Hãy để Tết là ký ức trẻ thơ đẹp đẽ nhất do chính con thêu dệt! • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Hãy để Tết là ký ức trẻ thơ đẹp đẽ nhất do chính con thêu dệt!

Ai cũng từng là một đứa trẻ trước khi trở thành người lớn. Và Tết trong định nghĩa của một “đứa trẻ” nên là vùng trời trong trẻo và ngập tràn hân hoan do chính chúng tự tạo ra

Khi trưởng thành, Tết không chỉ trở thành nỗi lo với kẻ cộp mác người lớn mà còn gắn liền với những tranh cãi xoay quanh vấn đề truyền thống và hiện đại. Thực ra, Tết vẫn không hề thay đổi, chỉ có chúng ta ngày càng lớn lên và nhận thức khác đi. Giờ đây, khi trở thành người cha người mẹ, đã bao giờ bạn từng hỏi đứa trẻ của mình rằng chúng cảm nhận thế nào về Tết, hay chính bạn sẽ là người định hình và bắt chúng phải tuân theo những nguyên tắc của mình để hành xử cho “ra dáng ăn Tết”. Tuổi thơ của mỗi người nên được khắc họa theo lăng kính riêng biệt, hãy để Tết là những ý niệm được chính con thêu dệt nên và trở thành một hồi ức đáng quý để nhớ về khi trưởng thành. Biết đâu vài chục năm sau, chính chúng sẽ lại than thở rằng: Nhớ Tết xưa quá…và cái định nghĩa “xưa” ấy chính là lúc này đây, khi chúng đang là những đứa trẻ với ánh mắt đầy trong sáng và ngây thơ. Hãy tưởng tượng, nếu bạn sở hữu một chiếc vé quay về tuổi thơ để cảm nhận hương vị Tết xưa, biết đâu bạn sẽ có cơ hội nhận ra rằng cha mẹ chúng ta đã từng lo lắng và mệt mỏi thế nào vào những ngày Tết đến. Nhưng có chăng là họ đã giấu quá kỹ, giấu đi những toan tính bộn bề để những đứa trẻ của họ – là chúng ta thời còn bé được sống trong khoảnh khắc hạnh phúc và sum vầy nhất.

Nói đến Tết, có lẽ trẻ em sẽ ngượng ngập khi không hiểu hết những tục lệ và văn hoá truyền thống. Nhưng nếu bạn nhắc về Halloween hay Giáng Sinh, chúng lại có thể kể vanh vách những câu chuyện mà chúng biết thông qua những bài học, truyện tranh cổ tích hay truyền thông đại chúng. Đừng cảm thấy thất vọng, bởi đó chính là sự giao thoa trong cuộc sống mà công nghệ số đang lên ngôi này và điều đó chỉ càng chứng tỏ đứa trẻ của bạn vẫn có sự phấn khích khi nghĩ đến lễ hội. Tết cũng là lễ hội, nhưng sự kiện này có sự đặc biệt hơn khi cần được truyền đạt một cách tinh tế và văn minh để đứa trẻ không cảm thấy áp lực và ràng buộc. Dù có thể không còn hiện diện những trò chơi dân gian, bếp lửa hồng với nồi bánh chưng bánh tét tỏa khói nghi ngút, Tết vẫn có thể hiện diện trong trái tim trẻ thơ theo những cách rất riêng với sự trân trọng nhất. Chỉ cần bạn cho đứa trẻ của bạn hiểu được ý nghĩa và giá trị của ngày Tết thì tự khắc Tết sẽ trở thành một phần ký ức trong tuổi thơ của chúng, và mỗi người chỉ cần hoàn thành bổn phận nhỏ nhoi đó của mình thì đã góp phần tạo nên hiệu ứng lan truyền qua các thế hệ về ký ức đẹp đẽ của lễ hội này.

Đừng dùng những quan điểm cá nhân với tư cách người lớn để đánh giá liệu Tết có còn ý nghĩa như ngày xưa hay không, bởi con trẻ chỉ nhớ “ngày xưa” mà chúng đã trải qua. Nếu con không thích ăn những món ngày Tết, hãy cho phép chúng. Nhưng trong bữa ăn, cha mẹ có thể chia sẻ về những điểm đặc biệt của món ăn truyền thống mừng năm mới để con trẻ quan tâm hơn. Hãy khơi dậy sự yêu thích của trẻ bằng cách duy trì tâm trạng vui vẻ mà không phải ép buộc rằng đó là những điều phải làm trong ngày Tết bằng mọi giá. Ngoài ra, khái niệm Tết là phải mới mẻ và hoàn hảo về mọi mặt cũng không còn hợp lý. Cái cần mới chính là tư tưởng để nuôi dưỡng một năm mới đầy lạc quan, chứ không phải thông qua những thứ vật chất nặng tính hình thức để đảm bảo cái Tết được hoàn hảo và chu toàn, ngăn ngắp nhất có thể. 

Đặc biệt, Tết cũng là giai đoạn cha mẹ và con cái có thời gian va chạm nhiều hơn và những cảm xúc như nóng giận, than vãn cũng xuất hiện không ít. Dù là thời điểm bận rộn với trăm mối lo, cũng xin đừng than thở hay trút giận lên một đứa trẻ. Đã có bao nhiêu đứa trẻ từng bày tỏ rằng chúng cảm thấy ghét…Tết vì Tết khiến ba mẹ chúng mệt mỏi hơn ngày thường và dễ cáu gắt với chúng hơn. Sự mệt mỏi của bạn là không thể tránh khỏi, nhưng đừng biến sự mệt mỏi đó trở thành điều tiêu cực để đứa trẻ trở nên bài xích. Hãy để trẻ tự nguyện chung tay giúp đỡ những công việc chỉ có thể làm trong dịp Tết như trang trí nhà cửa, nhặt lá mai, dán câu đối lên hoa quả, đơn giản thôi nhưng đó là cách để con trẻ có thể “chạm” vào ký ức Tết của ba mẹ và tận hưởng khoảng thời gian được trông đợi nhất trong năm của người Việt.

Năm mới còn là dịp để khơi gợi sự lạc quan và chờ đón mọi may mắn, đừng để những giáo điều khiến đứa trẻ gò bó trong thái độ và cách hành xử của mình. Hãy để chúng được tự do sử dụng trí tưởng tượng và gởi những lời chúc non nớt đến ông bà, người thân mà không phải là những câu chúc thuộc lòng sáo rỗng do ba mẹ áp đặt. Được chủ động bày tỏ tình cảm một cách không máy móc và công thức là cách để trẻ cảm nhận về Tết như cách chúng muốn mà không phải kiêng dè vì sợ làm phật ý người lớn. Lời chúc đó được xuất phát từ tấm lòng thiện lương của một đứa trẻ và chắc chắn đó là phước lành đẹp đẽ nhất trên thế giới này. Từ đó, bạn có thể khen khợi hoặc góp ý để trẻ làm tốt hơn, bởi có những thứ cần được tôi luyện trong cuộc sống hàng ngày và đứa trẻ sẽ cảm thấy biết ơn hơn nếu đó là điều chúng được học trên hành trình khám phá chính mình mà không phải trở thành một phiên bản nào đó mà ba mẹ chúng mong muốn.

Bên cạnh đó, hãy giúp trẻ hiểu về giá trị của phong lì xì đỏ thắm. Hiện nay, giá trị của bao lì xì còn được cân đo đong đếm và không ít trường hợp trẻ cảm thấy mất hứng khi tiền mừng tuổi nhận được không…nhiều như kỳ vọng. Nhận lì xì là nhận sự may mắn chứ không phải là “công cụ” để tổng kết tài lợi. Là cha mẹ, bạn nên dạy trẻ không quan tâm đến việc bao lì xì “mỏng” hay “dày” mà hãy trân trọng những tâm tình tốt đẹp mà người chúc đã gửi gắm. Có một số thứ không thể so sánh, và những tục lệ đầu năm mới như phong lì xì chính là một điều như vậy mà trẻ cần thấu hiểu để cảm thấy trân quý hơn. Tết trong lòng một đứa trẻ đơn giản lắm và đừng phá vỡ sự ngây thơ giản đơn ấy. Từ những suy nghĩ được hình thành khác nhau đầy lạc quan về Tết, trẻ sẽ có thể xem đó là phần thưởng động viên theo chúng lớn lên từng ngày để khép lại những cái cũ và mở ra những điều mới mẻ đang chờ đón chúng trong những cái Tết mãi về sau.

Trái tim trẻ thơ là một trái tim trong sáng và thanh thuần nhất, hãy để trái tim đó được trải nghiệm sự ấm áp và yêu thương một cách thoải mái ở bất cứ dịp nào. Để chạm đến đáy lòng của một đứa trẻ, bạn cần để chúng cảm nhận sâu sắc ý tưởng trân trọng Tết trong cuộc sống hiện đại. Hãy để trẻ hiểu rằng, Tết là thời gian gia đình có thể quây quần cùng nhau, chứ không phải nhiệm vụ để con phải có mặt và điểm danh. Tết thường là dịp mọi người dành thời gian đi chúc Tết hoặc bận rộn để tiếp đón những vị khách đến thăm nhà, nhưng là một đứa trẻ, ánh mắt chúng chỉ đơn giản hướng đến bạn mà chẳng muốn phải khép nép, quảng giao để làm hài lòng mọi người lớn chúng phải tiếp xúc. Là cha mẹ, bạn ắt hẳn muốn nở nụ cười tự hào khi nhận được những lời khen ai đó dành cho con cái của mình. Nhưng bạn có biết rằng, Tết còn là dịp để con trẻ tạm quên đi những bài vở ngổn ngang và dư vị áp lực nơi học đường sau những ngày thi cử khó khăn. Khi sum vầy bên cạnh gia đình, đừng để Tết là một bước thụt lùi trong cảm xúc của ký ức trẻ thơ khi chúng không dám đối diện với những câu trả lời về thành tích và kết quả hay kế hoạch trong tương lai sẽ trở thành người thế nào. Điều đó còn xa vời biết bao và chúng ta cũng chẳng chắc rằng người hỏi có nhớ hay thực sự quan tâm câu trả lời mà đứa trẻ đã cố gắng đối đáp để không làm mất mặt ba mẹ nhưng vẫn thể hiện sự lễ phép của mình.  

Văn hóa của người Việt là xem trọng việc hỏi thăm những dịp hội ngộ. Từ một lời chào đến lời chúc Tết và hàng tá câu hỏi vây quanh, đứa trẻ sẽ vô hình trung cảm thấy mệt mỏi khi cho rằng Tết chính là dịp trọng đại để mọi người khai thác và soi xét chúng. Hãy quan tâm đến cảm xúc của một đứa trẻ thay vì cảm giác thoả mãn của bản thân. Bạn hoàn toàn có thể dặn dò trước hoặc mách nhỏ với người thân, bạn bè xung quanh để họ tránh đụng chạm đến những đề tài có thể khiến con trẻ khó xử, thay vào đó, họ có thể khen ngợi bộ quần áo mới chúng mặc hay đơn giản là dành một cái ôm khích lệ cho đứa trẻ. Đó chính là những gì ngọt ngào nhất mà đứa trẻ nên cảm nhận về Tết để không có cảm giác “e ngại” ngày càng lớn dần khi Tết quay về mỗi năm.

***

Tết hiện đại cũng đáng quý như Tết truyền thống, bởi bên cạnh bạn vẫn còn những người yêu thương nhất. Với tư cách cha mẹ, muốn trẻ con cần Tết, yêu Tết, hãy để chúng tự định nghĩa Tết theo cách của riêng mình. Cuối cùng, Tết vẫn là khi chúng ta được một lần nữa xác định lại khái niệm gia đình, và gia đình nên là nơi bỏ qua mọi quy tắc để ai cũng được là chính mình. Đứa trẻ của chúng ta nên được thụ hưởng những gì tốt đẹp nhất, và tuổi thơ của chúng cũng sẽ tốt đẹp như cách chúng ta từng nghĩ về tuổi thơ khi được tự phép tạo ra những ký ức của mỗi người.

Bài viết độc quyền của ấn phẩm Nữ Doanh Nhân

Text: Hong Dang | Artwork by Vuon Illustration

Có thể bạn quan tâm:

Cho và nhận, dạy con từ tấm bé

Cho con thời gian tự đứng lên

Comment