Nhu cầu thị trường cao, kéo theo sự xuất hiện của nguồn cung ngày càng nhiều. Tuy nhiên “thật giả lẫn lộn”, nhiều chưa chắc đã tốt. Làm sao để doanh nghiệp vượt lên trên sự rối loạn của thị trường và tạo dựng niềm tin nơi khách hàng là một bài toán người lãnh đạo cần giải quyết.
Bước ra từ một gia đình có nền tảng kinh doanh và nguồn lực tài chính, nhưng nữ doanh nhân Betty Bùi Đỗ đang từng bước chứng minh khả năng của bản thân và trở thành một thế hệ kế thừa xứng đáng. Trên nền tảng một thương hiệu thẩm mỹ lâu năm trong dòng chảy phát triển của thị trường mới, người phụ nữ này đã và đang cho thấy những đổi mới phù hợp và đúng đắn. Cùng với kinh nghiệm và kiến thức tích lũy, cái tâm trong kinh doanh từ truyền thống gia đình tiếp tục được chị duy trì trong cách điều hành.
Xin chào chị Betty Bùi Đỗ, là một nữ doanh nhân với tuổi đời còn trẻ, tại sao chị lại chọn dấn thân vào con đường kinh doanh, đặc biệt là ngành thẩm mỹ nội khoa?
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình kinh doanh đa ngành. Ngay từ ngày còn rất nhỏ, tôi đã thường được tiếp xúc với những khái niệm về kinh doanh qua những câu chuyện của cha mẹ và các cô chú doanh nhân. Điều đó đã tạo dựng nên niềm đam mê của tôi đối với phương thức hoạt động kinh tế này. Sau đó, để tiếp tục hỗ trợ cha mẹ điều hành kinh doanh, tôi đã chuyển ngành học từ y khoa sang tài chính và marketing trong những năm du học tại Úc. Chính nhờ việc vừa có kiến thức về y học vừa có kiến thức về kinh doanh đã giúp tôi tham gia vào các lĩnh vực kinh doanh của gia đình tốt hơn, trong đó đặc biệt là mảng thẩm mỹ.
Gia đình tôi vốn sở hữu thương hiệu Orient Skincare & Laser Center là một trong những đơn vị đầu tiên đem công nghệ thẩm mỹ nội khoa về Việt Nam và nhiều năm qua luôn có chỗ đứng trên thị trường với tệp khách hàng trung thành khá ổn định. Tuy nhiên, với góc nhìn và định hướng mới, tôi muốn được tiếp quản lĩnh vực này và nâng tầm thương hiệu lên chuẩn mực mới. Dựa trên giá trị của thương hiệu cũ, tôi đã cho ra đời thương hiệu mới OI Aesthetic Clinic ở phân khúc “premium” (PV: cao cấp) và con đường kinh doanh của tôi đã bắt đầu chính thức như thế.
Khát vọng của chị khi phát triển sự nghiệp trong ngành này là gì?
Như đã nói thế mạnh của tôi chính là một người làm kinh doanh nhưng có kiến thức chuyên môn về khoa học y khoa và thẩm mỹ nội khoa. Tại OI Aesthetic Clinic, tôi muốn nơi đây sẽ trở thành một điểm đến làm đẹp uy tín, nơi mọi người có thể tin tưởng vào thẩm mỹ nội khoa công nghệ cao ưu tiên sự an toàn và chất lượng, không chỉ cho người Việt Nam mà còn cho khách hàng quốc tế. Rộng hơn, thông qua thương hiệu, tôi muốn được góp phần vào sự phát triển theo hướng an toàn và hiện đại của ngành thẩm mỹ tại Việt Nam, không chỉ để khẳng định chính mình trong thị trường cạnh tranh mà còn tạo ra những sản phẩm và dịch vụ chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế và giúp nâng cao hình ảnh người Việt trên thị trường quốc tế.
Chị điều hành doanh nghiệp của mình với nguyên tắc quản lý như thế nào?
Với tư cách là chủ doanh nghiệp và vai trò một người lãnh đạo trong ngành thẩm mỹ, tôi luôn đặt ra một số triết lý và nguyên tắc cụ thể để phát triển cũng như vận hành doanh nghiệp một cách hiệu quả và bền vững. Một là do đặc thù ngành có môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng và có xu hướng đào thải cao, tôi tập trung xây dựng không gian làm việc tích cực, hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển của nhân viên bởi với tôi nhân sự chính là tài sản quý báu của doanh nghiệp.
Điều thứ hai tôi tập trung vào việc đầu tư liên tục, đào tạo và phát triển kỹ năng cho đội ngũ, giúp họ nâng cao năng lực chuyên môn, tự tin hơn trong công việc và có thể mang đến chất lượng dịch vụ và trải nghiệm tốt cho khách hàng.
Việc giao tiếp cởi mở và trung thực là nền tảng để xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ trong đội ngũ. Vì thế điều thứ ba mà tôi luôn quan tâm đó là, khuyến khích nhân viên chia sẻ ý kiến, thắc mắc và phản hồi để chúng tôi cùng nhau phát triển và tiến bộ. Nhờ vậy, tôi có thể giúp nhân viên xác định được mục tiêu sự nghiệp rõ ràng với định hướng cụ thể, họ sẽ biết mình cần làm gì để tiến bộ hơn.
Bên cạnh đó, tạo ra cơ hội thăng tiến và khen thưởng cho những đóng góp tích cực của nhân viên cũng là một nguyên tắc quản lý tôi không bao giờ quên. Sự công nhận này không chỉ thúc đẩy tinh thần làm việc mà còn giúp họ gắn bó hơn với công ty. Ngoài ra, việc linh hoạt và thích nghi với các thay đổi trong ngành là yếu tố quan trọng mà tôi luôn nhấn mạnh. Điều này giúp tôi và đội ngũ sẵn sàng đối mặt với những thách thức và cơ hội mới một cách hiệu quả.
Đâu là hình mẫu lãnh đạo mà chị Betty Bùi Đỗ đang hướng đến?
Tôi luôn hướng đến phong cách của một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và có tầm nhìn. Bằng cách kết hợp chuyên môn về ngành thẩm mỹ và tất cả tâm huyết, tôi sẽ xây dựng một đội ngũ tận tâm, chuyên nghiệp, không chỉ làm việc hiệu quả mà còn làm việc với niềm đam mê và cam kết đối với mục tiêu chung. Bằng cách này, tôi hy vọng mình sẽ không chỉ tạo ra một doanh nghiệp thành công mà còn là một đội ngũ nhân sự thành công, từ đó tạo nên những thay đổi tích cực trong cộng đồng và xã hội.
Với tôi, thành công không chỉ là một đích đến mà là một hành trình không ngừng nghỉ để mang lại giá trị và sự thay đổi đáng kể cho tất cả mọi thứ xung quanh, từ đó sẽ tạo ra những dấu ấn sâu sắc và bền vững trong lòng mọi người.
Từ thực tế trải nghiệm cương vị nữ doanh nhân trong những năm qua, chị nhận thấy phụ nữ làm kinh doanh “được” gì và “mất” gì?
Phụ nữ luôn có thế mạnh về khả năng nhạy bén, tinh tế trong việc nhận biết và giải quyết các vấn đề, đặc biệt là trong việc hiểu và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Sự tinh tế này sẽ giúp họ đưa ra các chiến lược kinh doanh linh hoạt và hiệu quả. Phụ nữ cũng thường giỏi trong việc xây dựng và duy trì mối quan hệ, từ khách hàng đến nhân viên và đối tác. Nhờ kỹ năng giao tiếp tốt, khả năng thích ứng linh hoạt, họ vừa có thể cứng rắn vừa có thể mềm mỏng, từ đó giúp tạo ra môi trường làm việc gắn kết và hợp tác. Thêm vào đó, phụ nữ có khả năng kiên nhẫn và kiên trì trong việc theo đuổi mục tiêu, không dễ dàng bỏ cuộc và luôn nỗ lực tìm ra giải pháp tốt nhất cho các vấn đề. Có thể nói những thế mạnh đó chính là những điều mà phụ nữ có “được” sau quá trình rèn luyện trong kinh doanh.
Tuy nhiên, phụ nữ làm kinh doanh cũng phải đối mặt với nhiều mất mát. Trước hết là thời gian và sức khỏe. Công việc bận rộn, áp lực thường khiến chúng ta thiếu thời gian dành cho gia đình, bạn bè và bản thân. Điều này có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Một khó khăn khác là việc giữ cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình. Điều này đặc biệt khó khăn đối với tôi cũng như những phụ nữ còn phải chăm sóc con cái. Việc đảm đương cả hai vai trò đòi hỏi sự sắp xếp khéo léo và cần sự hỗ trợ từ gia đình.
Ngoài ra, dù xã hội đã tiến bộ nhiều, nhưng đôi khi chúng ta vẫn phải đối mặt với những định kiến về vai trò của người phụ nữ. Những quan niệm truyền thống có thể gây ra nhiều khó khăn và thách thức cho phụ nữ.
Đâu là những điểm mạnh và điểm yếu của chị trong vai trò nhà điều hành doanh nghiệp?
Ở vai trò của một “người thuyền trưởng”, tôi luôn cố gắng để có thể trở nên gần gũi và truyền cảm hứng đến cho đội ngũ của mình. Tôi tin rằng để đạt được thành công, không chỉ cần có kỹ năng quản lý mà còn phải thực sự quan tâm, lắng nghe, truyền động lực và giúp họ có niềm tin rằng họ có thể làm được những điều lớn lao.
Đó cũng chính là thế mạnh lớn của tôi trong vai trò điều hành. Tôi không nghĩ rằng giữa người điều hành và nhân sự phải có một khoảng cách quá lớn, vì tất cả chúng tôi đều hướng về mục tiêu chung: Nỗ lực mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Tôi luôn quan sát và có thể tạo ra được một môi trường làm việc tích cực, nơi mà mọi người cảm thấy được đánh giá cao và có cơ hội phát triển, từ đó thúc đẩy sự sáng tạo và cống hiến. Bên cạnh đó, thế mạnh của tôi còn nằm ở khả năng định hướng chiến lược rõ ràng, giúp công ty tập trung vào mục tiêu chung hướng đến khách hàng.
Tuy nhiên, tôi cũng có điểm yếu cần cải thiện là quá chú trọng đến chi tiết và yêu cầu sự hoàn hảo cao. Điều này thường khiến tôi bị cuốn vào công việc và cảm thấy quá tải. Để thay đổi tôi luôn tự nhắc nhở cần tin tưởng và trao quyền nhiều hơn cho đội ngũ, hay nói cách khác là “trọng dụng nhân tài” để họ có thể phát huy tối đa khả năng.
Ngoài công việc, phụ nữ có nhiều đam mê để cân bằng cuộc sống, đúng không thưa chị?
Chắc chắn rồi (cười). Với tôi, ngoài công việc quản lý doanh nghiệp, tôi còn có cho mình những đam mê và sở thích riêng như thời trang, du lịch và thể thao… Thời trang không chỉ là phần không thể thiếu trong phong cách cá nhân của tôi mà còn là cách để tôi thể hiện sự sáng tạo và cá tính.
Bên cạnh đó, du lịch là cách để tôi tìm thấy nguồn cảm hứng mới, khám phá và chiêm nghiệm. Tôi thường có những chuyến đi ngắn hạn để có thời gian tự do và tận hưởng cuộc sống riêng. Trong chuyến đi, tôi sẽ đặt hoàn toàn công việc qua một bên và nhìn sâu vào tâm tư của bản thân, tự chiêm nghiệm lại những gì đã làm, đúng hay sai, và đặt ra những mục tiêu cho chặng đường kế tiếp.
Cuối cùng là thể thao. Có vẻ khá bất ngờ vì tôi lại chọn cho mình bộ môn khá mạnh mẽ là boxing. Môn thể thao này rất hiệu quả để rũ bỏ stress và giúp cơ thể sản sinh endorphins. Ngoài việc giúp tôi duy trì sức khỏe tốt và giải tỏa căng thẳng, tôi tìm đến những bộ môn thể thao có thể tăng thêm giá trị cuộc sống cá nhân và sự nghiệp của mình.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!
QUICK QUESTIONS 1. Ba tính từ mô tả về bản thân chị trong công việc? Thấu hiểu – Tích cực – Tử tế 2. Nữ doanh nhân Betty Bùi Đỗ sẽ dạy con như thế nào về tiền? Dạy con về tiền bạc không chỉ đơn thuần là biết cách chi tiêu và tiết kiệm, mà còn là giá trị của trách nhiệm. Con cần hiểu rằng đồng tiền mà con sử dụng đều đến từ công sức lao động và con cần có những quyết định thông minh. Tôi mong con có thể hình thành thói quen và trách nhiệm với việc quản lý tài chính cá nhân từ nhỏ để có thể tự tin trong các quyết định tài chính khi trưởng thành. 3. Theo chị, tiền nhiều để làm gì? Tiền là công cụ mạnh mẽ để xây dựng và mở rộng doanh nghiệp, đầu tư vào cá nhân, tạo ra việc làm và thúc đẩy kinh tế. Ngoài ra, tiền cũng là phương tiện để gây quỹ từ thiện và hỗ trợ những người khó khăn, hay các dự án cộng đồng, cải thiện hạ tầng, sức khỏe và giáo dục. Tôi nghĩ khi chúng ta có tiền, chúng ta sẽ có mục đích sử dụng tiền, quan trọng là thứ tự ưu tiên và cam kết của chúng ta với những điều xung quanh. |
Bài viết đã được phát hành trên ấn phẩm Nữ Doanh Nhân số 147.2024 | Content Director: JENNI VÕ | Creative Director: HIEPLEDUC | Editor: HIỀN ĐẶNG | Photo: ALI BÙI | Stylist: THUẬN TỪ | Makeup: VIỄN DƯƠNG | Hair stylist: NGỌC PHẠM | Trang sức: CAO FINE JEWELLERY
Có thể bạn quan tâm: