Ghen là chuyện “xưa như trái đất”, nhưng vẫn mới toanh, thời sự. Bởi vì bao giờ và ở đâu trên hành tinh này cũng luôn hiện diện những lòng ghen…
Vì yêu nên mới ghen, đó là mệnh đề thuận cho một hướng nhìn theo “lẽ tất nhiên” của bất kỳ cuộc tình nào. Nhưng có một góc nhìn khác rằng, nếu yêu và thật sự yêu, nghĩa là đã hiểu và tin tưởng nhau, thì người ta sẽ… không còn ghen nữa. Ghen chỉ xuất hiện khi niềm tin mình dành cho người thương bị thiếu hụt, hoặc có thể mình đã thiếu tin tưởng vào… chính mình.
“Ớt nào mà ớt chẳng cay…”
Ghen không phân biệt giới tính, nhưng thông thường phụ nữ dễ ghen và ghen dai dẳng. Vậy nên, ông bà ta mới có câu: “Ớt nào mà ớt chẳng cay, gái nào là gái chẳng hay ghen chồng”.
Nhớ lại chuyện ghen cũ của mình, chị Khuê, trưởng phòng PR một công ty truyền thông, cho biết rằng mình hồi đó như một “bà điên”. Người chị ghen chính là “người yêu cũ của anh ấy”. Vì sự tò mò, chị đòi anh kể nghe bằng được chuyện tình cũ. Yêu chiều chị, anh đã không giấu giếm bất cứ chi tiết nào về mối tình đầu ba năm ấy. “Đó là quá khứ, hiện tại em là người anh yêu và rất quan trọng với anh” đã không đủ nắm níu niềm tin nơi chị mà để bóng hình người cũ chen thái quá vào tình cảm hai người. Chị đã so sánh rồi bắt bẻ những chuyện anh từng có với người cũ. Cuộc tình của chị từ nồng đượm rồi dần kém vui và dẫn đến căng thẳng cao độ vì những tra hỏi, bới móc quá khứ từng chút kiểu như thế. Lòng người nào phải sỏi đá, đến một ngày nọ, anh không chịu đựng nổi chị buộc phải nói lời đòi chia tay và quyết định đi công tác khỏi thành phố một thời gian. Bấy giờ, chị mới nhận ra sự quá quắt của mình, sửa chữa vết đau lòng tự tạo và chủ động làm hòa với anh.
Cũng ghen, nhưng chị Mai lại ghen với… cô osin lớn hơn mình hai tuổi, một người phụ nữ tỉnh lẻ đã lột xác hẳn sau thời gian sống chốn thị thành. Chồng chị là “sếp” một bộ phận thuộc công ty nước ngoài, có tiếng đàng hoàng, nhưng chị vẫn lo xa: “Đàn ông thường thích của lạ, yêu vợ thật đấy, nhưng chẳng thể ngó lơ đi những người phụ nữ khác”. Huống chi, người – phụ – nữ – khác mà chị lo lắng lại ở ngay trong nhà mình. Chị làm quản lý một nhà hàng nên đi sớm về muộn, thậm chí kể cả những ngày cuối tuần. Thấy nhan nhản những câu chuyện ông chủ – osin trên mặt báo lẫn ngoài đời thường và nghe bạn bè không ngớt lời cảnh báo, chị càng thêm lo nghĩ xa xôi. Ban đầu, chị tỏ ra khó chịu, lạnh lùng, thậm chí… “cấm vận” chồng vô cớ để mong anh hiểu ra vấn đề. Song, anh không hiểu càng khiến chị thêm ức chế đến mức phải gọi điện “cầu cứu” tới trung tâm tư vấn tình yên – hôn nhân – gia đình. Cuối cùng, chị cũng bình thường hóa trở lại với chồng, khéo léo thay thế cô osin bằng một người giúp việc lớn tuổi.
Không phải ai cũng trải qua cuộc ghen một cách “có hậu” như chị Khuê và Mai. Thực tế có không ít trường hợp ghen tuông mù quáng đến đánh mất chính mình, như chị Ngọc chẳng hạn. Chị ghen với một nữ nhân viên mới, rất trẻ đẹp, và là cấp dưới của chồng. Chị cũng làm chung công ty chồng, nhưng quản lý ở một bộ phận khác. Chỉ loáng thoáng nghe đồn, chị đã vội đe nẹt “tình địch” đến mức cô nhân viên mới phải xin nghỉ việc, đồng thời còn gửi đơn tố cáo hành vi của chị lên ban giám đốc công ty. Người xưa có câu “xấu chàng hổ thiếp”, ở trường hợp này, chị đã làm xấu cả chồng và chính bản thân chị.
———–
“Biết cách ghen cũng có nghĩa là biết cách tôn trọng giá trị của chính mình”
———–
Tin nhau và tin chính mình
Tất nhiên, niềm tin ấy có cơ sở từ quá trình yêu đương, chia ngọt sẻ bùi. Đó là cái nghĩa sinh ra từ tình yêu, đôi khi trở thành nhân tố chính để người ta sống chung lâu dài và tôn trọng nhau đến suốt cuộc đời. Thế nhưng, không ít người chỉ nghe phong thanh chuyện tình cảm này nọ của người yêu, chồng/vợ mình đã nóng vội hành xử một cách không tự chủ, gây ra những hệ quả đáng tiếc. Chuyện đóng cửa bảo nhau cứ tưởng dễ nhưng kỳ thực rất khó, vì lòng ghen nông nỗi làm cho người ta chỉ có tiến mà không lùi, không bình tĩnh để giải bày nỗi lòng mình và cho đối phương cơ hội được nói, được chứng minh.
Sự âm thầm “kết tội” và hành xử như “quan tòa” kiêm “đao phủ” của người ghen tuông mù quáng vô hình trung giết chết tình yêu, thậm chí còn gây ra án mạng vì những trò độc ác cho hả lòng hả dạ. Xét cho cùng, nếu người yêu, chồng/vợ mình có say nắng hay ngoại tình thì đấy đúng là chuyện đau lòng thật. Tuy nhiên, chuyện đâu còn có đó, cách hành xử khéo léo của bạn có thể kéo người mình thương về đúng lối mà bản thân không bị xuống dốc về mặt tinh thần, không vượt ra ngoài những chuẩn mực đạo đức, và không vi phạm pháp luật.
Đã là người, mấy ai tránh được những giây phút yếu lòng. Ghen là chính đáng nhưng hãy trở thành một đầu bếp giỏi để nêm nếm vị ghen vừa phải trong tình yêu. Đừng để cơn ghen biến mình thành người ôm mối hận, sống day dứt ngôn nguôi.
Câu chuyện ghen sẽ còn dài và mang tính thời sự mãi, nhất là khi xã hội không ngừng phát triển, mối quan hệ ngày càng được mở rộng một cách dễ dàng. Do vậy, mỗi người rất cần được trau dồi, học hỏi, chia sẻ những kỹ năng sống mà trong đó nên có cả kỹ năng… ghen. Bởi lẽ biết cách ghen cũng có nghĩa là biết cách tôn trọng giá trị của chính mình. Và trên hết trong các hành xử chính là “tương kính như tân”, nếu không còn tôn trọng và thương nhau nữa thì nên dừng lại, càng sớm càng tốt.
Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân
Có thể bạn quan tâm: