Giám đốc Dancenter, Linh Rateau: Ngôi nhà của múa • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Giám đốc Dancenter, Linh Rateau: Ngôi nhà của múa

Nhiệt huyết của tuổi trẻ và niềm đam mê dành cho nghệ thuật múa đã khiến chị Linh Rateau đưa ra những quyết định táo bạo nhất trong cuộc đời mình. Tìm về quê cha lập nghiệp, nơi chị chưa biết nhiều về con người và đất nước, quyết tâm lập nên trường múa cho riêng mình khi không hề có kiến thức về kinh doanh chỉ để nhân rộng niềm yêu thích với múa có lẽ là bước ngoặt quan trọng nhất trong hành trình 15 năm qua của chị. 022-025_WOMAN OF THE MONTH_linh dancer_A_resize

Để xem phiên bản báo in, vui lòng bấm vào đây!

Đam mê giúp vượt qua rào cản

Hoài niệm một chút về những ngày đầu thành lập Dancenter năm 2007, chắc chị còn nhớ rõ động lực đã thôi thúc mình cũng như mục tiêu chị muốn theo đuổi lúc ấy?

Khi trở lại Việt Nam lần thứ hai và xác định sẽ xây dựng sự nghiệp, tôi bắt đầu từng bước tìm hiểu kỹ hơn về văn hóa và con người nơi đây. Tôi bắt đầu bằng việc trở thành tình nguyện viên dạy múa cho trẻ em đường phố, đồng thời tiếp tục tham gia thêm một số lớp múa để nâng cao trình độ. Từ đó, tôi nhìn thấy nhiều tiềm năng cho việc phát triển cộng đồng múa ở TP.HCM. Thời điểm đó có quá ít các thể loại múa dành cho một vũ công như tôi. Mặc dù, các thầy cô ở các lớp học rất tận tâm và học viên rất nhiệt tình, múa nhưng không gian tập luyện lại không đủ lớn để khám phá các bước nhảy, mặt sàn và các trang thiết bị cũng không có sẵn cho người học nhảy. Tất cả những điều này thôi thúc tôi thành lập ngôi trường dạy múa của riêng mình như tôi đã từng mơ ước.

Tuy nhiên, giấc mơ không thể biến thành hiện thực chỉ qua một đêm hay chỉ bằng khát vọng và đam mê. Tôi bắt đầu bằng việc xây dựng mối quan hệ với các cộng đồng văn hóa, nơi có những người có cùng sở thích, có cùng nhu cầu đối với khiêu vũ. Tôi học mọi thứ từ những người xung quanh để phát triển và dù múa hay khiêu vũ lúc ấy vẫn còn khá xa lạ, nhưng tôi tin chắc rằng niềm đam mê sẽ giúp khắc phục mọi rào cản. Với Dancenter, tôi muốn tạo nên một nơi mọi người muốn đến để học, để nhận và để cho đi niềm đam mê nhảy múa của mình. Nơi dành cho những ai đang tìm kiếm một lớp múa phù hợp giống như tôi trước kia từng tìm kiếm.

Một mình tự làm mọi việc chắc rất vất vả và nhiều áp lực? Có khi nào chị chợt cảm thấy sợ phải đối mặt với thất bại?

Tôi cũng lường trước sẽ có nhiều khó khăn tuy nhiên ở thời điểm đó tôi đã xác định và hoàn toàn sẵn sàng thực hiện mơ ước của mình. Thời gian đầu, tôi đã phải làm việc bảy ngày trong tuần khá vất vả. Gia đình tôi tại Pháp cũng không mấy khá giả, vì vậy tôi đã phải quyết định tìm kiếm nguồn đầu tư tài chính . Tôi tin rằng khi bạn có nhiều tiền, bạn sẽ dễ dàng đưa ra các quyết định, nhưng nếu bạn không may mắn như thế bạn sẽ phải nghĩ cách sử dụng tiền thật thông minh để đạt hiệu quả tốt nhất mà vẫn trong giới hạn cho phép. Mỗi lúc nhìn lại những gì đã đạt được và giấc mơ của mình đang dần rõ hình hài ngày qua ngày, tôi luôn tự nhắc nhở về những khó khăn tôi đã cố gắng vượt qua và tự hứa sẽ tiếp tục cố gắng.

Ngoài vấn đề tài chính, để trung tâm có thể hoạt động chắc chắn phải có đội ngũ nhân viên, các giáo viên và thu hút được học viên, chị có gặp khó khăn hay áp lực nào không? Vốn là một nghệ sĩ khiêu vũ có tài nhưng kinh doanh không phải là lĩnh vực đơn giản, chị làm thế nào để có thể làm tốt việc này?

Ở thời điểm đó, tôi có những người bạn sẵn sàng hỗ trợ như vũ công chuyên nghiệp John Huy Trần, một trong số ít giáo viên gắn bó với trung tâm ngay từ ngày đầu khi chỉ có hai nhân viên và chúng tôi vẫn cùng làm với nhau đến nay.

022-025_WOMAN OF THE MONTH_linh dancer_A3_resize

Để chia sẻ công việc và trao quyền cho người khác, bạn cần biết thế mạnh của họ và điểm yếu của mình để có thể tạo được sự cân bằng trong công việc.

Vốn là vũ công nên tôi nắm được tâm lý học viên, biết cách truyền cảm hứng cũng như quản lý một lớp học thế nào cho tốt. Nhưng kinh doanh là lĩnh vực tôi chưa từng học qua, vì thế tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tôi phải học cách quản lý nhân sự, quản lý tài chính, tiếp thị và truyền thông… Học từ sách vở, bạn bè và kinh nghiệm của những người đi trước. Tuy việc học về kinh doanh khá mới mẻ nhưng tôi sớm tìm thấy niềm yêu thích trong đó. Thậm chí, tôi còn dành hết những ngày cuối tuần để nghĩ cách tối ưu hóa hoạt động của trung tâm, làm thế nào đem đến một môi trường múa với chất lượng tốt nhất.

Những năm gần đây, bộ môn múa ngày càng được phổ biến, điều này không chỉ mang đến cơ hội kinh doanh mà cũng đặt ra những thách thức về việc chinh phục khách hàng. Chị đã làm điều ấy ra sao?

Nhiều trường múa mở ra đồng nghĩa với việc mang đến nhiều cơ hội để mọi người biết đến bộ môn này. Không chỉ vậy, cùng một bài nhảy nhưng mỗi giáo viên đều có một phong cách riêng, bạn có thể thích giáo viên này hoặc giáo viên khác, do vậy sự lựa chọn cũng phong phú hơn. Từ góc độ một người đam mê khiêu vũ, tôi thấy cạnh tranh thật ra không phải là điều gì đó quá tệ mà còn góp phần thúc đẩy ngành múa phát triển và tôi thật sự rất vui khi nhìn thấy ngành múa Việt Nam phát triển trong những năm gần đây

Tuy nhiên, ở góc độ người làm kinh doanh, điều quan trọng với chúng tôi là các học viên đến học và gắn bó với trung tâm. Tôi tự tin rằng tôi và đội ngũ của mình đem đến cho người học những lớp múa chuyên nghiệp, vui vẻ và đa dạng, giúp cho học viên có thêm nhiều niềm vui khi đến học mỗi tuần. Dancenter là một trong những trung tâm dạy múa đầu tiên được thành lập tại Việt Nam, chúng tôi giảng dạy những thể loại mới nhất như nhảy Jazz, múa đương đại… với chất lượng tốt nhất nhờ đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp. Tôi luôn cân bằng giữa sự sáng suốt của người làm kinh doanh và niềm đam mê của người nghệ sĩ. Đôi khi, nhiều người chỉ nghĩ đến lợi ích kinh doanh mà ít chú trọng đến đạo đức nghề nghiệp. Tôi luôn dành sự tôn trọng cho nghề múa nên mỗi việc tôi làm đều vì lợi ích của cả hai. Đó cũng là phương châm giúp Dancenter tồn tại và phát triển như hôm nay.

Cân bằng giữa nghệ thuật và kinh doanh

Khiêu vũ với nhiều người không chỉ là bộ môn thể thao mà còn là món ăn tinh thần, chị làm thế nào để khiến cho món ăn tinh thần của các học viên ngày càng phong phú hơn?

Các học viên đến trung tâm có những người chưa biết gì về múa mà đơn thuần muốn học và tập luyện để giảm cân, làm đẹp vóc dáng. Tuy nhiên, múa hay khiêu vũ là một bộ môn nghệ thuật và như nhiều bộ môn nghệ thuật khác, nó có khả năng truyền niềm đam mê cho người tham gia đồng thời còn khiến họ bộc lộ những khả năng khác của bản thân. Bình thường trông họ trầm tính, ít biểu lộ cảm xúc nhưng khi biểu diễn một bài múa, họ có thể tự do thể hiện cảm xúc giận dữ, hào hứng, buồn chán… Thoải mái giải phóng cảm xúc hay bộc lộ bản thân bằng những động tác là sức mạnh của môn nghệ thuật này. Trong số các học viên của tôi, có chị chỉ là một bà nội trợ bình thường, nhưng khi múa chị ấy như đang được sống một cuộc đời khác theo ý mình muốn. Múa khiến nhiều người tự tin vào chính mình không chỉ khi biểu diễn mà cả trong cuộc sống. Lần đầu tiên lên sân khấu biểu diễn cho người thân bạn bè xem thành quả học tập là thử thách không hề nhỏ và khi bạn tự tin làm điều đó, bạn không chỉ hãnh diện mà còn đang chiến thắng chính mình. Dancenter đã tạo điều kiện để họ có thể làm được những điều đó.

Thế việc dành quá nhiều thời gian cho công việc kinh doanh có làm giảm tình yêu với bộ môn nghệ thuật chị rất say mê như múa?

Khi Dancenter càng ngày càng phát triển, tôi biết rằng mình phải dành nhiều thời gian hơn cho việc quản lý và chia sẻ trách nhiệm này với đồng nghiệp, bạn bè, những người có chuyên môn và kinh nghiệm hơn tôi. Tôi cũng tìm kiếm thêm nhân viên để hỗ trợ trong việc quản lý. Nếu muốn doanh nghiệp phát triển mạnh hơn, bản thân một người không thể nào đảm đương tất cả. Để chia sẻ công việc và trao quyền cho người khác, bạn cần biết thế mạnh của họ và điểm yếu của mình để có thể tạo được sự cân bằng trong công việc. Dancenter cũng như con của tôi, tôi muốn tìm những người có chuyên môn tốt xung quanh mình để cùng chăm sóc tốt cho đứa trẻ ấy.022-025_WOMAN OF THE MONTH_linh dancer_A2_resize

For english version, please click here!

Vâng, sau nhiều năm từ một vũ công trở thành doanh nhân, chắc hẳn kinh doanh cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến cách suy nghĩ và phong cách sống của chị?

Vâng, dĩ nhiên rồi. Thay đổi lớn nhất tôi nhận thấy ở mình có lẽ là tinh thần trách nhiệm. Đó không chỉ là hy vọng đem nghệ thuật múa đến gần hơn với mọi người, mà còn là trách nhiệm của tôi với điều đó và với những người đã gắn bó cùng mình vượt qua những suy nghĩ cho bản thân. Nhìn lại những việc đã làm được hay thấy học viên hạnh phúc sau bài biểu diễn thành công khiến tôi rất vui và đó là một trong những động lực quan trọng khiến tôi cố gắng nhiều hơn.

Vậy chị có dự định mở thêm trung tâm thứ hai, thứ ba… và mục tiêu xa hơn mà chị muốn hướng đến là gì?

Đây là câu hỏi tôi từng được hỏi nhiều lần, tuy nhiên tôi không muốn điều đó. Tôi muốn chỉ duy nhất một Dancenter và đó là một gia đình nơi mọi người yêu thích múa có thể tìm đến sinh hoạt. Còn tương lai xa hơn, tôi muốn có thêm nhiều chương trình dành riêng cho nghệ thuật múa để những ai yêu thích có điều kiện xem và tìm hiểu về nó. Mặt khác, múa là một nghệ thuật và vũ công là một nghệ sĩ và khi làm nghệ thuật người ta luôn muốn chia sẻ niềm đam mê đến nhiều người cũng như mong muốn có được không gian để làm điều mình thích. Do vậy, tôi muốn Dancenter sẽ trở thành một cộng đồng để các nghệ sĩ múa từ nhiều nơi trên thế giới có thể tìm đến để giao lưu, học hỏi và chia sẻ với các nghệ sĩ tại Việt Nam. Và ngược lại, các vũ công của Dancenter cũng sẽ có cơ hội ra nước ngoài chia sẻ những vũ điệu của mình. Tôi hoàn toàn tự tin rằng nghệ thuật múa sẽ vút bay lên tầm cao mới trong một tương lai không xa.

Vâng, cảm ơn chị!

Text: THANH XUÂN – Creative Director: HIEPLEDUC – Photo: VINH VLK – Make up & Hair: BEO

 Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment