Trước ngưỡng mùa thi - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Trước ngưỡng mùa thi

Đến hẹn lại lên, không chỉ các sĩ tử mà ngay cả các bậc phụ huynh cũng bị cuốn vào nhịp hối hả đầy lo âu và căng thẳng của mùa thi tốt nghiệp phổ thông.

KHÔNG KHÍ NÓNG SỐT

Không chỉ có không khí chuẩn bị cho kỳ thi vào đại học mới sôi sùng sục, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng không kém phần nóng bỏng. Các sĩ tử có vượt qua được ngưỡng này mới mong có cơ hội bước tiếp đến kỳ thi đại học. Dù rằng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông không quá “thách đố” như kỳ thi vào đại học, nhưng không một ai dám chểnh mảng để vuột tay mất “chiếc vé” sơ đẳng này.shutterstock_179788388_huge_resize

Trước khi có văn bản thông báo chính thức việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chị Trâm (TP.HCM) như muốn “tẩu hỏa nhập ma” với thông tin con trai đem về nhà mỗi ngày. “Đi học về, hôm trước con bảo năm nay thi bốn môn, hôm sau lại nói là sáu môn. Con đứng trước những kỳ thi quan trọng đã áp lực, cha mẹ cũng lo lắng đến mất ăn mất ngủ”. Đến nỗi sáng nào vào công ty, công việc đầu tiên chị Trâm làm khi bật máy tính là truy cập những chuyên trang giáo dục để theo dõi thông tin mới nhất về kỳ thi này.

Rồi đến lúc biết được các môn thi chính thức, phụ huynh và học sinh đâu đã hết lo về môn thi, nhất là các môn thi tự chọn. Trong số bốn môn thi năm nay, ngoài hai môn bắt buộc là Toán và Văn, các thí sinh phải tự chọn 2 trong 6 môn: Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Sinh học. “Cả nhà cứ loay hoay mãi với ba môn Lý, Hóa và Anh văn vốn là môn con trai sẽ thi đại học”, chị Trâm bộc bạch. Tương tự vậy, chị Thảo (Hà Nội) cho biết: “Chọn môn rồi chọn trường, sự chọn lựa nào cũng khó. Con gái tôi thích các ngành khoa học xã hội, chính vì thế   việc quyết định giữa Lịch sử, Địa lý và Anh văn bỗng dưng biến thành… bài toán rắc rối”.

Tự chọn môn nhưng chọn môn gì nghe chừng dễ nhưng thực tế lại không đơn giản. Theo kinh nghiệm của chị Hà (TP.HCM), một phụ huynh và cũng là giáo viên từng có hai con trải qua kỳ thi trung học phổ thông liên tiếp trong hai năm trước, chia sẻ cách lựa chọn môn thi tự chọn mà chị áp dụng hiệu quả: “Cha mẹ nên hướng dẫn con thi hai môn tự chọn theo hướng chọn khối thi đại học để tiện ôn tập và lại đạt điểm cao. Thứ nhất có thể chọn Lý, Hóa, Sinh, Anh vì là những môn thi áp dụng hình thức trắc nghiệm, áp lực không cao và gần với các khối thi là A, A1, B, D1. Thứ hai là chọn Sử, Địa dành cho những ai thi đại học khối C; Anh văn và Lý nếu chọn thi đại học khối A1 và D1”.

ÁP LỰC CHỒNG CHẤT

Chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi đại học ngay từ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là quan điểm của nhiều bậc phụ huynh. Chính vì thế, khoảng thời gian cận kề hoặc thậm chí một năm trước, cha mẹ bắt đầu áp dụng lệnh giới nghiêm sinh hoạt của con trong phạm vi trường học – lớp luyện thi – gia đình. Học và chỉ học là ưu tiên hàng đầu đối với con, bất cứ thay đổi nào dù nhỏ liên quan đến điều này đều khiến cha mẹ đứng ngồi không yên.

“Con tôi đang ôn luyện môn Lý với gia sư. Nhưng đầu tháng 4, thầy lại có chuyến đi công tác đột xuất trong khi chỉ còn khoảng hai tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp. Cháu đã quen học thầy ấy rồi, giờ không có gia sư kèm cập ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm lý cháu”, chị Trâm tâm sự. Trái ngược với sự lo lắng đó của mẹ, Hải, con trai chị Trâm lại cảm thấy vui mừng đến độ đã viết lên trang Facebook cá nhân và chỉ chia sẻ cho bạn bè cùng lớp: “Thông báo, tớ được giải thoát khỏi lớp luyện thi môn Lý trước thời hạn. Phù! Giờ chỉ còn chạy từ lớp Toán sang lớp Hóa rồi lớp Anh văn thôi. Tớ ngán lắm rồi, cả học lẫn ăn, ngày nào cũng nhồi nhét vào đầu mấy môn đó, cố nuốt vô bụng những món mang tên bổ não của mẹ…”. Ngay bên dưới những dòng tâm sự ấy là hàng chục ý kiến đồng cảm của bạn bè Hải.

Lúc nào cũng tiếp xúc với những bài tính toán khô khan, những sự kiện và vấn đề chưa có cơ hội trải nghiệm để hiểu, cộng thêm sự lo lắng cho kỳ thi kế tiếp vào đại học dễ khiến các sĩ tử rơi vào tình trạng quá tải, áp lực đè nặng chồng chất. Thực tế cho thấy, áp lực tâm lý học hành mùa thi trở thành vấn nạn, thậm chí dẫn đến không ít trường hợp học sinh tự tìm lối thoát cho mình bằng cách tự tử, số khác đâm ra lo âu, sợ hãi triền miên rồi phát bệnh tâm thần. Cha mẹ nào chẳng yêu thương, lo lắng cho tương lai của con nhưng hãy đồng hành cùng trẻ vượt qua gia đoạn thi cử đúng cách và tâm lý. Hãy hướng con đến những phương pháp học tập đúng đắn, cách giải tỏa căng thẳng, lo âu, chán chường bởi áp lực học hành. Đồng thời, phụ huynh cần quan tâm đến các biểu hiện của con, nếu nhận thấy có sự thay đổi bất thường thì phải đưa trẻ đi tư vấn tâm lý và điều trị kịp thời.

THI TỐT NGHIỆP – NHỮNG ĐIỂM MỚI

Môn thi: Các năm trước, thí sinh phải thi 6 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc là Toán, Văn và Ngoại ngữ. Tuy nhiên năm nay, thí sinh chỉ thi 4 môn, trong đó có 2 môn bắt buộc là Toán và Văn. Thí sinh được tự chọn 2 trong 6 môn: Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Sinh học.

Hình thức thi: Tự luận dành cho các môn Toán, Văn, Sử, Địa; Trắc nghiệm đối với các môn Hóa, Lý, Sinh; Tự luận kết hợp trắc nghiệm cho riêng môn Ngoại ngữ. Đặc biệt, mỗi ca thi và mỗi phòng thi đều chỉ thi 1 môn.

Xét tốt nghiệp: Những năm trước chỉ sử dụng kết quả thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp. Thế nhưng năm nay, công nhận và xếp loại tốt nghiệp dựa trên kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở lớp 12 kết hợp với kết quả 4 môn thi theo trọng số đánh giá: 50:50.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment