọi thứ mới mẻ ít đáng sợ hơn.
- Tập trung vào mục tiêu kinh doanh
Mặc dù thế giới luôn thay đổi và những sự kiện ồ ạt xuất hiện, nhưng không phải mọi công nghệ mới đều phù hợp với doanh nghiệp của bạn. Đảm bảo tập trung vào sứ mệnh kinh doanh của mình và khai thác bất kỳ lĩnh vực công nghệ nào có khả năng bổ trợ để đạt được sứ mệnh đó.
- Tìm kiếm những quan điểm mới
Hãy cởi mở với những ý tưởng mới. Tích cực tìm kiếm những gì người xung quanh bạn gợi ý, ngay cả đó là những gợi ý từ khách hàng và dự đoán những ý tưởng này có thể mang đến những thay đổi như thế nào cho doanh nghiệp của bạn. Điều này sẽ không chỉ tiết lộ cơ hội phát triển mà còn gợi mở những cách khả thi để kết hợp các chiến lược kinh doanh và giải quyết những nút thắt mà trước giờ bạn gặp phải theo cách sáng tạo nhất.
Đôi khi, bước đầu tiên tạo ra những thay đổi sẽ đến từ những thay đổi nhỏ nhất của người có sức ảnh hưởng nhất trong tổ chức. Là một người dẫn đầu và để xứng đáng với danh xưng dẫn đầu ấy, bạn phải chấp nhận sự thay đổi đầu tiên. Một khía cạnh quan trọng của các nhà lãnh đạo hiệu quả ngày nay là khả năng dẫn dắt sự thay đổi. Thật vậy, nhiều người sẽ tranh luận rằng sự khác biệt rõ nhất giữa những người không có khả năng quản lý giỏi và những người dẫn đầu tuyệt vời, là những người dẫn đầu tuyệt vời luôn mang lại sự thay đổi. Một nhà lãnh đạo mở lòng với những thay đổi sẽ dẫn dắt thành công đội ngũ của họ thông qua quá trình đổi thay ấy và vẫn ở tuyến đầu để đối mặt với hậu quả của nó.
Đối với một số người, sự thay đổi liên tục là điều đáng sợ, bởi vì thay đổi thường bao gồm rủi ro và mất mát, đặc biệt là công việc kinh doanh. Một số doanh nhân coi thay đổi là sự xáo trộn không nên diễn ra quá nhiều, nhưng đối với số khác, thay đổi chính là cuộc phiêu lưu mới có khả năng cải thiện họ hoặc doanh nghiệp của họ. Thay đổi không đáng sợ, vì đó là cơ hội để bạn dùng mọi trải nghiệm mình có để đánh giá vấn đề và tiếp nhận thực tế. Chúng ta trưởng thành thông qua việc đối mặt với những thách thức cả trong cuộc sống và công việc kinh doanh để rồi xử lý nó theo những cách sáng tạo dựa trên cá tính bản thân. Cho dù nó mang lại những thuận lợi hay khó khăn trong ngắn hạn, dài hạn, mỗi thay đổi đều đáng trân trọng.
Thay đổi đó sẽ đến từ việc bạn thay đổi tình trạng kiệt sức và những thói quen nhỏ của mình. Chỉ cần thay đổi một phần nhỏ những việc bạn làm hàng ngày, có thể khiến bạn cảm thấy được tiếp thêm sinh lực và cảm hứng để mang lại nhiều thay đổi hơn nữa đầy hiệu quả. Để chuẩn bị cho điều này, hãy từ tốn và học hỏi những kỹ năng mới. Bạn thay đổi như thế nào và điều gì sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá điểm mạnh và điểm yếu của cá nhân bạn và của cả doanh nghiệp bạn để tối đa hóa sự phát triển trong ngành. Cách bạn thay đổi sẽ rất khác với một người quản lý được thuê để mang lại sự thay đổi. Vì sự thay đổi của bạn là yếu tố then chốt để áp dụng trong toàn nội bộ và có thể tạo thành cảm hứng để mọi thành viên cấp dưới thực hiện bước đầu tiên trong việc thay đổi của chính họ. Người lãnh đạo dám thay đổi là người can đảm làm những điều khác biệt.
Cơ hội để mở rộng tài năng của bạn và bộc lộ bản thân với những ý tưởng táo bạo là một vấn đề lớn mang tính quyết định. Nhưng đừng lo lắng! Thay đổi, là một điều may mắn nếu bạn có sự chuẩn bị với tư duy đúng đắn.
Mọi lời khuyên đều trở nên sáo rỗng nếu không có dẫn chứng xác thực. Cùng với bài viết này, mong rằng bạn sẽ được truyền cảm hứng trong những ngày đầu năm mới với những ví dụ thực tế đại diện cho sự chấp nhận thay đổi và trở thành biểu tượng:
Ngay từ đầu, Netflix đã chứng tỏ mình là một tổ chức phá cách, có khả năng dẫn đến những biến đổi và thích ứng với kỹ thuật số. Netflix đã chứng tỏ là một công nghệ đột phá ngay từ đầu, cho phép khách hàng thưởng thức phim lúc rảnh rỗi và tránh bị các công ty cho thuê phim tính phí trễ hạn. Tiếp tục với triển vọng tăng trưởng, Netflix bắt đầu sản xuất những nội dung độc quyền là các bộ phim và chương trình truyền hình với chất lượng tốt và nhiều trong số đó trở thành chương trình ăn khách trên quy mô toàn cầu, có thể kể đến siêu phẩm Squid Game. Tính bền vững lâu dài của Netflix được thể hiện phụ thuộc vào cách họ quản lý sự thay đổi và luôn “sang số” khi nhận thấy những biến chuyển của thị trường. Như cách nhà sáng lập của đế chế trị giá tỷ đô này, Reed Hastings đã chia sẻ: “Bạn không nhất thiết phải là thiên tài. Nhưng hãy phản ứng nhanh, xây dựng văn hóa “tự do có trách nhiệm” và khuyến khích thay đổi ngay cả khi có thể mắc sai lầm.”
Sự đổi mới của Lego đã được ca ngợi là bước ngoặt vĩ đại nhất trong lịch sử doanh nghiệp. Từ năm 1932 đến năm 1998, Lego chưa bao giờ lỗ. Đến năm 2003, câu chuyện lại hoàn toàn khác. Doanh số bán hàng giảm 30% so với cùng kỳ năm trước khiến thương hiệu này phải gánh khoản nợ lên đến 800 triệu USD. Lego đã quyết định tái cấu trúc bằng cách chuyển đổi kỹ thuật số và tìm kiếm các nguồn doanh thu khi theo kịp nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng. Thay vì chỉ tập trung vào các sản phẩm đồ chơi vật lý, Lego ngày càng tập trung vào việc tạo cầu nối với trải nghiệm thực tế ảo tăng cường (AR), và sự hồi sinh này đã đi vào lịch sử sau khi va chạm với khả năng phá sản vào năm 2004. Kiên cường và đón nhận sự thay đổi, Lego đã có thể phục hồi sau biến cố và giành được vị trí của mình như một trong những thương hiệu mạnh nhất trên thế giới.
Quay trở lại năm 2008, Domino’s Pizza đang gặp khó khăn trong việc quản lý danh tiếng thương hiệu của mình và duy trì sự phù hợp, nhưng thông qua việc triển khai quản lý thay đổi thành công, công ty đã bắt đầu xoay chuyển tình thế. Nhận thấy rằng ngày càng có nhiều đơn đặt hàng được hoàn thành trực tuyến, một số công ty thành viên chủ chốt đã thuyết phục ban lãnh đạo cấp cao tập trung vào trải nghiệm đặt hàng trực tuyến. Động thái này đã phân biệt họ với các công ty giao bánh pizza khác vào thời điểm đó. Thương hiệu cũng tăng cường nỗ lực kỹ thuật số để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Tin nhắn văn bản, Alexa, Google Home, Twitter, Facebook, Smart TV – tất cả đều là phương thức được người tiêu dùng sử dụng để đặt bánh pizza. Thương hiệu đã tận dụng sự phong phú của dữ liệu người dùng thông qua hệ điều hành tùy chỉnh của mình và giúp Domino’s Pizza có những hiểu biết sâu sắc về khách hàng. Trên thực tế, Domino’s Pizza vẫn đang đón nhận sự thay đổi cho đến ngày này, bằng chứng là họ đã thử nghiệm giao hàng bằng máy bay không người lái và robot, hay hợp tác với hãng xe Ford về các tùy chọn giao hàng tự lái.
Text: Hong Dang
Bài viết độc quyền trên số 139 của Tạp chí Nữ Doanh Nhân
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: