4 cách vượt qua Social Hangover – cảm giác “quá tải” với các mối quan hệ xã hội - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

4 cách vượt qua Social Hangover – cảm giác “quá tải” với các mối quan hệ xã hội

Bạn có bao giờ thức giấc với cảm giác nôn nao, khát khô cổ, trống rỗng, mệt mỏi, không muốn rời khỏi giường, chẳng buồn nói chuyện với ai dù tối qua hay cả tuần rồi bạn không uống một giọt bia rượu nào. Đó có thể là do tình trạng “Social Hangover” hay còn gọi là cảm giác say xỉn, phát ngấy, quá tải với các mối quan hệ xã hội gây nên.

Social Hangover thực chất là gì?

Theo định nghĩa của Urban Dictionary, “Social Hangover” là cảm giác mòn mỏi, tiêu tốn hoặc cạn kiệt năng lượng sau khi tiếp xúc với quá nhiều người trong một khoảng thời gian dài. Thậm chí, một vài người còn có thể bị đau đầu, cơ thể rã rời tương tự tình trạng “hangover” khi say rượu, mặc dù họ chẳng uống bất kỳ thức uống có cồn nào. “Social Hangover” có thể xảy ra với bất cứ ai nhưng thường gặp hơn ở những người hướng nội (Introvert).

Tuy nhiên, “Social Hangover” thường chỉ là cảm giác mệt mỏi, ngột ngạt tạm thời, không phải là “Hội chứng sợ xã hội, hay ám ảnh sợ xã hội” (Social Phobia, Social Anxiety Disorder) – một dạng trong nhóm bệnh rối loạn lo âu được mô tả bởi đặc điểm sợ hãi quá mức trong các tình huống xã hội thông thường.

vượt qua cảm giác quá tải với các mối quan hệ xã hội social hangover

Vậy nguyên nhân khiến bạn “phát ngấy” các mối quan hệ là gì?

Một cách hiểu khác, “Social Hangover” là tình trạng kiệt quệ về tinh thần lẫn thể chất khi bạn phải ra ngoài, di chuyển hay vây quay bởi quá nhiều mối quan hệ xã hội, từ công việc đến gia đình trong khoảng thời gian dài mà không có đủ thời gian dành riêng cho bản thân để nạp lại năng lượng. Đặc biệt, vì người hướng nội thường cảm thấy thoải mái và làm việc hiệu quả hơn khi được ở một mình nên trạng thái “Social Hangover” thường ảnh hưởng đến họ nhiều hơn.

Mức độ của cảm giác “Social Hangover” đối với từng người cũng khác nhau trong từng trường hợp cụ thể. Nó có thể là kết quả của một cuối tuần bạn liên tục tham gia các sự kiện xã hội; sau một ngày làm việc 10 tiếng với những cuộc họp kéo dài hay khi các giác quan bị kích thích với cường độ cao như tham gia một buổi biểu diễn nhạc rock trong 2-3 giờ.

Yếu tố quan trọng gây nên cảm giác “Social Hangover” là sự thiếu hụt thời gian dành cho bản thân hay khoảng nghỉ để nạp lại năng lượng giữa các sự kiện bạn tham gia. Ví dụ, nếu bạn tham gia buổi diễn nhạc rock ngay tối thứ Sáu sau một ngày làm việc bận rộn thì dễ bị cảm giác này “ghé thăm” hơn là đến đó vào tối thứ Bảy, sau một ngày được nghỉ ngơi đầy đủ.

vượt qua cảm giác quá tải với các mối quan hệ xã hội social hangover

4 cách đơn giản giúp bạn vượt qua “cơn sóng” Social Hangover là gì?

1. Chấp nhận cảm xúc và tạm hoãn quyết định quan trọng

Khi cảm xúc dâng trào, chúng ta thường bị thôi thúc mạnh mẽ để đưa ra những quyết định quan trọng. Đó có thể là hủy hẹn, từ bỏ công việc đang làm, chia tay người yêu hay có lời nói và hành động bộc phát, thiếu suy nghĩ. Rất nhiều người thề thốt rằng “mình sẽ không bao giờ uống rượu” sau khi bị “hangover” vì cồn nhưng thực tế chỉ một số ít thực hiện được.

Điều quan trọng khi bị “Social Hangover” là bạn hãy chấp nhận và hiểu rằng đó chỉ là tình trạng tạm thời. Lúc này, cơ thể và tâm trí của bạn đang cố gắng hồi phục sau chuỗi ngày hoạt động quá mức. Vì thế, bạn không nên vội vàng đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp hay các mối quan hệ nào. Hãy cho mình thời gian để nghỉ ngơi và tạm hoãn mọi thứ ít nhất là đến ngày hôm sau.

2. Học cách nói “không” và làm chủ lịch trình cá nhân

Đừng bao giờ quên rằng chính bạn mới là người làm chủ lịch trình của mình chứ không phải ngược lại. Bạn không cần phải đồng ý với tất cả mọi lời mời của người khác. Hãy học cách nói “không” với những sự kiện, buổi họp hoặc cuộc hẹn không quá cần thiết. Trên tất cả, bạn không cần phải cảm thấy tội lỗi, sợ bị đánh giá hay xa lánh vì quyết định này.

Hãy nhấn nút “Pause – Tạm dừng” khi cần để tự nạp lại năng lượng cho bản thân. Đây là khoảng thời gian quý giá để bạn thấu hiểu, xoa dịu suy nghĩ lẫn cảm xúc ẩn sâu bên trong. Nếu cảm thấy quá mệt mỏi với một vài người nào đó hay bị phân tâm vì nhận được quá nhiều tin nhắn, cuộc gọi từ một group chat, hãy mạnh dạn ẩn họ hoặc tắt thông báo trên các ứng dụng mạng xã hội. Nếu bạn có hẹn dùng bữa với gia đình vào 6 giờ tối thứ Bảy thì đừng cố gắng “nhét” thêm cuộc hẹn “tăng 2”, “tăng 3” với hội bạn thân ngay sau đó. Hãy thưa dần các cuộc hẹn sang Chủ nhật hoặc tuần sau để tạo ra cho mình những khoảng thời gian “giải lao” cần thiết. Nếu bạn muốn đánh giá lại quan hệ của mình với ai đó, hãy ngừng gặp gỡ họ trong một khoảng thời gian nhất định.

Bạn cũng thể sử dụng các ứng dụng quản lý thời gian, công việc như Asana, Google Calendar hay đơn giản là mang một quyển sổ để theo dõi và làm chủ lịch trình của mình, tránh rơi vào tình trạng quá tải rồi mới tìm cách thoát ra.

>>> Đọc thêm: Tiêu cực nào cũng qua, nếu chúng ta lựa chọn “làm bạn” với tích cực!

3.  Lên kế hoạch “F5” cơ thể lẫn tinh thần

Trước sự hối hả, bộn bề của công việc, cuộc sống và các mối quan hệ xã hội, chính thời gian nghỉ ngơi, thư giãn chất lượng là một món quà quý giá bạn có thể tự dành tặng cho bản thân. Ngay cả máy tính còn có nút “Restart – Khởi động lại” thì cơ thể và tinh thần của bạn cũng cần một cơ chế như vậy. Việc thường xuyên dành thời gian hợp lý cho riêng mình, theo đuổi các sở thích, hoạt động mới sẽ giúp bạn duy trì năng lượng sống ở mức cao. Từ đó, bạn sẽ nhanh chóng vượt qua tình trạng “Social Hangover”, tìm lại sự cân bằng và tiếp tục sống, làm việc, gặp gỡ hiệu quả.

Hãy dành khoảng thời gian này để ngủ đủ giấc, đọc sách, viết lách, xem phim, làm vườn, skincare hay thực hiện bất cứ điều gì khiến bạn cảm thấy thư giãn, hạnh phúc. Thậm chí, đơn giản hơn, bạn có thể tự thưởng cho bản thân một cuối tuần ở một mình hay bên cạnh người bạn thương yêu nhất, và… không làm gì cả. Bạn hãy tạo ra một môi trường êm dịu, thư thái để điều hòa cảm xúc bên trong như giảm bớt độ sáng của đèn, đốt nến thơm, tinh dầu và bật danh sách nhạc yêu thích. Những cách này sẽ giúp bạn hạn chế tiêu tốn năng lượng và phục hồi tinh thần tốt hơn.

4. Thấu hiểu bản thân để lên kế hoạch quay trở lại phù hợp

Trong thời đại 4.0, dù là tuýp người hướng nội hay hướng ngoại, chúng ta đều khó tránh khỏi việc phải giao tiếp, gặp gỡ người khác và đôi khi rơi vào trạng thái “Social Hangover”. Tuy nhiên, con người có khả năng học hỏi từ kinh nghiệm để đưa ra cách thức giải quyết hiệu quả. Sau khi đã thư giãn, nghỉ ngơi đầy đủ, sẽ đến lúc bạn cần quay trở lại cuộc sống thường nhật, nhưng trong một tâm thế chủ động hơn.

Hãy nhìn nhận nghiêm túc nguyên nhân khiến bạn rơi vào trạng thái “Social Hangover”, những phản ứng của cơ thể và cảm xúc của bạn khi đó thế nào, và những cách bạn đã áp dụng mà bạn thấy bản thân phục hồi hiệu quả nhất. Thấu hiểu những yếu tố này sẽ giúp bạn tránh rơi vào tình trạng tương tự hoặc ít nhất là giảm thiểu tác động của nó trong tương lai. Nếu bạn thường bị quá tải sau các buổi họp hành kéo dài, hãy giới hạn thời gian họp trong tối đa 30 phút. Nếu bạn cảm thấy mất hết năng lượng sau khi đến các nơi quá ồn ào đông đúc, hãy giảm thiểu tần suất tham dự hoặc đơn giản là chuyển sang những trải nghiệm nhẹ nhàng hơn.

Hãy nhớ rằng “Social Hangover” chỉ là trạng thái kiệt quệ tạm thời của cơ thể lẫn tinh thần. Đừng để một quân cờ domino gãy đổ gây ảnh hưởng đến toàn bộ ván cờ. Bạn cũng không nên từ bỏ tất cả khi cảm thấy mất cân bằng cảm xúc. Hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng sau khi nghỉ ngơi đầy đủ và thấu hiểu bản thân, bạn sẽ quay trở lại công việc, cuộc sống và các mối quan hệ xã hội với cách tiếp cận phù hợp và động lực mạnh mẽ hơn.

Nguồn: Nữ Doanh Nhân tổng hợp – Illustration: Hao Hao

Có thể bạn quan tâm:

Comment